25/05/2018, 09:31

Tổng quan về chế độ phân phối tài sản

Tài sản tạo ra trong thời kỳ hôn nhân: cốt lõi của chế độ tài sản Nguồn sống của gia đình và nguồn của các khối tài sản . Trong trường hợp phổ biến nhất ở Việt Nam, vợ và chồng, khi bắt đầu cuộc sống chung, chỉ có một ít ...

Tài sản tạo ra trong thời kỳ hôn nhân: cốt lõi của chế độ tài sản

Nguồn sống của gia đình và nguồn của các khối tài sản. Trong trường hợp phổ biến nhất ở Việt Nam, vợ và chồng, khi bắt đầu cuộc sống chung, chỉ có một ít của cải riêng. Chính nỗ lực lao động của vợ và chồng, đôi khi cộng thêm một ít may mắn, thúc đẩy quá trình tích lũy của cải của gia đình. Do đó, khối tài sản được tạo ra trong thời kỳ hôn nhân thường là khối tài sản có giá trị quan trọng nhất và cũng là nguồn bảo đảm chính đối với cuộc sống vật chất của gia đình. Trong chừng mực nào đó, người ta nói rằng khối tài sản này là xi măng kinh tế của gia đình.

Khối tài sản tạo ra trong thời kỳ hôn nhân là nguồn chủ yếu của khối tài sản chung. Khối tài sản tạo ra trong thời kỳ hôn nhân cũng là một trong những nguồn của khối tài sản riêng: ví dụ điển hình là trường hợp dùng tiền lương tạo ra trong thời kỳ hôn nhân để mua sắm tư trang hoặc quần áo, đồ dùng cá nhân. Người làm luật, về phần mình, luôn dành cho khối tài sản này nhiều sự quan tâm nhất. Các quy tắc của luật hiện hành luôn được xây dựng như thế nào để khối tài sản này có cơ sở pháp lý vững chắc nhất mà hình thành và phát triển.

Không có khái niệm tài sản thay thế

Khái niệm tài sản thay thế. Gọi là tài sản thay thế, một tài sản đi vào một sản nghiệp với tư cách là vật thay thế cho tài sản đi ra khỏi sản nghiệp đó: bán một căn nhà để mua một căn nhà khác; căn nhà được bán là vật đi ra, căn nhà được mua là vật thay thế. Chủ sở hữu trước đây có quyền sở hữu đối với căn nhà được bán, nay là chủ sở hữu căn nhà được mua. Trong trường hợp số tiền bán nhà không được dùng để mua một tài sản khác, thì, trong điều kiện nguyên tắc thay thế được thừa nhận, chính số tiền bán nhà là tài sản thay thế.

Tài sản thay thế đảm nhận vị trí pháp lý của tài sản bị thay thế. Ở góc độ pháp luật về sản nghiệp, một tài sản thay thế vị trí của một tài sản khác trong khối tài sản có sẽ là vật bảo đảm cho các nghĩa vụ tài sản của người có sản nghiệp, thay cho tài sản đã đi ra khỏi sản nghiệp đó. Chính nhờ có khái niệm tài sản thay thế mà, trên nguyên tắc, một người có nghĩa vụ tài sản không bị cấm định đoạt bằng các giao dịch có đền bù đối với các tài sản của mình, dù chưa hoặc không thực hiện nghĩa vụ đó

Trái lại, các giao dịch không có đền bù có thể bị coi là gian lận và được thực hiện nhằm mục đích trốn nợ, bởi một giao dịch như thế làm cho một tài sản đi ra khỏi sản nghiệp, nhưng lại không làm cho một tài sản nào khác đi vào để thay thế.
: người có quyền yêu cầu (gọi nôm na là chủ nợ) luôn có các tài sản thay thế làm vật bảo đảm cho quyền yêu cầu của mình.

Tài sản thay thế và quan hệ tài sản giữa vợ và chồng. Nếu khái niệm tài sản thay thế được ghi nhận trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng thì: khi dùng tiền riêng để mua một tài sản, tài sản mua được là của riêng người mua; khi dùng tiền chung để mua một tài sản, tài sản mua được là chung của vợ và chồng; khi một tài sản riêng bị hủy hoại, tiền bồi thường thiệt hại do tài sản bị hủy hoại là tài sản thay thế và cũng là tài sản riêng; khi một tài sản chung bị hủy hoại, tiền bồi thường thiệt hại do tài sản bị hủy hoại là tài sản thay thế và cũng là tài sản chung...

