Giải thích và chứng minh rằng: “Thơ văn đạo lí của Nguyễn Đình Chiểu thể hiện đạo làm người trong cuộc đời thường và thơ văn yêu nước của ông thể hiện đạo làm người khi đất nước bị xâm lược”.
Nguyễn Đình Chiểu đã sống trong một thời đại lịch sử "khổ nhục nhưng vĩ đại" nửa sau thế kỷ XIX. Khổ nhục vì giai cấp phong kiến hèn nhát đầu hàng Pháp, các phong trào yêu nước lần lượt bị thất bại. Vĩ đại vì sự quật khởi mãnh liệt của nhân dân ta đưa đến sự kết hợp gắn bó giữa tư tưởng ...
Nguyễn Đình Chiểu đã sống trong một thời đại lịch sử "khổ nhục nhưng vĩ đại" nửa sau thế kỷ XIX. Khổ nhục vì giai cấp phong kiến hèn nhát đầu hàng Pháp, các phong trào yêu nước lần lượt bị thất bại. Vĩ đại vì sự quật khởi mãnh liệt của nhân dân ta đưa đến sự kết hợp gắn bó giữa tư tưởng nhân dân với tư tưởng yêu nước của thời đại. Chính điều này đã chắp cánh cho thơ văn Đồ Chiểu: tư tưởng đạo lí truyền thống của nhân dân phát triển thành tư tưởng yêu nước chống xâm lược khi ...
Ta hãy giải thích và chứng minh ý kiến trên qua một số thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu.
Sáng tác văn chương để phát huy đạo lí là tôn chỉ của nhà nho: "Văn dĩ tải đạo". Chính Nguyễn Đình Chiểu đã khẳng định nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ đạo lí của văn chương:
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khắm;
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
(Than đạo)
Tuy nhiên, khác với thơ văn nặng nề thuyết lí đạo đức theo hệ thức phong kiến, nội dung thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu được đúc kết từ đời sống hằng ngày của nhân dân, là đạo đức nhân dân và thể hiện rõ nét trong Truyện Lục Văn Tiên.
Truyện Lục Vân Tiênđã ca ngợi các mặt khác nhau của đạo làm người trong cuộc đời thường qua một số nhân vật tiêu biểu. Trước hết là nhân vật trung tâm Lục Vân Tiên, một thư sinh có hoài bão cao đẹp:
Làm trai trong cõi thế gian
Phò đời giúp nước phơi gan anh hào.
Chàng còn là một con người hiếu thảo, nghe tin mẹ mất, đau xót khóc than đến mù mắt:
Hai hàng lụy ngọc nhỏ sa
Trời Nam đất Bắc xót xa đoạn trường.
Nếu "trai thời trung hiếu" là chàng thư sinh họ Lục thì "gái thời tiết hạnh" chính là nhân vật Kiều Nguyệt Nga. Nguyệt Nga tiết hạnh, giữ lòng chung thủy, dù trải bao gian nan thử thách, kể cả cái chết cũng chẳng đồi dời:
Nàng rằng trước đã trọn nguyền
Dẫu thay mái tóc, phái nhìn môi ta.
Ngoài Vân Tiên và Nguyệt Nga, các nhân vật khác cũng thể hiện rất rõ "đạo làm người trong cuộc đời thường".
Nhân vật Hớn Minh nghĩa khí "kiến ngãi bất vi" là "phí anh hùng", cho nên gặp kẻ gian tà thì sẵn sàng trừng trị:
Tôi bèn nổi giận một khi
Vật chàng xuống dó bẻ đi một giò.
Còn Vương Tử Trực trọng nghĩa bằng hữu, đã từng lên án thói bội bạc, vô luân của gia đình họ Vô:
Nói sao chẳng biết hổ thầm
Người ta há phải là cầm thú sao?
Tiểu đồng mến chủ, tận tụy lo toan cho Vân Tiên trong cơn hoạn nạn, rồi thờ cúng mồ chủ trong mấy năm dài:
Tiểu đồng trước giữ mộ phần
Ngày qua tháng lại đã gần ba năm.
Ông ngư có tấm lòng trọng nghĩa nhân thật đáng quý:
Ngư rằng lòng lão chăng mơ,
Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn.
Ông tiểu thi ân bất cầu báo:
Già hay thương kẽ thảo ngay
Làm ơn mà lại trông người sao hay?
Vừa ca ngợi những tấm gương sáng của đạo làm người, tác phẩm còn lên án những thói bội bạc, gian tà, vô nhân qua một số nhân vật phản diện xấu xa.
Trước hết, gia đình họ Võ chê bai chàng rể đui mù nên bội hôn, lại mưu hại người một cách bất nhân:
Ra đi đương lúc tam canh
Dắt vào hang tối bỏ đành Vân Tiên.
Rồi gã Trịnh Hâm hiểm ác, chỉ vì lòng đố kị mà hại bạn một cách tàn nhẫn:
Trịnh Hâm khi ấy ra tay
Vân Tiên bị gã xô ngay xuống vời.
Sau hết là "chàng Bùi Kiệm máu dê" dâm ô, đã ép duyên vợ của bạn bằng những lời lẽ vô liêm sỉ:
Lăng vân trắc nết hết đời cũng ma.
