Bà ong chúa

Ngày xưa có một người học trò nhà nghèo rớt mùng tơi tên là Sĩ. Anh ở với bà mẹ già lụ khụ. Anh muốn lấy vợ để vợ đỡ đần công việc nhà và phụng dưỡng mẹ già, nhưng hỏi mấy đám, người ta thấy nhà anh luôn năm thiếu ăn nên đều lắc đầu từ chối. Vì thế, anh vẫn phải sống một thân một mình với nghề đi ...

Ngày xưa có một người học trò nhà nghèo rớt mùng tơi tên là Sĩ. Anh ở với bà mẹ già lụ khụ. Anh muốn lấy vợ để vợ đỡ đần công việc nhà và phụng dưỡng mẹ già, nhưng hỏi mấy đám, người ta thấy nhà anh luôn năm thiếu ăn nên đều lắc đầu từ chối. Vì thế, anh vẫn phải sống một thân một mình với nghề đi củi. Hàng ngày, buổi sáng tinh sương, anh lên rừng chặt củi đem ra chợ bán. Chiều lại, ăn xong, anh mới cầm lấy quyển sách.

Cứ như vậy cho đến ngày anh học thành tài. Kỳ ấy nhà vua mở khoa thi ở kinh đô để kén nhân tài. Các sĩ tử đua nhau chuẩn bị tiền gạo, lều chiếu để vào dự thi. Trong lòng Sĩ cũng hăm hở muốn đua chen chốn trường văn trận bút, nhưng tài lực nhà anh quá kém cỏi, chẳng biết lấy gì dùng để nuôi mẹ già những ngày vắng mặt, cũng chẳng có gì để ăn tiêu dọc đường. Sắp đến kỳ thi, mấy người bạn anh lần lượt trẩy kinh mà không rủ anh. Sĩ cố chạy vạy mấy nơi, nhưng không kết quả. Mãi về sau mới có mấy nhà láng giềng tốt bụng nhận nuôi nấng mẹ già cho anh để anh yên tâm ra đi. Và rồi cuối cùng anh cũng đánh liều cất bước lên đường, tuy rằng trong lưng không có một đồng một chữ.

Thoạt đầu anh gánh hàng thuê cho bọn lái buôn. Làm hết hơi hết sức trong hai ngày, anh nhận được ở họ cơm ăn và một quan tiền công. Có vố, anh lại tiếp tục đi nữa. Sau hai ngày tiêu rất dè sẻn, số tiền mới kiếm được cũng lại hết nhẵn. Mặc dầu vậy, anh vẫn không dừng lại, hy vọng dọc đường sẽ tìm được việc làm. Nhưng rủi thay, ngày hôm ấy trời mưa, không một ai thuê mướn cả. Vì chỉ còn ba ngày nữa đã bắt đầu nhập trường, anh không thể nấn ná được. Đành phải cắm cúi bước liều trong lúc không có một hột gì vào bụng. Trời xế chiều, anh đi tới một khu rừng rậm. Trong khi đang bước thấp bước cao mong tìm ra một ngôi nhà nghỉ trọ, thì anh bị lạc đường. Anh quanh quẩn mãi giữa đêm tối trong lùm cây mà không nghe qua một tiếng gà gáy chó sủa. Cuối cùng bụng đói, cật rét, sức mệt, anh trèo lên một cây cổ thụ, định tìm một chỗ tạm nghỉ chân. May làm sao, lúc trèo lên đến nhánh chẽ ba, bỗng thấy thấp thoáng bên phía tay trái có anh đèn. Lòng mừng khấp khởi, anh vội tụt xuống lần về hướng ấy. Chỉ một lát, anh đã đứng trước một ngôi nhà lá nhỏ. Anh hồi hộp gọi cửa, và rất ngạc nhiên thấy cánh cửa mở ngay như có người chờ sẵn. Một cô gái tay cầm một cây đèn sáp bước ra. Dưới ánh đèn Sĩ trông rõ cô gái mặt mũi xinh xắn, nhưng hai mắt lại mù. Cô đon đả:

- Chào thầy khóa. Thiếp chờ thầy đã lâu. Mời thầy vào trong này.

