24/05/2018, 23:15

Giê_su

Giê-su (có thể viết khác là Giêsu, Giê-xu, Jesus, Gia tô, Da tô[5]), cũng được gọi là Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa Giê-xu Cơ Đốc, Gia tô Cơ đốc hoặc Da tô Cơ đốc, là người sáng lập ra Ki-tô giáo. Giê-su là người Do Thái có tên là Yehoshua (יהושע - ...

Giê-su (có thể viết khác là Giêsu, Giê-xu, Jesus, Gia tô, Da tô[5]), cũng được gọi là Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa Giê-xu Cơ Đốc, Gia tô Cơ đốc hoặc Da tô Cơ đốc, là người sáng lập ra Ki-tô giáo. Giê-su là người Do Thái có tên là Yehoshua (יהושע - có nghĩa là "Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ" trong tiếng Hebrew), thường được gọi vắn tắt là Yeshua (ישוע). Đối với người đương thời, Giê-su còn được biết dưới tên Giê-su người xứ Nazareth, hoặc Giê-su con ông Giu-se. Từ "Ki-tô" (tiếng Latinh: Christus; tiếng Hy Lạp: Χριστός Khristós hoặc từ "Cơ Đốc", tiếng Hoa: 基督 Ji-du) là một danh hiệu của Giê-su, có nghĩa là "người được xức dầu", để ám chỉ một vị lãnh đạo, chính trị cũng như tôn giáo, được chọn bởi Thiên Chúa. Những gì chúng ta biết được về Giê-su được ghi chép trong Thánh Kinh Tân Ước, đặc biệt là trong bốn sách Phúc Âm.

Những nguồn thông tin chính về cuộc đời và những lời dạy của Giê-su là bốn sách Phúc Âm kinh điển, đặc biệt là trong Phúc âm Nhất lãm,[6][7] mặc dù nhiều học giả cho rằng những văn bản như Phúc âm của Thomas và Phúc âm người Hebrews [8][9] cũng xác đáng.[10]

Trong đạo Hồi, Giê-su (Ả Rập: عيسى‎, thường dịch là Isa) được xem là một nhà tiên tri quan trọng của Chúa,[11][12] một người mang lại kinh thánh, và một người làm ra điều mầu nhiệm. Giê-su còn được gọi là "Messiah", nhưng đạo Hồi không dạy rằng Giê-su thiêng liêng. Đạo Hồi dạy rằng Giê-su đã lên thiên đường bằng thể xác, không trải qua việc đóng đinh vào thập tự và phục sinh,[13] hơn là niềm tin truyền thống của Đạo Cơ Đốc về cái chết và sự phục sinh của Giê-su.

Tên và danh hiệu

Tên "Giê-su" bắt nguồn từ Iesous (Ιησους) trong tiếng Hy Lạp, được dịch từ Yehoshua trong tiếng Hebrew (יהושע) hay Jesus trong tiếng Anh và thành "Giê-su" trong tiếng Việt.

Từ "Cơ Đốc" hay "Ki tô" (tiếng Anh: Christ) không phải là tên nhưng là một danh hiệu. Trong tiếng Hy Lạp Khristos (Χριστός), có nghĩa là "người được xức dầu", được dịch từ tiếng Hebrew Messiah, để ám chỉ một vị lãnh đạo, chính trị cũng như tôn giáo, được chọn bởi Thiên Chúa.

Theo ký thuật của các sách Phúc Âm, Giê-su xưng mình là Con Người (Son of Man - Con của Ngài, Con của Thượng đế, "Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ mà gối đầu" -- Mat. 8.20), cũng được gọi là "Con Thiên Chúa" ("Thật người này là Con Thiên Chúa" -- Mat. 27.54). Ngoài ra, Giê-su còn có một số danh xưng khác như "Đấng Tiên tri", "Chúa" và "Vua dân Do thái". Đa số Kitô hữu tin rằng các danh xưng này dùng để tôn vinh thần tính của Chúa Giê-su. Trong Phúc Âm Giăng chương 14 câu 6 chép :" Đức Chúa Jesus phán rằng: Ta là đường đi chân lý và sự sống, chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha ( Đức Chúa Trời)" (John 14:6).

