23/05/2018, 15:25

Giới thiệu nghề nuôi cá rồng

Nếu chúng tôi nhớ không lầm, khoảng đầu thập niên 70 của thế kỷ 20 vừa qua, cá Rồng mới lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường cá kiểng nước ta (?). Giống cá Rồng được nhập về trước tiên là cá Ngân Long (Osteoglossum Bicirrhosum). Do nó có hình dáng đẹp, lạ so với các loài cá kiểng hiện có từ ...

Nếu chúng tôi nhớ không lầm, khoảng đầu thập niên 70 của thế kỷ 20 vừa qua, cá Rồng mới lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường cá kiểng nước ta (?).

Giống cá Rồng được nhập về trước tiên là cá Ngân Long (Osteoglossum Bicirrhosum). Do nó có hình dáng đẹp, lạ so với các loài cá kiểng hiện có từ trước đến bây giờ nên chỉ trong một thời gian ngắn đã tạo nên một cơn sốt “hâm mộ” trong giới nuôi cá kiểng thời đó.

Đến nỗi đi đến đâu, tại các hàng quán nào cũng nghe nhiều người say sưa bàn tán đến con cá kiểng được mệnh danh là “Rồng bạc” này.

cá Rồng

Quả thật với con Ngân Long thì có nhiều điểm được tán tụng. Mãi đến ngày nay địa vị của nó cũng không bị suy giảm chút nào. Thế nhưng, trong buổi đầu, người ái mộ thì nhiều nhưng người mua nuôi thì chẳng được bao nhiêu. Lẽ dễ hiểu chưa ai có kinh nghiệm nuôi giống cá này, mà tài liệu hướng dẫn cũng không. Người ta chỉ còn biết tin vào lời người bán, tất nhiên cũng hạn hẹp! Vì vậy, chỉ những nghệ nhân thừa tiền lắm của mới có khả năng… nhập cuộc trong buổi đầu này mà thôi…

Mãi sau đó một thời gian khá dài, các giống Hồng Long, Thanh Long mới được nhập về với lời quảng cáo rầm rộ của giới con buôn. Và chính từ đây, số người bắt tay vào thú chơi cá Rồng mới thực sự đông đảo, do nhiều người đã có kinh nghiệm hay truyền cho nhau kinh nghiệm nuôi giống cá kiểng đẹp lạ này.

Điều mọi người không ngờ là thời gian từ đó đến nay đã gần nửa thế kỷ trôi qua mà đối với đông đảo nghệ nhân cá kiểng chuyên nghiệp cũng như tài tử nước mình vẫn còn đam mê vái việc nuôi cá Rồng. Đó là điều kỳ diệu mà xưa nay chưa có giống cá kiểng nào ở nước ta sánh kịp được!

Thật ra đối với nhiều nước trên thế giới đến nay cá Rồng vẫn đủ sức hấp dẫn, cuốn hút mãnh liệt sự dam mê của nhiều người, với mọi lứa tuổi, mọi giới tính!

Sự cuốn hút đó không chỉ ở hình dáng đẹp hay cá tính đặc biệt của cá Rồng, mà còn ở…phần số đầy kịch tính của giống cá này nữa.

Người ta từng biết, cá Rồng thuộc giống cá cổ đại, đã có mặt trên trái đất này gần 200 triệu năm nay. Nghĩa là từ xa xưa, chúng đã được loài người biết đến rồi, nhưng đâu ai ngờ rằng mãi đến hậu bán thế kỷ thứ 20 vừa qua, chúng vẫn được liệt vào hàng cá thịt không hơn không kém!

Số phận hẩm hiu này không phải chỉ dành riêng cho cá Rồng châu Á không thôi, mà các loại cá Rồng của các châu Úc, Mỹ, Phi cũng phải chịu chung số phận như vậy cả!

Chỉ mới chừng gần nửa thế kỷ nay thôi, loài cá có hình dáng sang cả và tuyệt đẹp này mới bắt đầu được góp mặt vào làng cá kiểng của thế giới. Và, điều kỳ diệu là chỉ trong một thời gian ngắn, cá Rồng được đón nhận sự ngưỡng mộ nồng nhiệt của giới nghệ nhân chơi cá kiểng chuyên nghiệp cũng như tài tử khắp bốn biển năm châu. Nó được tôn vinh là giống cá kiểng cao cấp: Cá quý tộc, cá vua!

Vậy nhờ đâu mà loài cá Rồng được mọi người ái mộ đến mức độ như vậy?

Đơn giản chỉ vì loài thủy tộc này mang hình dáng giống với con vật có trong huyền thoại đứng đầu bộ tứ linh là Long, Lân, Quy, Phụng: Hãy nhìn và tưởng tượng thêm một chút, ta sẽ thấy nó giống loài Rồng.

Xin hãy nhìn kỹ hình vóc và dáng điệu của con cá Rồng đang nhởn nha bơi trong hồ kiếng xinh xắn của bạn: Cá có cái đầu to, đôi mắt lớn lộ ra với vẻ linh động và đôi râu chỉa thẳng lên phía trước có khác chi với cái đầu rồng? Rồi, với tấm thân dài với những hàng vảy to, dù vàng hay bạc hoặc xanh cũng đều lấp lánh ánh sắc như những thỏi vàng ròng, bạc ròng, kèm với bộ vây mềm mại, lúc nào cũng giương rộng ra, giúp con cá Rồng khi bơi khoan thai trên tầng nước mặt của hồ cá khác chi hình ảnh một con rồng vàng, rồng bạc đang uốn khúc lượn lờ trên chín tầng mây?

Mà, xưa nay, đối với phần đông ngưòi Á Đông chúng ta, hễ nói đến Rồng là mọi người đều liên tưởng đến sự may mắn, sự phát đạt và phú quý giàu sang. Do đó, nuôi cá Rồng trong nhà, con vật tượng trung cho tài lộc và hạnh phúc bền vững thì thử hỏi ai lại không ham, không nuôi?

Điều đơn giản thứ hai ai cũng biết đến và lấy làm hài lòng là giá của con cá kiểng quý tộc này thường hợp với túi tiền của đại chúng, ngay cả trong giai đoạn đầu chúng vừa được góp mặt trong làng cá kiểng của nước ta.

Nhiều người mừng cho loại cá Rồng chỉ một sớm một chiều đã được lên ngôi: từ thân phận cá thịt suốt gần 200 triệu năm bỗng được tôn vinh là cá kiểng quý tộc, là cá vua (King Arowana), nhưng đâu ai ngờ rằng trong thời gian đầu được tôn vinh lên địa vị cao sang đó, cá Rồng suýt có nguy cơ bị tuyệt chủng! Các loài cá Rồng ngoài thiên nhiên, nhất là cá Rồng châu Á đã bị nhiều người hám lợi ra sức đánh bắt quá nhiều nên trữ lượng trong thiên nhiên có nguy cơ cạn kiệt.

Vì vậy loài cá này đã bị cấm đánh bắt do công ước CITES (Convention International Trade Endanger Species), chỉ cho phép bán buôn những cá nuôi sinh sản trong các trại cá giống, từ đời F2 trở về sau mà thôi.

Chính nhờ đa số các loài cá Rồng có khả năng sinh sản trong môi trường nuôi nhân tạo, thêm vào đó là sự góp sức lai tạo của nghệ nhân cá kiểng nhiều nước, chịu khó tuyển chọn con giống một cách khắt khe để ghép cặp cho sinh sản mà ta mới có cơ hội chiêm ngưỡng những con cá Rồng đời F2 trở về sau có mẫu mã đạt chuẩn hơn so với giống nòi nguyên thủy của chúng…

0