Kể lại một lần mắc lỗi của em – Văn hay lớp 6
Kể lại một lần mắc lỗi của em – Bài làm 1 Hè đến, em thường hay cùng các bạn rủ nhau đi chơi hoặc đến nhà nhau. Vì nhà bạn em khá gần nhà cô giáo chủ nhiệm cũ nên thi thoảng chúng em được gặp và được cô rủ vào nhà chơi. Những lúc đó, em thường nhớ lại một kỉ niệm cũ của mình. ...
Kể lại một lần mắc lỗi của em – Bài làm 1
Hè đến, em thường hay cùng các bạn rủ nhau đi chơi hoặc đến nhà nhau. Vì nhà bạn em khá gần nhà cô giáo chủ nhiệm cũ nên thi thoảng chúng em được gặp và được cô rủ vào nhà chơi. Những lúc đó, em thường nhớ lại một kỉ niệm cũ của mình.
Năm đó, bên cạnh môn Toán, Văn, Đạo Đức, Hát Nhạc, Thể dục, em được học thêm nhiều môn mới ở trong trường. Trong đó có môn Địa là khó học nhất đối với em. Vì em luôn thấy nó khô khan, nhiều dữ kiện và số liệu. Hơn thế nữa, chúng em phải học thuộc lòng rất nhiều. Có nhiều hôm có tiết học môn này, em đã ngủ gật trong lớp. Vì thế nên bài giảng của cô em không tiếp thu được nhiều.
Hôm đó lớp em có một bài kiểm tra môn Địa. Em lo lắng lắm vì bản thân không học được nhiều, hơn nữa suốt cả kì học em cũng không nghe cô giáo giảng bài. Hôm kiểm tra, em làm bài rất sơ sài. Chỗ thì nhớ mang máng, có chỗ thì viết bừa. Khi thời gian đã trôi qua được một nửa, em càng lo cuống quýt khi thấy các bạn xung quanh viết bài khá đầy đặn và vẫn đang mải miết làm tiếp. Cô giáo ngồi trên bục giảng một lúc thì có người ở ngoài cửa lớp gọi nên đi ra. Tranh thủ lúc đó, em lục trong ngăn bàn, tay run run sờ tìm cuốn sách Địa, lật lật tìm bài học và ngồi chép. Tim đập thình thịc vì sợ bị phát hiện, nhưng trong lòng em lúc đó cũng có xen lẫn niềm vui. Khi cô trở về lớp thì cũng là lúc em hoàn thành bài kiểm tra và cất cuốn sách về vị trí cũ.
Bố biết ngày hôm đó em có bài kiểm tra nên ngay khi về đến nhà, bố liền hỏi:”Thế hôm nay con làm bài kiểm tra có tốt không”. Em liền kể hết cho bố nghe mọi chuyện. Nghe xong, bố trầm tư một lúc. Bố hỏi:” Vậy hôm nay con có thể quay cóp, nhưng liệu sau này con có thể tiếp tục mãi như thế được không?” Câu hỏi của bố làm em thấy hoang mang và chút lo sợ. Cả đêm em trằn trọ không ngủ được. Em cảm thấy mình có lỗi vô cùng vì đã không chịu khó học hành, lại còn gian dối với cô.
Buổi sáng đi học, cô vẫn mỉm cười, âu yếm nhìn em. Em vừa muốn kể với cô mọi chuyện, nhưng lại vừa sợ rằng cô sẽ quở trách, mắng mình trước lớp. Gần như cả tiết học em chỉ suy nghĩ về điều đó. Tiếng trống trường giục giã báo hiệu giờ học đã kết thúc. Các bạn trong lớp chạy ùa ra sân trường. Lúc này chỉ còn em và cô. Cô đến bàn em học, ân cần:”Hôm nay cô thấy em có vẻ không được khỏe. Em bị ốm à?” Lúc bấy giờ em chợt òa khóc, kể lại cho cô và xin lỗi cô, mong cô tha thứ. Cô ngồi dỗ dành một lúc, rồi vẫn giọng nói ấm áp ấy, cô bảo: “ Thực ra hôm qua cô chỉ đứng ở ngoài cửa lớp bàn chút chuyện, trong lúc đó cô cũng thấy em đang giở sách trong giờ kiểm tra. Khi cô vào lớp thì em lại cất sách mất rồi nên cô không thể trách em luôn được. Thật may hôm nay em đã kể lại cho cô nghe, đây là một điều rất đáng khen”. Xong cô cũng bảo sẽ giữ bí mật này cho cả hai, và sẽ sắp xếp cho em một buổi làm bài kiểm tra lại. Em cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm trong người, và trong lòng thì thầm biết ơn cô.
