Fidel Castro – Lãnh tụ cách mạng Cuba
Nguồn : Historic figures, BBC (truy cập ngày 2/5/2015) Biên dịch & Hiệu đính : Phạm Hồng Anh Fidel Castro sinh ngày 13 tháng 8 năm 1926 tại phía đông nam tỉnh Oriente, Cuba. Ông là con trai của một chủ đồn điền mía đường. Castro theo học ngành luật tại Đại học La Habana. Ông dự định ...
Nguồn: Historic figures, BBC (truy cập ngày 2/5/2015)
Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh
Fidel Castro sinh ngày 13 tháng 8 năm 1926 tại phía đông nam tỉnh Oriente, Cuba. Ông là con trai của một chủ đồn điền mía đường. Castro theo học ngành luật tại Đại học La Habana. Ông dự định tham gia tranh cử vào năm 1952, tuy nhiên Tướng Fulgencio Batista đã lật đổ chính phủ và cuộc bầu cử bị hủy bỏ. Castro phủ nhận nền dân chủ và tuyên bố ủng hộ cách mạng vũ trang. Năm 1953, Castro và em trai là Raúl tiến hành một cuộc nổi dậy chống lại Batista nhưng bất thành, do đó ông bị kết án 15 năm tù. Ông được trả tự do nhờ một lệnh ân xá và đến Mexico. Tại đây, ông liên kết với một người Argentina theo chủ nghĩa Marx – Ernest ‘Che’ Guevara.
Cách mạng Cuba
Năm 1956, Castro và Guevara quay lại Cuba với một nhóm những người nổi dậy, được biết đến với tên gọi “Phong trào Hai mươi sáu tháng Bảy”,[1] và bắt đầu một cuộc chiến tranh du kích chống lại chính phủ. Tháng 12 năm 1958, Castro phát động một cuộc tấn công tổng lực, buộc Batista phải chạy trốn. Tháng 2 năm 1959, Castro nhậm chức thủ tướng Cuba và công bố áp dụng chủ nghĩa Marx-Lenin phù hợp với những điều kiện của đất nước. Hàng nghìn người dân Cuba phải lưu vong, phần lớn là tới Hoa Kỳ.
Sự kiện Vịnh Con Lợn
Bất đồng ngày càng gia tăng giữa Cuba và Mỹ, và năm 1960, người Mỹ quyết định áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế lên Cuba. Tháng 4/1961, quan hệ giữa hai nước rơi vào khủng hoảng với cuộc tấn công thất bại của một nhóm người Cuba lưu vong được Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tài trợ (nhằm lật đổ chính phủ của Castro – ND). Sau đó Castro đã bí mật cho phép Liên Xô xây dựng các căn cứ tên lửa hạt nhân tại Cuba, dẫn đến cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, khi mà Mỹ và Liên Xô tiến rất gần đến chiến tranh.
Bất chấp chế độ quản trị độc tài và sự đàn áp thẳng tay đối với những người chống đối, Castro vẫn nhận được nhiều sự ủng hộ tại Cuba. Nhiều người dân Cuba được hưởng lợi từ các chương trình giáo dục và y tế miễn phí mà ông cho thi hành. Cuba cũng nhận được viện trợ kinh tế đáng kể từ Liên Xô. Năm 1976, Quốc hội bầu Castro làm Chủ tịch Hội đồng nhà nước Cộng hòa Cuba.
Liên Xô tan rã
Trong các thập niên 1970 và 1980 Castro trở thành một trong những lãnh đạo của các quốc gia không liên kết, mặc dù ông vẫn giữ quan hệ với Liên Xô. Tuy nhiên, sự chấm dứt viện trợ từ Liên Xô (1991) kéo theo một cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài ở Cuba. Chỉ một vài khoản đầu tư nước ngoài được cấp phép, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, và số tiền mà những người Cuba lưu vong gửi về nước trở thành những khoản tiền quan trọng. Năm 2008, Castro rời cương vị Chủ tịch Cuba và em trai Raúl Castro là người kế nhiệm.
———————————–
[1] Tên nhóm được đặt là “Phong trào Hai mươi sáu tháng Bảy” để tưởng niệm ngày 26/7/1953 khi Castro và các chiến hữu tấn công vào trại lính Moncada. – ND
Xem thêm:
Biến cố đằng sau lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba