Giáo dục đại học Việt Nam: Sử dụng mô hình nào?

Giáo dục Đài Loan đã đi trước Việt Nam một khoảng cách nhất định. Từ khoảng cách đó, chúng ta có thể nhìn thấy không chỉ thành công mà cả sai lầm mà Đài Loan đã vấp phải – những sai lầm rất dễ lặp lại ở Việt Nam. Những vấn đề trên được đưa ra bàn thảo trong tọa đàm Cách mạng giáo dục kiểu Á Đông: ...

Giáo dục Đài Loan đã đi trước Việt Nam một khoảng cách nhất định. Từ khoảng cách đó, chúng ta có thể nhìn thấy không chỉ thành công mà cả sai lầm mà Đài Loan đã vấp phải – những sai lầm rất dễ lặp lại ở Việt Nam. Những vấn đề trên được đưa ra bàn thảo trong tọa đàm Cách mạng giáo dục kiểu Á Đông: Trường hợp Đài Loan với diễn giả là giáo sư người Việt - Trần Văn Đoàn từ ĐH Quốc gia Đài Loan vừa diễn ra tại TP.HCM.

“Cả ĐH Quốc gia Hà Nội không lấy một hồ bơi” 

“Khoan nói về đại học nghiên cứu và việc đào tạo ra những người Việt Nam có thể đạt giải Nobel, ngay cả những năng lực sống còn như bơi lội chúng ta cũng chưa dạy được. Việt Nam là một nước có biển, nhiều sông hồ. Vậy mà 99% người Việt không biết bơi, mỗi năm có hàng ngàn trẻ em chết đuối…”. GS Trần Văn Đoàn cho biết ông bất ngờ trước việc ngay cả ĐH Quốc gia Hà Nội không có hồ bơi, trong khi tất cả các trường tiểu học ở Đài Loan đều có hồ bơi, sân vận động… Hoặc như việc giáo dục giới tính, trẻ em ở Bắc Âu được học về tình dục, giới tính từ năm 8- 9 tuổi, còn Việt Nam hiện nay vẫn lúng túng có nên “vẽ đường cho hươu chạy”.

 Giao duc dai hoc Viet Nam: Su dung mo hinh nao?
GS. Trần Văn Đoàn: “99% người Việt không biết bơi, mỗi năm hàng ngàn người chết đuối”. Ảnh do BTC cung cấp.

Theo GS Đoàn, một vấn đề mà giáo dục Đài Loan đã phải trả giá và có khả năng Việt Nam cũng đang sa vào, đó là việc dân chủ hóa giáo dục. Điều này khiến cho tỷ lệ người học đại học ở Đài Loan bùng nổ: cứ 100 học sinh rời trường phổ thông thì có 99 người vào đại học. Số lượng quá đông khiến chất lượng đi xuống, và Đài Loan đang tạo ra “một thế hệ cử nhân không chịu đi quét rác vì mình là… cử nhân”, trong khi cơ cấu việc làm và chất lượng đào tạo không thể đảm bảo công việc cho quá nhiều người tốt nghiệp đại học như vậy. Bởi vậy mới có chuyện, ngày trước những người học lên thạc sĩ, tiến sĩ là những người giỏi nhất, tinh hoa nhất. Bây giờ ai thất nghiệp mới đi học tiếp!

Không thể cào bằng trong giáo dục

Tiếp theo câu chuyện về việc cử nhân đại học không chịu đi… quét rác, GS. Trần Ngọc Thêm cho rằng không thể có tư tưởng cào bằng trong giáo dục. “Cào bằng” ở đây là cào bằng từ chất lượng giáo dục đại học – mở trường đại học tràn lan – đến cào bằng trong vai trò của thầy, trò và người lãnh đạo đại học. Môi trường giáo dục đại học ở Đài Loan đúng là rất cởi mở - sinh viên được chấm điểm giáo viên, giáo viên có quyền với hiệu trưởng – nhưng cũng đem lại nhiều hậu quả. Việt Nam có thể làm gì để tránh điều này? Theo GS. Thêm, dân chủ trong giáo dục không đồng nghĩa với việc phủ nhận hay làm giảm vai trò của người thầy và người lãnh đạo giáo dục, nhưng chúng ta phải “thay đổi tư duy của người lãnh đạo”.

