Kế toán vốn bằng tiền trong doanh nghiệp
Nói đến kế toán vốn bằng tiền trong doanh nghiệp chúng ta thường nghĩ ngay đến những công việc như: lập phiếu thu, phiếu chi, lập uỷ nhiệm chi,…sau đó tiến hành hạch toán, ghi sổ các nghiệp vụ liên quan từ các chứng từ đã được lập. Tuy nhiên, đi sâu vào tìm hiểu thì công việc của một ...
Nói đến kế toán vốn bằng tiền trong doanh nghiệp chúng ta thường nghĩ ngay đến những công việc như: lập phiếu thu, phiếu chi, lập uỷ nhiệm chi,…sau đó tiến hành hạch toán, ghi sổ các nghiệp vụ liên quan từ các chứng từ đã được lập.
Tuy nhiên, đi sâu vào tìm hiểu thì công việc của một người kế toán trong lĩnh vực vốn bằng tiền không dừng lại ở đó mà còn có rất nhiều công việc cũng như nhiệm vụ phải được hoàn thành trong một kỳ kế toán
Tham khảo:
Cách xử lý tiền mặt bị âm tại quỹ tiền mặt?
Hạch toán tài khoản 111 theo Thông tư 200
1. Kế toán vốn bằng tiền là gì
Vốn bằng tiền là 1 bộ phận cấu thành nên tài sản ngắn hạn trong tổng tài sản của doanh nghiệp. Vốn bằng tiền luôn tồn tại dưới hình thái tiền tệ – giá trị trong các công tác, thể hiện rõ nét trong công tác kế toán.
Vốn bằng tiền bao gồm các khoản sau:
– Tiền mặt
– Tiền gửi ngân hàng
– Tiền đang chuyển
Như vậy, kế toán về vốn bằng tiền là công tác lập – thu thập, xử lý các hoá đơn, chứng từ liên quan đến vốn bằng tiền đồng thời kết hợp với các bộ phận khác của doanh nghiệp để thực hiện việc cung cấp các thông tin kinh tế, tài chính trong DN, kế toán về vốn bằng tiền bao gồm: kế toán tiền mặt, kế toán tiền gửi ngân hàng, kế toán tiền đang chuyển.
2. Nhiệm vụ, công việc của kế toán vốn bằng tiền
– Lập các chứng từ liên quan đến các nghiệp vụ phát sinh về vốn bằng tiền như: lập phiếu thu, phiếu chi….
– Kiểm soát tốt các chứng từ đầu vào sao cho hợp lý, hợp lệ, hợp pháp để thoả mãn là chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
– Tiến hành định khoản – hạch toán, ghi sổ kế toán bằng thủ công hay bằng phần mềm kế toán trong doanh nghiệp, đảm bảo đúng chế độ kế toán hiện hành liên quan.
– Theo dõi dòng tiền thu vào và dòng tiền chi ra của tiền mặt (TK 111) và tiền gửi ngân hàng (TK 112) để đảm bảo không có sự chênh lệch giữa sổ kế toán tiền mặt, tiền gửi với sổ quỹ tiền mặt, sổ phụ ngân hàng. Trong trường hợp phát hiện sự chênh lệch này thì kế toán phải tìm hiểu nguyên nhân và có kiến nghị về việc điều chỉnh kịp thời.
– Lập các báo cáo hàng ngày để trình ban Giám đốc khi cần như: báo cáo thu chi quỹ, báo cáo tiền gửi ngân hàng.
– Trực tiếp liên hệ với ngân hàng để thực hiện các giao dịch rút tiền, trả tiền, lấy sổ phụ ngân hàng,…
3. Lưu ý khi làm kế toán trong lĩnh vực vốn bằng tiền
– Trong DN không nên để kế toán về lĩnh vực vốn bằng tiền kiêm nhiệm thêm vị trí thủ quỹ để đảm bảo tính khách quan.
– Kế toán về vốn bằng tiền phải theo dõi tiền gửi tại các ngân hàng khách nhau và theo dõi riêng ngoại tệ và VNĐ đối với từng ngân hàng.
Khi ghi sổ các nghiệp vụ phát sinh bằng tiền là ngoại tệ thì có thể hoặc không quy đổi ra đồng tiền Việt Nam, nhưng khi lập báo cáo tài chính thì bắt buộc phải quy đổi ra đồng VN theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng tại thời điểm phát sinh và tại thời điểm hiện tại.