Khái niệm tài sản thay thế có tác dụng giúp cho các khối tài sản riêng của vợ, chồng được bảo tồn bằng hiện vật trong điều kiện các yếu tố thực tế, nghĩa là các tài sản cụ thể, có thể lưu thông như bất kỳ một vật nào có giá trị tiền tệ và chuyển giao được trong giao lưu dân sự. Khái niệm này chỉ cần thiết trong việc bảo tồn các khối tài sản riêng, bởi khi một tài sản chung đi ra, thì một tài sản khác đi vào và, với tư cách là tài sản được tạo ra trong thời kỳ hôn nhân, tài sản đi vào trở thành tài sản chung do hiệu lực của chế độ tài sản, mà không cần sự trợ giúp của một công cụ pháp lý đặc biệt nào khác.

Hệ quả của sự thiếu vắng khái niệm tài sản thay thế trong luật về quan hệ tài sản giữa vợ chồng. Luật Việt Nam không xây dựng khái niệm tài sản thay thế như là một khái niệm của luật cơ bản. Chỉ trong một vài trường hợp đặc thù, khái niệm này xuất hiện như một công cụ bảo vệ một lợi ích chính đáng nhất định về tài sản

Có thể xem, ví dụ, Tài sản, nxb Trẻ, 1999, số 37.
. Bởi vậy, trong điều kiện vợ và chồng có nhiều khối tài sản, việc một tài sản được chuyển hoá thành một tài sản khác do hiệu lực của một giao dịch chuyển nhượng có đền bù có thể khiến cho tài sản mới đi vào một khối tài sản khác. Với quy định theo đó, tài sản được tạo ra trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ và chồng, thì “khối tài sản khác” đó chỉ có thể là khối tài sản chung. Nói cách khác, việc không xây dựng khái niệm tài sản thay thế trong quan hệ tài sản giữa vợ chồng có tác dụng tạo ra một lực hút của khối tài sản chung đối với các khối tài sản riêng: một khi tài sản riêng đi ra theo một giao dịch chuyển nhượng có đền bù, thì vật đền bù lại đi vào khối tài sản chung chứ không phải khối tài sản riêng.

Lý thuyết về công sức đóng góp

Sự cần thiết của việc xây dựng lý thuyết về công sức đóng góp. Do đặc điểm của cuộc sống chung, các quan hệ tài sản của vợ và chồng thường đan xen. Để có thể mua một tài sản quan trọng trong điều kiện tích lũy từ thu nhập cũng như tiền thu được từ việc bán tài sản chung không đủ, vợ hoặc chồng có thể phải dùng tiền riêng hoặc tiền thu được từ việc bán tài sản riêng; để sửa chữa nâng cấp một căn nhà riêng, vợ hoặûc chồng có thể phải huy động ngân quỹ dành dụm từ thu nhập do lao động, tức là từ tài sản chung; để thanh toán tiền chênh lệch cho người đồng thừa kế sau khi chia tài sản được thừa kế chung, người nhận tài sản bằng hiện vật có thể phải dùng tiền do vợ chồng mình dành dụm trong thời kỳ hôn nhân... Bởi vậy, trong sự phát triển khối tài sản chung thường có phần đóng góp của khối tài sản riêng và ngược lại. Khi hôn nhân chấm dứt và các quan hệ tài sản giữa vợ và chồng cần được thanh toán, thì các phần đóng góp này sẽ được ghi nhận như là một trong những căn cứ xác định phần quyền của vợ, chồng trong khối tài sản chung.

Lý thuyết về công sức đóng góp trong luật hôn nhân và gia đình có thể được hình dung như là một tập hợp các quy tắc chi phối sự di chuyển giá trị từ khối tài sản chung sang một khối tài sản riêng của vợ hoặc chồng hoặc ngược lại, từ một khối tài sản riêng sang khối tài sản chung. Trong chừng mực đó, lý thuyết về công sức đóng góp được coi như một cách vận dụng các quy tắc của chế định được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật thuộc luật chung trong quan hệ tài sản giữa vợ và chồng. Nếu không có lý thuyết về công sức đóng góp, thì một mặt, sẽ có vợ hoặc chồng ở trong tình trạng được lợi do khối tài sản chung gia tăng giá trị

Và điều đó dẫn đến việc tăng giá trị phần quyền của vợ (chồng) trong khối tài sản chung khi khối này được thanh toán và phân chia.
, trong khi người còn lại bị thiệt hại do khối tài sản riêng của mình bị giảm sút. Mặt khác, vợ hoặc chồng có thể do không muốn khối tài sản riêng của mình bị hao mòn mà sẽ để các tài sản ấy bất động và lưu thông dân sự sẽ không phát triển.