Giờ cô không còn là chủ nhiệm của lớp nữa. Nhưng cũng kể từ đó, em đã rất chăm chỉ học hành, đặc biệt là môn Địa. Đối với em, đó luôn là một bài học không thể nào quên.
Kể lại một lần mắc lỗi của em – Bài làm 2
Em sẽ nhớ mãi chuyện không vui xảy ra trong gia đình em vào trưa thứ sáu tuần trước. Đầu đuôi sự việc là thế này:
Hai tiết Văn cuối cùng, lớp 6A chúng em được nghỉ vì cô giáo ốm. Lẽ ra nên về nhà ngay nhưng em lại nghe theo lời rủ rê của bạn Tùng, tạt vào một tụ điểm giải trí ven đường.
Đám con trai chúng em đứa nào cũng thích chơi điện tử bởi nó hấp dẫn vô cùng. Cũng vì thế mà thời gian trôi qua lúc nào em không để ý. Mãi cho đến lúc bụng đói cồn cào, em mới sực nhớ ra. Nhìn lên chiếc đồng hồ treo trên tường, thấy đã hơn mười hai giờ, em và Tùng vội vã trả tiền rồi cắm đầu cắm cổ chạy về nhà.
Thấy em mồ hồi mồ kê nhễ nhại, bố ngạc nhiên hỏi:
– Con làm sao thế?
Em trả lời quây quả cho qua chuyện:
– Không có gì đâu ạ! Con với bạn Tùng chạy thi xem ai chạy nhanh hơn ấy mà!
Bố em thắc mắc:
– Giữa trưa nắng chang chang thế này mà hai đứa lại chạy thi thì mệt đứt hơi còn gì! Sao dại thế con?
Em không đáp, cúi đầu bước vào phòng trong để thay quần áo. Tâm trí cứ lo nghĩ vẩn vơ: “Bố mẹ biết mình nói dối thì chết!”
– Thành ơi! Ra ăn cơm đi con!
Tiếng mẹ gọi vọng vào, thúc giục. Suốt bữa, em cúi gằm mặt chẳng dám nhìn ai. Cơm canh ngon lành là thế mà em chẳng hứng thú gì. Cái Mai, em gái em thì thầm với mẹ: “Mẹ ơi! Anh Thành hôm nay làm sao ý mẹ ạ! Mọi khi anh ấy hay kể chuyện vui lắm mà!”. Em cố làm ra vẻ bình thường nhưng trong lòng vẫn thấp thỏm không yên.
– Thành ơi! Ra tớ bảo cái này!
Nhận ra giọng của Dung, bạn cùng tổ cùng lớp, lại là hàng xóm, em giật bắn cả người. Thôi chết! Dung sang đây làm gì thế này? Em chạy bổ ra định ngăn Dung lại nhưng bạn ấy cứ “vô tư” cười nói như mọi lần:
– Cháu chào hai bác! Hai bác ăn cơm ạ! Cháu sang rủ Thành chiều nay đi thăm cô Lan dạy Văn. Không hiểu cô đau ốm thế nào mà hôm nay phải nghỉ dạy tiết bốn tiết năm ở lớp cháu.
Em than thầm trong bụng: “Dung ơi! Bạn hại tôi rồi! Tôi biết nói với bố mẹ sao đây! Trời ơi!”. Dù không ngẩng mặt lên, em vẫn cảm thấy ánh mắt của bố đang nhìn chằm chằm vào em. Không khí bỗng trở nên ngột ngạt, khó thở. Em căng thẳng chờ đợi một cơn thịnh nộ.
Bố em nghiêm khắc hỏi:
– Mấy tiếng đồng hồ vừa qua, con đi đâu hả Thành? Nói thật cho bố mẹ nghe nào! Bố biết con không quen nói dối.
Bối rối và hổ thẹn, em không thể cất lời. May mà có Dung đỡ hộ:
– Cháu xin hai bác bớt giận! Thành à! Bạn hãy nhận lỗi với bố mẹ đi!
Em đã kể lại mọi chuyện và xin bố mẹ tha thứ. Bố không hề nổi giận mà còn ân cần khuyên nhủ:
– Con biết nhận lỗi như vậy là tốt. Bố mong con bớt ham chơi và chăm học hơn nữa. Con là con trai lớn trong nhà. Bố mẹ đặt niềm tin vào con rất nhiều. Con có hiểu được điều đó không?
Từng lời, từng lời của bố nhẹ nhàng mà vô cùng thấm thía. Cách xử sự nghiêm khắc mà khoan dung của bố khiến em cảm phục. Em đã hứa với bố mẹ là từ nay trở đi, em sẽ không bao giờ tái phạm.
