06/02/2018, 15:38

Giải thích câu tục ngữ “Tốt danh hơn lành áo”

Đề bài: Hãy giải thích theo ý hiểu câu tục ngữ “Tốt danh hơn lành áo” Bài làm Có lẽ trong cuộc đời mỗi người luôn được sự đồng hành, chỉ dạy của những lời ca dao, tục ngữ của dân tộc, để rồi mỗi người cũng từ đó mà dần hoàn thiện được nhân cách của bản thân ...

Đề bài: Hãy giải thích theo ý hiểu câu tục ngữ “Tốt danh hơn lành áo”

Bài làm

Có lẽ trong cuộc đời mỗi người luôn được sự đồng hành, chỉ dạy của những lời ca dao, tục ngữ của dân tộc, để rồi mỗi người cũng từ đó mà dần hoàn thiện được nhân cách của bản thân mình. Để mà nói thì câu tục ngữ “tốt danh hơn lành áo” tuy vỏn vẹn mà quả thực đáng để được mỗi chúng ta trân trọng bởi ý nghĩa nhân sinh đem đến quá to lớn, sâu sắc.

Ta thường dễ thấy, con người luôn sống có một niềm vui, niềm hạnh phúc vô cùng khi được người khác gọi tên đầy tự hào, vinh dự trong những sự việc ta làm, ta gắn bó. Nó có sự ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống của chúng ta, làm ta có thêm động lực để hoàn thành được những công việc khác. Vâng, điều đó ta quen gọi, nhận biết được đó là cái “danh” trong từ danh tiếng, một mặt được hiểu là để biểu thị cái tên, danh tính của bản thân của một người, nó gắn với ta từ lúc cha sinh mẹ đẻ gắn bó đến mãi cuối đời, để tiện cho người khác tạo mối quan hệ. Thêm vào nữa, được hiểu chính là tạo được  “tiếng thơm” cho cuộc đời, khẳng định được danh dự của ta. Mỗi ngày con người ta lao động, cống hiến để đến một ngày thu được thành quả, cùng với đó là sự khen ngợi, tung hô, cái “danh” của ta cũng được biết đến nhiều hơn, nổi tiếng hơn, ta càng dễ dàng, ưu ái hơn khi làm những việc khác trong lĩnh vực của ta, ngoài xã hội. 

tốt danh hơn lành áo

Và cũng để nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của cái “danh”  kể cả xã hội xưa cho đến tận bây giờ, thì việc đặt cạnh đó đôi chữ “lành áo” ngẫu nhiên tăng thêm giá trị cho toàn bộ câu tục ngữ "tốt danh hơn lành áo" này. Thông qua cụm từ “Lành áo” chính là khéo léo muốn chỉ đến những giá trị vật chất mà con người tạo ra, có được, nó quý vì để trang trí cho con người tuy rằng chỉ là bên ngoài. Nhưng liệu rằng ta tự hào mình có của cải, những thứ hào nhoáng, xa xỉ bên ngoài thì có thể thay thế được những khiếm khuyết trong chính bản thân, trong tâm hồn?.

Ta bỗng có thể liên hệ ngay đến câu tục ngữ của ông cha “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” để tăng thêm tính thuyết phục, tính đúng đắn của câu tục ngữ này. Đương nhiên, nếu là một con người biết suy nghĩ, ta sẽ chọn hướng bản thân trong tương lai tránh xa kiểu người coi trọng bạc tiền, có vật chất của cải dư dả mà bị xoi mói khinh bỉ bởi sự sai lệch, xấu xa trong tâm hồn, tính cách mà sẽ mong muốn là người tuy có ít tiền tài, địa vị nhưng lại có dư dả nhân cách tốt đẹp, biết giao tiếp nhã nhặn, trái tim ấm nóng…để được mọi người quý trọng, hòa vào cộng đồng để được tỏa sáng hơn, đúng không nào?.

Ta thấy, hầu hết những con người có danh tiếng, được mọi người tôn trọng, khâm phục, quý mến đều không phải là  người dễ vì tiền tài để mà bỏ quên lương tâm, tri tuệ của bản thân khi hoạt động trong công việc, trong xã hội kể cả việc nhỏ nhất, điển hình nhất là  những câu chuyện về tấm gương Bác Hồ vĩ đại. Lợi ích, sự thiết thực của câu tục ngữ còn nằm ở chỗ những con người đó sẵn sàng chấp nhận bản thân mình chịu thiệt thòi, khổ cực, vất vả để có thể giúp người, tạo nên "tiếng" tốt trong lòng người khác, vang mãi trong dòng đời. Lịch sử của nước nhà cũng đã chứng kiến rất nhiều những người anh hùng đã hi sinh giữ gìn khí tiết, sự trung thành của mình với cách mạng, với nhân dân, với Đảng, với đất nước. Và làm sao ta có thể quên được thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến bí bách, bị chà đạp nhân phẩm nhưng vẫn nuôi nỗi lòng, tiếng khóc oan ức, tiếng kêu cứu thiết tha mong được giải thoát, nổi tiếng trong truyện Người con gái Nam Xương, nàng Vũ Nương phải reo mình xuống dòng sông tự vẫn, trước là để chứng minh, bảo toàn sự trong trắng, thủy chung của mình, sau cái chết của nàng đã góp phần tố cáo xã hội nhức nhối ấy….

Có tốt thì vẫn sẽ có xấu, có lợi thì vẫn sẽ có hại. Nhất là trong xã hội phức tạp hiện nay, con người sẵn sàng luồn cúi, làm những điều bí ẩn không để người khác biết làm việc xấu xa, bán rẻ lương tâm nhưng được be bít lại bằng tiền bạc, để vẫn tạo nên, vẫn giữ được cái “danh” hư ảo tốt lành kia trước cộng đồng. Không đau lòng sao khi để xảy ra những vụ thực phẩm “giả”, nước uống có chưa chất độc, cầu đường bị “rò rỉ” nguyên vật liệu ngang nhiên tồn tại trong dân chúng mãi sau bao nhiêu năm nhà nước, cơ quan chức trách mới phát hiện ra, mới được xử lỷ, bọn tham quan vì mải mê vơ vét của cải vật chất của dân, của nước đến tha hóa vẫn chạy chọt đút lót để yên vị,… Tất cả những sự việc có thực gây nhức nhối như trên cũng là do đạo đức một bộ phận con người đang bị thoái hóa, biến chất. Giờ đây, mỗi chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi nó bằng cách tránh xa những điều xấu này, là sẽ không chấp nhận, quyết tâm cùng cộng đồng thay đổi dần dần một cách tích cực hơn. 

Dù có bao nhiêu năm, dù cuộc đời có biến đổi thế nào. Hãy nhớ rằng, câu tục ngữ vẫn ở đó để thức tỉnh con người chúng ta. Chỉ khi ta biết quý trọng những giá trị tinh thần, biết coi trọng danh dự, thể hiện rõ nhận thức, thái độ, hành động của bản thân thì con người mới sống tốt, sống đúng nghĩa giúp ích cho tương lai của bản thân, cho cuộc đời.

 

 

0