25/05/2018, 09:32

Học phí đại học: một chính sách công phức tạp

LTS. Học phí là một vấn đề hết sức phức tạp và không có khái niệm: “lời giải đúng”; thậm chí là vấn đề dễ gây ra “tai họa về mặt chính trị”, như một giáo sư ở Anh đã nói. Mới đây, dự án thí điểm tăng học phí của ĐH Quốc gia TP.HCM ...

LTS. Học phí là một vấn đề hết sức phức tạp và không có khái niệm: “lời giải đúng”; thậm chí là vấn đề dễ gây ra “tai họa về mặt chính trị”, như một giáo sư ở Anh đã nói. Mới đây, dự án thí điểm tăng học phí của ĐH Quốc gia TP.HCM đưa ra dự kiến tăng mức học phí ĐH lên 50% và 100% vào năm 2005 và 2007, so với mức hiện nay là 1,8 triệu đồng/năm. Sài Gòn Tiếp Thị đã trao đổi với GS TS Phạm Phụ, thử tìm một cách kiến giải về vấn đề nhạy cảm này.

  • Giáo sư có ý kiến gì về dự kiến tăng học phí của ĐH quốc gia TP. HCM?
  • Học phí ở GDĐH là một loại chính sách công hết sức phức tạp và nhạy cảm. Nó liên quan đến chính sách chia sẻ chi phí của Nhà nước , hiệu quả của cả hệ thống, chất lượng đào tạo, công bằng xã hội… và cả truyền thống nền GDĐH đó. Mà những vấn đề này thường không có “lời giải tốt nhất”, do vậy cần có những cố gắng để tìm sự “đồng thuận”của xã hội. Và cũng do vậy, khi chưa có con số thống kê cần thiết thì khó mà có ý kiến rõ ràng.
  • Con số thống kê cần thiết mà giáo sư đề cập là gì?
  • Trước hết là những số liệu liên quan đến chi phí đơn vị (chi phí đào tạo cho đầu sinh viên (SV) trong một năm). Từ đó để xem xét hệ thống đào tạo có hiệu quả không. Số liệu về cơ cấu chi phí của Nhà trường để xem xét chi phí về giảng dạy, nghiên cứu, chi phí hành chính, quản lý…, các số liệu này cần phải chi tiết hoá theo trường, theo từng miền…, phải dựa trên các dữ liệu đó để xác lập cơ cấu: SV phải đóng góp bao nhiêu, Nhà nước trang trải bao nhiêu, nhà trường bù đắp bao nhiêu.
  • Nhưng trường ĐH cho rằng đầu tư từ ngân sách còn thấp thì không đảm bảo được chất lượng; còn dân chúng thì lo lắng “chất lượng đào tạo có tương đương với mức tiền mà mình đã bỏ ra?”, và người nghèo thì “không biết sẽ phải lo như thế nào để có tiền đóng học phí cho con?”. Làm sao có được sự đồng thuận thưa giáo sư?
  • Câu hỏi này có đến 3 vấn đề. Thứ nhất, trên thế giới ngày nay có hiện tượng phổ biến là, khủng hoảng thiếu tài chính khi ĐH chuyển sang nền GD cho số đông. Vì vậy, ngân sách Nhà nước tính theo đầu SV chỉ càng ngày càng thấp chứ không phải là “còn thấp”. Tăng học phí là xu thế chung. Việt Nam có lẽ cũng vậy.

Thứ hai, ở các trường ĐH công lập như ĐH quốc Gia TP. HCM của Việt Nam hiện nay, nếu tính đủ, chi phí một năm cho một SV có lẽ không dưới 8 triệu đồng. Mức học phí hiện còn dưới 2 triệu đồng / năm. Vì vậy, vấn đề là phân chia mức gánh chịu chi phí (Cost sharing) giữa Nhà nước và SV chứ không là vấn đề “có tương đương?” như việc bỏ tiền đi du học nước ngoài hay học ở các cơ sở GD ngoài công lập. Còn sử dụng có hiệu quả các nguồn thu để nâng cao chất lượng hay không, có lẽ còn là một câu hỏi lớn.

