Hai anh em Bính và Đinh
Có hai anh em một nhà họ Nguyễn: anh tên là Bính đã có vợ, còn em tên là Đinh thì còn bé, chưa vợ con gì. Từ ngày bố mẹ mất, Đinh sống chung với anh chị một nhà. Nhưng tính của vợ chồng Bính tham lam, thường coi em như kẻ ăn người ở. Bao nhiêu ruộng tốt, nhà gạch và đồ đạc quý giá của bố mẹ để ...
Có hai anh em một nhà họ Nguyễn: anh tên là Bính đã có vợ, còn em tên là Đinh thì còn bé, chưa vợ con gì. Từ ngày bố mẹ mất, Đinh sống chung với anh chị một nhà. Nhưng tính của vợ chồng Bính tham lam, thường coi em như kẻ ăn người ở. Bao nhiêu ruộng tốt, nhà gạch và đồ đạc quý giá của bố mẹ để lại, Bính giành lấy tất cả. Đã thế đối với em, vợ chồng Bính thường tiếng chì tiếng bấc suốt ngày. Đinh lớn lên thấy khó chiều ăn ở, bèn xin ra ở riêng. Vợ chồng Bính chia cho Đinh một gian nhà tranh, mấy đám ruộng xấu, một ít đồ đạc lặt vặt không đáng kể và nói:
- Của bố mẹ ngày xưa để lại chả có gì. Tư cơ của anh chị hiện nay là do anh chị làm ra. Anh chị chia cho em như vậy là hậu với em lắm đó!
Đinh làm việc quần quật mà chẳng khá hơn chút nào. Năm hơn 20 tuổi, anh vẫn chưa lấy được vợ. Vì nợ nần nên lần lượt những đám ruộng anh được chia đều lọt về tay người khác. Đinh hàng ngày phải đi làm thuê hoặc lên rừng kiếm củi nuôi thân. Mặc dầu người anh ruột chẳng ngó ngàng gì đến, Đinh vẫn không chút phàn nàn.
Một ngày như lệ thường, Đinh đi làm thuê cho một phú ông. Lúc về đến nhà thì trời đã tối mịt. Sắp bước vào ngõ, anh bỗng va phải một người nằm co bên vệ đường. Đinh cúi xuống đỡ dậy nhưng người ấy mấy lần gắng gượng mà vẫn không đứng nổi. Bèn kiếm đuốc ra soi thì thấy đó là một ông lão gầy gò rách rưới, nằm mê man lại phóng uế ra bên cạnh, mùi hôi thối xông lên nồng nặc. Đinh lấy làm thương hại, vội vực ông lão vào nhà lau rửa rồi đặt lên giường xoa bóp. Được một lát hơi tỉnh, ông lão rên rỉ nói mình ở làng bên cạnh, ngày thường vẫn đi ăn mày, nhân đến đây bị cảm không thể đi được, đành nằm vật xuống rồi mê man không biết gì nữa. Đinh nghe nói thế, bèn đi kiếm lá nấu lên cho ông lão xông. Nhờ vậy mà ông dần dần khỏe ra. Đinh lại thổi cơm mời ông dậy ăn. Ông lão không từ chối. Đinh ngạc nhiên thấy ông tuy yếu mà ăn rất khỏe, anh phải bớt bát nhường cho khách. Ăn xong ông lão lại đắp chiếu nằm ngủ. Tiếng ngáy, tiếng khạc của ông lầm rầm suốt đêm. Độ ba bốn lần Đinh đang ngủ ngon giấc, bị ông lão đánh thức dậy bảo đưa mình đi giải. Đinh vẫn không cho thế là phiền.
Sáng hôm sau, Đinh lại dậy sớm thổi cơm rồi thức ông lão dậy ăn. Nhưng lần này ông lão không ăn nữa, cất tiếng dõng dạc bảo Đinh:
- Con thật là một người tốt bụng. Chả lẽ một người tốt bụng mà phải chịu nghèo khó mãi ru! Từ tối hôm qua con đã hết lòng giúp ta. Vậy ta cũng có ít nhiều gọi là giúp lại con. Con hãy mang ra đây cho ta một cái chậu và một cái gáo.
