Bản chất của tài chính

Lịch sử xã hội cho thấy tài chính ra đời và phát triển gắn liền với sự ra đời của nhà nước và nền sản xuất hàng hoá. Tài chính nước ta là hệ thống quan hệ kinh tế biểu hiện trong lĩnh vực hình thành, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ trong nền kinh tế quốc dân nhằm xây dựng, bảo vệ và ...

Lịch sử  xã hội cho thấy tài chính ra đời và phát triển gắn liền với sự ra đời của nhà nước và nền sản xuất hàng hoá.

Tài chính nước ta là hệ thống quan hệ kinh tế biểu hiện trong lĩnh vực hình thành, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ trong nền kinh tế quốc dân nhằm xây dựng, bảo vệ và phát triển xã hội xã hội chủ nghĩa.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để tổ chức các hoạt động kinh tế, cần phải tạo lập ra các quỹ tiền tệ mà thực chất là các quỹ giá trị khác nhau và chia thành các phần để phân phối và sử dụng các quỹ đó. Ngoài các quan hệ hàng hoá – tiền tệ (trao đổi, mua, bán…), thì hàng loạt các quan hệ tiền tệ khác nảy sinh trong nền kinh tế đó là các quan hệ tài chính, bởi vậy cần phân biệt quan hệ hàng hoá tiền tệ và quan hệ tài chính. Trong quan hệ hàng hoá – tiền tệ, tiền biểu hiện như vật ngang giá, vật trung gian và giá trị chỉ thay đổi hình thức tồn tại của mình mà thôi. Thí dụ, trong quan hệ mua – bán giữa A là người mua, B là người bán, đối với A, giá trị chỉ chuyển đổi từ hình thái tiền sang hình thái hàng hoá. Ngược lại, đối với B, giá trị chuyển đổi từ hình thái hàng hoá sang hình thái tiền. Trong quan hệ tài chính thì khác, giá trị thực sự dịch chuyển từ chủ thể hay bộ phận này sang chủ thể hay bộ phận khác. Chẳng hạn, khi một doanh nghiệp nộp thuế cho Nhà nước, giá trị dịch chuyển từ quỹ tài chính doanh nghiệp sang ngân sách nhà nước, do đó quan hệ về thuế là quan hệ tài chính.

Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bản chất của tài chính biểu hiện qua các nhóm quan hệ tài chính dưới đây:

– Nhóm các quan hệ tài chính giữa các doanh nghiệp, dân cư, các tổ chức xã hội với Nhà nước:

Đây là nhóm quan hệ giá trị có tính chất bắt buộc tập trung vào ngân sách nhà nước và sự phân phối giá trị đó phải bảo đảm cho các hoạt động của Nhà nước diễn ra bình thường. Trong mối quan hệ này giá trị dịch chuyển theo hai chiều từ dân cư, doanh nghiệp và các tổ chức vào ngân sách nhà nước và ngược lại. Trong chủ nghĩa tư bản, mối quan hệ này nhìn bề ngoài cũng được thực hiện thông qua hai chiều, nhưng mục đích và bản chất lợi ích có khác nhau. Sự khác nhau này do tính chất quan hệ sản xuất, nhất là quan hệ sở hữu và quan hệ phân phối khác nhau quy định.

– Nhóm các quan hệ tài chính giữa các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, dân cư với hệ thống ngân hàng :

Trong nền kinh tế thị trường gồm nhiều thành phần kinh tế, hệ thống các ngân hàng, các tổ chức tín dụng ngày càng giữ vị trí quan trọng trong việc tài trợ vốn cho các hoạt động xã hội nói chung, sản xuất, kinh doanh nói riêng, tạo thuận lợi phát triển mạnh mối quan hệ tài chính – quan hệ tín dụng – giữa các doanh nghiệp, các tổ chức dân cư với ngân hàng.

– Nhóm các quan hệ tài chính giữa các chủ thể với thị trường :

Đây là mối quan hệ thể hiện sự mua bán các “quỹ tiền tệ” tồn tại dưới các hình thức khác nhau. Tham gia mua bán trên thị trường tài chính là hầu hết các chủ thể kinh tế trong xã hội. Nhà nước cũng tham gia vào nhóm quan hệ tài chính này với tư cách như người mua và bán các quỹ tiền tệ. Nhà nước bán quỹ tiền tệ của mình bằng việc phát hành công trái. Trong mối quan hệ tài chính nói trên, quan hệ mua bán “vốn” giữa các doanh nghiệp và nhân dân đặc biệt quan trọng. Nhà nước cần tạo ra các điều kiện và biện pháp hữu hiệu để vừa hướng dẫn, điều tiết sự hình thành và phát triển của thị trường tài chính, vừa chống lại tính tự phát và sự lũng đoạn trên thị trường tài chính nhằm đưa nền kinh tế phát triển theo phương hướng đã định.

– Nhóm các quan hệ tài chính trong nội bộ mỗi chủ thể (doanh nghiệp, tổ chức xã hội, dân cư.):
Quan hệ này biểu hiện ở sự dịch chuyển của giá trị trong quá trình hoạt động của mỗi tổ chức thông qua việc chi trả lương, thưởng cho viên chức, công nhân, người lao động; thông qua các khoản thu về tiền phạt do vi phạm hợp đồng, vi phạm vật chất; thông qua việc cấp phát vốn, phân phối, điều hoà vốn; thông qua phân phối thu nhập giữa các thành viên trong nội bộ mỗi chủ thể. Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, các quan hệ tài chính này tuỳ thuộc loại hình sở hữu. Trong các doanh nghiệp ngoài khu vực kinh tế nhà nước hay các tổ chức xã hội phi nhà nước, các tổ chức nhân dân…, ngoài sự quy định của pháp luật, Nhà nước cũng có trách nhiệm hướng dẫn và điều tiết ở mức độ nhất định. Thông qua hướng dẫn, điều tiết, Nhà nước vừa bảo đảm cho các quan hệ tài chính không phát triển tự phát và bóc lột tối đa người lao động như trong chủ nghĩa tư bản; vừa hướng dẫn mối quan hệ này phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

0