04/06/2017, 23:48

Hãy tìm hiểu "phương pháp tảng băng trôi" trong tiểu thuyết "Ông già và biển cả" của Ernest Hemingway.

Ernest Hemingway là một trong những nhà văn hiện thực hàng đầu của văn học Mĩ thời kỳ hiện đại, thường quan tâm đến các vấn đề xã hội và cuộc sống con người, vì con người không thể chỉ sống cho riêng mình mà phải nghĩ đến người khác”. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của Ernest Hemingway ra đời ...

Ernest Hemingway là một trong những nhà văn hiện thực hàng đầu của văn học Mĩ thời kỳ hiện đại, thường quan tâm đến các vấn đề xã hội và cuộc sống con người, vì con người không thể chỉ sống cho riêng mình mà phải nghĩ đến người khác”. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của Ernest Hemingway ra đời năm 1950, Ông già và biển cả, được sáng tác theo phương pháp mới mà ông gọi là "phương pháp tảng băng trôi".

Ta hãy tìm hiểu phương pháp nghệ thuật độc đáo đó qua một số đoạn trong tiểu thuyết Ông già và biển cả.
 
Ernest Hemingway đã dùng hình ảnh tảng băng trôi để nói về phương pháp sáng tác của mình khi trả lời cuộc phỏng vấn của một nhà báo:
 
“... Nếu không đến nỗi sai lạc quá, tôi muốn so sánh như thế này: tôi muốn viết theo nguyên lí "tảng băng trôi". Bảy phần tám khối lượng của nó còn chìm sâu dưới nước, chỉ có một phần tám là nổi lên cho mọi người nhìn thấy. Như vậy tảng băng sẽ tiến lên một cách chắc chắn và đáng sợ hơn”.
 

Việc đề xướng nguyên lí mới mẻ này xuất phát từ phản ứng của Ernest Hemingway đối với thứ văn chương sáo rỗng, chuộng hình thức hoa mĩ đã tràn ngập văn đàn Hoa Kì từ sau Thế chiến thứ nhất. Chính trong tiểu thuyết Giã từ vũ khí, nhà văn đã từng chế giễu cách dùng từ ngữ, hình ảnh mòn rỗng này.
 
Phương pháp tảng băng trôi được Ernest Hemingway thực hiện bằng cách xây dựng hình tượng nhân vật mới mẻ, độc đáo, với ngôn ngữ tạo âm vang về ngữ nghĩa, gây ấn tượng và cách kể chuyện độc đáo.
 
Về nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật, Ernest Hemingway đã tiết lộ rằng khi bắt đầu cảm thấy cần "trốn chạy mọi sự dễ dãi" (trong sáng tác văn chương), thì phải "khiến cho nhân vật hoạt động thay vì miêu tả họ". Nhân vật trong truyện cửa ông ít nói năng, và khi để nhân vật độc thoại hoặc đối thoại càng là để nhân vật "hành động".
 
Về ngôn ngữ đối thoại trong đoạn “Santiago và con cá kiếm” trích Ông già và biển cả, giữa cuộc chiến đấu giữa người và cá, con cá thì đuối sức, ông già đã mệt lả, nhân vật nhiều lần tự nhủ qua hình thức độc thoại nội tâm:
 
“Phải bình tĩnh lại mới được. Phải bình tĩnh chịu đựng nỗi nhọc nhằn này sao cho xứng là một con người. Hoặc cũng phải được như một con cá”.
 
“– Phải bình tĩnh lại – lão nói bằng một giọng nói mà chính lão cũng còn nghe thấy một cách mơ hồ. Phải bình tĩnh lại!”

 
Những lời tự nhủ chính là phần nổi trên mặt nước của “tảng băng trôi”. Phần ngầm của tảng băng chính là sức chịu đựng của ông già. Trải qua bao lao động cực nhọc ở tuổi 74, nhân vật có thể nhận thức rằng con người có thể chịu đựng gian nguy thử thách để chiến thắng. Đoạn kế tiếp thận ngắn đã diễn tả nỗ lực của nhân vật: lão lại cố để cố ráng một keo nữa (…), mình sẽ cố thêm một lượt nữa (…) Lão lại thử chuyến nữa (…). Cách miêu tả này cho thấy ông già đang tạo dần một sức mạnh mới bên trong niềm tin và ý chí của mình.
 
Ông già và biển cả chỉ có vài mẫu đối thoại hiếm hoi của ông lão với chú bé Manôlin. Trong đoạn cuối tác phẩm, khi ông lão tỉnh dậy, chú bé mang củi và cà phê tới. Những lời đối thoại xoay quanh chuyện đánh cá:
 
– Từ nay hai bác cháu ta lại đi câu với nhau.
 
– Thôi cháu ạ. Bác rủi lắm. Bác chẳng bao giờ còn gặp vận may nữa đâu.
 
– Cháu cóc cần may rủi gì cả. Bác rủi nhưng sẽ có cháu may
 
– … Từ nay hai bác cháu ta lại đi câu với nhau.
 
Ngôn ngữ đối thoại thật giản dị, thể hiện tính cách, tâm lí nhân vật. Ông già và chú bé rất hiểu ý nhau, dù cách biệt về tuổi tác. Cho nên họ không cần kể lể nỗi lòng mà chỉ nói đến những điều đã gắn bó với nhau: biển và cá. Tình cảm của họ thể hiện qua nhu cầu truyền nghề và học nghề. Nếu phân tích đoạn trên, ta thấy lời văn nhắc đi nhắc lại một mối quan tâm (“Từ nay, hai bác cháu ta lại đi câu với nhau”) gợi lên hai nội dung. Một là tạo ra bước phát triển hành động nhân vật: chú bé Manôlin quyết theo ông lão đi biển, dù cha mẹ có cấm đoán. Hai là thể hiện một ý tưởng xuyên suốt toàn bộ tác phẩm: sự tiếp nối giữa hai thế hệ, sự bổ sung quá khứ và tương lai.
 
Cuối cùng, ta thử xét xem thái độ của nhà văn qua cách kể chuyện. Cách kể chuyện của tác giả trong Ông già và biển cả thật khách quan, đôi khi rời rạc một cách cố ý. Tác giả không bình luận bên lề, tránh dùng liên từ gợi liên hệ nhân quả trong khi kể chuyện. Santiagô đã hành động với tất cả quyết tâm và sức mạnh thể chất lẫn ý chí để bắt con cá kiếm và đánh đuổi đàn cá mập. Nhưng cuối cùng ông chỉ còn được bộ xương con cá kiếm. Tác phẩm thể hiện niềm tin của con người vào chính bản thân mình, đồng thời dường như gợi lên nỗi buồn về thân phận con người trên thế gian này. Đó cũng là một phần ngầm khác của “tảng băng trôi” thể hiện thái độ, suy nghĩ của nhà văn một cách kín đáo.
 
Tóm lại, qua hình ảnh “tảng băng trôi” mà Hemingway đã hình tượng hóa phương pháp nghệ thuật của mình, nhà văn miêu tả gián tiếp, miêu tả ngầm nhiều chi tiết về nhân vật, ngôn ngữ, hành vi, tâm trạng – phần chìm của “tảng băng trôi”. Người đọc phải tìm tòi suy nghĩ, liên kết các chi tiết mới nhận ra được các ý nghĩa sâu xa chứa đựng trong tác phẩm.

huynh hao

0 chủ đề

23969 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0