Lý thuyết về công sức đóng góp trong luật hôn nhân và gia đình Việt Nam. Lý thuyết về công sức đóng góp trong việc tạo lập duy trì và phát triển khối tài sản chung được đưa vào luật Việt Nam lần đầu tiên ngay từ khi có Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 (Điều 29) và được hình dung như một biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng về tài sản của người phụ nữ sau khi ly hôn, trong điều kiện đa số phụ nữ có chồng đều dành phần lớn thời gian chăm sóc con cái và nhà cửa, nói chung là công việc nội trợ, do đó, không trực tiếp làm ra của cải. Quy tắc đáng chú ý nhất trong khuôn khổ thể chế hoá lý thuyết về công sức đóng góp được ghi nhận tại Điều 29 đã dẫn, theo đó, “Lao động trong gia đình được kể như lao động sản xuất”. Với quy tắc đó, người vợ nội trợ có thể yêu cầu chia một nửa (hoặc ít nhất là một phần) tài sản chung khi chấm dứt hôn nhân, cho dù việc tích lũy của cải chung là kết quả trực tiếp từ công sức lao động ngoài xã hội của người chồng.

Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 xây dựng một hệ thống các quan hệ tài sản mới, đặc trưng bằng sự tồn tại của ba khối tài sản trong thời kỳ hôn nhân. Lý thuyết về công sức đóng góp được tiếp tục duy trì và được hiểu như công cụ bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ lao động trong khuôn khổ gia đình-hộ trong việc phân chia tài sản chung khi hôn nhân chấm dứt do ly hôn, cũng như quyền lợi của vợ hoặc chồng đã đóng góp vào sự phát triển của khối tài sản chung bằng các tài sản riêng của mình. Các giải pháp của Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 được lấy lại trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.

Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Lợi ích của việc cho phép chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Lý thuyết về công sức đóng góp, trên nguyên tắc, chỉ được áp dụng trong trường hợp hôn nhân chấm dứt. Có khi, ngay trong thời kỳ hôn nhân, vợ hoặc chồng hoặc cả hai có nhu cầu củng cố khối tài sản riêng để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống hoặc cho các giao dịch của mỗi người. Luật Việt Nam hiện hành, một mặt, xây dựng các quy tắc về thành phần các khối tài sản, áp dụng chung cho tất cả các cặp vợ chồng; mặt khác, thừa nhận rằng vợ và chồng có thể tiến hành chia tài sản chung ngay trong thời kỳ hôn nhân để mỗi người có đủ tài sản riêng đặt cơ sở vật chất cho hoạt động nghề nghiệp và, nói chung, cho các giao dịch mà mình xác lập và thực hiện một cách độc lập với người còn lại. Thông thường, khi chia tài sản chung, vợ và chồng dựa vào công sức đóng góp của mỗi người để xác định phần quyền của mỗi người trong khối tài sản đem chia; trong trường hợp giữa vợ và chồng không có sự thống nhất ý chí về việc xác định phần quyền của mỗi người, thì Toà án, khi được yêu cầu can thiệp, cũng sẽ dựa vào lý thuyết đó. Song, luật cũng không cấm vợ và chồng tự do thoả thuận về việc xác định phần quyền của mỗi người mà không dựa vào công sức đóng góp, nhất là một khi sự thoả thuận đó có tác dụng tạo điều kiện thuận lợi cho một người trong việc thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh của riêng mình. Nói cách khác, lý thuyết về công sức đóng góp không bắt buộc được áp dụng cho việc phân chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân, nếu giữa vợ và chồng không có tranh cãi về cách xác định phần quyền của mỗi người.

Có thể coi việc thừa nhận khả năng chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như một giải pháp cho vấn đề lập lại sự cân bằng giữa các khối tài sản có trong điều kiện các khối tài sản nợ của vợ chồng không có xu hướng thu hút lẫn nhau, trong khi khối tài sản có chung lại có xu hướng thu hút các khối tài sản có riêng. Cũng có thể coi đó như một giải pháp cho bài toán về quan hệ tài sản giữa vợ chồng trong trường hợp vợ chồng không muốn ly hôn nhưng cũng không còn muốn chung sống với nhau. Nhiều người còn cho rằng chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân về thực chất là việc thay đổi từ chế độ tài sản chung pháp định sang chế độ tài sản riêng.

0