18/06/2018, 12:37

Hà Tây - Kết cỏ rừng đổi lấy…đô la

Bằng bàn tay khéo léo và trí sáng tạo, những người thợ ở làng Lưu Thượng (xã Phú Túc, Phú Xuyên) đang ngày đêm cần mẫn tạo nên những hình thù ngộ nghĩnh từ cỏ tế, tre, cói, dây rừng, bèo tây... hấp dẫn khách hàng khắp nơi trên thế giới. Với nghề này, họ đã đổi được nhiều đồng đôla về gia đình ...

Bằng bàn tay khéo léo và trí sáng tạo, những người thợ ở làng Lưu Thượng (xã Phú Túc, Phú Xuyên) đang ngày đêm cần mẫn tạo nên những hình thù ngộ nghĩnh từ cỏ tế, tre, cói, dây rừng, bèo tây... hấp dẫn khách hàng khắp nơi trên thế giới. Với nghề này, họ đã đổi được nhiều đồng đôla về gia đình mình và góp phần thay đổi diện mạo quê hương...

Cho đến bây giờ, người già trong làng vẫn truyền lại cho lớp trẻ câu chuyện về một người đã mang nghề quý đến cho dân. Đó là vào khoảng những năm đầu thế kỷ XVII, hồi ấy làng có tên là Giầu Tế, dân còn thưa thớt, đất đai bỏ hoang nên cỏ dại mọc đầy. Một người đàn ông tên Nguyễn Thảo Lâm đã đến đây lập nghiệp, lấy những cây cỏ dại đan thành đồ dùng hàng ngày và những chiếc giỏ để đánh bắt cua, cá... Ông đã dạy lại cho dân làng nghề đan cỏ tế từ đó. Ghi ơn ông, người dân nơi đây đã tôn vinh thành ông tổ nghề và thờ phụng tại đình Lưu Thượng.

Cây guột tế là một loại cỏ mọc hoang ở rừng nhiệt đới miền Bắc nước ta. Khoảng tháng 9 âm lịch hàng năm là mùa cây guột cho khai thác. Người ta cắt lấy phần ngọn, còn chừa gốc để đến mùa xuân, nó lại tự mọc lên tươi tốt. Đây là nguồn nguyên liệu tự nhiên rất quý giá đối với người dân làm nghề ở xã Phú Túc. Nghề đan cỏ guột tế giống như nghề đan lát mây, tre, nhưng sợi guột tế có ưu thế về màu đỏ nâu tự nhiên rất đẹp. Để sản phẩm bền màu và tươi tắn hơn, người ta chỉ cần phun một nước dầu bóng mà không cần phải ngâm với bất kỳ loại hoá chất độc hại nào. Hơn nữa, nó mềm mại, dẻo dai, nên dễ tạo thành nhiều hình thù khác nhau và đặc biệt có độ bền cao. Cũng như sản phẩm từ mây, tre, giang..., đồ dùng từ guột tế có nguồn gốc từ thiên nhiên nên thân thiện với môi trường, phù hợp với xu hướng tiêu dùng của khách hàng khắp thế giới.

Trước đây, người làng nghề thường sử dụng cây guột tế để đan thành đồ dùng hàng ngày và chẻ thành sợi để bán cho những địa phương có nghề đan rổ, rá... Họ dùng sợi guột để nức cạp rổ, cạp rá, nón, mũ... rất bền và đẹp... Với sự năng động của người làng nghề, họ cải tiến mẫu mã, làm ra những sản phẩm thủ công đa dạng như: các con giống ngộ nghĩnh, lẵng hoa xinh xắn, những chiếc làn đủ hình thù, kích cỡ... Những mặt hàng này được người làng nghề đem giới thiệu, chào hàng và được khách hàng từ nhiều nước đón nhận nồng nhiệt. Những hợp đồng lớn từ 20 quốc gia như: Các nước Đông Âu, Canada, Úc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan... tạo việc làm thường xuyên với thu nhập cao cho người dân 8 làng trong xã và hàng nghìn người từ các vùng lân cận.

Nghề đan cỏ tế tuy qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, nhưng rất dễ làm. Từ trẻ nhỏ tới người cao tuổi, nếu được chỉ dẫn 1-2 ngày đều có thể làm được. Bằng sự tài hoa, thông minh của mình, người làng nghề có thể tạo ra những sản phẩm qua tranh, ảnh, catalog, thậm chí còn sáng tạo thêm chi tiết cho sinh động hơn. Vì vậy, khi đặt hàng, khách chỉ cần đem hình mẫu hoặc tranh, ảnh... là người làng nghề có thể đáp ứng đến từng chi tiết, làm hài lòng ngay cả những người khó tính nhất.

Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khách hàng, hiện nay, ngoài nguyên liệu chính là cỏ guột tế, những người thợ tài hoa Phú Túc đã xen vào các nguyên liệu khác như dây rừng, bèo tây, cói, mây... để tạo nên những sản phẩm đa dạng, với nhiều cấp độ sắc màu tự nhiên của các nguyên liệu đan xen. Đó là những chiếc làn được kết nơ từ bèo tây, quai lẵng hoa bằng dây rừng, xe đạp có khung từ sợi mây... Thậm chí, anh Nguyễn Quốc Sinh (chủ doanh nghiệp Phú Thượng) còn sáng tạo thêm những khung sắt rồi ken dày sợi guột tế, bên trong lót nilon, tạo thành các loại bồn cây, valy, làn... đủ kích cỡ lạ mắt mà vẫn cứng cáp, bền chắc... “Tôi và những người thợ trong làng sẽ còn tiếp tục sáng tạo, cải tiến mẫu mã mới lạ hơn nữa để chinh phục thị hiếu người tiêu dùng trong nước và thế giới...”. Anh Sinh tâm sự.

Nhờ nghề đan cỏ tế xuất khẩu mà chất lượng sống của người dân xã Phú Túc đã đổi thay từng ngày. Nhà cao tầng mọc san sát,  đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, xe chở hàng vào ra tấp nập… Ông Phạm Tuấn Đa, Chủ tịch UBND xã Phú Túc cho biết: Tỉ trọng tiểu thủ công nghiệp hiện nay đã chiếm 63% trong cơ cấu kinh tế toàn xã. Tới đây, xã đang làm thủ tục xin phép xây dựng điểm công nghiệp 5ha nằm ở cánh đồng thôn Lưu Thượng. Đây cũng là một điều kiện thuận lợi, kết hợp với sự tài hoa, năng động của người làng nghề, tin rằng, họ sẽ đưa cây guột tế “vươn xa” hơn nữa.

 
0