18/06/2018, 12:15

Tp. HCM - Chợ hoa Tết

Chợ hoa Tết Sài Gòn Theo các cụ có gốc gác ở đất Sài Gòn, Gia Định kể lại rằng, vào khoảng những năm 1945 - 1950, con đường Charner (tức đại lộ Nguyễn Huệ bây giờ) đã mọc lên những kiốt bán hoa lẻ, mãi cho đến năm 1960 trở đi trên con đường này mới xuất hiện chợ hoa ...

Chợ hoa Tết Sài Gòn
Chợ hoa Tết Sài Gòn

Theo các cụ có gốc gác ở đất Sài Gòn, Gia Định kể lại rằng, vào khoảng những năm 1945 - 1950, con đường Charner (tức đại lộ Nguyễn Huệ bây giờ) đã mọc lên những kiốt bán hoa lẻ, mãi cho đến năm 1960 trở đi trên con đường này mới xuất hiện chợ hoa mỗi độ Xuân về. Từ ngày ấy đến nay, chợ hoa Nguyễn Huệ đã trở thành cái tên quen thuộc đối với nhân dân thành phố và khắp cả mọi miền đất nước.

Một chợ hoa khác nằm trên đường Lê Thánh Tông (Quận I) đó là chợ nhóm quanh năm và là đầu mối chuyên cung cấp hoa cho giới buôn bán lẻ. Ngày thường chợ hoa ở đây họp từ 9 giờ tối cho đến 3, 4 giờ sáng hôm sau, sở dĩ họp vào ban đêm vì khí hậu về đêm mát mẻ, thuận tiện cho người vận chuyển hoa, người bảo quản và cung ứng sớm cho giới buôn bán lẻ để họ có thời gian bày hoa vào sáng sớm. Còn ngày Tết thì chợ hoa ở đây họp từ 5 - 6 giờ chiều cho đến khoảng 4 - 5 giờ sáng hôm sau.

Ngoài ra, ở thành phố còn có chợ hoa nữa nằm trong khuôn viên trường Hồ Thị Kỷ (Quận 10) chuyên bán đủ loại hoa cao cấp như lay ơn đỏ, vàng, hoa bất tử, hoa hồng... họp từ chập tối cho đến nửa đêm. Hoa ở đây được vận chuyển theo các chuyến xe khách, vượt hàng trăm cây số từ Đà Lạt về Sài Gòn, rồi từ đấy lại toả ra các chợ hoa trong nội thành, hoa được đưa đến bằng xe đạp, xe ba gác, xe gắn máy, xe xích lô.

Có thể nói, quy tụ nơi chợ hoa là các giống hoa từ nhiều miền đất đến như huệ trắng ở Tiền Giang, Đồng Tháp, hoa cúc, hoa vạn thọ, hoa đồng tiền ở Bà Quẹo (Tân Bình), Gò Vấp, Hóc Môn, Bình Chánh thuộc nội thành đến các giống hoa nội, ngoại từ Đà Lạt đưa về. Riêng các loại dứa, cây phát tài của vùng Long Khánh (Đồng Nai) chuyển vào nhiều vô kể. Ngoài ra, đào ở miền Bắc cũng đưa vào bằng máy bay và tàu hỏa.

Tại chợ hoa Tết, nhiều loại hoa rất quen thuộc như mãn đình hồng, cúc mâm xôi, huệ, tắc kiểng, mai, thược dược, sống đời, mào gà, hoa giấy, hướng dương, ớt kiểng chen vai với các loại hoa quý từ Đà Lạt như lưu ly, hồng nhung, địa lan, bát tiên, thuỷ tiên, hồng bạch, tulip, lay-ơn, mimosa...

Chiếm diện tích và thị phần đáng kể ở những chợ hoa Tết, bao giờ cũng là những gian hàng mai kiểng. Người bán đông và người đi xem bao giờ cũng tấp nập. Mai vàng từ xa xưa đã là loài hoa đặc trưng của mùa Xuân phương Nam, tương tự như hoa đào đối với người miền Bắc. Đối với người miền Nam, mai vàng còn đồng nghĩa với sự may mắn, hanh thông, thành thử mỗi nhà, dù có chật chội, có nghèo khó - chẳng phong lưu cũng ba ngày Tết - cũng cố gắng sắm cho được vài cành mai trang hoàng nơi phòng khách. Mai vàng đem đi họp chợ gồm có mai cành, mai gốc, mai bonsai (tức mai cổ thụ). Mai bonsai là loài mai quý hiếm nhưng những năm gần đây cũng góp mặt ở các phiên chợ Tết.

Nét đô hội và sự rực rỡ những sắc màu, nổi bật các chợ hoa Xuân có lẽ là những gian hàng tắc kiểng (cây quất cảnh). Từ sáng sớm cho đến tận đêm khuya, khách hàng lúc nào cũng đông đúc. Nhiều khách đi bộ chưa hẳn đã bỏ tiền ra mua sắm nhưng là để tận mắt thưởng thức tài nghệ của chủ nhân nhà vườn. Trái tắc, đối với người miền Nam, còn gọi là hạnh, là niềm ước vọng của mọi người về hạnh phúc đầu Xuân. Tắc Nam Bộ mà người miền Bắc gọi là quất rất sai quả có màu vàng hoặc màu xanh, mọng nước. Mỗi chậu tắc được ghép từ nhiều nhánh tắc và dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân, tầng lớp quả lần lượt xếp chồng lên thành hình chóp hay hình ngôi sao thật lạ mắt.

Vài năm trở lại đây, chen vai với tắc kiểng còn có những chậu đào tiên vàng rực. Loại trái kiểng này được du nhập từ xứ người, nhưng dường như nó hợp với thổ nhưỡng của miệt vườn Cái Bè, Cái Mơn, thành thử chúng rất sai quả, được các nghệ nhân ghép tạo thành những con thú có hình dáng thật độc đáo, tạo nên một nét duyên thầm giữa chợ hoa Xuân rực rỡ muôn màu sắc. Thôi thì thượng vàng hạ cám, tất cả các loài đều góp mặt ở đây.

Chợ hoa Tết chỉ họp đến chiều 30 tháng Chạp, sau đó đồng loạt trả lại nét phong quang sạch sẽ cho phố phường. Những Việt kiều về quê ăn Tết và khách nước ngoài đến du Xuân đã quá quen thuộc với sự hiện diện của những chợ hoa mỗi độ Xuân về. Chợ hoa Tết thật sự là một nét đẹp văn hoá truyền thống trên thành phố vào những ngày cuối năm.

0