24/05/2018, 22:45

Hội thề Đông Quan

là đoạn kết của khởi nghĩa Lam Sơn đầu thế kỷ 15 - chấm dứt thời thuộc Minh - giữa thủ lĩnh quân khởi nghĩa Lam Sơn Lê Lợi và chủ tướng quân Minh là Vương Thông. Nhà Minh đánh chiếm và cai trị nước ta (lúc đó gọi là Đại Ngu) từ năm ...

là đoạn kết của khởi nghĩa Lam Sơn đầu thế kỷ 15 - chấm dứt thời thuộc Minh - giữa thủ lĩnh quân khởi nghĩa Lam Sơn Lê Lợi và chủ tướng quân Minh là Vương Thông.

Nhà Minh đánh chiếm và cai trị nước ta (lúc đó gọi là Đại Ngu) từ năm 1407, đổi gọi trở lại là Giao Chỉ như thời Bắc thuộc nhà Hán. Đến năm 1427, quân khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo liên tiếp giành thắng lợi, đẩy quân Minh vào thế bị vây hãm trong các thành trì từ Bắc vào Nam. Chủ tướng quân Minh là Vương Thông bị hãm trong thành Đông Quan từ năm 1426.

Sau hai thất bại nặng nề của các đạo viện binh do Liễu Thăng và Mộc Thạnh chỉ huy cuối năm 1427, Minh Tuyên Tông buộc phải tuyên bố bãi binh.

Ngày 16 tháng 12 năm 1427, tại phía nam thành Đông Quan, bên bờ sông Nhị, hội thề lịch sử đã diễn ra. Đây là một hình thức định ước đình chỉ chiến sự giữa nghĩa quân Lam Sơn và quân đô hộ nhà Minh. Lễ thề do chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn tổ chức.

Tại buổi lễ, trước đoàn nghĩa quân do Lê Lợi dẫn đầu, Vương Thông tổng binh quân Minh đã đọc "Bài văn hội thề", cam kết đình chỉ mọi hoạt động chiến sự, rút hết quân trong thời hạn 5 tháng; không cướp bóc sách nhiễu trên đường rút quân.

Quân Minh đã kéo đến dinh Bồ Đề lạy tạ lãnh đạo nghĩa quân. Thực hiện cam kết, từ 29 tháng 12 năm 1427, quân Minh bắt đầu rút lui, phía nghĩa quân bảo đảm cấp lương thực, ngựa thuyền, và tạo điều kiện cho quân Minh ra khỏi biên giới một cách an toàn.

Tổng cộng 10 vạn quân Minh đã được trở về quê hương an toàn. 1427 thể hiện cách kết thúc chiến tranh sáng tạo, mềm dẻo, nhân đạo của nghĩa quân Lam Sơn, như trong bài Bình Ngô đại cáo:

“ ...Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng

Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng

Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh

Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,

Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run.

Họ đã tham sống sợ chết mà hoà hiếu thực lòng

Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức.

Chẳng những mưu kế kì diệu

Cũng là chưa thấy xưa nay...

Bình luận về việc Minh Tuyên Tông ra lệnh bãi binh ở Đại Việt, sử gia Trung Quốc là Cốc Vĩnh Thái viết trong Minh sử kỷ sự bản mạt:

Vương Thông lực yếu mà phải xin hoà, Liễu Thăng lại sang rồi bị thua chết. Sau đó lại xuống chiếu sai sứ sang giao hảo và rút quân về, nhục nhã thực bằng Tân, Trịnh hội thề dưới chân thành, hổ thẹn ngang với Kính Đường cắt đất giảng hoà vậy[1]

0