Giải bài tập SGK GDCD 10 bài 11: Một số phạm trù cơ bản của đạo đức học
Giải bài tập SGK GDCD 10 bài 11: Một số phạm trù cơ bản của đạo đức học Giải bài tập môn giáo dục công dân lớp 10 Bài tập môn GDCD lớp 10 được VnDoc sưu tầm và đăng tải, tổng hợp lý thuyết. Đây là lời ...
Giải bài tập SGK GDCD 10 bài 11: Một số phạm trù cơ bản của đạo đức học
Bài tập môn GDCD lớp 10
được VnDoc sưu tầm và đăng tải, tổng hợp lý thuyết. Đây là lời giải hay cho các câu hỏi trong sách giáo khoa nằm trong chương trình giảng dạy môn GDCD lớp 10. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các em học sinh.
Câu 1: Trong xã hội ta hiện nay, có một số người sống theo kiểu “Đèn nhà ai nhà nấy rạng”, em có nhận xét gì về cách sống này?
Hướng dẫn giải:
Em nhận thấy, người có quan niệm sống theo kiểu “đèn nhà ai, nhà nấy rạng” là kiểu sống dành cho những người ích kỉ hẹp hòi.
Hiện nay, ở xã hội tồn tại kiểu sống này rất nhiều. Đây là những lối sống đáng phê phán, nó khiến cho nhiều mối quan hệ dễ bị rạn nứt và đổ vỡ. Họ chỉ biết lo cho gia đình mình yên ổn, sung túc, mà bỏ mặc những người xung quanh. Rõ ràng, mình không thể đi lo hết được cho thiên hạ, tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, thì mình vẫn cần phải có hàng xóm, cuộc sống có lúc này lúc khác, biết đâu đến lúc mình cần sự giúp đỡ của họ. Vì vậy, nên hài hòa giữa việc nhà và việc hàng xóm, có gì có thể giúp đỡ thì mình giúp đỡ, có đi có lại, ở đời không ai lấy không của ai cái gì. Như vậy tình cảm hàng xóm láng giềng cũng tình cảm hơn.
Câu 2: Vì sao người có tâm trong xã hội lại được đánh giá cao?
Hướng dẫn giải:
Nhưng người có tâm trong xã hội luôn được đánh giá cao là bởi vì:
Những người có tâm thường là những người có đạo đức, họ đủ nhận thức được những việc làm của mình đâu là việc làm đúng đâu là việc làm sai và sai thì phải sửa như thế nào. Và từ đó họ phát huy được tính tích cực trong hoạt động của mình góp phần phát triển xã hội. Do vậy, những người có tâm được rất nhiều người yêu quý và họ luôn nhận được sự giúp đỡ từ những người khác khi gặp phải khó khăn.
Câu 3: Nhân phẩm và danh dự có vai trò như thế nào đối với đạo đức cá nhân? Vì sao những người nghiện ma túy khó giữ được nhân phẩm và danh dự của mình?
Hướng dẫn giải:
Như chúng ta đã biết, nhân phẩm là toàn bộ những phẩm chất mà mỗi con người có được. Nói cách khác, nhân phẩm là giá trị làm người của mỗi con người.
Trong khi đó, danh dự là sự coi trọng, đánh giá cao của dư luận xã hội với một người dựa trên các giá trị tinh thần, đạo đức của người đó.
Từ đó ta nhận thấy rằng nhân phẩm và danh sự có quan hệ khăng khít với nền tảng giá trị của mỗi con người. Nhân phẩm và danh dự có ý nghĩa rất lớn đối với mỗi người, giữ gìn danh dự và nhân phẩm được xem là sức mạnh tinh thần của một cá nhân có đạo đức.