Nghe lời chủ nhân, Sĩ không còn hồn vía nào nữa. Làm sao cô gái mù này biết mình là học trò và đang chờ mình. Chỉ có yêu tinh ma quỷ đang giương bẫy đón mồi thì mới có thể như vậy. Sĩ rất ngần ngại, nhưng cái bụng và sức khỏe không cho phép anh bước đi đâu được nữa. Anh đánh liều bước vào nhà, không quên đề phòng mọi sự bất ngờ có thể xảy đến. Trong nhà, ngoài cô gái còn có một người bô già. Sau khi mời Sĩ ngồi, cô gái bảo bô già mang hỏa lò lại cho khách hơ áo quần. Sĩ vừa cảm thấy khô ráo ấm cúng thì bô già đã bưng lên một mâm cơm, có cô gái mù đi theo mời mọc:

- Nhà thiếp thanh đạm chẳng có gì. Xin mời thầy khóa cứ thực tình cho.

Sĩ lúc đầu ngờ vực không dám đụng đũa. Nhưng sau, cơn đói đã át tất cả. Anh cầm lấy bát nếm thử một miếng, thấy không có vẻ gì khác, nên cắm đầu ăn. Bữa cơm quả là thanh đạm, nhưng cơm nóng canh sốt làm anh cảm thấy chưa bao giờ ngon miệng đến thế. Ăn xong bô già đã dọn ổ rơm, trải chiếu cho khách nằm. Sĩ mệt quá, nằm xuống nhưng không dám ngủ, cố ý rình xem ma quỷ còn giở những trò gì. Nhưng chỉ một lúc anh đã chợp mắt và ngủ thiếp đi.

Đến nửa đêm, sĩ bỗng giật mình tỉnh dậy. Gió bão thổi tới mỗi lúc một nặng nề. Thỉnh thoảng trời lại gầm lên dữ dội. Anh nghe tiếng cô gái nói:

- Bô già ơi, gió đổi sang phía bắc rồi. Nó rít mạnh quá bô nhỉ? Đấy cái tổ nhỏ ở cành thứ ba bị đổ mất rồi. Bô thử ra xem nào.

Sĩ rất lấy làm lạ sao cô gái mù lại ăn nói như người hoàn toàn sáng mắt. Anh đang suy nghĩ vẩn vơ thì lại bỗng ngủ thiếp đi.

Không bao lâu, gió thổi càng mạnh như muốn bốc cả nóc nhà. Sĩ lại tỉnh dậy lần nữa. Lần này anh nghe tiếng cô gái nói ở ngoài nhà:

- Bô già ơi! Gió mạnh thế này thì chắc chúng nó sẽ lạc nhiều đấy. Nhưng chẳng sao, mai kia chúng nó lại về đủ. Ở cái tủ thứ bảy có nhiều con đang chờ mà chưa vào được!

Liền đó, Sĩ nghe tiếng tơi nón của bô già lạch xạch lần ra vườn. Bão vẫn dữ dội. Anh ngồi dậy và tiện chân bước ra cửa. Qua những làn chớp, Sĩ thấy cô gái mù đang đứng dưới một cây có cành lá xòe ra như một cái tán. Ở những cành thấp ở dưới gốc, ong vàng đậu chi chít, đậu cả lên nón, lên áo cô gái. Ong vàng con đạu con bay nhiều vô kể; tiếng vù vù của ong cơ hồ át cả tiếng bão.

Trong khi cô gái và bô già đang làm việc ở phía ngoài, Sĩ lại trở vào trong nhà, trong lòng vẫn chưa hết nghi hoặc. Trên án thư ở đầu ổ rơm, ngọn nến vẫn đang cháy dở. Thấy có một quyển sách. Sĩ vội giở ra xem. Hóa ra quyển sách nói về đạo phật. Anh cầm lấy đọc rất mê mải.

Cho đến gần sáng, bão đã bắt đầu tạnh, cô gái và bô già bước vào nhà. Sĩ gập sách lại, lên tiếng hỏi:

- Tôi bị lạc đường, rất cảm tạ cô và bô già cho ăn cho nghỉ. Nhưng có một điều tôi lấy làm khó hiểu là tại sao hai người lại sống trơ trọi trong khu rừng này? Sống như vậy lấy gì nuôi thân? Tại sao cô lại biết tôi sắp đến đây và còn biết tôi đi thi? v.v... Tôi rất mong được giải tỏ những điều đó trước khi từ giã nơi này.