 Giao duc dai hoc Viet Nam: Su dung mo hinh nao?
TS. Phạm Thị Ly: “Tỷ lệ ngân sách chúng ta chi cho giáo dục cao nhất thế giới nhưng hiệu quả lại thấp nhất!”.

TS. Phạm Thị Ly cũng nhấn mạnh rằng, đối với các nước phương Tây thì dân chủ tuyệt đối là mô hình phù hợp, nhưng với Việt Nam, một nước Á Đông, “vai trò của lãnh đạo vẫn luôn rất quan trọng, lãnh đạo vẫn phải là đầu tàu trong phát triển”.

Mô hình nào cho đại học Việt Nam?

Nói về mô hình đại học, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng: “Tại sao chúng ta cứ phải chạy theo mô hình của đại học nghiên cứu, với điều kiện của Việt Nam hiện nay, tại sao cứ chạy theo Âu hay Mỹ mà không tìm ra một mô hình mới thích hợp cho các nước đang phát triển”.

 Giao duc dai hoc Viet Nam: Su dung mo hinh nao?
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: “Tại sao không xây dựng mô hình trường đại học dành riêng cho các nước đang phát triển?”.

Trái với quan điểm cho rằng ngân sách là cản trở chính của giáo dục Việt Nam, TS. Phạm Thị Ly cho rằng khi Việt Nam là nước có tỷ lệ chi cho giáo dục trên tổng ngân sách cao bậc nhất thế giới (20%), nhưng hiệu quả đạt được lại thấp nhất thì chúng ta không thể đổ hết lỗi cho ngân sách. Vấn đề là Việt Nam phân bổ nguồn tiền cũng như nguồn nhân lực chưa hiệu quả.

Cùng ý kiến trên, chuyên gia giáo dục Giản Tư Trung đề xuất “trả lại vai trò của các chủ thể trong giáo dục”. Theo đó, giáo dục có năm chủ thể là “Nhà nước, Nhà trường, Nhà giáo, Nhà học (người học) và… Nhà mẹ (gia đình). Sở dĩ nền giáo dục Việt Nam loay hoay là bởi các “Nhà” đang ngồi nhầm chỗ và làm nhầm việc.

Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh kể câu chuyện khi bà sang Mỹ và hỏi một quan chức giáo dục rằng ai là người biên soạn sách giáo khoa môn Toán cho học sinh. Câu trả lời bà Ninh nhận được là “chương trình học Toán do Hiệp hội các nhà toán học thực hiện”. Theo bà, những Hội và nhà chuyên môn ở Việt Nam vẫn chưa có cơ hội để phát huy nguồn lực của họ.

Tọa đàm cũng xem xét nhiệm vụ “chủ chi” của Nhà nước. Theo đó, các trường học, đặc biệt là đại học không nên đổ hết lỗi cho Bộ GD&ĐT trong việc thiếu kinh phí. Đã đến lúc các trường bước vào xây dựng những Quỹ dành riêng cho nghiên cứu và phát triển, hoặc học tập Mỹ: để các công ty đầu tư vào giáo dục thay cho nộp thuế…

Vậy vai trò của Nhà nước là gì? Theo TS Phạm Thị Ly, “Nhà nước là chủ thể nhìn thấy những cái mà từng trường không nhìn thấy. Ví dụ như, các trường có thể chạy theo những ngành học “hot” như kinh tế, ngoại ngữ, và Nhà nước sẽ dùng cơ chế chính sách để cân bằng lại phần nào cán cân giữa các ngành học”.

PHƯƠNG THẢO

Theo Infonet

0