Bình Dương - Làng sơn mài Tương Bình Hiệp
Từ thị xã Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương, đi về phía bắc 7 km chúng ta sẽ có dịp đến thăm một làng nghề thủ công truyền thống được coi là lâu đời nhất ở đây, đó là làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp. Theo lời kể của một nghệ nhân trong nghề thì ông tổ của nghề sơn mài là ông Trần Lương Công ...
Từ thị xã Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương, đi về phía bắc 7 km chúng ta sẽ có dịp đến thăm một làng nghề thủ công truyền thống được coi là lâu đời nhất ở đây, đó là làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp.
Theo lời kể của một nghệ nhân trong nghề thì ông tổ của nghề sơn mài là ông Trần Lương Công (Đại sứ Việt Nam ở Trung Quốc dưới đời vua Lê Nhân Tông). Nghề sơn mài được đưa từ Trung Quốc vào Việt Nam và đến Bình Dương thì nó đã tìm được chỗ đứng cho mình. Nghề này đã hình thành và phát triển ở Bình Dương khoảng gần 200 năm nay. Những nghệ nhân đầu tiên của nghề phần lớn là ở nơi khác tới. Ban đầu họ chỉ đến cư trú ở làng Bến Thế và Tương Bình Hiệp, dần dần nghề sơn mài lan rộng mãi ra và đến nay thì có mặt ở gần khắp thị xã Thủ Dầu Một. Nhưng cái nôi chính của nghề vẫn là ở làng Tương Bình Hiệp.
Đỉnh cao của sự phát triển nghề sơn mài là khoảng thời gian từ 1945 đến 1975, với sự ra đời của xưởng sản xuất Thành Lê, do hai nghệ nhân là ông Trương Văn Thành và Nguyễn Văn Lễ sáng lập. Hàng sơn mài thời này đã được xuất sang thị trường châu Âu và có giá trị thương mại lớn. Điều đó đã kích thích sự phát triển của nghề sơn mài. Hàng sơn mài thời kỳ này đã đạt đỉnh cao cả về số lượng, về sự phong phú đa dạng và chất lượng nghệ thuật.
Cho tới những năm 1985 - 1990, nghề sơn mài bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Sản phẩm sơn mài của Tương Bình Hiệp cũng như của Thủ Dầu Một được khách hàng trong nước và ngoài nước ưa chuộng với các sản phẩm như: các bức tứ bình: Mai, lan, cúc, trúc; các bộ tranh Phúc, Lộc, Thọ; tranh đồng quê; tranh dân gian Đông Hồ cho đến các bức họa nổi tiếng như: Suối tóc, Thiếu nữ bên hoa huệ, Nụ hôn...; tranh trừu tượng và tranh chân dung các danh nhân trên thế giới.
Để sản xuất ra một sản phẩm hoàn chỉnh lại là cả một quá trình hết sức công phu, từ gỗ nguyên liệu đến khâu cuối cùng phải qua 25 công đoạn. Công việc của mỗi công đoạn đòi hỏi phải có nghệ thuật riêng, vừa tỉ mỉ lại vừa công phu. Có công đoạn làm đi làm lại tới 6 lần mới đạt yêu cầu như công đoạn hom, sơn lót. Quy trình sơn mỗi sản phẩm phải mất từ 3 - 6 tháng mới đảm bảo yêu cầu chất lượng.
Trải qua các thế hệ khác nhau, sơn mài của Tương Bình Hiệp vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, đó là sự tinh xảo nhẹ nhàng thanh thoát, đậm đà tính cách Á Đông. Ngày nay, các cơ sở tại Tương Bình Hiệp có khả năng sản xuất khá đa dạng các sản phẩm sơn mài, từ những bức tranh nghệ thuật đến các loại tủ, bàn ghế, bình hoa lớn...
Nghề sơn mài truyền thống của Tương Bình Hiệp được giữ gìn và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Sự phát triển rực rỡ về mọi mặt trong những năm gần đây không chỉ là niềm tự hào của một làng nghề mà còn là di sản văn hóa đáng trân trọng của cả dân tộc.
Sơn mài Tương Bình Hiệp không chỉ là hàng hóa mỹ nghệ đơn thuần mà đã có rất nhiều sản phẩm đạt tới chất lượng cao về mỹ thuật để trở thành những tác phẩm có giá trị nghệ thuật. So với một số nơi có sản phẩm sơn mài, thì sản phẩm sơn mài Bình Dương đa dạng hơn về mẫu mã, đặc biệt là chất lượng có phần ưu việt. Theo một số chuyên gia, sơn mài Tương Bình Hiệp chịu đựng được khí hậu vùng hàn đới Châu Âu, không bị bong nứt hoặc biến dạng. Những đồ dùng nội thất bằng sơn mài sản xuất ở Bình Dương vừa đẹp lại có độ bền cao, vừa tiện dụng lại vừa có thể trang trí làm đẹp thêm các gian phòng nơi nó có mặt.
Du khách đến thăm Bình Dương hôm nay có thể tìm đến thăm làng nghề nổi tiếng Tương Bình Hiệp, chọn mua sản phẩm sơn mài làm quà lưu niệm, một món quà vừa mang đậm nét văn hóa địa phương vừa có giá trị nghệ thuật cao.