Kẽm có tác dụng gì ?
Với sự tiến bộ của khoa học hiện đại, nhiều công trình nghiên cứu có giá trị đã chứng minh Kẽm (Zn) có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển chiều cao, thể chất của trẻ cũng như là người trường thành. Chúng ta cùng theo dõi bài viết sau để biết được nhé. Nguyên tố ...
Với sự tiến bộ của khoa học hiện đại, nhiều công trình nghiên cứu có giá trị đã chứng minh Kẽm (Zn) có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển chiều cao, thể chất của trẻ cũng như là người trường thành. Chúng ta cùng theo dõi bài viết sau để biết được nhé.
Nguyên tố kẽm
Kẽm là nguyên tố kim loại lưỡng tính, kí hiệu là Zn và có số nguyên tử là 30. Nó là nguyên tố đầu tiên trong nhóm 12 của bảng tuần hoàn nguyên tố.
Kẽm, trên một số phương diện, có tính chất hóa học giống với magiê, vì ion của chúng có bán kính giống nhau và có trạng thái oxy hóa duy nhất ở điều kiện bình thường là +2.
Kẽm là chất quan trọng không thể thiếu của cơ thể. Kẽm là một chất khoáng vi lượng thiết yếu cho sinh vật và sức khỏe con người.
Cũng giống như vitamin, kẽm là chất quan trọng, không thể thiếu của cơ thể. Vì cơ thể không tự sản sinh được kẽm nên điều quan trọng là phải ăn nhiều các thực phẩm giàu kẽm hằng ngày.
Kẽm có nhiều trong các loại thịt động vật như: hàu, trứng, trai, sò, lạc, đào, cà rốt, tiểu mạch, bánh mì bột thô, khoai tây…
Kẽm được bổ sung vào cơ thể thường dưới dạng các hợp chất trong thành phần chất hữu cơ, như kẽm oxit, kẽm sulfat, kẽm gluconat, hay kẽm acetat.
Kẽm được biết đến như một khoáng chất vi lượng cần thiết. Kẽm can thiệp vào nhiều chuyển hóa glucid, protein và acid nucleic. Thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng lên tất cả những gì có liên quan đến hoạt động nhân đôi của tế bào, sinh sản, tăng trưởng, liền sẹo và tính miễn dịch.
Kẽm còn can thiệp vào khả năng thể hiện của gen và quá trình tổng hợp của protein, cũng như trong chuyển hóa của acid béo không no tạo ra màng tế bào. Kẽm cần thiết cho cấu tạo thành phần hoạt động của hormon sinh dục nam, testosteron và đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp, cấu trúc, bài tiết nhiều hormon khác như insulin, hormon tăng trưởng…
- Kẽm với tuyến tiền liệt
Quan hệ giữa kẽm và tuyến tiền liệt là cực kỳ mật thiết. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì trong tuyến tiền liệt mạnh khỏe và trong dịch của tuyến tiền liệt tiết ra đều chứa rất nhiều kẽm. Hàm lượng kẽm ở tuyến tiền liệt là nhiều nhất so với các tuyến khác.
Càng quan trọng hơn là phát hiện thấy “thành phần kẽm trong các tuyến bị bệnh lý ác tính thì giảm xuống”. Có thể thấy, sự mạnh khỏe của tuyến tiền liệt và hàm lượng kẽm trong hệ thống của nó có quan hệ mật thiết.
Tiến sĩ J. Mayer – giáo sư dinh dưỡng học Đại học Harvard (Mỹ) và TS. Andre Voisin – nhà dinh dưỡng học nổi tiếng của Pháp, đã chỉ ra rằng hàm lượng nguyên tố kẽm có thể ảnh hưởng tới sự phát dục của khí quan (bộ phận) sinh thực, khả năng tình dục và chi phối trạng thái hoạt động của tuyến tiền liệt.
TS. J. Mayer còn cho biết, kẽm có liên hệ tương đối với khả năng tình dục, giới tính của con người, thiếu kẽm sẽ dẫn tới chức năng về giới tính thất thường, số lượng tinh trùng sẽ giảm; Ở phụ nữ cũng làm giảm dục tính. TS. Andre Voisin còn cho biết, kẽm có tác dụng bảo vệ đối với tổ chức cơ thể.
