Hồ Chí Minh với vấn đề con người
Có thể khẳng định: vấn đề con người không hề xa lạ với Hồ Chí Minh, kể từ khi ông tham gia Hội những người ái quốc An nam (Association des patriotes annamites) cùng với Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Liên đoàn nhân quyền và dân quyền (Ligue des droits de l'Homme et Citoyen) lúc đặt chân lên ...
Có thể khẳng định: vấn đề con người không hề xa lạ với Hồ Chí Minh, kể từ khi ông tham gia Hội những người ái quốc An nam (Association des patriotes annamites) cùng với Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Liên đoàn nhân quyền và dân quyền (Ligue des droits de l'Homme et Citoyen) lúc đặt chân lên nước Pháp, cho đến khi viết về "công việc đối với con người" trong phần di chúc bổ sung trước lúc mất. Con người được ông đề cập với những nội dung khác nhau, nhưng rõ ràng đã xuyên suốt những bài nói và viết của Hồ Chí Minh.
Đối với mỗi người sống có ý thức, vấn đề con người luôn luôn hiện hữu, có khi xuất phát từ những suy nghĩ trừu tượng, có khi lại xuất phát từ một "thân phận con người" cụ thể. Chúng ta chưa có những tư liệu xác thực để chứng minh rằng từ tuổi thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suy nghĩ về vấn đề con người như thế nào, nhưng có đủ bằng chứng để khẳng định rằng ý thức giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ thực dân là điều có thật ở Nguyễn Tất Thành khi ông tham gia những cuộc vận động chống thuế hồi còn là học sinh Quốc học, và vì lẽ đó bị nhà trường thi hành kỷ luật.
Trong một bài báo viết gần đây (Jeunesse d’un colonisé genèse d’un exil. Ho Chi Minh jusqu’en 1911, trong tạp chí Approches-Asie, số 11, 1992), nhà sử học Daniel Hémery dựa vào những bằng chứng hiện có để phân tích những đảo lộn xã hội và chính trị ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, “Vào những ngày đầu tháng 7.1911”, D. Hémery viết ở đoạn kết luận, “khi nước mất, nhà tan, tủi nhục và cay đắng trong lòng, Nguyễn Tất Thành rời Sài Gòn, bước chân lên tàu Đô đốc Latouche-Tréville… Một lần nữa, có thể thấy rõ “thân phận con người” của Hồ Chí Minh lúc rời nước ra đi và chắc chắn một người trẻ tuổi nhạy cảm như ông không thể không băn khoăn về thân phận của mình cũng như nhiều người khác cùng hoàn cảnh.
Sự cảm nhận “thân phận con người” ấy là một yếu tố rất quan trọng – nếu không phải là chủ yếu – để ông gắn bó với những lính chiến và lính thợ Việt nam bị đưa sang chiến trường châu Âu hồi Chiến tranh thế giới thứ nhất. (The Harold Issaacs, Hồ Chí Minh có mặt trong hàng chục nghìn người Việt Nam được dùng ở phía sau mặt trận Flandres, và theo tài liệu của Trung tâm lưu trữ hải ngoại Pháp, những người Việt Nam này bị nghi ngờ có hoạt động chính trị). Mối quan tâm của ông đối với những người bị bắt đi lính sang Pháp, cũng như đối với những biến động ở nước nhà hồi đó được thể hiện rất rõ trong mấy lá thư hiếm hoi của Hồ Chí Minh gửi Phan Châu Trinh hồi đó (xem Hồ Chí Minh – Toàn tập, t. I, tr. 477-479).
Cũng chính sự cảm nhận về “thân phận con người” ấy đã đưa Hồ Chí Minh tới việc tham gia Liên đoàn nhân quyền và dân quyền lúc ông vừa mới đặt chân lên Paris. Như đã rõ, dưới cái tên sẽ đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam sau này là Nguyễn Ái Quốc, chính ông thay mặt Nhóm người An nam yêu nước đưa tới Hội nghị Versailles đầu năm 1919 bản Yêu sách của nhân dân An nam, trong đó nêu bật các quyền con người phải được thực hiện ngay trong khi chờ đợi thực hiện quyền dân tộc tự quyết (xem Hồ Chí Minh tòan tập, tập 1, tr. 480-482). Về sau này, trong những hoàn cảnh khác nhau, những ý tưởng chính của bản Yêu sách này (quyền dân tộc tự quyết và quyền con người) được Hồ Chí Minh nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Từ đó, ném mình vào cuộc đời của một nhà cách mạng chuyên nghiệp, với tư cách một người đấu tranh giải phóng dân tộc và một người cộng sản, Hồ Chí Minh nói tới thân phận con người trên những bình diện ngày càng rộng lớn. Đây không chỉ là thân phận của các cá nhân, mà còn là của các dân tộc, “các chủng tộc thấp kém”… Thật hiếm thấy có tác giả nào theo dõi tỉ mỉ từng trường hợp xúc phạm con người ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới để lên án quyết liệt như Hồ Chí Minh trong những năm 20. Chỉ cần lướt qua nhan đề một loạt bài báo của ông hồi đó, cũng đủ thấy rõ sự quan tâm của ông về thân phận con người sâu sắc và rộng lớn đến mức nào: Tâm địa thực dân, Công cuộc “khai hóa” cao cả, Thù ghét chủng tộc, Khai hóa giết người, Chế độ nô lệ hiện đại hóa, Vực thẳm thuộc địa… Hồ Chí Minh, khi đã trở thành người cộng sản, vẫn không quên đề cao Tuyên ngôn nhân quyền của Cách mạng Pháp, một thành tựu nổi tiếng của nền dân chủ và là “những nguyên lý thời Cách mạng 1789-1793”, ông kêu gọi người Maroc “làm bổn phận của họ là những Con người và những Công dân”, nghĩa là “tổ chức nhau lại và đấu tranh để giành lấy các quyền đó, như người Pháp từng làm hồi 1789” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, tr. 295-298).
