18/06/2018, 12:36

Hà Nội - Nghề làm thuốc ở làng "vải" Ninh Hiệp

Làng Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) được biết đến không chỉ như một nơi trung chuyển vải khổng lồ của các tỉnh phía bắc mà tự bao đời, ngôi làng cổ này, với tên gọi đẹp nền nã, bình dị như nhiều làng quê Việt khác: làng Nành- còn được biết đến bởi một nghề không kém phần phong ...

Nghề làm thuốc ở làng
Làng Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) được biết đến không chỉ như một nơi trung chuyển vải khổng lồ của các tỉnh phía bắc mà tự bao đời, ngôi làng cổ này, với tên gọi đẹp nền nã, bình dị như nhiều làng quê Việt khác: làng Nành- còn được biết đến bởi một nghề không kém phần phong phú, sôi động: nghề làm và buôn bán đông dược. Làng Nành, hay làng Ninh Hiệp, hay Phù Ninh, đều là những tên gọi chỉ mảnh đất lành này cả.

 Những câu chuyện kể lại

  Nghề làm thuốc ở Ninh Hiệp hình thành từ khá lâu đời. Người già trong làng kể lại, thuở xưa, người làng Nành chỉ biết làm ruộng làm nương, không có nghề phụ nên cuộc sống người dân vất vả, lam lũ tứ mùa. Tương truyền, vào thời Lý, khoảng năm 968, làng Ninh Hiệp lúc đó tên gọi Phù Ninh. Bà Lý Nương trong một lần ghé qua đây, thấy người dân hiền lành hiếu khách, nên bà cảm mến lắm. Nhìn cảnh dân đau ốm, bệnh tật, bà bèn trổ tài dùng lá cây để chữa bệnh giúp dân. Thế rồi, để đáp lại tấm lòng tha thiết được học của người dân đất lành này, bà đã ở lại để dạy cho dân cách trồng và biến cây thành những thang thuốc để chữa bệnh cứu người. Sử sách chép lại, dân các nơi nghe tiếng cũng kéo đến học nghề. Hiện một số làng như Ngọc Lịch, Nghĩa Trai, Như Quỳnh cũng thờ bà là vì thế. Sau khi bà mất, người Ninh Hiệp dựng am thờ bà, bây giờ vẫn còn nhiều dấu tích trên đất Ninh Hiệp. Vua Lý phong bà danh hiệu "Lý nhũ thái lão- Dược tiên thần linh". Trong cuốn Vũ trung tùy bút của tác giả Phạm Đình Hổ có ghi lại: y học bây giờ chia làm hai khoa: nội và ngoại. Ngoại khoa chia làm ba phái: Phái họ nguyễn ở Bão Từ, phái họ Nguyễn ở Phù Ninh, phái họ Nguyễn ở Văn Lãng. Ba phái ấy dùng thuốc cao thuốc đồ hiệu nghiệm lắm.

 Như vậy, có thể khẳng định, từ thế kỷ 17-18 làng Phù Ninh đã là một môn phái trong y học cổ truyền Việt Nam. Hiện trong gia phả của một số dòng họ ở Ninh Hiệp vẫn còn ghi lại, dưới  phong kiến, nhiều tên tuổi của làng Nành từng được triều đình cử vào cung chăm lo sức khỏe cho vua và triều thần. Tại một số bia đá còn lại, các nhà Hán nôm cũng đã đọc được những thông tin về người làng Phù Ninh từng làm lương y trong triều đình như, bia dựng năm Cảnh Hưng thứ 3 (1742) ghi Lương y chánh Thạch Duy Khiêm từng là chánh ngự y triều Nguyễn. Bia dựng năm Cảnh Hưng thứ 4, có lương y Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Duy Khảo. Cảnh Hưng thứ  17 (1756) có lương y Nguyễn Đình Lệ... Thời nhà Nguyễn, dưới triều vua Tự Đức,  còn ghi lại có chánh lương y Nguyễn Tán, mất năm 1881, chánh lương y Nguyễn Khắc Hoạt, mất năm 1903. Thầy thuốc xuất thân từ làng Phù Ninh thời nào cũng có, được phân bố rải rác khắp nơi.

