Huế - Di tích lịch sử Núi Bân
Núi Bân hiện ở tại xứ Cồn Mồ, thuộc xóm Hành, thôn Tứ Tây, xã Thủy An, thành phố Huế. Núi có độ cao 41m, chiều dốc 25o và cách kinh thành Huế trên 3km. Phía đông, núi Bân tiếp giáp với Động Trọc và núi Ngự Bình, hai phía tây và bắc giáp thôn Trường Cỡi, xã Thủy Bằng, phía nam ...
Núi Bân vốn có nhiều tên gọi khác nhau, nhân dân địa phương thường gọi là Đông Tầng, Ba Tầng, Tam Tầng hoặc Ba Vành. Trong Hoàng Lê Nhất thống chí, bản dịch của Ngô Tất Tố năm 1942 gọi là núi Sam hoặc có lúc gọi là núi Bân. Tài liệu của Pirey trong B.A.V.H năm 1941 gọi là hòn Thiên.
Núi Bân gắn liền với sự kiện Nguyễn Huệ lập đàn Nam Giao tế trời đất và tuyên bố lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung. Trong khí thế tưng bừng của đội quân bách chiến bách thắng, chỉ trong vòng 5 tuần lễ, quân Tây Sơn đã vượt qua gần 700km đường rừng núi hiểm trở, trèo đèo vượt suối hành quân thần tốc, tiêu diệt đạo quân xâm lược Mãn Thanh, thu giang sơn về một mối.
Lợi dụng một quả đồi không cao lắm, đàn được xẻ làm ba tầng, tạo thành ba khối hình nón cụt chồng lên nhau. Ngay giữa đỉnh đồi là tầng thứ ba, bề mặt rất phẳng, chu vi 52,75m. Theo bốn hướng đi của đàn là 4 con đường, bề rộng của các con đường này càng lên đến đỉnh càng nhỏ hẹp lại.
Là một vị trí nằm ở phía Nam thành Phú Xuân, dựa vào địa thế của quả đồi không cao nên dễ vận động và có thể xây dựng đàn hoàn thành nhanh chóng, xung quanh là cánh đồng khá rộng, đủ sức tập kết hàng vạn quân. Chính vì những yếu tố địa lý và quân sự đặc biệt của khu vực này nên Nguyễn Huệ đã chọn núi Bân để lập đàn Nam Giao, trịnh trọng tuyên bố lên ngôi Hoàng đế và phát binh thần tốc ra Bắc.
Khu di tích này đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1988.