Xã hội trong Truyện Lục Vân Tiên không chỉ hiện diện bọn Trịnh Hâm, Bùi Kiệm gian hiếm, bọn Đặng Sinh ỷ thế làm càn, bọn tham vàng bỏ nghĩa Võ Công, mà còn nhiều bộ mặt xấu xa gian ác khác. Dối trên ép dưới, ghen hiền ghét ngỏ là thái sư trong triều, gian dối lừa đảo, sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi là lũ thầy thuốc, thầy bói, thầy cúng, ... Chứng đối lập với những con người sáng ngời đạo đức như Vân Tiên, Nguyệt Nga, Hớn Minh, Tử Trực. Tuy trải qua nhiều gian nan nguy hiểm nhưng cuối cùng những người tốt vẫn được hưởng sung sướng, hạnh phúc. Đó chính là giấc mơ lớn về cuộc sống tốt đẹp với những con người tốt đẹp, sống theo đạo lí của nhân dân, như nhân dân mơ ước.
Năm 1859, thực dân Pháp xâm lược nước ta, Nguyễn Đình Chiểu sáng tác thơ văn theo một hướng mới. Mảng thơ văn đạo lí về cuộc đời thường đã phát triển một bậc, trở thành thơ văn yêu nước, với hai nội dung chủ yếu: tố cáo tội ác của giặc và ca ngợi những tấm gương yêu nước sáng ngời. .
Bài thơ Chạy Tây mở đầu bộ phận thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu, đã cực tả cảnh tàn phá quê hương Nam Bộ dưới gót giày xâm lược của giặc Pháp:
Bến Nghé của tiền tan bọt nước;
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.
Cho nên, nhân dân ta căm thù. Lúc đầu, nghe thây kẻ thù hôi tanh nên ghét:
Mùi tinh chiên vấy vả đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ.
(Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)
Sau đó, kẻ thù hiện hình cụ thể ngay trước mắt, toàn màu gay gắt "trắng lốp", "đen sì", lòng căm ghét của họ chuyển sang căm thù:
Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan;
Ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ.
(Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)
Cảnh chạy giặc của nhân dân làm Đồ Chiểu xót xa:
Bỏ nhà lủ trẻ la xơ chạy,
Mất ổ dàn chim dáo dác bay.
(Chạy Tây)
Cảnh nô lệ của nhân dân làm Đồ Chiểu đau đớn:
Kể mười mấy năm trời khốn khó, bị tù, bị đày, bị giết, trẻ già nghe nào xiết đếm tên;
Đem ba tấc hai mọn bỏ liều, hoặc sông, hoặc biển, hoặc núi, hoặc rừng, quen lạ thấy đều rơi nước mắt.
(Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc)
Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu còn vạch mặt bọn người theo giặc, phản bội quê hương, bọn "theo quân tả đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc" đế "ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì", những kẻ tham danh cầu lợi "ăn dơ tanh rình, đổi hình tóc râu":
Thảo ngay chẳng biết, lỗi nghi thiên luân.
Rốt cuộc sẽ:
Lung lòng nhân dục, chuốc tai họa trời.
(Ngư Tiểu y thuật vấn đáp)
Bên cạnh thơ văn tố cáo tội ác của thực dân Pháp xâm lược và vạch mặt bọn người phản bội quê hương, Nguyễn Đình Chiểu còn ca ngợi những người yêu nước. Đây là mảng thơ có giá trị hàng đầu trong bộ phận thơ văn yêu nước chống Pháp vào cuối thế kỉ XIX. Khi giặc mới đặt chân lên Nam Bộ, Nguyễn Đình Chiểu đã xúc động biểu dương những người "dân ấp, dân lân". Họ là những nông dân lam lũ làm ăn, nhưng vì mến nghĩa nước nhà nên tự nguyện chiến đấu và dũng cảm hi sinh. Qua thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, họ trở thành những người anh hùng mang tầm vóc lịch sử:
Thác mà trá nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chung đều khen;
Thác mà ưng đinh miếu để thờ, tiếng ngay trái muôn đời ai cũng mộ.
(Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc)
Khi triều đình hàng giặc, cắt đất cầu hòa, lại bắt người kháng chiến buông gươm, giữa trang thơ văn Nguyễn Đình Chiểu vẫn rạng ngời hình ảnh lãnh tụ nghĩa quân Trương Định hiên ngang chống giặc:
Núi đất nửa năm ngăn giặc, nào thành đồng lũy sắt các nai;
Giáo tre ngàn dặm đánh Tây, là ngựa xe giáp nhung mấy cái.
(Văn tế Trương Công Định)
Hình ảnh nghĩa sĩ Phan Tòng bất khuất:
Anh hùng mà thác chẳng đầu Tây,
Một giấc sa trường phận củng may.
(Thơ điếu Phan Công Tòng)
Đến khi Nam Bộ hoàn toàn rơi vào tay giặc, sau đó cả đất nước chìm vào vòng nô lệ, thì chính người trí thức Kì Nhân Sư tự xông mù đôi mắt để kiên quyết bất hợp tác với kẻ thù, thà bỏ đi cái sáng mắt để giữ vẹn cái sáng lòng:
Sự đời thà khuất đôi tròng thịt
Lòng đạo xin tròn một tấm gương.
(Ngư Tiều y thuật vấn đáp)
Tóm lại, thơ văn đạo lí của Nguyễn Đình Chiểu xuất phát từ truyền thống đạo lí của dân tộc, ca ngợi đạo làm người trong cuộc đời thường, có giá trị giáo dục sâu sắc. Còn thơ văn yêu nước của ông "không đi bên lề các cuộc khởi nghĩa, mà trực tiếp tham gia vào phong trào kháng chiến như một thành viên thực sự. Nó giải quyết những khúc mắc về tư tưởng, động viên tinh thần nghĩa sĩ và nhân dân. Vì vậy nó cũng hầu như mang nguyên vẹn cái âm điệu bi hùng của cuộc sống và con người thời đại". (Phạm Văn Phúc).