Vâng theo lời ông lão, Đinh mang chậu và gáo đến. Anh không ngờ ông lão sau khi hứng chậu sát vào mặt, tay cầm cán gáo bất thình lình đánh vào mũi mình mấy cái thật mạnh. Đinh ngơ ngác tưởng ông lão điên, vội giành lấy gáo. Nhưng ông khách, tuy già mà rất khỏe, xô Đinh ra rồi cứ đập mạnh vào mũi mình. Tự nhiên máu ở mũi ông tuôn ra như xối, được một lát thì đầy chậu. Đinh đang sửng sốt vì hành động kỳ lạ, chợt nhìn kỹ vào chậu thì lạ thay, máu đã đông lại thành một chậu vàng. Anh chưa biết nói thế nào thì thoáng một cái ông lão đã biến đi đâu mất.
Từ đấy Đinh trở nên giàu có: anh tậu vườn, làm nhà ngói tường dắc, sắm mọi thứ đồ đạc quý giá, lại cưới được một cô vợ đẹp. Vợ chồng Bính nghe tin Đinh tự nhiên khấm khá hẳn lên thì rất đỗi ngạc nhiên. Hai người tìm đến nhà em làm bộ vồn vã thăm hỏi. Trong câu chuyện, Bính cố dò la để hỏi cho ra cơn cớ vì đâu mà một đứa trẻ như Đinh với mấy đám ruộng còi lại tự nhiên giàu bốc lên đột ngột như vậy. Đinh không giấu giếm tý nào cả. Anh kể tỉ mỉ nào là gặp tiên ông giả làm ông lão bị cảm như thế nào, anh chăm sóc ông như thế nào, và ông tiên đã đập mũi cho máu chảy thành vàng để trả ơn ra sao. Hai vợ chồng Bính nghe xong còn hỏi kỹ mặt mũi hình dáng ông tiên và tỏ vẻ ao ước được gặp ông để có may mắn như Đinh vừa kể.
Ít lâu sau, một hôm Bính đi chơi về đến cổng làng gặp một ông lão râu tóc bạc, quần nâu áo vá đang chống gậy lần từng bước. Bính nhìn đi ngắm lại nét mặt ông lão, thấy hao hao giống với ông tiên mà em mình kể chuyện lần trước. Lập tức, hắn tiến đến khẩn khoản mời ông về chơi nhà mình. Ông lão lấy làm ngần ngại, ngỏ lời từ chối, nói mình còn bận. Nhưng Bính đã miệng mời tay kéo, cố nèo ông về cho được. Đến nhà, hắn đưa ông ngồi lên sập, rồi giục vợ mua rượu làm gà, dọn cỗ linh đình mời ông xơi. Thấy ông lão một mực từ chối, hai vợ chồng lại càng mời già; họ thay nhau hầu hạ rất kính cẩn, lại ép ông phải ăn uống thật no say, và nói:
- Xin tiên ông cứ thật tình cho, chúng tôi chỉ trông nhờ vào cái mũi của tiên ông mà thôi!
Ông lão tỏ ý không hiểu câu chuyện ra sao cả, mấy lần lắc đầu từ chối nói:
- Có lẽ anh chị nhầm lẫn, lão đây có phải là tiên ông đâu!
Đoạn cầm lấy cây gậy toan bước ra cửa. Nhưng hai vợ chồng nào có nghe, họ cố giữ lại, ép ông lão ăn xong, lại trải chiếu quạt màn mời ông lão ngủ. Khi ông lão vừa đặt lưng xuống thì hai vợ chồng đã sắp sẵn một cái chậu lớn đặt ở dưới sập.
Sáng hôm sau, ông lão ngủ dậy sớm, định cáo từ ra về. Nhưng ông làm sao mà thoát được. Hai vợ chồng Bính đã lôi cái chậu ở dưới sập ra hứng sát vào mặt ông lão, tay cầm một cái dùi đục đưa cho ông. Ông lão ngơ ngác không biết để làm gì, từ chối không cầm. Mấy lần Bính toan gõ vào mũi ông, ông lão sợ hãi run lập cập lấy tay che mũi. Bính nói:
- Thôi, xin tiên ông đừng thử nữa. Tôi xin ngài đầy chậu này mà thôi.
