Hà Nội - Cổ Loa
Đến với Cổ Loa thành Cổ Loa được biết đến không chỉ là cái tên một thành trì quân sự nổi tiếng của nước Âu Lạc thời An Dương Vương mà còn là trụ sở của huyện Phong Khê thời thuộc Hán, là căn cứ quân sự thời Hậu Lý Nam Đế vào năm 692. Đó cũng là kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến ...
Cổ Loa được biết đến không chỉ là cái tên một thành trì quân sự nổi tiếng của nước Âu Lạc thời An Dương Vương mà còn là trụ sở của huyện Phong Khê thời thuộc Hán, là căn cứ quân sự thời Hậu Lý Nam Đế vào năm 692. Đó cũng là kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến Việt Nam độc lập do Ngô Vương Quyền khởi lập và tồn tại từ năm 939 đến năm 944... Cổ Loa thành là một minh chứng cho tài năng sáng tạo và tinh thần bám trụ của người Việt.
Khu di tích Cổ Loa nằm trên địa phận 3 xã Cổ Loa, Dục Tú và Việt Hùng thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội), cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 17km về phía Bắc. Theo các tài liệu khảo cổ học thì xa xưa nơi đây là rừng rậm, do biến đổi của thiên nhiên nên tất cả đã chìm vào lòng đất, hiện chỉ còn dấu tích những dải than bùn lớn, những cây cổ thụ... kéo dài qua nhiều địa phương từ Đài Bi qua Cầu Cả, Đại Đà, Hội Phụ đến Lỗi Khê...
Giếng Ngọc trước cửa đền An Dương Vương ở Cổ Loa. |
Hơn hai nghìn năm trước, An Dương Vương Thục Phán đã tiến về xuôi để lập kinh đô mới cho nước Âu Lạc tại Cổ Loa. Ông đã cho đào đắp thành lũy kiên cố, đào hào sâu phòng thủ chắc chắn, luyện quân tinh nhuệ, chế tạo vũ khí để bảo vệ đất nước trước sự đe dọa của quân xâm lược nhà Triệu ở phương Bắc. Trải qua sự biến thiên của thời gian, Cổ Loa từng có những tên gọi khác nhau như Khả Lũ thành, Côn Lôn thành, Việt Vương thành và Tư Long thành...
Cổ Loa nằm trên một vùng đất cao, thoải dần từ Bắc xuống Nam. Có thể chia khu di tích này thành ba hạng mục chính: Thứ nhất là di tích tường thành với kiến trúc đặc trưng của thành, lũy, hào, gò, đống... Thứ hai là di tích khảo cổ học qua các thời đại Đồ đồng, Đồ sắt thời đại phong kiến. Thứ ba là di tích kiến trúc nghệ thuật với đình, đền, am, miếu...
Cũng giống như nhiều điểm di tích khác, ở Cổ Loa còn có sự đan xen của làng xóm, đồng ruộng, khu dân cư, khu hành chính... Khu dân cư ở Cổ Loa gồm trại, xóm, làng, ruộng, ao chuôm, ngòi lạch. Khu hành chính có bệnh viện, trụ sở cơ quan hành chính phục vụ, trường học, cửa hàng... Nơi đây có chợ Sa nổi tiếng cả vùng và đã đi vào sử sách về dấu ấn văn minh thương nghiệp từ rất sớm. Đặc biệt, ngay từ thời An Dương Vương, Cổ Loa đã có hệ thống giao thông khá hoàn chỉnh với đường bộ và đường thủy, tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống và sản xuất của nhân dân.
Theo truyền thuyết dân gian, Cổ Loa thành nguyên thủy của Thục Phán gồm có chín lớp tường thành, bên ngoài là hào sâu bao bọc nhưng hiện nay chỉ còn lại ba vòng thành đắp bằng đất theo hình xoáy trôn ốc, gần như lồng vào nhau ở thế cao dần lên; chúng không hoàn toàn đồng tâm mà hơi lệch về phía Nam. Từ ngoài nhìn vào, trước tiên có thể nhìn thấy dấu tích thành ngoại, tiếp đó là thành trung và thành nội. Cả ba lớp thành được nối liền bằng một cửa lớn gọi là Loa Khẩu ở phía Đông Nam. Thành ngoại có chu vi 8.000m, hiện vẫn còn nhiều đoạn tường thành cao và đẹp. Thành trung còn bảo tồn được nhiều đoạn tường thành, có nhiều đoạn gấp khúc, tổng chu vi là 6.500m, cao từ 6 đến 12m. Thành nội là điểm cao nhất, có dạng hình chữ nhật với chu vi 1.650m, có 18 ụ đất nhô ra làm vị trí đặt hỏa hồi dành cho lính canh, khiến cho cả tòa thành không có tử giác (tức góc chết, nơi không quan sát được). Nếu cộng cả ba vòng thành lại thì tổng chiều dài là 16km, trải trên diện tích 850ha.