 Nghề thuốc ở Phù Ninh hồi đó phát triển cả y và dược, đặc biệt, ngành dược buôn bán phát đạt từ thời đó. Hầu hết những nhà khoa bảng, nhà nho trong làng Nành thuở xưa đều biết cắt thuốc chữa bệnh. Nghề thuốc ở Ninh Hiệp cũng từ đó được duy trì và phát triển mãi. Cụ Nguyễn Khắc Quýnh, tác giả cuốn sách Chuyện cũ làng Nành, được tổ chức UNESCO trao giải Ba, trong cuộc thi viết về văn hóa làng, là một trong những vị cao niên trong làng am hiểu và cũng tha thiết yêu văn hóa địa phương mình. Cụ cho biết: Năm 1680, Hoài Viễn tướng quân, người làng Nành, đi sứ Trung Quốc, vừa lúc hoàng hậu đang lâm trọng bệnh. Hoài Viễn đã được vời đến chữa bệnh cho hoàng hậu. Chỉ sau một thời gian ngắn, bệnh của bà thuyên giảm hẳn. Cảm kích trước tài năng, nước bạn đã ban tặng cho Hoài Viễn tướng quân một bài thuốc linh diệu có tên Thái ất thần cao. Nghe đâu, bài thuốc này có thể chữa được bệnh ung thư cũng như nhiều bệnh nan y khác. Hiện bài thuốc này đang được Hội đông y lưu giữ cẩn thận. Tuy nhiên, do nguyên liệu toàn thứ khó kiếm, cách làm cũng quá kỳ công nên bài thuốc này đã lâu rồi không được nhắc đến.

Khôi phục nghề xưa

Người Ninh Hiệp, vốn rất nhanh nhạy với cơ chế thị trường, những năm đất nước mở cửa, trở nên giàu lên trông thấy bởi sự năng động trong giao thương buôn bán với bên ngoài. Chính thời điểm này, nghề thuốc của làng dần bị mai một và dần đi vào quên lãng. Người Ninh Hiệp nhảy vào nhiều lĩnh vực buôn bán khác nhau, thị trường cần gì, họ đáp ứng thứ ấy, mùa nào thức ấy, làng Ninh Hiệp không khi nào chịu ngồi yên. Số người bốc thuốc, trồng cây thuốc ở làng vẫn còn nhưng bỏ nghề hầu hết. Đó là những năm những năm 1990, một nhóm những người cao niên trong làng đã nảy ra ý tưởng cần sớm khôi phục lại nghề trước khi bị mất hẳn. Tháng 6 năm 1990, thành phố Hà Nội ra quyết định thành lập Chi hội Đông y xã Ninh Hiệp, nhất trí bầu cụ Nguyễn Văn Hải, nguyên là hội viên Hội Đông y Trung ương, làm hội trưởng. Tổ chẩn trị trong dịp này cũng được thành lập. Thanh niên trong làng, thấy sự hăng hái của lớp già, cũng đã tập hợp được một lượng thành viên đáng kể để xin gia nhập. Hội liên hệ để cử một phần sang Viện Đông y để học thêm. Phần nữa tìm lại những vị nhiều tuổi còn nhớ nghề trong làng để học lại. Cụ Nguyễn Khắc Quýnh cũng góp phần không nhỏ trong việc khôi phục nghề cũ của tổ tiên bằng cách, hằng ngày, cụ vẫn dạy chữ Hán nôm cho lớp trẻ, với chủ định có thể giải mã được những bài thuốc hay, quý của làng mà văn tự cổ còn lưu giữ được nhưng chưa có điều kiện dịch. Hiện nay, một phần do tây y đã phát triển và có những thành tựu rõ rệt trong chẩn và trị bệnh nên ít người theo chữa bằng đông y. Chính vì thế, các hội viên cũng tập trung vào chữa trị những căn bệnh thông thường, hoặc có tính chất mãn tính như dạ dày, thần kinh, suy nhược cơ thể... Các loại cao dán, thuốc viên, thuốc bột... thế mạnh của các cụ ngày xưa, cho đến nay, sau hơn chục năm Hội đông y được thành lập, cả làng Ninh Hiệp cũng không có người làm. Chẳng hạn, để nấu cao để dán, chữa mụn nhọt, đặc biệt cho trẻ nhỏ vào mùa hè, các cụ ngày xưa phải dành hẳn một chiếc nồi riêng, nguyên liệu cho vào nồi nấu lên được đánh liên tục, vừa nấu vừa ngoáy để không bị cháy. Cứ để trên lò nấu liên tục mấy ngày đem mới cho ra được một mẻ thuốc. Quy trình làm thì đòi hỏi công sức là vậy mà trên thực tế, những căn bệnh đó, chỉ cần ra hiệu thuốc tây là có thể mua ngay được thuốc chữa trị kịp thời.

