18/06/2018, 17:08

Sông Thoại Hà được vét năm 1817 hay 1818

Nguyễn Văn Nghệ Sông Thoại Hà trước khi được ban tên Thoại Hà có tục danh là sông Ba Rạch (đọc theo âm Hán Việt là Tam Khê). Sách Đại Nam nhất thống chí cũng như Đại Nam liệt truyện đều chép: “Năm Gia long thứ 17[1818] sai Trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thụy sửa ...

1_72657.jpg

Nguyễn Văn Nghệ

        Sông Thoại Hà trước khi được ban tên Thoại Hà có tục danh là sông Ba Rạch (đọc theo âm Hán Việt là Tam Khê). Sách Đại Nam nhất thống chí cũng như Đại Nam liệt truyện đều chép: “Năm Gia long thứ 17[1818] sai Trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thụy sửa sang đường thủy, bắt người Kinh, người Thổ 1500 người, nhân đường cũ mà đào vét cho sâu rộng hơn một tháng thì xong, từ đấy mới có đường thông với Kiên Giang rất là tiện lợi. Cho gọi tên sông là “Thụy Hà”, để biểu dương công lao của Nguyễn Văn Thụy”(1).

       Theo hai tài liệu trên thì công việc vét sông được tiến hành vào năm Mậu Dần[1818]

       Sách Đại Nam thực lục và Quốc triều chính biên toát yếu ghi chép công việc vét sông Tam Khê được tiến hành vào tháng 11 năm Đinh Sửu, Gia Long thứ 16[1817] “hơn một tháng sông vét xong”(2). Gần đây, trong tác phẩm Lịch sử Việt Nam tập 5 cũng dẫn nguồn tài liệu trên: “ Tháng 11 năm Đinh Sửu(1817), Gia Long cho tổ chức nạo vét sông Tam Khê,…Hơn một tháng sông vét xong( ngang hơn 10 trượng, sâu 18 thước)”(3)

       Cũng cùng một sự kiện xảy ra, nhưng sách thì bảo là công việc được tiến hành vào tháng 11 năm Đinh Sửu[1817], sách thì bảo là công việc được tiến hành vào năm Mậu Dần[1818]. Vậy con số chính xác là năm nào?

       Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức soạn xong và dâng lên vua Minh Mạng vào tháng 5 năm Canh Thìn[1820](4) (sách được soạn xong sau sự kiện vét sông Ba Rạch – sau khi vét xong ban tên là Thoại Hà- khoảng 2-3 năm) chép về sông Thoại Hà (sách chỉ có phần dịch nghĩa và phần chữ Hán, không có phiên âm) xin phiên âm: “Thoại Hà tục danh Ba Rạch, quảng bát tầm, thâm thập tứ xích,…Gia Long thập lục niên, thập nhất nguyệt, khâm mệnh Vĩnh Thanh trấn, Trấn thủ Thoại Ngọc hầu dịch Hoa, Di đinh phu nhất thiên ngũ bách, quan cấp tiền, mễ, tiễn phạt sơ thông” ( Thoại Hà tục gọi Ba Rạch, rộng 8 tầm, sâu 14 thước ta,…Tháng 11 niên hiệu Gia Long thứ 16[1817] vua sai Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh là Thoại Ngọc hầu điều dân Việt và dân Thổ 1500 người, cấp cho gạo tiền để chặt cây cối đào vét cho thông) (5).

        Vậy theo Gia Định thành thông chí sự kiện vét sông Ba Rạch được bắt đầu từ tháng 11 niên hiệu Gia Long thứ 16 giống như sách Đại Nam thực lục và Quốc triều chính biên toát yếu. Nhưng cũng trong tác phẩm Gia Định thành thông chí khi chép về núi Thoại Sơn thì có khác: “ Thoại Sơn tục danh núi Sập, tại Vĩnh Định huyện,…Gia Long thập thất niên, Mậu Dần, tứ nguyệt. Khâm mệnh Vĩnh Thanh trấn, Trấn thủ Thống chế Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại kinh lý hà đạo thành, ngự tứ kỳ sơn viết Thoại Sơn”( Thoại Sơn tục gọi núi Sập, ở huyện Vĩnh Định,…Tháng 4 năm Mậu Dần, niên hiệu Gia Long thứ 17[1818] vua sai Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh là Thống chế Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại kinh lý đường sông, việc hoàn thành, vua ban cho tên núi là Thoại Sơn)(6).Cụ Trịnh Hoài Đức đã làm cho hậu thế phân vân không xác định được việc vét sông Ba Rạch (sau cải tên là Thoại Hà) diễn ra vào năm nào. Tháng 11 năm Gia Long thứ 16[1817]  hay trước tháng 4 năm Gia Long thứ 17[1818]?

