Giải Oscar
Giải thưởng Viện Hàn lâm (tiếng Anh: Academy Awards), thường được biết đến với tên (tiếng Anh: Oscars) là giải thưởng điện ảnh của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh (tiếng Anh: Academy of Motion Picture Arts and Sciences, viết tắt là AMPAS) (Hoa ...
Giải thưởng Viện Hàn lâm (tiếng Anh: Academy Awards), thường được biết đến với tên (tiếng Anh: Oscars) là giải thưởng điện ảnh của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh (tiếng Anh: Academy of Motion Picture Arts and Sciences, viết tắt là AMPAS) (Hoa Kỳ). Kể từ năm 1928, giải Oscar được trao hàng năm tại thành phố Los Angeles[1] để ghi nhận những thành tựu xuất sắc của điện ảnh trong năm về các đạo diễn, diễn xuất, kịch bản và nhiều lĩnh vực khác.
Chịu trách nhiệm bầu chọn và trao giải Oscar là AMPAS, một tổ chức nghề nghiệp danh dự của những người làm điện ảnh Hoa Kỳ. Cho đến năm 2007 số người đủ tiêu chuẩn tham gia bầu chọn là 5830 người, trong đó có 1311 diễn viên (tỉ lệ cao nhất, chiếm 22 phần trăm). Tính cho đến năm 2007, đã 72 năm quá trình bầu chọn này được thống kê bởi công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers và công ty tiền nhiệm của nó là Price Waterhouse[2].
Lễ trao giải Oscar gần đây nhất, lần thứ 82 đã được trao vào ngày Chủ nhật, 7 tháng 3 năm 2010.
Tất cả các thành viên của AMPAS đều phải có lời mời chính thức mới được tham gia quá trình lựa chọn đề cử và bầu ra người thắng giải. Các lời mời được đưa ra bởi Hội đồng quản trị (Board of Governors) thay mặt cho các Ủy ban nhánh của Viện Hàn lâm (Academy Branch Executive Committee). Những người được mời được lựa chọn cũng qua một quá trình đề cử hoặc được xét dựa trên sự cống hiến của họ cho ngành công nghiệp điện ảnh. Tuy rằng những người từng được trao giải Oscar thường là được mời tham gia bầu chọn vào các năm sau đó, nhưng điều này không nằm trong quy định của Hội đồng.
Việc đề cử các thành viên mới cho việc tuyển chọn được tiến hành hàng năm. Tuy rằng AMPAS không chính thức công bố danh tính những người được tham gia bầu chọn, nhưng báo chí vẫn đưa ra tên tuổi của những người này, theo đó năm 2007 có khoảng gần 6000 người được mời tham gia quá trình xét giải[3]. Những người này nằm trong 15 nhánh của Viện Hàn lâm, việc phân chia dựa vào các quá trình và bộ phận khác nhau của việc làm phim. Những người không nằm trong nhánh nào được xếp vào nhóm Thành viên chung (Members At Large).
Ngày nay, theo điều số hai và số ba trong quy định chính thức của giải Oscar, một phim muốn đủ điều kiện tranh giải phải được trình chiếu trong năm trước đó, tức là từ nửa đêm ngày 1 tháng 1 đến nửa đêm ngày 31 tháng 12, tại quận Los Angeles, California[4]. Điều số hai còn nói rõ các bộ phim nộp dự giải phải là phim dài (feature-length), tức là có độ dài ít nhất 40 phút, trừ các phim tham gia hạng mục phim ngắn, và phải sử dụng phim 35 mm hoặc phim 70 mm, tốc độ 24 hoặc 48 hình trên giây, độ phân giải không được thấp hơn 1280x720.
Các thành viên thuộc cánh nhánh khác nhau sẽ bầu chọn ứng cử viên cho các hạng mục thuộc nhánh mình, riêng hạng mục Phim hay nhất (Best Picture) thì tất cả đều có quyền tham gia đề cử. Những người thắng giải sẽ được lựa chọn bằng vòng bỏ phiếu thứ hai, trong đó mọi thành viên đều được phép bầu cho hầu hết các hạng mục, kể cả hạng mục Phim hay nhất[5].