Hàm lượng kẽm của tuyến tiền liệt nếu giảm 35% so với hàm lượng bình thường, sẽ bị phì đại nhẹ tuyến tiền liệt, nếu giảm 38% sẽ dẫn tới viêm tuyến tiền liệt mạn tính, giảm 66% sẽ phát triển thành ung thư.
- Kẽm với đàn ông
Kẽm là nguyên tố cơ bản để tạo nên các hormone kiểm soát sự phát triển của cơ thể và đặc biệt quan trọng đối với hormone testosterone. Thiếu kẽm là một nguyên nhân khiến giới mày râu suy giảm ham muốn tình dục.
Trong tinh dịch của đàn ông, ngoài lượng nước, fructoza, abumin và chất béo, còn có dồi dào nguyên tố kẽm. Theo tính toán, trong mỗi mg tinh dịch có hàm lượng nguyên tố kẽm lên tới 150 microgram, nhiều hơn bất cứ nguyên tố nào trong cơ thể.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, độ tích cực sinh hoạt tình dục của đàn ông, sinh lực cũng như khả năng duy trì nòi giống phụ thuộc trực tiếp vào lượng kẽm trong cơ thể. Mỗi một lần thăng hoa người đàn ông có thể mất 2-6 miligram tinh dịch, điều đó đồng nghĩa với việc mất đi 300 – 900 microgram kẽm. Ở một người đàn ông trưởng thành có trọng lượng 60 kg, tổng lượng nguyên tố kẽm trong cơ thể có khoảng 2,5g.
Do vậy, việc không cân bằng ăn uống, lượng kẽm trong cơ thể không được bổ sung đầy đủ, hoặc một khi vì sinh hoạt tình dục quá độ dẫn đến cơ thể thiếu kẽm, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quá trình hình thành tinh dịch, dẫn đến khả năng sinh hoạt tình dục suy giảm. Ngoài ra, kẽm rất có lợi trong việc phòng ngừa các vấn đề của tiền liệt tuyến ở đàn ông.
Viêm tiền liệt tuyến sẽ dẫn đến giảm sút khả năng tình dục. Đặc biệt, cơ thể đàn ông cần một lượng lớn kẽm cho testosterone và các hormone khác. Kẽm cần thiết để cho tinh trùng khỏe mạnh và phòng tránh vấn đề vô sinh ở đàn ông. Do vậy, người ta gọi kẽm là nguyên tố hay kim loại của đàn ông.
- Kẽm với phụ nữ và trẻ em
Kẽm duy trì tổng hợp protein cho cơ thể, giúp phân chia, sinh trưởng và tái sinh tế bào một cách bình thường giúp bào thai tăng trưởng và phát triển tốt.
Nếu thiếu kẽm, bà mẹ mang thai nghén nhiều hơn với các biểu hiện buồn nôn, nôn, chán ăn, mệt mỏi, có nguy cơ dễ sảy thai, đẻ non, thiếu sữa, mất sữa nuôi con sau sinh. Thiếu kẽm có ảnh hưởng đến thai nhi như thai chậm phát triển dẫn đến bị suy dinh dưỡng bào thai, thai dễ bị dị dạng.
Trong giai đoạn nuôi con bú, nếu thiếu kẽm bà mẹ ăn uống kém, mệt mỏi, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn giấc ngủ dẫn đến thiếu sữa, mất sữa. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng của trẻ em.
Phụ nữ có thai và cho con bú là một trong những đối tượng có nhu cầu về kẽm rất cao nhưng lại thường không được chú ý để cung cấp đầy đủ.
Để tránh tình trạng thiếu kẽm trong thời kỳ mang thai và cho con bú các bà mẹ phải ăn các thực phẩm giàu kẽm hoặc bổ sung kẽm từ trước khi mang thai 2-3 tháng cũng như suốt thời kỳ mang thai và nuôi con bú.
- Kẽm với làm đẹp
Kẽm được xem là một trong những khoáng chất quan trọng nhất trong cơ thể, đặc biệt là đối với làn da. Nhiều nghiên cứu cho thấy, biểu hiện rõ ràng nhất ở những người có lượng kẽm thấp thường là mụn trứng cá.