         Theo như bia Thoại Sơn được khắc vào sau tiết Đông chí năm Nhâm Ngọ(sau tiết Đông chí năm Nhâm Ngọ chỉ còn 9 ngày nữa là bước sang năm dương lịch 1823), Minh Mạng thứ 3( Tuế tại Minh Mạng tam niên, Nhâm ngọ, Đông chí hậu): “ Đinh Sửu thu, lão thần khâm mông đặc thụ quản Vĩnh Thanh trấn phù. Mậu Dần chi xuân, phụng chỉ đổng đốc tuấn Đông Xuyên cảng đạo”( Mùa thu năm Đinh Sửu[1817] lão thần kính, được vua trao cho ấn phù giữ trấn Vĩnh Thanh. Mùa xuân năm Mậu Dần[1818] vâng chỉ đốc suất đào kinh Đông Xuyên).Từ “ cảng” trong “Đông Xuyên cảng”được hiểu là kinh Đông Xuyên hoặc sông Đông Xuyên.Theo Hán – Việt tự điển của Thiều Chửu, “cảng” là sông nhánh, ngành sông. Sông lớn có một dòng chảy ngang ra mà đi thuyền được, gọi là cảng).Đại Nam thực lục không gọi là kinh Đông Xuyên mà gọi là sông Tam Khê .

       Sông Tam Khê (Đông Xuyên) được vét vào “Mậu Dần chi xuân”(mùa xuân năm Mậu Dần[1818])và chỉ vét hơn 1 tháng thì hoàn tất. Vậy sông được khởi công vét vào trong mùa xuân năm Mậu Dần và hoàn tất cũng trong mùa xuân năm Mậu Dần[1818], để rồi hơn 1 tháng sau đó tức vào tháng 4 âm lịch năm Mậu Dần có sự kiện Thoại Ngọc hầu “kinh lý đường sông”(Mậu Dần, tứ nguyệt. Khâm mệnh Vĩnh Thanh trấn, Trấn thủ Thống chế Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại kinh lý hà đạo thành, ngự tứ kỳ sơn viết Thoại Sơn).

    Trong tác phẩm Nam Bộ vài nét lịch sử- văn hóa của Tiến sĩ Sử học Trần Thuận ghi: “Văn bia cho biết năm Mậu Dần(1818) Thoại Ngọc hầu điều động quân binh cùng hàng vạn dân công người Việt và Khmer đào kênh Thoại Hà”(7)

Số lượng dân công gồm người Việt và  Cao Miên là 1.500 người (đinh phu nhất thiên ngũ bách) mà thôi chứ làm gì mà lên đến con số “hàng vạn dân công”!

       Theo bia Thoại Sơn thì công việc vét sông Thoại Hà được tiến hành vào mùa xuân năm Mậu Dần (1818). Vậy năm nay là năm kỷ niệm 200 năm( 1818-2018) công việc khởi công cũng như hoàn tất việc vét sông Thoại Hà.

        Trong 200 năm qua, sông Thoại Hà ngoài việc góp phần phục vụ sản xuất nông nghiệp, thoát lũ và còn là tuyến giao thông đường thủy tiện lợi phục vụ giao thương. Hậu thế luôn tri ân các bậc tiền nhân đã hoạch định cũng như thi công để hoàn thành công trình sông Thoại Hà.

Chú thích:

1 – Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí tập 5, Nxb Thuận Hóa, tr 179.

    – Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện tập 2, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tr 459.

    – Các dịch giả khi phiên âm từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ đều ghi: “Nguyễn Văn Thụy” hoặc “Thụy Hà”. Người Miền Nam gọi là: “ Nguyễn Văn Thoại” hoặc: “Thoại Hà”.

2- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, tr 958.

   -Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chính biên toát yếu tập 1, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1998, tr 134.

3- Trương Thị Yến( Chủ biên), Lịch sử Việt Nam tập 5, Nxb Khoa học Xã hội Hà Nội- 2013 (sách Nhà nước đặt hàng)

4- Quốc sử quán triều Nguyễn , Đại Nam thực lục tập 2, Nxb Giáo dục, tr 63.

5 – Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí ( Lý Việt Dũng dịch và chú giải), Nxb Tổng hợp Đồng Nai. Phần dịch nghĩa trang 84. Phần chữ Hán không có phiên âm, trang 150 (tính ngược từ sau ra trước).

6- Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Sđd, Phần dịch nghĩa trang 66. Phần chữ Hán không có phiên âm, trang 117  (tính ngược từ sau ra trước)

7- Trần Thuận, Nam Bộ vài nét lịch sử – văn hóa, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, TP.HCM-2014,tr 184.

 

 

 

 

 

 

 

0