Hà Tây - Làng nghề làm quạt giấy vác
Hỡi cô thắt dải bao xanh Có về Canh Hoạch với anh thì về Canh Hoạch ít ruộng nhiều nghề Yêu nghề quạt giấy hay nghề đan khua? (Ca dao) Theo quốc lộ 22 Hà Nội - Hòa Bình, đoạn từ thị xã Hà Đông đi Vân ...
Hỡi cô thắt dải bao xanh
Có về Canh Hoạch với anh thì về
Canh Hoạch ít ruộng nhiều nghề
Yêu nghề quạt giấy hay nghề đan khua?
(Ca dao)
Theo quốc lộ 22 Hà Nội - Hòa Bình, đoạn từ thị xã Hà Đông đi Vân Đình, tới cây số 19 là địa phận làng Canh Hoạch (hay làng Vác). Đây là một làng cổ, hình thành sớm trong lịch sử, nay thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Tây. Làng nằm ngay ven ngã tư đường, nơi có dãy phố gọi tên là ngã tư Vác hay phố Vác, buôn bán khá sầm uất. Quạt Vác bền đẹp, khi quạt có nhiều gió. Nan cứng không mọt, phết bằng nước cậy tốt, dính, nhẹ, giấy dó thủ công rất mịn và dai nên ngày càng có uy tín, được tiêu thụ mạnh. Nghề làm quạt ở Vác (Canh Hoạch) do đó ngày càng phát triển. Người làng Vác không chỉ duy trì từ nghề mà còn đưa quạt giấy lên tới đỉnh cao bậc nhất ở Việt Nam.
Bắt đầu xuất hiện từ nửa cuối thế kỷ XIX - cách đây khoảng 140 - 150 năm - do Mai Đức Siêu là người đầu tiên khởi nghiệp, sau được coi là ông Tổ nghề quạt của làng. Những năm đầu, người ta làm quạt giấy rất đơn giản, năng suất thấp. Về sau, kỹ thuật làm quạt Vác nhiều lần cải tiến, nâng cao, dần dần trở nên tinh xảo và năng suất cao hơn nhiều so với trước. Lúc đầu, chiếc quạt được làm rất mộc mạc. Sau cải tiến dần và trở thành cả một chủng loại với mấy chục loại quạt quý, quạt kỷ, quạt thường khác nhau. Nan quạt lúc đầu dùng tre, về sau dùng cả ngà, sừng, đồi mồi, xương. Từ quạt phất bằng giấy, sau dùng cả lụa, the, gấm... Thợ Vác từ chỗ chỉ sản xuất quạt bán quanh vùng quê mình, đã tiến lên làm hàng loạt quạt kỷ, quạt quý xuất khẩu và dự các cuộc đấu xảo, hội chợ ở Hà Nội và ở Pa-ri (Pháp) vào những năm 30 đầu thế kỷ. Năm 1978, quạt châm kim Vác đã gửi tặng Đại hội Liên hoan Thanh niên và Sinh viên Thế giới tổ chức tại La Ha-ba-na (Cu Ba)...
Kỹ thuật châm kim trên quạt do thợ làm quạt ở làng Canh Hoạch sáng tạo ra. Đây là một thủ pháp kỹ thuật phức tạp và độc đáo. Từ xưa tới nay chưa thấy có những kiểu quạt châm kim nào ở nước ngoài. Quạt châm kim chỉ mới thấy có ở Việt Nam. Mà ở Việt Nam cũng chỉ có làng Canh Hoạch sử dụng kỹ thuật châm kim tạo hình và hoa văn trên quạt giấy một cách khéo léo mà thôi. Tác giả Phong Châu miêu tả về nghệ thuật quạt châm kim do bàn tay tài hoa của thợ quạt Vác như sau: "... Nghệ thuật châm kim độc đáo này ít nơi sánh kịp. Hoa văn châm kim đối xứng đều đặn... Đề tài châm kim khá phong phú. Bạn muốn tặng ai, nhân dịp gì xin cứ yêu cầu, người làm quạt sẽ châm kim thích hợp. Bạn trẻ thường thích đề tài "cành hồng con bướm", "Cành nho, con sóc"..."
Nghệ thuật, kỹ thuật đạt tới mức ấy, mà sản lượng quạt sản xuất hàng năm của thợ quạt Vác vẫn rất cao. Chẳng hạn số lượng quạt Vác tiêu thụ được trước cách mạng tháng Tám là khoảng 3 triệu chiếc/năm. Sau năm 1945, thị trường thu hẹp, số lượng quạt có giảm sút, nhưng cũng tiêu thụ được khoảng 1 triệu chiếc/năm. Những năm 1954 - 1979, trung bình mỗi năm làng Vác bán được chừng từ 1 triệu rưỡi đên 2 triệu chiếc quạt. Và từ năm 1980 trở đi, số quạt bán ra mỗi năm đều trên 2 triệu chiếc.