 Nói là nói vậy, đông dược thời nào cũng có chỗ đứng nhất định. Nhiều cây thuốc dân gian bắt đầu được để ý trồng và nhân rộng trên đất làng Nành hôm nay.  Vào các buổi sáng, chợ xóm 8 trong làng trở thành nơi các loại cây thuốc đã qua sơ chế tập trung về đây buôn bán, trao đổi. Do điều kiện đất chật người đông, người làng Nành hôm nay không có điều kiện để trồng cây thuốc nhiều nữa mà chủ yếu được thu mua từ khắp các tỉnh phía Bắc. Nhưng người ở đây vẫn tự hào, bất kể cây thuốc từng qua tay những ai, phải qua tay người làng Nành mới có thể tự tin xuất khẩu ra nước ngoài được. Nghề buôn bán dược liệu được hình thành xuất phát từ nhu cầu thị trường. Thuốc chủ yếu nhập về từ Trung Quốc, bởi trên thực tế, Trung Quốc có điều kiện khí hậu thích hợp, vùng trồng rộng lớn nên rất có điều kiện để phát triển thành vùng nguyên liệu. Trong khi đó, ở Việt Nam chủ yếu chỉ phát triển được một số loại thuốc nam, chủ yếu khai thác từ vùng chùa Hương, chùa Thầy. Cây thuốc nhập thô về, được người dân ở đây sấy khô. Việc thái lát thì như một người chuyên buôn bán cây thuốc ở đây nói, người Ninh Hiệp thái đẹp không nơi nào bằng. Quế, hồi, sa nhân... từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên... tập trung về, người Ninh Hiệp gia công lại lần cuối, không bao giờ sợ mốc cả. Với các loại củ quả, người Ninh Hiệp mua thô về, tiến hành phân loại rồi sấy khô qua lửa. Sau đó mới đóng gói rồi phân bổ đi các nơi. Các loại củ như quy sâm, quy thục, các hộ ở đây mua về, sấy khô, rồi tiến hành sao tẩm, đóng gói. Còn với các loại thân, rễ cây thuốc, họ mua nguyên cây, rồi  thuê người thái thành khúc như ta vẫn nhìn thấy ở quầy thuốc bắc, sau đó sấy bằng diêm sinh. Thấy tôi băn khoăn về sự độc hại của chất diêm sinh trong quá trình sấy, chị chủ cửa hàng quả quyết: Từ lúc sấy khô đến lúc đóng bao chuyển đi cũng phải hơn một tuần, mùi diêm sinh sẽ tự mất, không ảnh hưởng gì đến chất lượng thuốc. Chẳng biết thực hư thế nào nhưng thực tế tôi thấy, con gái Ninh Hiệp suốt ngày tiếp xúc với việc thái, sấy thuốc mà cô nào cũng da trắng tóc dài, thật chẳng hổ danh quê ngoại của Ngọc Hân công chúa.