Sơ lược

Giê-su, theo các sách Phúc Âm, là một người Do Thái tôn trọng luật pháp Moses (kinh Torah), là nhà thuyết giáo và người chữa bệnh bằng phép mầu, cũng là người thường bất đồng với giáo quyền Do Thái, và cuối cùng, là người bị đóng đinh trên thập tự giá dưới phán quyết của chính quyền Đế quốc La Mã theo ý giáo quyền Do Thái.

Các sách Phúc Âm tập chú vào quãng đời ba năm cuối khi Giê-su sống trên thế gian, đặc biệt là tuần lễ cuối cùng trước khi bị đóng đinh trên thập tự giá.

Nhận định từ một số tôn giáo

Hầu hết Kitô hữu tin rằng, Giê-su là Thiên Chúa, là Đấng Messiah mà sự xuất hiện đã được tiên báo trong Cựu Ước. Họ tin rằng Giê-su là Thiên Chúa hóa thành con người, là Ngôi Hai trong Ba Ngôi; rằng Giê-su được chịu thai bởi quyền phép Chúa Thánh Linh, theo Ân điển xuống thế gian để cứu nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết bởi máu của Giê-su đã đổ ra khi bị đóng đinh trên thập tự giá như là sinh tế chuộc tội cho loài người. Họ cũng tin rằng Giê-su đã sống lại từ cõi chết và sau đó trở lại Thiên Đàng.

Khác với đức tin của người Kitô giáo, tín đồ Hồi giáo tin rằng, Giê-su là một trong những nhà tiên tri đáng được tôn trọng, được Thiên Chúa sai đến và là Đấng Messiah; nhưng họ không tin Giê-su là "Con Thiên Chúa". Họ cũng không tin về sự chết và sự phục sinh của Giê-su, xem đó chỉ là sự hóa phép của Thiên Chúa dành cho tiên tri Giê-su để đánh lừa người đương thời. Sau đó, Giê-su về trời cả hồn lẫn xác.

Do Thái giáo thì cực lực phản đối cả hai niềm tin của hai tôn giáo trên. Họ không xem Giê-su là Thiên Chúa xuống thế làm người cũng không nhận đó là nhà tiên tri, thậm chí coi đó là nhà tiên tri giả hay kẻ xúc phạm đến Thiên Chúa của họ. Họ cho rằng, kể từ sau sự sụp đổ lần thứ hai của Đền thờ Jerusalem, không có một tiên tri nào xuất hiện thêm nữa. Cho đến tận bây giờ, họ vẫn đang hy vọng có một Đấng Messiah từ trời xuống.

Phật giáo hầu như không đưa ra nhận định về vai trò của Giê-su trong tôn giáo họ. Đối với họ, dựa theo lịch sử, Giê-su chỉ là một con người. Tuy nhiên, một số tín đồ thuộc một số phái cho rằng, với những đức tính hiển nhiên của "Giê-su", chắc chắn sau đó Giê-su cũng được sinh vào cõi trời dựa theo luật nhân quả. Do đó, những người tu theo đạo Phật cấp tiến, nhất là tông Tịnh Độ, có thể tôn kính "Giê-su" như một vị Bồ tát[14].

Vì có vai trò đặc biệt trong một số tôn giáo này, Giê-su được nhìn nhận là một trong những nhân vật quan trọng nhất và có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong lịch sử nhân loại.

Cuộc đời và tư tưởng

Theo Tân Ước, Giê-su sinh tại Belem|Bethlehem (gần Jerusalem). Mẹ của Giê-su, Maria (Mary hoặc Ma-ri), là một đồng trinh đã mang thai bởi quyền năng siêu nhiên của Chúa Thánh Linh. Joseph (Giuse hoặc Giô-sép), chồng của Mary, chỉ được nhắc đến trong thời thơ ấu của Giê-su, dẫn đến những suy đoán rằng ông qua đời trước khi Giê-su bắt đầu đi giảng dạy. Theo các sách Phúc Âm, khi Giê-su sinh ra, các mục đồng được thiên sứ báo tin đã đến thờ lạy và mấy nhà thông thái (còn gọi là mấy nhà chiêm tinh hay mấy đạo sĩ) từ phương Đông xa xôi, được dẫn dắt bởi một ngôi sao lạ, đã tìm đến để tôn thờ Giê-su.