Phần thưởng của giải Oscar là một bức tượng nhỏ có tên chính thức là Giải thưởng của Viện Hàn lâm cho đóng góp xuất sắc (tiếng Anh: Academy Award of Merit). Bức tượng bao gồm phần gốc bằng kim loại đen được mạ vàng và britannium, nó cao 34 cm và nặng 3,85 kg có hình dáng của một hiệp sĩ được điêu khắc theo phong cách Art Deco, người hiệp sĩ này cầm gươm và đứng trên một cuộn phim có năm cánh. Năm cánh này tượng trưng cho các nhánh gốc của Viện Hàn lâm bao gồm diễn viên, biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất và kỹ thuật viên[6].
Người nghĩ ra ý tưởng cho bức tượng Oscar là chỉ đạo nghệ thuật của hãng MGM, Cedric Gibbons, một trong các thành viên đầu tiên của Viện Hàn lâm[7]. Những người cụ thể hóa ý tưởng của Gibbons là nhà điêu khắc George Stanley, người đã tạo ra một bản tượng bằng đất sét trước khi Alex Smith chế ra bản tượng bằng thiếc và đồng được mạ vàng với tỉ lệ 92,5 phần trăm thiếc và 7,5 phần trăm đồng. Ngày nay, mỗi năm có khoảng 40 bức tượng Oscar được sản xuất bởi công ty R.S. Owens với sự kiểm soát chất lượng rất nghiêm ngặt, các bản tượng lỗi trong quá trình sản xuất lập tức được cắt đôi và nung chảy[8].
Nguồn gốc cái tên "Oscar" hiện vẫn còn gây tranh cãi. Trong cuốn tự truyện của mình, Bette Davis cho rằng chính mình là người nghĩ ra cái tên này, cô đặt nó theo tên người chồng đầu tiên, chỉ huy dàn nhạc Harmon Oscar Nelson[9]. Một người khác được coi là người khai sinh ra cái tên Oscar, đó là Margaret Herrick, một thư ký của Viện Hàn lâm, khi lần đầu tiên nhìn thấy bức tượng năm 1931, cô đã nói rằng bức tượng này trông giống ông chú Oscar của mình, nhà báo Sidney Skolsky cũng có mặt ở đó đã lập tức chộp lấy cái tên đó để làm tựa đề cho bài báo của ông có tên: "Một nhân viên đã yêu mến đặt tên cho bức tượng nổi tiếng là 'Oscar'"[10]. Ngày nay cả hai cái tên Oscar và Giải thưởng Viện Hàn lâm (Academy Award) đều được AMPAS đăng ký tên thương mại để tránh các vụ kiện tụng hoặc tranh chấp có thể xảy ra.
Tính cho đến lần thứ 79 tổ chức vào năm 2007, đã có tổng cộng 2671 bức tượng Oscar được trao[11]. Có 290 diễn viên khác nhau đã được trao giải Oscar về diễn xuất (bao gồm cả các giải Oscar danh dự và giải Oscar cho trẻ em), trong số này 144 người vẫn còn sống cho đến năm 2007.
Kể từ năm 1950, AMPAS đã ra quy định về việc chủ nhân của các bức tượng Oscar và người thừa kế của họ không được phép bán bức tượng, trừ trường hợp bán lại cho chính Viện Hàn lâm với giá tượng trưng 1 USD. Nếu người được chọn trao giải từ chối vinh dự này, Viện Hàn lâm sẽ giữ lại bức tượng. Quy định này đã gây ra nhiều tranh cãi, vì nó đồng nghĩa với việc người được trao tượng vàng Oscar lại không được sở hữu hoàn toàn giải thưởng của mình[12]. Đã có trường hợp cháu trai của nhà sản xuất phim Michael Todd đã cố bán bức tượng Oscar của ông mình cho một nhà sưu tập, AMPAS đã ngăn cản được việc này bằng một lệnh của toà án.
Hình thức
Các hạng mục chính của giải Oscar sẽ được trao trong một buổi lễ trang trọng được truyền hình trực tiếp. Sáu tuần sau khi các ứng cử viên được công bố, buổi lễ được tổ chức rất hào nhoáng theo phong cách Hollywood khi các khách mời bước trên tấm thảm đỏ với những bộ đồ thời trang nhất. Trong vài năm trở lại đây, Viện Hàn lâm thường tuyên bố lễ trao giải của họ có tới hàng tỉ người xem trực tiếp, tuy nhiên thông tin này chưa hề được kiểm chứng bởi các nguồn độc lập và bản thân AMPAS cũng không đưa ra lý do tại sao số người xem lại có thể đạt tới con số lớn như vậy.