Người nghiện ma túy thường không giữ được nhân phẩm và danh dự của mình là bởi vì:
Người nghiện ma túy làm những hành động trái với quy xã hội, những hành động bị xã hội lên án. Đồng thời, họ không kiểm soát được bản thân mình, khi đã lên cơn nghiện thuốc thì họ sẵn sàng làm bất cứ thứ gì để có được thuốc. Do vậy, những người nghiện ma túy không chỉ không giữ được nhân phẩm, danh dự mà còn bị nhiều người xa lánh.
Câu 4: Phân biệt tự trọng và tự ái?
Hướng dẫn giải:
Tự trọng |
Tự ái |
- Biết tôn trọng, bảo vệ danh dự của cá nhân. - Biết làm chủ các nhu cầu bản thân, kiềm chế được các nhu cầu, ham muốn không chính đáng, cố gắng tuân theo các quy tắc, chuẩn mực đạo đức tiến bộ của xã hội. - Tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người khác. |
- Quá nghĩ đến bản thân, đề cao cái tôi quá mức nên có thái độ bực tức, khó chịu, giận dỗi khi cho rằng mình bị đánh giá thấp hoặc coi thường. - Người tự ái thường không muốn ai phê phán cũng như khuyên bảo mình, dễ có thái độ bực tức - Khi tự ái, dễ có những phản ứng thiếu sáng suốt, dễ rơi vào sai lầm. |
Câu 5: Có người cho rằng hạnh phúc là “Cầu được, ước thấy”. Em có đồng ý không? Vì sao?
Hướng dẫn giải:
Em không đồng ý với quan điểm hạnh phúc là “cầu được, ước thấy” bởi vì:
Hạnh phúc là một khái niệm rộng lớn. Trong khái niệm rộng lớn đó mỗi người có một cách nghĩ khác nhau. Có thể có người nghĩ gia đình vui vẻ, ấm no là hạnh phúc, hoặc có người nghĩ có nhiều tiền là hạnh phúc….
Vậy, thử hỏi đã mấy ai cầu được tiền là có tiền, cầu được con ngoan là có con ngoan. Có chăng chỉ có những trường hợp hiếm hoi, vô tình hoặc trùng hợp mới có được như vậy.
Mỗi người có một kiểu hạnh phúc riêng, và để có được hạnh phúc đó họ cần phải cố gắng chứ không ngẫu nhiên ai ban phát. Và đó mới chính là hạnh phúc bền vững, lâu dài. Vì vậy, cầu được ước thấy không mang lại hạnh phúc mà chỉ mang lại sự đơn điệu và nhàm chán, mất sự say mê và ham muốn phấn đấu. Nếu hạnh phúc quá dễ dàng, người ta khó lòng trân trọng những điều đó.
Câu 6: Theo em, hạnh phúc của học sinh trung học là gì?
Hướng dẫn giải:
Ở độ tuổi này, hạnh phúc mà các em, các bạn học sinh Trung học rất đơn giản và có thể thực hiện được như:
Luôn cố gắng và đạt được kết quả cao trong học tập không phụ lòng ông bà cha mẹ.
Luôn được sự động viên, khen ngợi của mọi người về thành tích học tập cũng như hành động, cư xử của mình.
Được sống và học tập trong một môi trường thân thiện, gia đình, người thân tạo điều kiện vật chất, tinh thần trong khả năng hiện có phục vụ cho học tập và rèn luyện
Được thầy cô và bạn bè yêu mến, được tiếp thu kiến thức tiên tiến của nhân loại và vận dụng nó vào đời sống, làm hành trang cho bản thân. Được chia sẻ với mọi người về những điều mà mình biết….
Câu 7: Em hãy nêu một vài nghĩa vụ đạo đức cụ thể cuả công dân đối với xã hội?
Hướng dẫn giải:
- Sống chan hòa, biết chia sẻ với mọi người xung quanh.
- Giữ gìn trật tự vệ sinh làng xóm, an toàn xã hội.
- Tôn trọng mọi người.
- Đoàn kết, đóng góp ý kiến để địa phương ngày càng phát triển…