Phúc âm Mark 6.3 ký thuật rằng "Giê-su là con của Mary, anh của James, Joseph, Giu-đa và Simon". Josephus, sử gia Do Thái, và Eusebius, sử gia Kitô giáo, có nhắc đến James Người Công chính như là em của Giê-su. Tuy nhiên, Jerome cho rằng James (Giacôbe hoặc Gia-cơ) chỉ là em họ của Giê-su. Cách giải thích này đặt nền tảng cho truyền thống Công giáo Rôma và Chính Thống giáo Đông phương tin rằng Maria đồng trinh trọn đời.

Giê-su trải qua thời niên thiếu tại làng Nazareth thuộc xứ Galilee. Chỉ có một sự kiện xảy ra trong thời gian này được ghi lại là khi cậu bé Giê-su theo gia đình lên Jerusalem trong một chuyến hành hương. Bị thất lạc khỏi cha mẹ, cuối cùng cậu bé Giê-su 12 tuổi được tìm thấy trong Đền thờ, đang tranh luận với các học giả.

Ngay sau khi chịu lễ báp têm (lễ rửa tội) bởi Gioan Tẩy Giả (Giăng Báp-ít, John the Baptist), Giê-su bắt đầu đi rao giảng, khi ấy khoảng ba mươi tuổi. Theo Phúc Âm Lu-ca, Giê-su và Gioan Tẩy giả là anh em họ vì Maria và Elizabeth, mẹ của Gioan, là hai chị em họ

Theo Kinh Thánh, Giê-su đã cùng các môn đồ đi khắp xứ Galilee để giảng dạy và chữa bệnh. Cung cách giảng dạy với thẩm quyền và uy lực cùng kỹ năng điêu luyện khi Giê-su sử dụng các dụ ngôn để giãi bày chân lý đã thu hút rất nhiều người. Họ tụ họp thành đám đông và tìm đến bất cứ nơi nào Giê-su có mặt. Đôi khi đám đông trở nên mất trật tự và ông buộc phải ngồi trên thuyền mà giảng dạy. Giê-su cũng tìm đến và thuyết giáo tại các hội đường Do Thái giáo (synagogue).

Giê-su áp dụng các phương pháp khác nhau khi giảng dạy, phép nghịch lý, phép ẩn dụ và các truyện dụ ngôn. Ông thường tập chú vào Nước Trời hay Vương quốc Thiên đàng. Nổi tiếng nhất là Bài giảng trên núi, trong đó Tám mối Phúc thật (Beatitudes) được đề cập đến. Trong số những ngụ ngôn, được biết đến nhiều nhất là các câu chuyện kể về Người Samaria nhân lành và Người con trai hoang đàng. Giê-su có nhiều môn đồ, thân cận nhất là mười hai sứ đồ (apostle), Peter (Phêrô hoặc Phi-e-rơ) được Công giáo Rôma cho là sứ đồ trưởng. Theo Tân Ước, Giê-su làm nhiều phép mầu như chữa bệnh, đuổi tà ma và khiến Lazarus sống lại từ kẻ chết.

Giới lãnh đạo Do Thái giáo bao gồm các nhóm quyền lực đối nghịch nhau như nhóm Sadducee (Sa-đốc) và nhóm Pharisee (Pharisêu) thường bất đồng với Giê-su. Ông vẫn thường vạch trần tính chuộng hình thức cũng như tinh thần đạo đức giả của người Pharisee. Nhiều người xem Giê-su như một nhà cải cách xã hội, những người khác tỏ ra nhiệt tình với ý tưởng ông là vị vua đến để giải phóng dân Do Thái khỏi ách thống trị của Đế quốc La Mã, trong khi giới cầm quyền xem Giê-su như một thế lực mới đang đe dọa những định chế tôn giáo và chính trị đương thời. Nhiều người tin nhận Giê-su là "Đấng Messiah" đến để cứu chuộc nhân loại.

Bị bắt và bị xét xử

Giê-su cùng các môn đồ lên thành Jerusalem vào dịp Lễ Vượt Qua (Passover); ông vào Đền thờ, đánh đuổi những người buôn bán, những kẻ đổi tiền và lật đổ bàn của họ và quở trách họ "Nhà ta được gọi là nhà cầu nguyện nhưng các ngươi biến thành hang ổ của bọn trộm cướp". Sau đó, Giê-su bị bắt giữ theo lệnh của Toà Công luận (Sanhedrin) và Thượng Tế Joseph Caiaphas. Trong bóng đêm của khu rừng Gethsemane, ngoại ô Jerusalem, lính La Mã nhận diện Giê-su nhờ cái hôn của Judas Iscariot, một môn đồ đã phản ông.