Cổ Loa thành thể hiện trình độ lao động sáng tạo của ông cha ta xưa kia đã làm nên một công trình quân sự kiên cố bậc nhất đương thời. Các tài liệu ghi chép trong đợt khai quật đào cắt một số đoạn thành năm 1970 cho biết: tường thành Cổ Loa có hai lớp đất, lớp dưới chân thành gồm nhiều mảnh gốm lẫn với than, được kè bằng đá hộc và đá cuội to làm cho chân thành rất chắc chắn. Cấu trúc chung với các vòng thành là những hỏa hồi vọng gác cũng tương tự như vậy. Mỗi vòng thành có 4 hoặc 5 cửa mở ra các phía, nối với nhau bằng một con đường quanh co hai bên. Dưới chân thành là hệ thống hào sâu, ngòi nước, ao hồ... chạy vòng quanh, lại được nối liền với Hoàng Giang (xưa kia là một nhánh của sông Nhị, chảy qua 5 huyện rồi đổ vào sông Cầu) làm nhiệm vụ phòng thủ rất hữu hiệu. Lũy đắp mé ngoài dựng đứng để quân địch khó leo qua còn mé trong thoai thoải để quân ta có thể dễ dàng leo lên đón đánh giặc. Phía ngoài ba vòng thành còn có nhiều ụ đất được đắp khá cao với ý nghĩa là những công trình tiền vệ cho thành như Đống Chuông, Đống Dân, Ngự Xạ Đài... An Dương Vương đã biết kết hợp các yếu tố tự nhiên một cách khéo léo, tạo thành một căn cứ vừa thuận lợi cho phòng thủ, mai phục, vừa dễ dàng cho việc vận động, tấn công theo lối du kích. Đây cũng là chiến thuật độc đáo mà sau này, cả trong thời hiện đại, quân và dân ta đã vận dụng sáng tạo đồng thời phát triển thêm lên trong các cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Đây cũng là ví dụ điển hình về việc kết hợp hai thứ quân: quân thủy và quân bộ hiệp đồng chiến đấu trên một địa bàn.
Cổ Loa thành còn là một công trình kiến trúc nghệ thuật và xây dựng đặc sắc mặc dù được xây dựng với mục đích quân sự. Ở phía Bắc, ông cha ta đã lợi dụng các đồi gò, ụ đống cao làm lũy phòng vệ, làm pháo đài tấn công giặc; còn ở phía Nam thì dựa vào địa hình đồng bằng rộng lớn, lấy Hoàng Giang làm chiến hào tự nhiên án ngữ, đào thêm nhiều đoạn sông để nối Hoàng Giang với sông Hồng, sông Cầu đến sông Lục Đầu, tạo nên một hệ thống giao thông thuận tiện ra đến tận cửa biển và Đầm Cả trở thành một quân cảng lớn đủ cho vài trăm thuyền bè neo đậu... Các di tích kiến trúc nghệ thuật khác trong thành nội còn phải kể đến đền An Dương Vương, đình Cổ Loa Ngự Triều Di Quy, am Mỵ Châu, miếu thần Kim Quy... Theo văn bia Cổ Loa, đền thờ An Dương Vương được xây dựng năm 1687, trùng tu năm 1893. Những di vật quý là tấm bia đá lớn bốn mặt hình khối vuông, ghi niên hiệu Hoàng Định thứ 5 (1606). Bên trong đền có đôi ngựa chiến bằng gỗ làm vào năm 1716. Ở hậu cung, trên bàn thờ có pho tượng vua Thục bằng đồng nặng 255 cân ta được đúc vào năm 1807. Trước tam quan đền có đôi rồng đá vuốt râu, đặc trưng cho phong cách nghệ thuật điêu khắc thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XIX). Dấu ấn của sự vận dụng thuyết phong thủy rất rõ nét: ở mặt trước đền thờ có hương án, tạ thủy, tay nghi, hai bên có đôi mắt rồng bố trí cân xứng, tạo thành thế đất Cổ Tử Long uy nghi, bề thế. Nhìn toàn cảnh, bố cục kiến trúc và nghệ thuật xây dựng tòa thành, đình giếng, đền, am, miếu... là một bức tranh hoàn chỉnh.
Đến thăm Cổ Loa thành, du khách không thể bỏ qua việc tìm hiểu di tích khảo cổ học ở cả một vùng rộng lớn xung quanh để hiểu thêm, tự hào thêm về lịch sử dân tộc, lịch sử nước nhà. Dọc bờ Hoàng Giang, có rất nhiều di chỉ như Đồng Vông, Đồng Chiện ở phía Nam; Vườn Đất, Vườn Trình ở phía Bắc... thuộc thời đại Đồ đồng, cách đây đến 4.000 năm. Sau đó, có những di chỉ vào thời đại giữa Đồ đồng (cách đây khoảng trên 3.000 năm đến 3.500 năm) là Bãi Mèn, Cầu Vực, Tiên Hội, Đình Trang... và những di chỉ vào đầu thời đại Đồ sắt (cách đây trên 2.000 năm đến 3.000 năm) như Đình Tràng, Bãi Miễu, Đường Mây, xóm Nhồi, xóm Hương... Bên cạnh đó còn có rất nhiều di vật cổ là đồ đất nung, đồ sắt, men, gốm... trong các ngôi mộ gạch và khuôn giếng cổ ở Đồng Đô, Mả Cơ, Ao Má... có niên đại từ trước và sau Công nguyên đến thế kỷ thứ X, nhiều di vật đã được giám định là sản phẩm của các thời đại phong kiến Lý, Trần, Lê, Nguyễn... chứng tỏ sự tiếp nối liên tục của lịch sử dân tộc.
Đến thăm Cổ Loa thành, du khách sẽ cảm nhận được khung cảnh một vùng quê cổ tích với bao huyền thoại, nghe lại thiên tình sử Mỵ Châu - Trọng Thủy đầy bi tráng... Lịch sử hàng nghìn năm đã đi qua nhưng dấu ấn một thời đại hào hùng thuở An Dương Vương nối nghiệp các Vua Hùng sẽ còn sáng mãi.