George Marshall – Người “phục hưng châu Âu”
Nguồn : Historic figures, BBC (truy cập ngày 8/6/2015) Biên dịch & Hiệu đính : Phạm Hồng Anh Marshall (1880-1959) là chỉ huy quân sự người Mỹ, Tổng tham mưu trưởng lục quân trong Thế chiến thứ hai và sau đó là ngoại trưởng Hoa Kỳ. Ông đưa ra chính sách hỗ trợ tài chính cho công ...
Nguồn: Historic figures, BBC (truy cập ngày 8/6/2015)
Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh
Marshall (1880-1959) là chỉ huy quân sự người Mỹ, Tổng tham mưu trưởng lục quân trong Thế chiến thứ hai và sau đó là ngoại trưởng Hoa Kỳ. Ông đưa ra chính sách hỗ trợ tài chính cho công cuộc tái thiết Châu Âu sau chiến tranh, được biết đến với tên gọi “Kế hoạch Marshall”.
George Catlett Marshall sinh ngày 31 tháng 12 năm 1880 tại Uniontown, Pennsylvania. Năm 1902, ông tốt nghiệp Học viện Quân sự Virginia và bắt đầu sự nghiệp của mình trong Quân đội Hoa Kỳ. Trong Thế chiến thứ nhất ông chiến đấu trong binh đoàn của Tướng John J. Pershing, chỉ huy Lực lượng Viễn chinh Hoa Kỳ tới Pháp năm 1917. Ông tiếp tục làm trợ lý cho Pershing khi quay lại Mỹ. Trong những năm giữa hai cuộc thế chiến, Marshall phục vụ trong quân đội Mỹ đóng tại Trung Quốc và giảng dạy tại các tổ chức quân sự khác nhau.
Ngày 1 tháng 9 năm 1939, Đức xâm lược Ba Lan. Tổng thống Franklin D. Roosevelt chỉ định Marshall làm Tổng tham mưu trưởng lục quân. Marshall giữ chức vụ này cho đến năm 1945. Ông chỉ đạo việc mở rộng quân đội Mỹ: từ lực lượng chỉ dưới 200.000 người trước chiến tranh phát triển thành một đội quân tám triệu người (mức cao nhất trong cuộc chiến). Cuối cùng, nhiệm vụ của Marshall là đảm bảo tiếp viện và chỉ huy chiến lược cho quân đội. Winston Churchill gọi Marshall là ‘người tổ chức chiến thắng’.
Sau khi chiến tranh kết thúc, tháng 12/1945, Tổng thống Harry Truman cử Marshall làm đại sứ đặc biệt của Mỹ tới Trung Quốc nhằm ngăn chặn một cuộc nội chiến bùng nổ giữa quốc dân đảng và lực lượng cộng sản, nhưng thất bại. Năm 1947, Truman triệu hồi Marshall quay lại Mỹ để giữ chức ngoại trưởng. Chính sách hỗ trợ cho quá trình tái thiết kinh tế của một Châu Âu kiệt quệ vì chiến tranh được lấy tên của Marshall (tên chính thức là Chương trình Phục hưng Châu Âu – ERP). Về tổng thể, chương trình này cung cấp gần 13 tỉ đô la dưới dạng viện trợ cho Châu Âu, đặt nền móng cho sự khôi phục Châu Âu thời hậu chiến.
Marshall cũng có tầm ảnh hướng lớn trong các cuộc đàm phán và lên kế hoạch thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào năm 1949 với 12 thành viên sáng lập. Một cuộc tấn công nhằm vào bất cứ nước thành viên nào cũng sẽ được coi là nhằm vào toàn khối, do đó liên minh quân sự này kết nối lợi ích an ninh của Châu Âu với lợi ích của Hoa Kỳ trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Marshall rời vị trí của mình năm 1949 và trở thành chủ tịch của Hội chữ thập đỏ Hoa Kỳ. Năm 1950, ông được mời quay lại làm việc trong chính phủ: Tổng thống Harry S. Truman bổ nhiệm ông làm bộ trưởng quốc phòng, tuy vậy ông chỉ giữ chức vụ này trong một năm. Năm 1953, ông được trao giải Nobel Hòa Bình vì những đóng góp cho quá trình khôi phục kinh tế ở Châu Âu. Ông qua đời ngày 16 tháng 10 năm 1959.