Vì khi thiếu kẽm, sức đề kháng và miễn dịch của cơ thể giảm, vết thương sẽ khó lành, giảm chức năng của hấu hết tế bào miễn dịch đồng thời làm gia tăng cho sự chuyển đổi hormone testosterone thành dihydro testosteron, tức làm tăng tiết bã nhờn quá mức và sừng hóa nang lông, nguyên nhân chính gây ra mụn.
Những dấu hiệu và triệu chứng của thiếu kẽm
Thiếu kẽm rất hiếm gặp nhưng không phải không xảy ra bởi cơ thể không có khả năng dự trữ khoáng chất này. Dưới đây là một số dấu hiệu và triệu chứng:
– Mất cảm giác thèm ăn
– Chức năng của hệ miễn dịch bị suy yếu
– Rụng tóc
– Tiêu chảy
– Chứng bất lực
– Tổn thương mắt và da
– Giảm cân
– Vết thương chậm hoặc không liền sẹo
– Nhầm lẫn về mùi vị
– Tăng trưởng chậm ở trẻ em
Tuy nhiên, không được bổ sung quá nhiều khoáng chất quan trọng này. Ngộ độc kẽm có thể xảy ra khi dùng viên bổ sung, dùng thuốc ho hay thuốc cảm quá liều.
Nếu có biểu hiện dung nạp kẽm quá liều, sẽ có cảm giác đắng và tanh vị kim loại trong miệng, hoặc đau dạ dày, buồn nôn, nôn vọt, tiêu chảy và chuột rút.
Những ai có nguy cơ bị thiếu kẽm?
Do việc bổ sung kẽm hằng ngày là yêu cầu bắt buộc để duy trì tình trạng sức khỏe toàn cơ thể, nên một số người sẽ có nguy cơ thiếu kẽm:
Những người ăn chay: Một phần lớn chất kẽm có trong thực phẩm là từ các loại thịt. Vì thế, những người ăn chay cần bổ sung tới 50% lượng kẽm trong chế độ ăn của mình so với những người không ăn chay.
Những người mắc bệnh tiêu hóa: Những người bị viêm ruột, bệnh thận mãn hay hội chứng ruột ngắn sẽ rất khó hấp thụ cũng như giữ lại các chất kẽm có trong thực phẩm họ ăn.
Phụ nữ mang thai và cho con bú: Để đáp ứng nhu cầu kẽm của thai nhi, thai phụ, đặc biệt là những người mà cơ thể ít có khả năng dự trữ kẽm cần phải bổ sung kẽm hằng ngày với liều lượng nhiều hơn những người khác.
Trẻ bú mẹ: Cho đến khi trẻ được 7 tháng tuổi, các bé có thể nhận được kẽm bổ sung qua bú mẹ. Sau đó, nhu cầu mỗi ngày sẽ tăng 50% và sữa mẹ lúc này không còn đủ đáp ứng.
Người bị bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm: Nghiên cứu gần đây cho thấy 60-70% những người bị bệnh tế bào hồng cầu hình lưỡng liềm có nồng độ chất kẽm trong cơ thể thấp (đặc biệt là trẻ em) do cơ thể họ khó hấp thụ chất này
Người nghiện rượu: Một nửa số người nghiện rượu có nồng độ kẽm trong cơ thể thấp bởi vì cơ thể họ không thể hấp thu dưỡng chất do nhu động ruột suy yếu hoặc đã bị bài tiết hết qua nước tiểu.
Nguồn cung cấp kẽm từ đâu?
Kẽm có nhiều trong các loại thực phẩm nguồn gốc động vật. Thực phẩm có nguồn gốc thực vật thường chứa ít kẽm và có giá trị sinh học thấp do khó được hấp thu.
Nguồn thức ăn nhiều kẽm từ động vật như sò, hàu, thịt bò, cừu, gà, lợn nạc, sữa, trứng, cá, tôm, cua, mầm lúa mì, hạt bí ngô, ca cao và socola, các loại hạt (nhất là hạt điều), nấm, đậu, hạnh nhân, táo, lá chè xanh…
Như vậy, thông qua bài viết như trên thì bên cạnh việc bổ sung vitamin D và chất khoáng canxi, bạn đừng quên bổ sung kẽm đầy đủ, đây chính là việc làm nhiều ý nghĩa giúp cơ thể phát triển tối ưu và có một sức sức khỏe dẻo dai giúp trẻ phòng bệnh hiệu quả.