Giáo hoàng Phanxicô là người theo chủ nghĩa tự do?
Nguồn: “Is the pope a liberal?” The Economist , 23/09/2015. Biên dịch: Nguyễn Hướng Đạo | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp Ngày 23/09, trên chuyến bay từ Cuba đến Mỹ khởi đầu chuyến thăm kéo dài 6 ngày, Đức Giáo Hoàng Phanxicô (Francis) nói với các nhà báo rằng Ngài là một tín hữu ...
Nguồn: “Is the pope a liberal?” The Economist, 23/09/2015.
Biên dịch: Nguyễn Hướng Đạo | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Ngày 23/09, trên chuyến bay từ Cuba đến Mỹ khởi đầu chuyến thăm kéo dài 6 ngày, Đức Giáo Hoàng Phanxicô (Francis) nói với các nhà báo rằng Ngài là một tín hữu Công Giáo thực sự. Ngài còn nói vui rằng “tôi rất sẵn sàng tuyên xưng Kinh Tin Kính” (nội dung bao gồm những tín lý của đạo Công Giáo – ND). Dẫu vậy, người ta vẫn cảm thấy ít nhiều chưa rõ ràng về niềm tin của Ngài. Trong những tháng gần đây, các tuyên bố của Ngài về nạn phá thai cho đến hôn nhân đã đem lại cho Ngài hình ảnh của một nhà cải cách tự do.
Tại Mỹ, nơi những vấn đề như vậy đang đầy rẫy, việc liệu Đức Giáo Hoàng có phải là người có tư tưởng tự do hay ngược lại đã thu hút sự quan tâm của báo chí. Những người được xem là người Công Giáo theo chủ nghĩa tự do hy vọng rằng Đức Giáo Hoàng sẽ giúp nâng cao trọng lượng cho những lý lẽ của họ; trong khi đó, những người Công Giáo bảo thủ lấy làm tiếc rằng Ngài đã không kịch liệt bảo vệ giáo lý của hội thánh, cụ thể là trong vấn đề phá thai và hôn nhân. Vậy trong lãnh vực giáo huấn xã hội và trong hội thánh, Đức Giáo Hoàng có phải người theo chủ nghĩa tự do không?
Câu trả lời là không. Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ không thể được bổ nhiệm làm giám mục (của Buenos Aires), làm tổng giám mục, rồi hồng y và càng không thể được bầu làm Giám mục thành Rôma nếu Ngài không rao giảng giáo lý của Giáo hội Công Giáo trong suốt cuộc đời giáo sỹ của mình. Tuy nhiên, Ngài thường mang lại cho những tín hữu Công Giáo và nhiều người mến mộ Ngài một ấn tượng khác biệt.
Cụ thể, không giống hai vị Giáo Hoàng tiền nhiệm, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI, là những người đã dập tắt bất kì cuộc tranh luận nào về các luật lệ của giáo hội, nhất là những tranh luận liên quan đến tính dục, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gợi ý rằng có thể diễn giải các luật lệ một cách mềm dẻo hơn. Ngài đã sử dụng cách nói rất mang tính hòa giải về tình dục đồng giới. Ngài nói rằng “Tôi là ai mà phán xét?” khi trả lời một câu hỏi về các linh mục đồng tính. Ngài đã khuyến khích các linh mục tha tội cho những phụ nữ thống hối về hành động phá thai của mình. Ngài cũng đã đơn giản hóa quá trình tiêu hôn[1] vốn phức tạp của giáo hội, nhằm tháo gỡ những ngăn trở đối với những người Công Giáo đã ly hôn. Cũng có suy đoán rằng Ngài sẽ dỡ bỏ việc cấm những người đã ly dị và tái hôn nhận Thánh thể.
Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng cũng đã phản đối hôn nhân đồng tính, liên tục khẳng định rằng hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ. Ngài cũng bảo vệ giáo huấn của Giáo hội về việc phá thai (việc cho phép người phụ nữ đã phá thai thống hối và được tha tội không thể được hiểu là một bước lùi). Cùng với tuyên bố về cải cách quá trình tiêu hôn, Ngài cũng bảo vệ tính linh thiêng của hôn nhân. Nói ngắn gọn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô không hề thay đổi bất kì giáo lý trung tâm hay giáo huấn xã hội nào của Giáo hội.
Vậy tại sao lại có những mơ hồ như thế? Chắc chắn rằng cách nói của Ngài mang lại tín hiệu về mong muốn làm thay đổi quan điểm cũ của Giáo hội về đạo đức cá nhân. Thật khó để tưởng tượng Đức Giáo hoàng Phanxicô nói giống Đức Giáo hoàng Bênêđíctô rằng tính dục đồng tính là “hoàn toàn vô trật tự”.[2] Trong một bài nói chuyện với các giám mục Mỹ vào ngày 23/09, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói rằng các giám mục không được tiếp tục giữ im lặng về “những nạn nhân vô tội của nạn phá thai”.
Tuy nhiên, có thể thấy, Ngài cũng quan tâm tới các vấn nạn khác, từ việc những người nhập cư “bị chết đuối trong hành trình tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn” cho đến sự xuống cấp của môi trường. Điều đó cho thấy một vị giáo hoàng quan tâm tới những điều rắc rối và tình thế khó xử của xã hội hiện đại nhiều hơn so với các vị tiền nhiệm gần đây. Nhưng điều đó không đưa Ngài trở thành một người theo chủ nghĩa tự do.
Xem thêm: Tại sao Giáo hoàng giúp việc ly dị trở nên dễ dàng hơn?
——————
[1] Giao ước kết hôn giữa người nam và người nữ có giá trị vĩnh viễn và việc ly dị đi ngược lại giáo lý Công giáo. Tuy nhiên, trong một số rất ít trường hợp nhất định, được quy định rõ ràng bởi Giáo luật, Giáo hội tiến hành gỡ bỏ giáo ước kết hôn này, gọi là tiêu hôn. Ngoài ra, việc ly hôn hoàn toàn bị cấm, người ly hôn bị ngăn trở trong đời sống giáo hội – ND.
[2] Nguyên văn: “fundamentally disordered”, hay hoàn toàn trái tự nhiên – NBT.