Tòa Công luận cáo buộc Giê-su tội phạm thượng và giao ông cho các quan chức Đế quốc La Mã để xin y án tử hình – không phải vì tội phạm thượng, nhưng vì cáo buộc xúi giục nổi loạn. Dưới áp lực của giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái, Tổng đốc Pontius Pilate miễn cưỡng ra lệnh đóng đinh Giê-su. Tuy nhiên, theo các sách Phúc Âm, một tấm bảng có hàng chữ "Vua dân Do thái" được treo trên thập tự giá theo lệnh của Pilate; INRI (tiếng Latin) là các mẫu tự viết tắt cho câu "Giê-su người Nazareth, vua dân Do Thái".

Sau khi Giê-su chết, Joseph người Arimathea đến gặp Pilate và xin được phép chôn với sự chứng kiến của Maria, Maria Magdalena và những phụ nữ khác.

[sửa] Phục sinh và thăng thiên

Hơn 3 tỷ tín hữu Kitô giáo ở khắp nơi trên trái đất tin rằng Chúa Giê-su sống lại ba ngày sau khi chết trên thập tự giá. Sự kiện này được đề cập đến theo thuật ngữ Cơ Đốc là sự Phục sinh của Chúa Giê-su, được cử hành hằng năm vào ngày Lễ Phục sinh (Easter).

Mary Magdalene và Mary, mẹ của James, và Salome khi đến thăm mộ với thuốc thơm để xức xác ông (theo tục lệ thời ấy) thì chỉ thấy ngôi mộ trống mà trước đó họ đã an táng ông trong đó [Mark 16:1]. Phúc Âm Giăng (20:12, 20:13, 20:14) thuật rằng khi Mary Magdalene đến bên ngôi mộ trống thì thấy hai thiên sứ mặc áo trắng. Hai thiên sứ hỏi: "Hỡi đờn bà kia, sao ngươi khóc? Người thưa rằng: Vì người ta đă dời Chúa tôi đi, không biết để Ngài ở đâu". Vừa nói xong người xây lại thấy Đức Chúa Jêsus tại đó; nhưng chẳng biết ấy là Đức Chúa Giê-su. Các sách Phúc Âm và Công vụ đều ghi nhận rằng Giê-su đã gặp lại các môn đệ tại các nơi chốn khác nhau trong suốt bốn mươi ngày trước khi về trời. Phúc âm Macô (16:20) chép, về phần các môn đồ, thì đi ra giảng đạo khắp mọi nơi, Chúa cùng làm với môn đồ, và lấy các phép lạ cặp theo lời giảng mà làm cho vững đạo. Và đức Chúa Giê-su luôn ở cùng các môn đồ của Ngài cho đến ngày tận thế [Mathiơ 28:20].

Hầu hết Kitô hữu chấp nhận câu chuyện phục sinh, như được ký thuật trong Tân Ước, là sự kiện lịch sử và xem đây là tâm điểm cho đức tin của họ mặc dù theo quan điểm của một số tín hữu thuộc trào lưu tự do (liberalism), đây chỉ là câu chuyện có tính ẩn dụ. Tuy nhiên lịch sử chứng minh đây là niềm tin bất di dịch của Cơ Đốc giáo. Tất cả tín hữu Cơ Đốc tin rằng Giê-su đã làm nhiều dấu kỳ phép lạ và các tông đồ được ban cho quyền lực siêu nhiên bởi Chúa Thánh Linh để chữa lành bệnh tật cho nhiều người và nói được nhiều thứ tiếng khác nhau sau khi Chúa Giê-su về trời.

Bối cảnh: văn hóa và lịch sử

Thế giới mà Giê-su sống luôn luôn biến động, được đánh dấu bởi những bế tắc nối tiếp nhau cả về văn hoá và chính trị. Về văn hoá, vì người Do Thái phải vật lộn với nền triết học và các giá trị của văn minh Hy Lạp và với sự mâu thuẫn nội tại của kinh Torah, vì trong khi kinh Torah mặc khải các chân lý có giá trị cho toàn thể nhân loại thì các luật lệ của nó chỉ áp dụng riêng cho người Do Thái. Tình thế này dẫn dắt họ đến những cách giải kinh mới chịu ảnh hưởng của tư tưởng Hy Lạp và nhằm đáp ứng quyền lợi của người không thuộc chủng tộc Do Thái đã gia nhập Do Thái giáo.