Kể lại một lần mắc lỗi của em – Bài làm 3
Chắc chắn rằng trong mỗi chúng ta ai cũng từng mắc lỗi lầm gì đó, lỗi nhỏ, lỗi lớn, nhiều lỗi hoặc ít lỗi đều khiến chúng ta thấy hổ thẹn và hứa sẽ cố gắng khắc phục. Đối với bản thân em, tự nhận thấy mình mắc rất nhiều lỗi nhưng có lẽ lỗi lầm khiến em nhớ mãi. Lần đó em đã trót lấy trộm 10 nghìn đồng của mẹ bỏ ở trong túi áo màu xanh đã cũ. Lần đó mẹ mắng em một trận, em khóc rất nhiều.
Buổi trưa hôm ấy, thằng cu Tèo nhà hàng xóm lén lút, thập thò ở cửa sổ ra hiệu cho em ra đằng sau vườn “bàn công chuyện”. Nó bảo hôm trước nó thấy thằng Tý ở xóm bên có chiếc diều đẹp lắm, màu xanh, đỏ, vàng sặc sỡ, khi bay trên bầu trời nhìn như một con chim nhiều màu sắc. Em cũng thấy thích thú vì ước mơ của em lúc đó là có một con điều vải thật đẹp mua ở hàng quán. Nhưng em không có tiền, thằng cu Tèo cũng không có tiền, hai đứa đều nghèo rách như nhau. Mà không đứa nào dám xin tiền mẹ, vì biết mẹ sẽ không cho. Hôm trước em còn thấy mẹ đi sang nhà bác Minh mượn tiền cho em đóng học phí nên em không dám xin nữa.
Hai đứa bày mưa tinh kế, em nghĩ ra cách đi nhặt sắt vụn, ống nhựa bán tích tiền mua diều, hai đứa sẽ mua chung, chơi chung. Thằng Tèo hí hửng ủng hộ kế hoạch mua diều rất sáng suốt này của em.
Hai đứa chúng em hì hục chui vào mọi ngóc ngách, xó xỉnh để tìm thứ gì có thể bán lấy tiền được. Nhưng tìm mãi, tích mãi cũng chỉ bán được hai mươi nghìn đồng, Mà con diều đó bốn mươi nghìn đồng, còn thiếu hai mươi nghìn nữa. Hai đứa ngồi buồn thiu ở khóm tre đầu làng nhìn mùa hạ đang trôi qua từng ngày và gió chắc cũng sẽ bớt thổi, diều có lẽ không bay được cao.
Tối hôm đó, sau bữa cơm, em ngồi cạnh bếp nấu cám lợn với mẹ, thủ thì rằng muốn mua diều nhưng mới tích được hai mươi nghìn, còn thiếu hai mươi nghìn nữa. Chưa kịp nói hết câu mẹ đã quát lên “Không diều diếc chi hết, lo mà học hành đi, cứ chơi bời thế thì mày học kiểu gì”. Em không nói gì thêm nhưng trong đầu hiện lên một kế hoạch tác chiến kinh khủng khiếp. Hôm qua em thấy mẹ cất tiền ở trong cái túi áo màu xanh treo ở góc cửa. Em đắn đo, băn khoăn mãi, không dám lấy tiền của mẹ. Lòng định bụng sẽ lấy của mẹ 10 nghìn đồng, rồi sau đó đi nhặt sắt vụn bán lấy tiền trả mẹ.
Em và cu Tèo đều hành động như vậy, lén lút ăn trộm tạm thời tiền của mẹ, mỗi đứa 10 nghìn đồng. Nhưng chưa kịp đi mua diều thì mẹ của hai đứa đã phát hiện bị mất tiền. Mẹ gọi em ra và hỏi có phải em lấy tiền của mẹ không. Em lúng túng, chối rằng không phải, vì sợ mẹ đánh đòn. Mà mẹ đánh roi mây ấy thì đau lắm, rát đến tận mấy hôm sau mới khỏi, em ám ảnh từ hồi năm ngoái bị ba đánh nên giờ rất sợ, không chịu nhận tội.
Mẹ nhìn em chằm chằm một lúc, không nói gì, mẹ gọi cả thằng Tèo qua nữa. Bỏ mặc chúng em giữa căn phòng nhỏ, mẹ đi xuống dưới bếp và mang lên một chiếc diều thật đẹp. Lúc ấy tôi hoa cả mắt vì bị con diều đó hợp mất hồn. Tôi gượng cúi đầu, thằng Tèo cũng vậy. Mẹ bảo hai đứa lần sau không được làm vậy, như thế không tốt. Lỗi nhỏ rồi sẽ mắc thêm lỗi lớn, còn bé thì cần phải biết việc nào đúng việc nào sai.
Em chỉ biết dạ dạ vâng vâng, sung sướng và hổ thẹn vì lỗi lầm mình gây ra. Em đã hứa với mẹ rằng sẽ không bao giờ tái phạm nữa.
Từ khóa tìm kiếm nhiều:
- kể về một lần mắc lỗi với mẹ