07/08/2017, 23:12

Giải bài tập Tiếng Việt 5 - Tuần 16

Giải bài tập Tiếng Việt 5 - Tuần 16, chủ điểm: Vì hạnh phúc con người Tập đọc THẦY THUỐC NHƯ MẸ HIỀN 1. Tìm những chi tiết nói lên lòng nhân ái của Lãn Ông trong việc ông chữa bệnh cho con người thuyền chài. Lãn Ông biết tin con người thuyền chài bị bệnh đậu nặng, không có tiền chữa, ...

Giải bài tập Tiếng Việt 5 - Tuần 16, chủ điểm: Vì hạnh phúc con người

Tập đọc
THẦY THUỐC NHƯ MẸ HIỀN
1. Tìm những chi tiết nói lên lòng nhân ái của Lãn Ông trong việc ông chữa bệnh cho con người thuyền chài.
Lãn Ông biết tin con người thuyền chài bị bệnh đậu nặng, không có tiền chữa, ông bèn đến thăm. Ông không ngại khổ, ân cần chăm sóc đứa bé suốt một tháng trời và chữa khỏi bệnh cho nó. Khi chữa xong, ông còn cho thêm gạo, củi.
 
2. Điều gì đã thể hiện lòng nhân ái của Lãn Ông trong việc ông chữa bệnh cho người phụ nữ ?
Khi hẹn người chồng hôm sau sẽ khám kĩ mới cho thuốc, người chồng không nghe, đi lấy thuốc khác nhưng người vợ vẫn không qua khỏi, Lãn Ông biết chuyện, ông lấy làm hối hận. Mặc dù cái chết không do ông gây ra nhưng vì là một người có lương tâm và trách nhiệm nên ông day dứt vô cùng.
 
3. Vì sao có thể nói Lãn Ông là một người không màng danh lợi ?
Lãn Ông là một thầy thuốc nổi tiếng. Nhiều lần ông được vua chúa mời vào cung chữa bệnh và được tiến cử vào chức ngự y, song ông đã khéo léo chối từ.
 
4. Em hiểu nội dung hai câu thơ cuối cùng như thế nào ?
Công danh như dòng nước, cũng sẽ trôi đi, chỉ có tấm lòng nhân nghĩa là còn mãi.
 
Chính tả
 
1. Nghe - viết : về ngôi nhà đang xây (hai khổ thơ đầu)

2. a) Hãy tìm những từ ngữ chứa các tiếng dưới đây :
Rẻ Giá rẻ, đắt rẻ, rẻ quạt, rẻ rúng, ngã rẻ
Dẻ Hạt dẻ, mảnh dẻ, dẻ gà
Giẻ Giẻ rách, giẻ lau, giẻ chùi chân
Rây Rây bột
Dây Dây thun, nhảy dây, dây nhợ, dây phơi
Giây Phút giây, giây bẩn, giây mực
 
b. Tìm những từ ngữ chứa các tiếng chỉ khác nhau ở âm đầu v hay d:
Vàng Vàng hoa, vàng lựng, vàng chanh
Dàng Dịu dàng, dễ dàng
Vào Ra vào, vào ra, mua vào bán ra
Dào Dồi dào, dào dạt
Vỗ Vỗ về, sóng vỗ, vỗ vai
Dỗ Dỗ dành, dỗ ngon dỗ ngọt, dỗ như tà
 
c. Tìm những từ ngữ :
- Chứa các tiếng chỉ khác nhau ở vần iêm hay im:
Chiêm lúa chiêm
Chim Chim sâu, chim chóc, …
Liêm lưỡi liềm, liêm khiết, liếm láp
Lim lim dim, ngọt lịm, …
 
- Chứa các tiếng chỉ khác nhau ở vần iêm hay im :
Diếp rau diếp, diếp cá
Díp díp mắt, dao díp 
Kiếp Kiếp người, đáng kiếp, số kiếp
Kíp cần kíp, kíp nổ.
 
3. Tìm những tiếng thích hợp với mỗi ô trống để hoàn chỉnh mẩu chuyện vui dưới đây. Biết rằng :
(1): chứa tiếng bắt đầu bằng r hoặc gi.
(2): chứa tiếng bắt đầu bằng v hoặc d.
 