 Nghề buôn bán thuốc bắc, chính vì thế đã hình thành và phát triển mạnh mẽ ở đây. Chúng tôi đến cửa hàng buôn bán thuốc bắc của vợ chồng nhà anh Chín. Họ đã làm nghề được gần mười năm nay. Trước đây, vợ chồng anh chuyên thu gom hạt sen để bán lại cho các cửa hàng thuốc. Thấy bạn hàng có nhu cầu mua thêm thuốc bắc, họ đã dần dần đáp ứng. Mỗi tuần anh Chín đi Trung Quốc lấy hàng một lần, khoảng bốn, năm tấn, thu lãi tầm vài triệu đồng. Anh ước tính, trong làng phải có vài trăm gia đình có mức buôn bán kiểu nhỏ lẻ như vợ chồng anh, chủ yếu tập trung ở xóm 7, xóm 8. Một phần các hộ gia đình vốn còn mỏng, chưa có điều kiện tậu xe như anh Chín thì có thể liên lạc qua điện thoại với bạn hàng quen sẵn để đặt hàng. Người chủ hàng ở Trung Quốc chịu trách nhiệm đóng gói sẵn gửi về cho người mua theo xe hàng về phân phát cho các hộ ở đây. Hoạt động buôn bán, đặc biệt vào dịp cuối năm như hiện nay, càng trở nên tấp nập, nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Thuốc họ mua về hầu như đủ tất cả những thứ nhu cầu thị trường đang cần. Đặc biệt, thời gian gần đây, các cửa hàng thuốc Đông y đang "mốt" dùng các loại củ, quả để nấu canh dưỡng sinh như  củ ngưu báng, nấm đông cô. Thấy tôi tò mò thích tìm hiểu, chị Trung, vợ anh Chín, không ngần ngại, hướng dẫn ngay: Đây là nấm đông cô. Em nên chọn mua loại một có mầu trắng đục, to đều nhau. Loại một như ta đang nhặt đây giá bán buôn tại đây khoảng 100.000 đồng/kg. Nấm loại hai, loại ba ngả mầu đen hơn, kích cỡ cũng không được to đều như loại một, giá bọn tôi bán ra ở đây chỉ bằng hai phần ba loại một thôi. Hay như củ ngưu báng này, loại một củ to, được thái lát vàng óng  chúng tôi bán ra loại một 15.000 đồng/kg, loại hai chỉ 7.000 đến 10.000 đồng/kg trong khi đó trên thị trường bán lẻ loại hai đã lên đến 40.000 đồng/kg. Với các cửa hàng bán sĩ, nhà không ở mặt đường như gia đình anh Chín, thu mua và chế biến đông dược thực sự chỉ là một nghề lấy công làm lãi. Bạn hàng của họ thường là những người sành các loại dược liệu, thông thạo về chất lượng, giá cả. Với các cửa hàng bán lẻ ở đây cũng như các hàng thuốc đông y ở Hà Nội, người tiêu dùng thường ít rành về thuốc thì dễ mua phải hàng loại hai với giá của loại một lắm. Chị Trung hồn nhiên tiết lộ "bí mật", ra dáng cửa hàng của mình làm ăn giữ chữ tín lắm. Cũng phải thôi, làm ăn về lâu về dài, chẳng thể ăn xổi với bạn hàng của mình được. Người Ninh Hiệp nhờ thế bao nhiêu năm nay, việc làm ăn buôn bán của họ vẫn xuôi chèo mát mái.

Cùng với nghề buôn bán vải, Ninh Hiệp được coi là một trong những điểm trung chuyển thuốc đông y lớn vào hàng nhất nhì miền bắc. Với sự phát triển ào ạt như hiện nay, bên cạnh cái lợi nhìn thấy trước mắt, sự làm ăn năng động, cùng những mối quan hệ chằng chịt như hiện nay, cũng có những mặt trái của nó. Để trở thành một làng quê phát triển vừa vững chắc và lành mạnh, bên cạnh cơ chế rọng mở, thông thoáng, cũng cần có sự quản lý chặt chẽ, từ phía chính quyền địa phương. Cuộc sống giàu mạnh trong sự bình yên, đó vẫn là mục tiêu đạt tới của các làng quê Việt trong nhịp sống mới.


0