Tại Hoa Kỳ, lễ trao giải Oscar được truyền hình trực tiếp ở hầu hết lãnh thổ, ngoại trừ Alaska và Hawaii, trong khi đó lễ trao giải Emmy, Quả cầu vàng và Giải Grammy chỉ được truyền trực tiếp ở Bờ Đông và phát chậm ở Bờ Tây.
Lễ trao giải Oscar lần đầu được ghi hình năm 1953 bởi hãng NBC. Đến năm 1960 thì quyền truyền hình rơi vào tay hãng ABC. Năm 1970, NBC giành lại quyền phát sóng nhưng rồi từ năm 1976, chỉ có ABC được ghi hình buổi lễ này, hợp đồng của ABC với AMPAS hiện kéo dài đến năm 2014[13]. Trong buổi phát sóng trực tiếp, các hãng phim bị nghiêm cấm phát quảng cáo.
Sau hơn 60 năm được tổ chức vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4, kể từ năm 2004, buổi trao giải được dịch sớm lên cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 để rút ngắn quá trình vận động hành lang và quảng cáo. Việc tổ chức sớm hơn cũng đem lại thuận lợi cho hãng ABC vì tháng 2 là tháng có lượng người xem lớn và dễ đem lại lợi nhuận hơn. Ngày 30 tháng 3 năm 1981, buổi lễ trao giải đã bị lùi lại một ngày sau sự kiện tổng thống Ronald Reagan bị ám sát hụt.
Địa điểm tổ chức
Lễ trao giải đầu tiên của AMPAS diễn ra tại khách sạn Roosevelt ở Hollywood. Trong thập niên 1930 và đầu thập niên 1940, các buổi lễ được tổ chức tại khách sạn The Ambassador Hotel hoặc Millennium Biltmore Hotel ở Los Angeles.
Từ năm 1944 đến năm 1946, Nhà hát Trung Hoa Grauman ở Hollywood là nơi tổ chức lễ trao giải trước khi nó dời về thính phòng Shrine Auditorium cho đến năm 1948. Lễ trao giải lần thứ 21 năm 1949 diễn ra tại Nhà hát Giải thưởng Viện Hàn lâm mà sau này là trụ sở chính của AMPAS trên đại lộ Melrose ở Hollywood[14].
Từ năm 1950 đến năm 1960, địa điểm được lựa chọn là Nhà hát Pantages. Từ năm 1961, đến lượt thính phòng Santa Monica Civic Auditorium ở Santa Monica, California được tổ chức lễ trao giải Oscar. Năm 1968, một lần nữa lễ trao giải trở về Los Angeles, lần này là tại rạp Dorothy Chandler Pavilion nằm trong Trung tâm Âm nhạc Los Angeles. Rạp The Dorothy Chandler Pavilion là nơi tổ chức 20 đêm trao giải liên tiếp cho đến tận năm 1988, sau đó giải Oscar lại được trao luân phiên ở Trung tâm Âm nhạc và thính phòng Shrine Auditorium. Kể từ năm 2002, Nhà hát Kodak của Hollywood trở thành địa điểm tổ chức lâu dài đầu tiên của giải thưởng.
Cũng như nhiều giải thưởng danh giá khác, giải Oscar thường xuyên gặp phải chỉ trích. Những người chỉ trích cho rằng có nhiều bộ phim giành giải Phim hay nhất trong quá khứ không còn nhiều giá trị theo thời gian. Một số phim như 80 ngày vòng quanh Thế giới, Grand Hotel hay The Greatest Show on Earth thường được coi là có tuổi thọ ngắn ngủi và ít có ảnh hưởng trong lần trình chiếu ra mắt[15][16][17]. Trong khi đó một số phim khác được coi là rất xứng đáng để trao giải thì lại chưa bao giờ vươn tới được danh hiệu Phim hay nhất[18]. Ví dụ tiêu biểu nhất phải kể tới bộ phim kinh điển Công dân Kane vốn được giới phê bình ủng hộ nhiệt liệt, được đề cử tới 9 giải Oscar nhưng chỉ mang về duy nhất một giải cho Kịch bản gốc xuất sắc nhất. Sau này Công dân Kane được coi là một trong những bộ phim xuất sắc nhất trong lịch sử Điện ảnh Hoa Kỳ. Một bộ phim xuất sắc khác là The Shawshank Redemption được đề cử 7 giải Oscar nhưng thậm chí còn không giành được giải nào, mặc dù nó vẫn luôn được xếp vào hàng những bộ phim hay nhất của mọi thời đại trên trang web uy tín IMDb. Để cạnh tranh trong hạng mục danh giá nhất này, các hãng phim cũng tiến hành rất nhiều cuộc vận động hành lang, và nhiều người cho rằng đôi khi những đề cử cho hạng mục Phim hay nhất lại là kết quả của những cuộc vận động hành lang hơn là chất lượng thực sự của những bộ phim đó[19].
