18/06/2018, 12:28

Huế - Di tích Trường Quốc học Huế

Trường Quốc Học tọa lạc bên bờ Sông Hương, trên đường Lê Lợi, thuộc phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế. Là địa chỉ hấp dẫn và thuận lợi cho khách tham quan từ muôn nơi về với Huế. Trường Quốc Học được thành lập theo dụ ngày 17 tháng 9 năm Thành Thái thứ 8 (23.10.1896) và ...

Di tích Trường Quốc học Huế
Trường Quốc Học tọa lạc bên bờ Sông Hương, trên đường Lê Lợi, thuộc phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế. Là địa chỉ hấp dẫn và thuận lợi cho khách tham quan từ muôn nơi về với Huế.

Trường Quốc Học được thành lập theo dụ ngày 17 tháng 9 năm Thành Thái thứ 8 (23.10.1896) và Nghị định ngày 18.11.1896 của phủ Toàn quyền Đông Dương. Đây là một ngôi trường Pháp - Việt chính yếu của toàn xứ Đông Dương. Lúc đầu trường chỉ là những dãy nhà tranh vốn là trại lính thuỷ quân hoàng gia được cải tạo lại.

Sau khi thi đỗ Phó Bảng (1901), tháng 5 năm 1906 cụ Nguyễn Sinh Huy (Nguyễn Sinh Sắc) vào Huế nhậm chức Thừa biện bộ Lễ và đã mang theo hai con trai của mình là Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Tất Đạt cùng vào đây sinh sống, học tập. Lần này cụ Huy đã cho hai con vào học trường Pháp - Việt Đông Ba. Sau đó Nguyễn Tất Thành đã thi vượt cấp và được tuyển vào Trường Quốc Học.

Trong thời gian học ở trường này, cậu học trò Nguyễn Tất Thành đã có điều kiện tiếp thu nền văn minh phương Tây và hiểu rõ hơn bản chất khai hoá mị dân của thực dân Pháp xâm lược, với khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”. Đặc biệt trong khoảng thời gian này, các phong trào yêu nước của các sỹ phu nổ ra rầm rộ đã cuốn hút và tác động rất lớn đến nhận thức của Nguyễn Tất Thành. Tháng 4 năm 1908, phong trào chống thuế của nông dân miền Trung nổ ra mạnh mẽ. Không ngần ngại, Nguyễn Tất Thành đã tham gia phong trào chống thuế cùng với nông dân. Sự kiện này đánh dấu bước khởi đầu cho sự nghiệp đấu tranh yêu nước của Nguyễn Tất Thành. Từ đó cậu học trò Nguyễn Tất Thành đã tạm biệt mái Trường Quốc Học đi dần vào Phía Nam để tìm đường cứu nước.

Trường Quốc Học Huế đã chứng kiến những tháng ngày miệt mài học tập và hoạt động sôi nổi của Nguyễn Tất Thành, đồng thời là chiếc nôi đào tạo, bồi dưỡng biết bao lớp nhân tài cho đất nước.

Ngày nay Trường Quốc Học Huế cũng là một trong ba ngôi trường phổ thông trung học dẫn đầu sự nghiệp giáo dục quốc gia.

Chính vì thế, Trường Quốc Học Huế đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử Văn hoá cấp quốc gia theo Quyết định ngày 26.3.1990.

0