Thầy quên mặt nhà con (1) rồi hay sao ?
Có anh thợ vẽ truyền thần làm không đủ ăn. Bạn bè đến thăm, anh than thở thì họ bảo :
- Cậu hãy 2 vẽ ngay một bức chân dung hai vợ chồng cậu (1) rồi lồng khung kính mà treo. Thiên hạ thấy cậu khéo tay sẽ xô nhau tới, lo gì không khấm khá !
Nghe lời bạn, anh bảo vợ ngồi cho anh truyền thần lại, (1) rồi lại tự họa chính mình ngồi bên. (2) vẽ xong, anh ngắm đi ngắm lại, lấy làm đắc ý lắm.
Một hôm, bố vợ tới chơi, thấy bức họa, hỏi :
- Anh (2) vẽ hình chị nào treo đó ?
Anh ta trả lời :
- Chết thật, thầy quên mặt nhà con (1) rồi hay sao ?
Ông bố vợ nói tiếp :
- Thì ra là vợ anh. Thế nó ngồi cạnh người nào mà trông tướng mạo kì (2) dị vậy ?
 
Luyện từ và câu
TỔNG KẾT VỐN TỪ
1. Tìm những từ đồng nghĩa và trái nghĩa với mỗi từ sau :
Từ Từ đồng nghĩa Từ trái nghĩa
a) Nhân hậu nhân ái, nhân từ, nhân đức, phúc hậu,... bất nhân, độc ác, bạc ác, tàn nhẫn,...
b) Trung thực thành thực, thành thật, thật thà, chân thật,.... dối trá, gian dối, gian manh, xảo quyệt
c) Dũng cảm anh dũng, mạnh dạn, gan dạ, bạo dạn, .... nhát gan, nhát cáy, hèn yếu, bạc nhược
d) Cần cù chăm chỉ, chuyên cần, chịu khó, tần tảo .... lười biếng, lười nhác,...
 
2.  Cô Chấm trong bài văn sau là người có tính cách như thế nào ? Nêu những chi tiết và hình ảnh trong bài minh họa cho nhận xét của em.
- Cô Chấm trong bài văn sau là người có tính cách :
+ Thẳng thắng, chăm chỉ, yêu lao động, giản dị, giàu tình cảm, dễ xúc động.
- Gạch dưới những chi tiết và hình ảnh trong bài minh họa cho nhận xét của em.
Cô Chấm
Chấm không phải là cô gái dẹp, nhưng là người mà ai đã gặp thì không thể lẫn lộn với bất cứ một người nào khác.
 
Đôi mắt Chấm đã định nhìn ai thì dám nhìn thẳng, dù người ấy nhìn lại mình, dù người ấy là con trai. Nghĩ thế nào, Chấm dám nói thế. Bình ở tổ hai, ai làm hơn, làm kém, người đắn đo, quanh quanh mãi chưa dám nói ra, Chấm nói ngay cho mà xem, nói thẳng băng và còn nói đáng mấy điểm nữa. Đối với mình cũng vậy, Chấm có hôm dám nhận hơn người khác bốn năm điểm. Được cái thẳng như thế nhưng không ai giận, vì người ta biết trong bụng Chấm không có gì độc địa bao giờ.
 
Chấm cứ như một cây xương rồng. Cây xương rồng chặt ngang, chặt dọc, chỉ cần cắm nó xuống đất, đất cằn cũng được, nó sẽ sống và sẽ lớn lên. Chấm thì cần cơm và lao động để sống. Chấm ăn rất khỏe, không có thức ăn cũng được. Những bữa Chấm về muộn, bà Am thương con làm nhiều, để phần dư thức ăn, Chấm cũng chỉ ăn như thường, còn bao nhiêu để cuối bữa ăn vã. Chấm hay làm thực sự, đó là một như cầu cửa sự sống, không làm chân tay nó bứt rứt làm sao ấy. Tết Nguyên đán, Chấm ra đồng từ sớm mồng hai, dẫu có bắt ở nhà cũng không được.
 
Chấm không đưa đòi may mặc. Mùa hè một áo cánh nâu. Mùa đông rét mấy cũng chỉ hai áo cánh nâu. Chấm mộc mạc như hòn đất. Hòn đất ấy bầu bạn với nắng với mưa để cho cây lúa mọc lên hết vụ này qua vụ khác, hết năm này qua năm khác.
Nhưng cô con gái có bề ngoài rắn rỏi là thế lại là người hay nghĩ ngơi, dễ cảm thương. Có bữa đi xem phim, những cảnh ngộ trong phim làm Chấm khóc gần suốt buổi. Đêm ấy ngủ, trong giấc mơ, Chấm lai khóc mất bao nhiêu nước mắt.
 