Nhiều chỉ trích còn nhằm vào một sự thật là các đề cử hầu như chỉ dành cho các bộ phim nói tiếng Anh, trừ đề cử cho hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Cho đến năm 2009, mới chỉ có 8 bộ phim nói tiếng nước ngoài và 1 phim bán ngoại ngữ được đề cử cho hạng mục Phim hay nhất, đó là các phim Grand Illusion (tiếng Pháp, 1938), Z (tiếng Pháp, 1969), The Emigrants (tiếng Thụy Điển, 1972), Cries and Whispers (tiếng Thụy Điển, 1973), Il Postino (tiếng Ý và tiếng Tây Ban Nha, 1995), Cuộc sống tươi đẹp (tiếng Ý, 1998), Ngọa hổ tàng long (tiếng Quan thoại, 2000), Letters from Iwo Jima (tiếng Nhật Bản, 2006) và Slumdog Millionaire (nửa tiếng Anh, nửa tiếng Hindi), (2008). Trong đó, chỉ có Slumdog Millionaire đạt được giải Oscar Phim hay nhất, tuy rằng các bộ phim Z, Cuộc sống tươi đẹp và Ngọa hổ tàng long được trao giải Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.
Giải thưởng Oscar
Phim • Đạo diễn • Kịch bản gốc • Kịch bản chuyển thể
Vai nam chính • Vai nữ chính • Vai nam phụ • Vai nữ phụ
Quay phim • Chỉ đạo nghệ thuật • Biên tập
Nhạc phim • Ca khúc • Trang phục • Hóa trang
Âm thanh • Biên tập âm thanh • Kỹ xảo
Phim ngoại ngữ • Phim hoạt hình • Phim hoạt hình ngắn
Phim tài liệu • Phim tài liệu ngắn • Phim ngắn
Giải thưởng cho đóng góp xuất sắc
Các hạng mục hiện hành
Phim hay nhất (Best Picture)
Đạo diễn xuất sắc nhất (Best Director)
Kịch bản gốc hay nhất (Best Writing - Original Screenplay)
Kịch bản chuyển thể hay nhất (Best Writing - Adapted Screenplay)
Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Best Actor)
Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (Best Actress)
Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất (Best Supporting Actor)
Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất (Best Supporting Actress)
Quay phim xuất sắc nhất (Best Cinematography)
Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất (Best Art Direction )
Nhạc phim hay nhất(Best Original Score)
Ca khúc trong phim hay nhất (Best Original Song)
Thiết kế trang phục (Best Costume Design)
Biên tập (Best Film Editing)
Hóa trang (Best Makeup)
Âm thanh (Best Sound Mixing)
Biên tập âm thanh (Best Sound Editing)
Hiệu ứng kỹ xảo (Best Visual Effects)
Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất (Best Foreign Language Film)
Phim hoạt hình hay nhất (Best Animated Feature Film) (giải Oscar mới nhất, chỉ mới được trao từ năm 2001)
Phim hoạt hình ngắn (Best Animated Short Film)
Phim tài liệu hay nhất (Best Documentary Features)
Phim tài liệu ngắn hay nhất (Best Documentary Short Subject)
Phim ngắn (Best Live Action Short Film)
Hạng mục đã ngừng trao
Trợ lý đạo diễn xuất sắc nhất (Best Assistant Director): trao từ 1933 đến 1937
Chỉ đạo múa xuất sắc nhất (Best Dance Direction): trao từ 1935 đến 1937
Hiệu ứng kỹ thuật (Best Engineering Effects): chỉ trao năm 1928
Âm thanh trong phim ca nhạc hoặc hài kịch xuất sắc nhất (Best Original Musical or Comedy Score): trao từ 1995 đến 1999
Phim màu ngắn hay nhất (Best Short Film—Color): trao từ 1936 đến 1937
Phim ngắn dài hai cuộn hay nhất (Best Short Film—Live Action—2 Reels): trao từ 1936 đến 1956
Phim ngắn mới lạ (Short Film—Novelty): trao từ 1932 đến 1935
Truyện gốc hay nhất (Best Original Story): trao từ 1928 đến 1956
Chất lượng nghệ thuật độc đáo nhất (Best Unique and Artistic Quality of Production): chỉ trao năm 1928
Trong năm đầu tiên, giải Oscar đạo diễn xuất sắc nhất được chia thành hai thể loại phim chính kịch và phim hài kịch. Trong một thời gian dài, giải Oscar âm thanh cũng được chia làm hai thể loại chính kịch và hài kịch-phim ca nhạc. Hiện nay chỉ có duy nhất một giải Oscar cho âm thanh. Từ thập niên 1930 đến thập niên 1960, các giải Oscar về quay phim, chỉ đạo nghệ thuật và thiết kế trang phục được chia thành hai thể loại cho phim trắng đen và phim màu.