Nói xong, hắn bảo vợ giữ nghiến lấy tay ông lão, còn mình thì cầm dùi đục giương thẳng cánh đập vào mũi cụ già. Chỉ một giáng, máu mũi ông tuôn ra như xối. Bính mừng khấp khởi, nói với vợ:
- Quả y như lời chú nó thật. Chúng ta sắp sửa đấy chậu vàng!
Thấy máu ngừng chảy, hắn lại bồi thêm cho ông mấy cái nữa, làm ông ngã lăn ra, nhìn lại thì thấy ông bị gãy luôn một lúc mấy cái răng, máu tuôn lênh láng. Đau quá, nhưng ông lão cũng cố giẫy giụa rán sức kêu xóm kêu làng.
Nghe tiếng kêu cứu, dân xóm đổ tới rất đông. Hỏi hai vợ chồng Bính tại sao tư nhiên vô cớ đón ông lão về đánh ông gãy răng như vậy, thì chúng không biết làm sao mà trả lời. Hỏi ông lão thì ông thều thào nói không ra hơi, chỉ cho biết mình là nghề bán tương ở làng bên cạnh. Người ta vội mách cho con cái ông lão biết. Đứa con ông lão này lòng giận bừng bừng sôi lên, vội ba chân bốn cẳng chạy đến nhà Bính. Khi thấy bố mình nằm giữa vũng máu thì hắn liền gô cổ hai vợ chồng Bính xuống nện cho một trận nên thân. Đoạn võng bố về phát đơn kiện lên quan.
Thế là vợ chồng Bính không những mất một số tiền khá lớn để chạy chữa cho ông già, mà còn mất bao nhiêu là tiền để đấm mõm bọn quan nha hào lý. Mặc dầu thế, quan vẫn khép Bính vào điều luật "độc đả cao niên", bắt hắn nọc đánh ba mươi trượng.
KHẢO DỊ
Trong sách Pan-cha-tan-tơ-ra (Panchatantra) có truyện tương tự:
Một người lái buôn rơi vào cảnh nghèo túng và định đổi nghề làm thầy tu. Một đêm nằm chiêm bao thấy một vị thần là Pat-ma-ni-đi, hiện thân của chín kho vàng ở Ku-ve-ra, hứa giúp cho hắn trở nên giàu có. Theo lời dặn thì ngày mai thần sẽ đến nhà dưới hình thức một thầy tu ăn xin. Người lái buôn chỉ có việc đánh một gậy vào đầu thầy tu ấy để nó biến thành vàng. Việc xảy ra như trong giấc mộng, người lái buôn trở nên giàu có lên. Nhưng một phó cạo nhìn trộm thấy được, bèn bắt chước người lái buôn, mời các thầy tu đến nhà và khi họ đã vào rồi, hắn cầm gậy phang vào đầu họ. Kết quả hắn bị những người lính tuần phòng xông vào tóm cổ giải đi.
Các truyện trên có lẽ bắt nguồn từ truyện Vua nước Ba-la-nại (Bénarès) nghe tiếng gọi ở bãi tha ma trong Tạp bảo tàng kinh (được dịch ra chữ Hán từ năm 472):
Xưa ở Ba-la-nại có một ông vua tên là Bơ-ra-ma-ya-xa, đêm nào cũng nghe ở bãi tha ma có tiếng gọi: "Ôi vua! Ôi vua!" đến ba lần. Vua kể lại cho các thầy Bà-la-môn, các nhà chiêm tinh, thầy bói để hỏi ý kiến. Họ đáp: "Nên cho một người nào can đảm ra đấy xem sao". Vua treo giải năm trăm đồng vàng cho người nào dám ra chỗ ấy. Có một chàng mồ côi nghèo khổ nhận đi. Khi nghe tiếng gọi, hắn hỏi, thì có tiếng đáp: "Ta là kho vàng chôn cất ở vùng Tai-sò. Đêm nào ta cũng gọi vua để đưa vàng đến cho vua mà vua không hề trả lời. Nay anh đáp lời thì ta cho riêng anh. Ngày mai ta cùng bảy người nữa đến nhà đấy". "Tôi phải làm gì để đón tiếp đây?". "Quét dọn nhà cho sạch, cắm hoa và trang hoàng. Dọn ăn cho bảy nhà sư và ta. Khi cho uống thì anh cầm gậy lần lượt đánh vào đầu mỗi người, và chỉ cho họ đi vào nơi mà anh chuẩn bị chứa của". Chàng ta trở về kiếm điều nói dối vua. Với năm trăm đồng vàng tiền thưởng anh về lo liệu mọi thứ, lại có một phó cạo đến cạo mặt cho mình. Quả nhiên khách y hẹn đến, anh lần lượt giáng gậy vào đầu mỗi người và bỗng dưng họ biến thành những vại tiền vàng. Phó cạo nhìn trộm qua khe cửa thấy thế, cũng bắt chước mời tám thầy tu đến nhà mình và cũng nện cho mỗi người một gậy y như chàng mồ côi đã làm. Nhưng mấy thầy tu bị đánh nằm lăn lóc trong vũng máu, trừ một người thoát được kêu cứu ầm ĩ. Vua sai bắt phó cạo giải đến. Hắn kể cho vua nghe đầu đuôi. Vua sai người đến khám nhà chàng mồ côi, nhưng khi họ toan chiếm kho vàng thì vàng đã biến thành những con rắn độc, miệng phun ra lửa. Vua phán: "Của ấy thật là sở hữu của nó!".