Kể chuyện
KỂ CHUYỆN ĐƯỢC CHỨNG KIẾN HAY THAM GIA
Đề bài : Kể chuyện về một buổi sum họp đầm ấm trong gia đình.
Hôm nay là thứ bảy, sau bữa cơm gia đình em ngồi quây quần bên chiếc bàn uống nước. Trong buổi sum họp này có bà nội em, bố em, mẹ em, em của em và em.
 
Bố em ngồi đọc báo trong phòng khách. Vừa đọc, bố vừa nhâm nhi ngụm chè nóng. Bố em có thói quen đọc báo vào buổi tối. Loại báo mà bố thích nhất là báo An ninh Thủ đô. Mỗi khi có mực cười vui, bố lại đọc to lên cho cả nhà cùng nghe. Em biết bố không đọc báo như chúng em đâu, bố không bỏ sót một chi tiết nào trong báo. Bà em ngồi xem vô tuyến. Đến phần thời sự có giới thiệu về cảnh đồng bào sông Cửu Long đang bị lũ lụt, bà chép miệng, đau xót, còn cả nhà chăm chú nhìn lên ti vi, xúc động khôn cùng... Trong khi bà em ngồi xem vô tuyến thì mẹ em ngồi đan áo. Đôi tay mẹ đan nhanh thoăn thoắt. Em chỉ nghe thấy tiếng hai chiếc kim đan va vào nhau “cách, cách”. Vì hôm nay là thứ bảy, nên em không phải học bài. Bố bảo: "Con nghỉ ngơi đi, ngày mai học cũng được”. Em đi lấy chiếc nhíp, nhổ tóc sâu cho mẹ. Tóc mẹ đã lốm đốm sợi bạc. Nhìn mẹ, em càng thấy thương mẹ hơn. Mẹ phải làm việc vất vả để cho hai chị em chúng con ăn học. Em chỉ ước sao tóc mẹ mãi màu xanh. Bé Nguyên đang ngồi trên lòng bố, khi thấy em được mẹ khen: “Con gái mẹ nhổ khéo quá” bé lại chạy ra vớ lấy tóc mẹ. Khi có chiếc tóc sâu, hai chị em tranh nhau nhổ. Những lúc ấy mẹ em lại nói: “Chị lớn phải nhường em, em bé phải nghe lời chị”. Đồng hồ điểm 20 giờ rười rồi, nồi khoai vừa chín. Mọi người vui vẻ nói chuyện đầm ấm. Bé Nguyên khoe “Mẹ ơi, hôm nay con được hai điểm mười đấy mẹ ạ”. Mẹ khen “Con mẹ giỏi quá, thế còn chị thì sao?”. Em nói: “Con được điểm chín môn Vật lí mẹ ạ”. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng cha mẹ, ông bà và thầy cô giáo.
 
Bây giờ là 21 giờ rồi, em mắc màn đi ngủ. Nằm trên giường ấm, em vẫn tưởng như buổi sum họp gia đình đang diễn ra. Em mong sao gia đình em sẽ có những buổi sum họp vui hơn hôm nay.
 
Tập đọc
THẨY CÚNG ĐI BỆNH VIỆN
1. Cụ Ún làm nghề gì ?
Cụ Ún làm nghề thầy cúng đã lâu năm. Khắp làng xa bản gần, nhà nào có người ốm cũng nhờ cụ đến cúng để đuổi tà ma.
 
2. Khi mắc bệnh, cụ đã tự chữa bằng cách nào ?
Khi mắc bệnh, cụ Ún cho học trò đến cúng cho mình nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm.
 
3. Vì sao bị sỏi thận mà cụ không chịu mổ, trốn bệnh viện về nhà?
Vì cụ ủn sợ mổ. Hơn nữa, cụ không tin bác sĩ người Kinh bắt được con ma người Thái tức là có thể chữa được bệnh cho cụ.
 
4. Nhờ đâu cụ Ún khỏi bệnh ? Câu cuối bài giúp em hiểu cụ Ún đã thay đổi cách nghĩ như thế nào ?
Nhờ có các bác sĩ và y tá bệnh viện đến tận nhà cụ Ún, thuyết phục cụ trở lại bệnh viện, tiếp tục điều trị, mổ lấy sỏi cho cụ.
- Câu nói đó chứng tỏ cụ Ún đã thay đổi suy nghĩ, cụ đã hiểu rằng cúng bái không chữa được bệnh tật, chỉ có khoa học và các bác sĩ mới làm được việc đó cụ Ún đã tin bác sĩ người Kinh.
 