Hạng mục được đề nghị
Hàng năm Hội đồng quản trị của AMPAS đều họp lại để xem xét các đề nghị về hạng mục giải Oscar mới. Cho đến nay những hạng mục sau vẫn bị từ chối đưa vào danh sách giải thưởng chính thức:
Tuyển chọn diễn viên tốt nhất (Best Casting)
Đóng thế xuất sắc nhất (Best Stunt Coordination)
Tên phim hay nhất (Best Title Design)
Giải thưởng đặc biệt
Các giải này được bầu chọn bởi những ủy ban đặc biệt chứ không phải toàn bộ thành viên Viện Hàn lâm.
Hạng mục hiện hành
Giải danh dự (Academy Honorary Award)
Cống hiến đặc biệt (Academy Special Achievement Award)
Giải khoa học kỹ thuật (Academy Award, Scientific or Technical)
Giải Tưởng niệm Irving G. Thalberg
Giải thưởng nhân đạo Jean Hersholt
Giải Gordon E. Sawyer
Hạng mục đã ngừng trao
Giải cho thiếu nhi (Academy Juvenile Award): trao từ 1934 đến 1960
Phim xếp theo số đề cử
14 đề cử
All about Eve, 20th Century Fox, 1950 (đoạt 6 giải)
Titanic, 20th Century Fox và Paramount Pictures, 1997 (đoạt 11 giải)
13 đề cử
Cuốn theo chiều gió, Metro-Goldwyn-Mayer, 1939 (đoạt 8 giải, thêm 1 giải đặc biệt và 1 giải kỹ thuật)
From Here to Eternity, Columbia Pictures, 1953 (đoạt 8 giải)
Mary Poppins, Buena Vista Distribution Company, 1964 (đoạt 5 giải)
Who's Afraid of Virginia Woolf?, Warner Bros., 1966 (đoạt 5 giải)
Forrest Gump, Paramount Pictures, 1994 (đoạt 6 giải)
Shakespeare đang yêu, Miramax Films, 1998 (đoạt 7 giải)
Chúa tể của những chiếc nhẫn: Hội bạn nhẫn, New Line, 2001 (đoạt 4 giải)
Chicago, Miramax Films, 2002 (đoạt 6 giải)
12 đề cử
Mrs. Miniver, Metro-Goldwyn-Mayer, 1942 (đoạt 6 giải)
The Song of Bernadette, 20th Century Fox, 1943 (đoạt 4 giải)
Johnny Belinda, Warner Bros., 1948 (đoạt 1 giải)
Chuyến tàu mang tên dục vọng, Warner Bros., 1951 (đoạt 4 giải)
On the Waterfront, Columbia Pictures, 1954 (đoạt 8 giải)
Ben-Hur, Metro-Goldwyn-Mayer, 1959 (đoạt 11 giải)
Becket, Paramount Pictures, 1964 (đoạt 1 giải)
My Fair Lady, Warner Bros., 1964 (đoạt 8 giải)
Reds, Paramount Pictures, 1981 (đoạt 3 giải)
Khiêu vũ với bầy sói, Orion Pictures, 1990 (đoạt 7 giải)
Bản danh sách của Schindler, Universal Studios, 1993 (đoạt 7 giải)
Bệnh nhân người Anh, Miramax Films, 1996 (đoạt 9 giải)
Võ sĩ giác đấu, DreamWorks và Universal Studios, 2000 (đoạt 5 giải)
11 đề cử
Mr. Smith Goes to Washington, Columbia Pictures, 1939 (đoạt 1 giải)
Rebecca, United Artists, 1940 (đoạt 2 giải)
Sergeant York, Warner Bros., 1941 (đoạt 2 giải)
The Pride of the Yankees, RKO Radio, 1942 (đoạt 1 giải)
