25/05/2018, 09:27

Giới thiệu chương “Quản lý các khối tài sản”

Việc quản lý các khối tài sản của vợ chồng, trong khung cảnh của luật thực định, chịu sự chi phối của khá nhiều quy tắc không được ghi nhận trong luật chung về tài sản. Ta biết rằng việc quản lý tài sản chung theo luật chung được thực hiện theo một hệ thống ...

Việc quản lý các khối tài sản của vợ chồng, trong khung cảnh của luật thực định, chịu sự chi phối của khá nhiều quy tắc không được ghi nhận trong luật chung về tài sản. Ta biết rằng việc quản lý tài sản chung theo luật chung được thực hiện theo một hệ thống các quy tắc hình thành xung quanh nguyên tắc nhất trí: các chủ sở hữu chung cùng quản lý tài sản chung theo nguyên tắc nhất trí, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác (BLDS 2005 Điều 221). Việc quản lý tài sản riêng theo luật chung, về phần mình, được thực hiện theo một hệ thống các quy tắc hình thành xung quanh nguyên tắc độc quyền: chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản, miễn là không làm thiệt hại và ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Trong thời kỳ hôn nhân, vợ (chồng) có thể tự mình sử dụng, định đoạt tài sản chung. Trong những trường hợp được dự kiến, vợ (chồng) có độc quyền sử dụng, định đoạt tài sản chung, có quyền sử dụng, điûnh đoạt tài sản riêng của chồng (vợ) mình. Cũng có trường hợp vợ (chồng) chỉ có quyền định đoạt tài sản riêng của mình với sự đồng ý của người còn lại (dù người còn lại không phải là chủ sở hữu tài sản).

Một cách tổng quát, việc quản lý các khối tài sản được thực hiện, tùy trường hợp, hoàn cảnh, điều kiện, theo một trong ba phương thức

- Quản lý chung. Việc quản lý chung được tổ chức dựa trên sự phân bổ quyền hạn của vợ và chồng theo nguyên tắc bình đẳng và bổ khuyết: một mặt, vợ và chồng có quyền ngang nhau đối với tài sản; nhưng, mặt khác, họ chỉ có thể cùng nhau thực hiện các quyền của mình, chứ mỗi người không thể tự mình, một mình thực hiện các quyền ấy.

- Quản lý riêng. Việc quản lý riêng được thừa nhận cho vợ hoặc chồng đối với các tài sản mà người quản lý có quyền sở hữu riêng hoặc cả đối với các tài sản chung mà việc quản lý riêng của một người tỏ ra phù hợp với lợi ích của gia đình hơn là việc quản lý chung.

- Quản lý chung toàn quyền. Việc quản lý chung toàn quyền cho phép vợ hoặc chồng tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch liên quan đến các tài sản được quản lý mà không cần có vai trò của người còn lại. Khác với tài sản được quản lý riêng, tài sản được quản lý chung toàn quyền được đặt dưới sự quản lý của cả vợ và chồng. Nhưng khác với việc quản lý chung đơn giản, việc quản lý chung toàn quyền không đòi hỏi sự tham gia tích cực của cả vợ và chồng trong hoạt động quản lý: khi tự mình hành động, vợ hoặc chồng coi như đã nhận được sự đồng ý mặc nhiên của chồng (vợ) mình và giao dịch được xác lập sẽ ràng buộc cả vợ và chồng.

0