Một số truyện dưới đây có chủ đề "giàu sang có số" với hình tượng vàng biến thành rắn, khi nó vào tay kẻ không xứng đáng được hưởng. Ví dụ:
Truyện Việt Nam do người miền Nam kể: Cô hồn đền ơn.
Một ông bá hộ chăm cúng cô hồn vào ngày rằm tháng bảy. Một người hàng dầu đầu đêm ngủ ở bãi tha ma nghe ma nói chuyện với nhau rằng: "Ông ấy có lòng tốt nhưng cúng không tinh khiết vì lá chuối vấy máu". Hắn kể lại cho ông bá hộ nghe. Ông này biện một lễ cúng khác. Đêm lại, người hàng dầu lại nghe ma nói với nhau: "Lễ cúng lần này vẫn ô uế vì nấu phải củi chuồng lợn". Nghe người hàng dầu mách, bá hộ vẫn không nản, bèn nhờ nhà chùa biện lễ cúng lần thứ ba. Hôm sau, người hàng dầu nghe chúng nói: "Một trăm ngày nữa sẽ đền ơn". Vì tham lam, hắn không thông báo tin này cho bá hộ. Đúng ngày, hăn rình ở cửa nhà bá hộ quả thấy có ma khiêng ba cái chum đến đặt trước sân. Mở ra hắn thấy vàng bạc nhưng khi thò tay vào thì lại là rắn. Hắn sợ rụt tay lại, thì rắn lại hóa ra vàng bạc như cũ. Hắn bèn gõ cửa làm bộ báo tin cho bá hộ để lấy công. Bá hộ đền ơn bằng cách biếu hai thoi vàng, hai thoi bạc. Hắn ra chợ uống rượu say bị người ta lấy cắp, cuối cùng về tay không.
Truyện do người miền Bắc kể Hũ vàng hũ rắn:
Một người nọ đi cày đào được một cái hũ, mở ra thấy có vàng. Anh để lại chỗ cũ. Về kể lại với vợ, vợ bảo: "Anh ngốc thế! Sao không mang về?". "Nếu là của trời cho thì trời phải đưa đến nhà chứ". "Nếu có ai biết họ lấy mất thì sao?". "Không ai lấy được cả. Mà nếu ai lấy được, tức là trời không cho ta". Lúc ấy có một tên trộm đang rình ở sau nhà, nghe nói vậy bèn ra đồng mang hũ vàng về nhà. Không ngờ khi mở ra xem thì là một hũ lúc nhúc những rắn. Cho là vì người nọ nói láo làm cho mình mắc hợm, hắn bèn mang hũ đến vứt vào nhà người kia, định bụng để rắn cắn cả nhà cho bõ ghét. Sáng dậy, người kia mở cửa thấy cái hũ, mở ra xem thì là một hũ vàng. Hắn bảo vợ: "Tao nói có sai đâu. Của trời cho thì trời phải mang đến tận nhà!".
