22/06/2018, 09:28

Heinrich Himmler – Người đứng sau nạn diệt chủng của Đức Quốc xã

Nguồn : Historic figures, BBC (truy cập ngày 20/5/2015) Biên dịch & Hiệu đính : Phạm Hồng Anh Bài liên quan: Lịch sử biểu tượng ‘chữ thập ngoặc’ của Đức Quốc Xã Himmler (1900-1945) là một trong những nhân vật quyền lực nhất của Đức Quốc xã, đồng thời là ...

Heinrich-Himmler_2147070a

Nguồn: Historic figures, BBC (truy cập ngày 20/5/2015)

Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

Bài liên quan: Lịch sử biểu tượng ‘chữ thập ngoặc’ của Đức Quốc Xã

Himmler (1900-1945) là một trong những nhân vật quyền lực nhất của Đức Quốc xã, đồng thời là người đã ra chủ trương tiến hành chiến dịch thảm sát người Do Thái.

Heinrich Himmler sinh ngày 7 tháng 10 năm 1900 tại Munich, là con trai của một giáo viên. Ông phục vụ trong quân đội Đức vào cuối Thế chiến thứ nhất, rồi sau đó trải qua nhiều nghề khác nhau, kể cả làm việc trong trang trại chăn nuôi gà. Đầu thập niên 20, ông bắt đầu tham gia Đảng Quốc xã và cuộc đảo chính “nhà hàng bia” năm 1923.[1] Himmler là người đứng đầu trong công tác tuyên truyền của đảng Quốc xã từ năm 1926 đến 1930. Năm 1929, ông được chỉ định làm người đứng đầu lực lượng Schutzstaffel (gọi tắt là SS) – đội cận vệ của Adolf Hitler, và năm sau đó được bầu vào Quốc hội Đức.

Sau khi đảng Quốc xã lên nắm quyền tại Đức năm 1933, Himmler trở thành chỉ huy lực lượng cảnh sát tại Munich và chỉ huy lực lượng cảnh sát chính trị tại Bavaria. Ông sử dụng chức vụ của mình để xây dựng một nhà nước bên trong nhà nước, mở rộng và thiết lập quyền tự trị của SS ngay trong đảng và quyền cai trị khắp nước Đức. Năm 1933, ông lập trại Dachau, trại tập trung đầu tiên của Đức Quốc xã. Đến năm 1936, ông đã được cử làm chỉ huy trưởng của Lực lượng cảnh sát quốc gia mới được thành lập.

Himmler bị ám ảnh với sự “thuần khiết” về chủng tộc ở nước Đức và chủ trương tiến hành “chương trình gây giống” chủng người Aryan.[2] Thế chiến thứ hai nổ ra cho phép Himmler theo đuổi một mục tiêu chủng tộc khác – loại bỏ người Do Thái và các “loài người hạ đẳng” (sub-humans) khác. Sau khi Đức xâm lược Ba Lan, Himmler được trao toàn quyền trên các lãnh thổ bị sáp nhập vào Đức của nước này. Trong vòng một năm, hơn một triệu người Ba Lan và 300.000 người Do Thái đã bị buộc phải rời đi để nhường chỗ cho người Đức. Đến tháng 6/1941, khi Đức bắt đầu xâm lược Liên Xô, Himmler đã nắm quyền kiểm soát không chỉ lực lượng cảnh sát mà còn cả chính quyền của các lãnh thổ bị chiếm đóng, và cả hệ thống trại tập trung (qua sự chỉ huy SS). Năm 1943, Hitler chỉ định Himmler là bộ trưởng bộ nội vụ. Ở cương vị này, ông giám sát chiến dịch “Giải pháp cuối cùng” – một nỗ lực tàn sát tất cả người Do Thái tại Châu Âu – và cai trị hệ thống lao động cưỡng ép.

Sau khi giải quyết vụ việc ám sát hụt Hitler tháng 7/1944, vị trí của Himmler càng được củng cố. Tuy nhiên với viễn cảnh Đức bại trận ngày càng hiển hiện, Himmler cố gắng mở đàm phán với quân Đồng minh. Hitler vô cùng tức giận và tước hết mọi chức quyền của Himmler. Khi Đức đầu hàng, Himmler nỗ lực trốn thoát với một căn cước giả nhưng bị quân đồng minh bắt giữ. Ngày 23 tháng 5 năm 1945 ông tự vẫn trong trại giam.

——————————————–

[1] Đảo chính nhà hàng bia (Beer Hall Putsch) chỉ biến cố xảy ra ngày 8 tháng 11 năm 1923 do Adolf Hitler điều động Đảng Đức Quốc Xã gây ra, nhằm lật đổ chính quyền bang Bayern, từ đó dự định tiếp tục lật đổ chính phủ Cộng hòa Weimar. Cuộc bạo loạn, khởi đầu từ một nhà hàng bia tại Munich, tuy bị thất bại nhưng giúp cho Hitler nổi danh bằng tài hùng biện trước tòa và tinh thần quốc gia sôi sục, và đưa tên tuổi ông ta lên trang nhất nhiều tờ báo trên thế giới. – ND

[2] Chủ nghĩa quốc xã Đức coi người Aryan là chủng tộc thượng đẳng (master race) có quyền cai trị thế giới. – ND

0