Tập làm văn
TẢ NGƯỜI
(Kiểm tra viết)
Chọn một trong các đề sau :
1. Tả một em bé đang tuổi tập đi tập nói.
2. Tả một người thân (ông, bà, cha, mẹ, anh, em,...) của em.
3. Tả một bạn học của em.
4. Tả một người lao động (công nhân, nông dân, thợ thủ công, bác sĩ, y tá, cô giáo, thầy giáo,...) đang làm việc.
Sách bài tập Tiếng Việt, trang 113, học sinh tham khảo phần dàn ý chi tiết.
Hướng dẫn
1. Mở bài : Giới thiệu chung về bà nội em :
- Bà hiện sống ở đâu ?
2. Thân bài:
- Tả ngoại hình của bà :
+ Hình dáng : thấp nhỏ, lưng hơi gù
+ Màu tóc của bà : bạc trắng
+ Gương mặt : da nhăn nheo, trắng nhưng không được hồng cho lắm, điểm vào nốt đồi mồi.
+ Hàm răng : đã rụng hết
+ Bàn tay : gầy, nổi gán, có nhiều vết chai
- Tả tính tình của bà :
+ Yêu con, yêu cháu, dịu dàng
+ Siêng năng (qua hành động)
3. Kết bài : Cảm nghĩ của em :
- Em rất yêu quý bà, kính trọng bà.
- Mong cho bà mãi mãi mạnh khỏe để ở bèn em và gia đình em mãi.
 
Bài làm :
Nhân dịp hè, em được ba đưa về thăm quê nội ở Bến Tre. Em rất vui và háo hức. về quê, em sẽ được thăm bà nội, thăm chú út, bé Bi ... Nhưng vui nhất là em sẽ được gặp bà, âu yếm lâu rồi em chưa gặp bà, em nhớ bà lắm.
 
Ba đã gọi điện báo trước cho chú út, nên từ xa em đã thấy bà đi ra đi vào trước thềm nhà ngóng đợi. Em chạy ùa vào, ôm chầm lấy bà, bà âu yếm vuốt tóc em rồi mắng yêu. “Công chúa của bà, làm bà giật mình rồi !”.
 
Bà em năm nay đã già. Da bà nhăn nheo. Trên màu da trăng trắng đã điểm vài nốt đồi mồi. Mái tóc bà bạc trắng. Thân hình bé nhỏ, lưng bà hơi gù xuống. Bàn tay xương xương nổi rõ những đường gân xanh. Nắm lấy tay bà, em thấy trong lòng bàn tay có những vết chai sần. Răng bà đã rụng hết, khi bà móm mém cười, đôi mắt ánh lên niềm vui nhìn bà thật phúc hậu.
 
Em về đến nhà, bà lấy chiếc khăn rằn bà vẫn vắt ở vai dẫn em ra đầu hè rửa mặt. Em áp chiếc khăn vào mặt mình, mùi mồ hôi, mùi trầu thơm ấm nồng quen thuộc. Em kể bà nghe bao nhiêu là chuyện, từ chuyện học ở trường tới bạn bè cùng chơi ... thỉnh thoảng bà lại nhắc : “Kìa cháu, nói từ thôi kẻo mệt”. Dưới bóng cây vú sữa rợp mát, bà vừa tết tóc cho em vừa thủ thỉ kể em nghe sự tích cây vú sữa. Giọng bà trầm ấm, dịu dàng, gió vườn mát rượi, em thấy mình như lạc vào thế giới cổ tích.
 
Buổi tối, em giành phần bé Bi để được ngủ chung với bà. Nép vào lòng bà em nghe bàn tay bà mát rượi ve vuốt sống lưng. Rồi bà lại kể những câu chuyện ngày xưa, chuyện lần đầu tiên em biết lật, biết bò, lần đầu tiên em biết gọi tiếng “bà ơi”.
Rồi kì nghỉ hè cũng trôi qua, em phải trở về thành phố tiếp tục đến trường. Chia tay bà lòng em lưu luyến mãi. Em ước mùa hè tới em lại được về thăm bà, lại được quấn quýt bên bà, lại được nghe bà kể chuyện. 
 
