22/06/2018, 09:26

Kemal Atatürk – “Cha đẻ của người Thổ”

Nguồn : Historic figures, BBC (truy cập ngày 5/4/2015) Biên dịch & Hiệu đính : Phạm Hồng Anh Atatürk (1881-1938), nhà lãnh đạo người Thổ theo chủ nghĩa dân tộc, là người lập nên nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là Tổng thống đầu tiên của nước này. Mustafa Kemal Atatürk sinh năm ...

ataturk_3473

Nguồn: Historic figures, BBC (truy cập ngày 5/4/2015)

Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

Atatürk (1881-1938), nhà lãnh đạo người Thổ theo chủ nghĩa dân tộc, là người lập nên nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là Tổng thống đầu tiên của nước này.

Mustafa Kemal Atatürk sinh năm 1881 tại Salonika (nay là Thessaloniki), thuộc Đế chế Ottoman thời đó. Cha của ông là một viên chức nhỏ, về sau chuyển sang buôn bán gỗ. Khi Atatürk lên 12 tuổi, ông được gửi tới trường học quân đội, sau đó là học viện quân sự tại Istanbul và tốt nghiệp năm 1905.

Năm 1911, Atatürk tham gia cuộc chiến với người Ý ở Libya và sau đó là Chiến tranh Balkan (1912-1913). Với chiến công đẩy lùi cuộc xâm lược của phe Liên minh tại Dardanelles năm 1915, ông bắt đầu nổi danh về quân sự.

Tháng 5/1919, Atatürk bắt đầu tiến hành cuộc cách mạng dân tộc chủ nghĩa ở Anatolia, tổ chức phản kháng những dàn xếp hòa bình mà phe Liên minh thắng trận áp đặt lên Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc cách mạng này chủ yếu tập trung ngăn cản Hy Lạp chiếm thành phố cảng Smyrna và lãnh thổ trong đất liền. Thắng lợi trước người Hy Lạp đảm bảo cho Atatürk có thể xét lại những thỏa thuận hòa bình trong Hiệp ước Lausanne[1].

Năm 1921, Atatürk thành lập một chính phủ lâm thời ở Ankara. Năm sau đó, chế độ Vương quốc Hồi giáo Ottoman chính thức bị bãi bỏ. Năm 1923, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một nước cộng hòa thế tục, với Atatürk nắm giữ cương vị tổng thống. Chế độ độc đảng do ông thành lập đã tồn tại cho đến năm 1945, gần như không có sự gián đoạn nào.

Atatürk khởi động một chương trình cải cách triệt để chính trị và xã hội nhằm hiện đại hóa Thổ Nhĩ Kỳ. Những cải cách này bao gồm giải phóng phụ nữ, xóa bỏ mọi thể chế Hồi giáo và bước đầu áp dụng luật pháp, trang phục, lịch và bảng chữ cái của phương Tây, thay thế chữ viết Arab bằng bảng chữ cái Latin. Về đối ngoại, ông theo đuổi chính sách trung lập, thiếp lập quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng.

Năm 1935, khi tên họ được áp dụng tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông được trao tặng họ Atatürk, có nghĩa là “Cha đẻ của người Thổ”. Ông mất vào ngày 10 tháng 11 năm 1938.

 ———————-

[1] Hiệp ước Lausanne là một hiệp ước hòa bình kí ở Lausanne, Thụy Sĩ (24/7/1923), chính thức chấm dứt chiến tranh tồn tại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đồng minh Anh, Pháp, Italy, Hy Lạp, Romania, Nhật, và Nhà nước Serbia-Croatia-Slovenia kể từ lúc bắt đầu Thế chiến thứ nhất. Hiệp ước quy định các đường biên giới của nước Thổ Nhĩ Kỳ (gần giống như hiện tại) trừ biên giới với Iraq. Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải từ bỏ mọi tuyên bố chủ quyền lãnh thổ với phần còn lại của Đế quốc Ottoman để đổi lại sự công nhận chủ quyền pháp lý với biên giới mới. [ND]

0