Vào thời điểm Giê-su sinh ra, lãnh thổ Do Thái thuộc Đế quốc La Mã, nhưng đặt dưới quyền cai trị của Herod Đại Đế. Vào năm 4, Hoàng đế La Mã Augustus phế truất Herod Archelaus, con của Herod Đại Đế và đặt các xứ Judea, Samaria và Idumea dưới quyền cai trị trực tiếp của chính quyền La Mã, được giám sát bởi một quan tổng đốc, người này có quyền bổ nhiệm chức Thượng Tế của Do Thái giáo. Tình trạng này kéo dài cho đến năm 64. Xứ Galilee, nơi Giê-su lớn lên, vẫn dưới quyền cai trị của Herod Antipas (một người con khác của Herod Đại Đế). Khi ấy, Nazareth, nay được khai quật bởi các nhà khảo cổ, là một làng quê nhỏ bé với vài trăm cư dân, không có hội đường Do Thái giáo (synagogue), cũng không có cơ sở công cộng nào. Không vàng, bạc hay sản phẩm nhập khẩu được tìm thấy ở đây trong cuộc khai quật.

Vài phe nhóm tranh giành ảnh hưởng với nhau trong cộng đồng Do Thái như nhóm Saducee, có quan hệ mật thiết với giới tư tế và Đền thờ, trong khi nhóm Pharisee có nhiều ảnh hưởng trong vòng các học giả, giáo sư và lãnh đạo các hội đường. Các nhóm này chống đối sự chiếm đóng của Đế quốc La mã nhưng vào thời Giê-su họ vẫn cố kềm chế để không có phản ứng công khai nào.

Nhiều người kỳ vọng vào sự xuất hiện của một vị vua Do Thái (Messiah), hậu duệ của vua David để giải phóng họ khỏi sự cai trị của người La Mã. Theo đức tin Do Thái, lịch sử được điều khiển bởi Thiên Chúa, có nghĩa là sự chiếm đóng của người La Mã là một phần trong hoạch định của Ngài. Vì vậy đế quyền La Mã cần được thay thế bởi một vị vua Do Thái nhờ sự can thiệp siêu nhiên. Những người thuộc nhóm quá khích tin rằng chẳng bao lâu Vương quốc Do Thái sẽ được phục hồi và họ chuẩn bị các phương tiện để chống người La Mã. Các phản ứng của người La Mã cuối cùng dẫn đến sự phá đổ Đền thờ và sự suy vong của các nhóm kể trên.

Quan điểm của các tôn giáo khác

Đạo Phật có những cách nhìn khác về Giê-su. Một số Phật tử, trong đó có Tenzin Gyatso, Đạt-lại Lạt-ma thứ 14[15] xem Giê-xu như một vị Bồ tát, người cống hiến đời mình cho hạnh phúc của nhân loại. Nga Sơn Thiều Thạc ở thế kỷ 14 của Tào Động tông ngụ ý rằng những lời dạy của Giê-su trong Sách Phúc Âm do một người đã được giải thoát viết.[16]

Một người vô chính phủ Nhật Bản, Kōtoku Shūsui có viết tác phẩm Kirisuto Massatsuron(基督抹殺論, Cơ Đốc Mạt Sát Luận). Trong tác phẩm này, Shūsui cho rằng Chúa Giêsu chỉ là một nhân vật thần thoại và không có thực.[17][18].

Di sản của Giê-su

Theo hầu hết các giải thích của đạo Thiên chúa trong Kinh Thánh, các chủ đề cơ bản của những lời răn dạy của Giê-su là sự hối cải, tình yêu vô điều kiện, tha thứ tội lỗi và khoan dung và về Thiên đường.[19] Khởi đầu như một giáo phải nhỏ của người Do Thái,[20] nó đã phát triển và trở thành một tôn giáo riêng biệt so với đạo Do Thái vài thập kỷ sau cái chết của Giê-su. Đạo Thiên chúa đã lan rộng ra khắp đế chế La Mã dưới phiên bản được biết đến như Tín điều Nicea và trở thành tôn giáo quốc gia dưới thời Theodosius I. Qua hàng thế kỷ, nó lan rộng đến hầu hết Châu Âu và trên toàn thế giới. C. S. Lewis và Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã bảo vệ niềm tin vào Chúa Giêsu trước những sự chỉ trích mang tính lịch sử.

0