Sunset Boulevard, Paramount Pictures, 1950 (đoạt 3 giải)
Judgment at Nuremberg, United Artists, 1961 (đoạt 2 giải)
Câu chuyện phía tây, United Artists, 1961 (đoạt 10 giải)
Oliver!, Columbia Pictures, 1968 (đoạt 5 giải, thêm 1 giải danh dự)
Chinatown, Paramount Pictures, 1974 (đoạt 1 giải)
Bố già phần II, Paramount Pictures, 1974 (đoạt 6 giải)
Julia, 20th Century Fox, 1977 (đoạt 3 giải)
The Turning Point, 20th Century Fox, 1977 (không đoạt giải nào)
Gandhi, Columbia Pictures, 1982 (đoạt 8 giải)
Terms of Endearment, Paramount Pictures, 1983 (đoạt 5 giải)
Amadeus, Orion Pictures, 1984 (đoạt 8 giải)
A Passage to India, Columbia Pictures, 1984 (đoạt 2 giải)
The Color Purple, Warner Bros., 1985 (không đoạt giải nào)
Out of Africa, Universal Studios, 1985 (đoạt 7 giải)
Giải cứu binh nhì Ryan, DreamWorks/Paramount Pictures, 1998 (đoạt 5 giải)
Chúa tể của những chiếc nhẫn: Sự trở lại của nhà vua, New Line, 2003 (đoạt 11 giải)
The Aviator, Miramax Films, Initial Entertainment Group và Warner Bros., 2004 (đoạt 5 giải)
Phim xếp theo số giải giành được
11 giải
Ben-Hur, Metro-Goldwyn-Mayer, 1959 (12 đề cử)
Titanic, 20th Century Fox và Paramount, 1997 (14 đề cử)
Chúa tể của những chiếc nhẫn: Sự trở lại của nhà vua, New Line, 2003 (11 đề cử)
10 giải
Câu chuyện phía tây, United Artists, 1961 (11 đề cử)
9 giải
Cuốn theo chiều gió, Metro-Goldwyn-Mayer, 1939 (13 đề cử)
Hoàng đế cuối cùng, 1987 (9 đề cử)
Bệnh nhân người Anh, Miramax Films, 1996 (12 đề cử)
Gigi, Metro-Goldwyn-Mayer, 1958 (9 đề cử)
8 giải
From Here to Eternity, Columbia Pictures, 1953 (13 đề cử)
On the Waterfront, Columbia Pictures, 1954 (12 đề cử)
My Fair Lady, Warner Bros., 1964 (12 đề cử)
Cabaret, Metro-Goldwyn-Mayer, 1972 (10 đề cử)
Gandhi, Columbia Pictures, 1982 (11 đề cử)
Amadeus, Orion Pictures và Warner Bros., 1984 (11 đề cử)
Slumdog Millionaire, Fox Searchlight Pictures, 2008 (10 đề cử)
Phim đoạt năm giải quan trọng
It Happened One Night, 1934
Đạo diễn: Frank Capra
Nam diễn viên chính: Clark Gable
Nữ diễn viên chính: Claudette Colbert
Kịch bản: Robert Riskin
Bay trên tổ chim cúc cu (One Flew over the Cuckoo's Nest), 1975
Đạo diễn: Milos Forman
Nam diễn viên chính: Jack Nicholson
Nữ diễn viên chính: Louise Fletcher
Kịch bản: Lawrence Hauben và Bo Goldman
Sự im lặng của bầy cừu (The Silence of the Lambs), 1991
Đạo diễn: Jonathan Demme
Nam diễn viên chính: Anthony Hopkins
Nữ diễn viên chính: Jodie Foster
Kịch bản: Ted Tally