Giống truyện của ta, người Tày kể như sau:
Một ông già đào được một hũ bạc thỏi. Ông ta đậy lại như cũ rồi về, đêm lại, kể cho vợ biết. Vợ hỏi vì sao không lấy về, thì ông đáp: "Đây mới là đất cho. Đất cho nhưng trời chưa cho, thì chưa lấy". Cũng có hai tên trộ đang rình sau nhà, nghe được câu chuyện của hai vợ chồng. Chúng cũng vội lẻn ra chiếm lấy hũ bạc, nhưng khi thò tay vào khoắng thì thấy một hũ đầy rắn. Giận ông già bịa chuyện lừa, chúng bèn khiêng hũ đến nhà trèo lên mái vạch tranh ra rồi dốc hũ xuống định cho rắn bò vào giường cắn cho bõ ghét. Nhưng không ngờ khi rắn rơi xuống đều hóa thành bạc thoi. Ông già tỉnh dậy bảo vợ: "Đấy, bây giờ trời mới cho chúng ta đấy!".
Hai tên trộm thấy vậy chỉ còn biết vào lạy lục xin hai ông bà già cho họ một ít.
Người Miến-điện (Myanmar) thì lại kể như sau:
Có hai vợ chồng người kiếm củi cầu khấn mong được của. Thần cây me báo mộng cho cả hai: Đi quá ba bước từ cây me đầu làng về phía Đông sẽ được hũ vàng. Hai vợ chồng tỉnh dậy kể cho nhau biết giấc mộng, nhưng cả hai đều cho rằng mộng mị vô chừng không đào làm gì mất công. Một tên ăn trộm nghe nói, ra cây me đào lên quả thấy một hũ, nhưng lại là hũ rắn. Cho là vợ chồng người kiếm củi lừa mình, hắn bèn vác hũ đến bỏ trước nhà. Cũng như các truyện trên, sáng dậy hai vợ chồng thấy trong hũ không phải rắn mà là vàng.
Về hình tượng rắn hóa ra vàng, xem lại truyện Hai chị em ở Khảo dị truyện số 12, tập I. Một truyện khác Rắn hóa vàng kết hợp giữa truyện Hai chị em với truyện Hũ vàng hũ rắn, nhưng hình tượng phần nào có chịu ảnh hưởng của truyện đồng bào Tày:
Một người em bị anh chiếm đoạt hết tài sản của bố để lại, nên phần của mình không còn gì. Đói khổ quá, một hôm em ra đồng xúc tép, nhưng xúc mấy lần cũng chỉ được một con rắn liu điu, bèn đem về bỏ vào vại đậy lại. Sáng ra thì thấy rắn đã hóa vàng. Từ đấy trở nên giàu có.
Biết chuyện, vợ chồng người anh cũng đi xúc rắn về bỏ vào trong vại. Nhưng khi mở ra xem thì rắn vẫn là rắn, không thấy có vàng. Cho là em bắt được vàng nhưng lại phao tin láo để lừa họ, họ bèn mang đến dỡ mái tranh đổ rắn xuống chỗ hai vợ chồng người em nằm cho bõ tức. Nhưng khi em dậy chẳng thấy rắn đâu mà lại thấy vàng nên càng giàu thêm. Người anh lại thêm tức, bèn tìm cách ăn trộm vàng của em về giấu trong một hầm kín. Nhưng vàng của em không vì vậy mà suy suyển. Trái lại vàng của anh đưa về thì lại hóa thành rắn chui rúc khắp nơi làm vợ chồng hết sức lo buồn, rồi chết.
Người Hà Tĩnh có một truyện nói đến một bà tiên đi thử người trần. Gặp bà lần đầu là một người nghèo nhưng tốt bụng, anh ta thấy một người ăn mày nghèo khổ không biết là tiên, đón về cho ăn, ngủ. Đến nửa đêm thấy người ấy kêu đau bụng, anh lại đưa chậu cho mà đi ngoài. Sáng dậy thì bà đã biến mất mà trong chậu đầy vàng. Một tên nhà giàu nghe được tin ấy cũng đi đón bà tiên ăn mày về nhà, đãi rất hậu, và cũng đưa chậu cho bà đi ngoài. Nhưng sáng dậy chỉ thấy một chậu rắn rết.