Cô gái đáp:

- Nhà này vốn là nhà của thầy mẹ thiếp. Thầy thiếp trước có làm quan, vì ghét bọn quan trên nên từ về, tìm đến khu rừng này sống bằng nghề nuôi ong. Cách đây ba năm, thầy mẹ thiếp lần lượt qua đời còn mình thiếp cùng với bô già và đàn ong. Đàn ong cho mật và sáp, bô già mang ra chợ đổi lấy gạo. Mắt thiếp tự dưng bị đau rồi hỏng. Tuy mù, linh tính của thiếp lại biết hết mọi chuyện. Tự nhiên thiếp cảm thấy đàn ong bị nạn thì nó bị nạn thật. Như hôm qua, thiếp cảm thấy có một chàng thư sinh đi thi bị lỡ độ đường và đang cần được giúp đỡ. Thiếp vừa thắp đèn lên thì nghe thấy tiếng gõ cửa của thầy khóa. Quyển sách trên bàn đó là của thầy thiếp để lại, thầy khóa cứ đọc đi. Nhưng thầy khóa đi làm gì vội còn bảy ngày nữa mời bắt đầu thi kia.

Nghe nói, Sĩ lấy làm thương cô gái mù mà cảnh ngộ còn gian nan hơn cảnh ngộ của mình. Anh cầm sách đọc cho đến sáng. Nhớ tới ngày thi, anh từ giã cô gái và bô già ra đi. Thấy mời mọc không được, cô gái đưa cho anh một nắm cơm và một quan tiền. Sĩ vội trả lại tiền chỉ nhận nắm cơm và nói:

- Đa tạ cô và bô già. Sau này nếu được vinh hiển, tôi sẽ không bao giờ quên tấm lòng vàng của cô và bô.

Chiều hôm sau vào đến kinh đô, Sĩ giật mình khi được tin vì hoàng đế se mình, nên kỳ thi kỳ thi hoãn lại năm ngày nữa đúng như lời cô gái.

Kỳ thi năm ấy vua ra đầu đề bài văn có nhiều điển tich về đạo phật.

Các bạn của anh ở quê nhà cũng như sĩ tử bốn phương vì không đọc qua sách phật nên bị loại quá nhiều. Có kẻ đã lọt vào trường ba rồi cũng hỏng. Chỉ có Sĩ nhờ vô tình đọc quyển sách giữa cái đêm gió bão ở nhà cô gái mù nên trả lời trôi chảy. Anh đỗ tiến sĩ được vua ban cho tiền bạc, áo mão, cờ quạt và lính hầu về vinh quy. Trên đường về quê anh dự định rẽ vào khu rừng có nhà cô gái mù nuôi ong để tạ ơn.

Nhưng khi đoàn vinh quy vừa bước lên đèo, Sĩ đã thoáng thấy một cô gái có cặp mắt đen láy đang đứng đợi ở đỉnh đèo. Hai tay cô mang một rổ hoa; trên áo cô, ong vàng bám lấy chi chít như thêu kim tuyến. Sĩ nhớ lại cái đêm gió bão đứng ở trong nhà nhìn ra, thấy cô gái mù cũng được ong bám vào như thế. Đúng là cô gái nuôi ong đây rồi. nhưng tại sao hai mắt cô lại không mù. Sĩ vội bước xuống cáng chạy lại đón cô gái. Anh nói ngay:

- Đây là cô gái nuôi ong phải không? Nhưng ai đã hóa phép làm cho mắt nàng sáng lại như cũ? Ôi! Nếu không có quyển sách của thầy nàng để lại thì tôi cũng hỏng như hầu hết các bạn của tôi. Không biết nói làm sao để cảm ơn nàng cho xiết được!

Cô gái đáp:

- Thiếp nhờ có ong chúa hút được nhị hoa thần và nhả nhị vào mắt làm cho mắt mở lại tỏ. Sáng hôm nay thiếp cảm thấy tân khoa sắp về nên vội vàng đi đón ở đây.

Cô gái nhìn Sĩ má đỏ hồng hồng. Sau đó, Sĩ và đoàn tùy tùng kéo nhau đến ngôi nhà nhỏ của cô gái. Ở đây được mấy ngày, Sĩ đưa cô gái và bô già về quê nhà. Chàng xin phép mẹ được kết duyên với cô gái nuôi ong. Đám rước dâu linh đình từ rừng xuất phát, có cờ quạt, chiêng trống quân gia rầm rộ. Đặc biệt là những con ong vàng ngậm mỗi con một bông hoa bay trên đấu bà chúa của chúng, đẹp như một đám mây ngũ sắc[1].


[1] Theo Tiểu thuyết thứ bảy số 335 (1940); và Loại cổ tích hay

0