Có dựa vào “mô típ” quyền con người và quyền công dân ấy, mới hiểu được tại sao trong Tuyên ngôn độc lập đọc ngày 2.9.1945, Hồ Chí Minh mở đầu bằng lời mà ông coi là bất hủ trích từ Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1791 của Cách mạng Pháp.
Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, trừ Tuyên ngôn độc lập ra, trong những bài nói và bài viết của mình, người ta thấy Hồ Chí Minh không nói, hay rất ít nói, tới vấn đề con người và quyền con người. Theo chúng tôi, điều này một phần là do hoàn cảnh đất nước đã có những thay đổi căn bản. Trước hết, từ chỗ là những người mất nước, người Việt Nam trở thành những người dân của một nước độc lập, hoặc nói cách khác, từ nô lệ trở thành tự do (những phạm trù “nô lệ” và “tự do” này chỉ chung tới cộng đồng dân tộc mà không chỉ riêng từng cá nhân). Từ “con người” do đó, biến thành từ “dân” hay “nhân dân”. Trong giai đoạn này, theo chúng tôi hiểu, khi Hồ Chí Minh nói tới “dân”, “nhân dân” cũng tức là nói tới “con người”.
Thứ hai, trong quá trình cách mạng diễn ra sau Cách mạng tháng Tám,
con người Việt Nam từ chỗ là những người bị áp bức dân tộc nói chung
dần dần được gắn với những vị trí, địa vị xã hội khác nhau, những nhóm
xã hội giai cấp khác nhau. Có “con người – dân”, lại có “con người – cán bộ”. Có “con người – nông dân”, lại có “con người – địa chủ”. Có “con người – lao động”, lại có “con người – bóc lột”…
Nhưng con người Việt nam, nhân dân Việt Nam vẫn được coi như một cộng
đồng dân tộc thống nhất trước họa xâm lăng của nước ngoài. Trong mối
quan hệ này, Hồ Chí Minh thường dùng những cách gọi chung: “quốc dân
đồng bào”, “đồng bào yêu quý”, “quốc dân Việt Nam”… ở đây không có sự
phân chia thành các nhóm xã hội có những lợi ích khác nhau, mà chỉ có
sự phân biệt theo lứa tuổi, công việc, trách nhiệm… trong sự thống nhất
của “chúng ta”. Một ví dụ rõ nhất: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 20 tháng chạp 1946:
“Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng
ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân
nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần
nữa…”.
Từ
những năm 60, khi diễn ra cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hồ Chí
Minh lại dùng nhiều hơn từ ngữ “đồng bào”, hay cụ thể hơn, “đồng bào
miền Bắc”, “đồng bào miền Nam”, “đồng bào cả nước” trong những phát
biểu của ông. Sự phân chia theo các quan hệ xã hội – giai cấp tồn tại
cùng với cách nhìn “cộng đồng dân tộc” biểu hiện ở từ ngữ “đồng bào”
thân thiết ấy. Những từ ngữ ấy cũng được dùng trong Di chúc của Hồ Chí
Minh.
Và, cuối cùng, năm 1968, hơn một năm trước khi mất, Hồ Chí Minh lại dùng từ “con người” trong phần bổ sung di chúc của mình:
“Đầu tiên là công việc đối với con người”.
Khái niệm “con người” ở đây được dùng rất cụ thể để chỉ:
- “những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình – cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong”;
- “các liệt sĩ”;
- “cha mẹ, vợ con” – của thương binh và liệt sĩ;
- “Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong”;
- “phụ nữ”;
- “những nạn nhân của chế độ xã hội cũ như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu…” (xem Bác Hồ viết di chúc, NXB Sự thật, 1989, tr. 1391-41).
Vậy là, bắt đầu hoạt động cách mạng với những khái niệm “con người”, “quyền con người”, Hồ Chí Minh cũng khép lại cuộc đời mình với khái niệm “con người”, tuy với những nội dung có khác nhau…
Nguồn: Tạp chí Tia Sáng