TỔNG KẾT VỐN TỪ
1. Tự kiểm tra vốn từ của mình :
a) Xếp các tiếng sau đây thành những nhóm đồng nghĩa : đỏ, trắng, xanh, hồng, điều, bạch, biếc, đào, lục, son.
-  đỏ - điều - son
- xanh - biếc - lục
-  trắng - bạch
- hồng - đào
 
b) Điền mỗi tiếng sau vào chỗ trống cho thích hợp : đen, thâm, mun, huyền, ô, mực.
Bảng màu đen gọi là bảng đen.
Mắt màu đen gọi là mắt huyền.
Ngựa màu đen gọi là ngựa ô.
Mèo màu đen gọi là mèo mun.
Chó màu đen gọi là chó mực.
Quần màu đen gọi là quần thâm.
 
2. Đọc bài văn sau :
Đọc giọng to, rõ ràng.
 
3. a) Miêu tả một dòng sông, dòng suối hoặc dòng kênh đang chảy.
- Dòng sông Tiền cuồn cuộn chảy phù sa đục ngầu con nước.
 
b) Miêu tả đôi mắt của một em bé.
- Mắt bé tròn xoe và sáng long lanh như hai hòn bi ve.
 
c) Miêu tả dáng đi của một người.
- Bà Hai bước đi những bước liêu xiêu trong ráng chiều chạng vạng.
 
Tập làm văn
LÀM BIÊN BẢN MỘT VỤ VIỆC
1. Đọc bài văn sau và trả lời câu hỏi :
Đề bài:Trong bức tranh dân gian Đám cưới chuột có cảnh đàn chuột phải cống nạp mèo một con chim và một con cá để đám cưới đi trót lọt. Em hãy tưởng tượng vụ ăn hối lộ của mèo bị vỡ lở và lập biên bản về vụ việc đó.
(Học sinh tham khảo bài làm trang 161. 162)
 
Nội dung và cách trình bày biên bản ở đây có những điểm gì giống và khác với biên bản cuộc họp ?
Trả lời:
Giống nhau:
- Ghi lại diễn biến để làm bằng chứng.
- Phần mở đầu ; có quốc hiệu, tiêu ngữ và tên biên bản.
- Phần chính : thời gian, địa điểm, thành phần có mặt, diễn biến sự việc.
- Phẩn kết: ghi tên và chữ kí của người có trách nhiệm.
 
Khác nhau:
- Nội dung của biên bản cuộc họp là báo cáo, phát biểu
+ Nội dung biên bản, “Mèo vằn ăn hối lộ nhà chuột” có lời khai của những người có mặt.
 
2. Giả sử em là bác sĩ trực phiên cụ Ún trốn viện (bài Thầy cúng đi bệnh viện). Dựa theo mẫu biên bản vừa đọc ở bài tập 1, em hãy lập biên bản về việc này.
Hướng dẫn:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

BIÊN BẢN VỀ VIỆC BỆNH NHÂN TRỐN VIỆN
Hồi 6 giờ 30 phút sáng, ngày 15 - 8 - 2006, chúng tôi gồm những người sau đây lập biên bản về việc bệnh nhân Lục Xuân Ún trốn viện.
- Bác sĩ trực ca : Bác sĩ Bùi Đức Việt, y tá : Trịnh Văn Minh.
- Bệnh nhân phòng số 207 : Lò Văn Quảng, Tông Mạnh Sinh.
Tóm tắt sự việc :
Bệnh nhân Lục Xuân Ún được chẩn đoán là bị sỏi thận, đang trong thời gian chờ mổ.
- Y tá Trịnh Văn Minh phát hiện bệnh nhân vắng mặt hồi 20 giờ đêm ngày 14 - 8 - 2006.
- Bệnh nhân Lò Văn Quảng nói : 22 giờ vẫn không thấy ông Ún về.
- Bệnh nhân Tống Mạnh Sinh : Ông Ún nói ông Ún đau nhưng ông không tin bác sĩ người Kinh có thể chữa được bệnh cho ông. Mổ bụng ông ra rồi nó không vá lại được, ông chết luôn thì sao. Ông về cho thầy cúng Thái bắt ma ra thôi.
- Kết luận : Ông Ún sợ mổ, đã bỏ về nhà.
Đề nghị Ban Giám đốc bệnh viện cho tìm gấp ông Ún, thuyết phục ông quay trở lại bệnh viện để mổ.
Các thành viên có mặt kí tên:
                               
                                 Bùi Đức Việt        Trịnh Văn Minh           Lò Văn Quảng    Tống Mạnh Sinh

                                        Việt                         Minh                         Quảng                      Sinh
0