Thứ ba, với người nghèo có con học ĐH thì phải mở rộng chính sách học bổng, không nên chỉ căn cứ vào thu nhập của nhóm 5 –10% nghèo nhất để thiết kế chính sách học phí quốc gia. Còn với đa số người nghèo không có con học ĐH, nên báo cáo rõ với họ: chi phí học ĐH 8 triệu đồng/ năm; học phí 2 triệu đồng/ năm, nghĩa là Nhà nước đang tài trợ cho một SV 6 triệu đồng/ năm, kể cả con em nhà rất giàu. Nếu Nhà nước không tài trợ ở đây thì có thể đem số tiền này mở rộng mạng lưới y tế miễn phí, cải thiện nguồn nước nông thôn… Khi đó, chắc người nghèo không có con học ĐH sẽ đòi tăng học phí ĐH để dành ngân sách cho các dự án này! Một cuộc khảo sát ở Mỹ năm 2003 có câu hỏi: “Ai nên gánh chịu phần lớn chi phí để học ĐH?”; 2/3 dân Mỹ trả lời: SV và gia đình SV, 11% trả lời: chính phủ bang, 17% trả lời: chính phủ liên bang. Có lẽ, nếu khảo sát câu hỏi này ở Việt Nam, kết quả sẽ khác (!).

  • Ý giáo sư muốn nói là hiện nay phải đồng thời tăng học phí và mở rộng chính sách học bổng?
  • Trong tổng nguồn thu hàng năm của ĐH Việt Nam năm 2000 đã có gần 40% là học phí và lệ phí, nhưng chưa rõ học phí chiếm bao nhiêu phần trăm, về trung bình, trong tổng chi phí đơn vị, nếu tính đủ (mục tiêu GDĐH Trung Quốc năm 1997 có con số này là 20%). Vì vậy cần có nghiên cứu kỹ hơn trước khi có quyết định tăng tổng học phí.

Thu học phí đều như hiện nay là cách thu “lũy lùi”, người có thu nhập càng thấp thì tỷ lệ thu học phí trên thu nhập lại càng cao (!). Như tôi từng phát biểu, phân hóa trong tiếp cận GD ĐH hiện nay có lẽ đã khá cao, khoảng 2-3 lần so với mức độ phân hoá giàu – nghèo trong thu nhập kinh tế. Vì vậy, cần nhanh chóng mở rộng chính sách học bổng song song với việc tăng học phí. Và cũng không nên giữ một trần học phí giống nhau cho các trường ĐH khác nhau, các chương trình đào tạo có chi phí khác nhau. Cần lưu ý, chi phí đào tạo đơn vị ở Nhật (1996) có thể biến thiên từ 300 – 400 ngàn cho đến 900 ngàn Yên cho ngành kinh tế, 600 – 700 ngàn Yên cho đến trên 1,8 triệu Yên cho ngành kỹ thuật, 2 triệu Yên cho đến 10 triệu Yên cho ngành y… Ở Trung Quốc, có SV đóng học phí cao gấp chục lần mức bình thường của các SV khác.

  • Như vậy, vẫn tăng học phí ở một số đối tượng, một số chương trình và có kèm theo việc mở rộng chính sách học bổng. Vậy có lo ngại việc giảm số lượng dự thi vào ĐH?
  • GDĐH ở Việt Nam có “cung” còn ở mức dưới 25% của “cầu”, nghĩa là còn độc quyền, chưa có cạnh tranh. Trong bối cảnh đó, dù chất lượng ở một trường ĐH nào đó có kém đến đâu, dù học phí có tăng lên đến vài lần đối với một số chương trình , tôi tin rằng, các trường ĐH vẫn tuyển sinh đủ chỉ tiêu.
  • Xin cảm ơn giáo sư .

NGỌC MINH thực hiện

0