Frank Herbert sinh ngày 8/10/1920 ở Tacoma, bang Washington. Ông đi làm báo ngay từ năm 19 tuổi (ông phải nói dối tuổi mới được giao chỗ làm đầu tiên trong đời!) Ông sẽ còn tiếp tục làm báo trong phần lớn cuộc đời, ngay cả khi đã trở thành nhà văn nổi tiếng. Tuy nhiên, bên cạnh viết báo, ông cũng bắt đầu viết lách, trong đó có một truyện phiêu lưu mạo hiểm được đăng trên tạp chí
Esquire vào năm 1945 khi ông mới 25 tuổi.
Một năm sau, ông gặp Beverly Ann Stuart, bạn đời tương lai của ông, ở khoa viết văn của Đại học Washington - họ là hai người duy nhất trong lớp đã có tác phẩm được công bố cho tới thời điểm đó. Họ cưới nhau vào tháng 6 năm 1946, về sau họ có hai người con trai, trong số đó Brian Patrick Herbert (sinh 1947) sau này cũng là nhà văn bestseller và sẽ kế tục sự nghiệp Xứ Cát của cha mình.
Frank Herbert không tốt nghiệp đại học, bởi vì theo Brian, con trai ông, ông chỉ muốn học những gì ông quan tâm, thế nên ông không quan tâm đến chuyện phải hoàn tất mọi học phần quy định. Bỏ trường, ông quay lại nghề báo, làm việc cho các tờ Seattle Star và Oregon Statesman, cũng như viết bài và biên tập cho tạp chíCalifornia Living thuộc tờ San Francisco Examiner suốt cả một thập niên.
Dù vậy, viết về tiểu sử Herbert mà chỉ nhấn mạnh vào đời làm báo của ông thì sẽ không đầy đủ và đơn giản hóa. Ngoài làm báo, chụp ảnh, phát thanh viên, ông từng làm những nghề như "thợ lặn bắt hàu, chuyên viên hướng dẫn kỹ năng sống sót trong rừng rậm", những nghề không mấy liên quan đến văn chương. Tuy nhiên, dẫu cho cái tiểu sử “cần lao, thực tế, gần-mặt-đất” này của Herbert có thể khiến nhiều người liên tưởng đến trường hợp Raymond Carver - cũng chật vật đủ nghề để sống còn: gác cổng, thợ cưa, bảo vệ, giao hàng... -, song có lẽ không có gì khác nhau đến vậy giữa thế giới văn chương của hai tác gia đều cùng kiệt xuất đó. Cũng lạ - tuy nghĩ kỹ thì không lạ - rằng một con người từng lăn lộn với cõi thực tại như vậy rồi ra sẽ sống chết với một thế giới hoàn toàn khác, do chính mình tạo ra, một cách trọn vẹn đến vậy.
Năm 1947 Frank Herbert gửi truyện ngắn khoa học giả tưởng đầu tiên của mình là Looking for Something cho tạp chí Startling Stories. Sự nghiệp tiểu thuyết của ông khởi đầu với việc ấn hành cuốn Rồng ở biển (The Dragon in the Sea) vào năm 1955. Cuốn sách đã tiên báo những cuộc xung đột trên toàn cầu trong việc tiêu thụ và sản xuất dầu lửa. Cuốn sách được giới phê bình khen ngợi, nhưng không thành công lắm về mặt thương mại.
Herbert bắt đầu nghiên cứu để viết Xứ Cát vào năm 1959. Thời gian này, ông "chịu ơn" người vợ tâm đầu ý hợp và tận tụy của ông: nhờ bà có công việc toàn thời gian - viết quảng cáo - cho các cửa hàng, trở thành lao động chính nuôi gia đình trong suốt thập niên 1960, ông mới có thể dành phần lớn thời gian và tâm lực cho viết lách. Về sau, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Herbert cho biết ý tưởng về cuốn tiểu thuyết hình thành vào thời gian ông được tòa soạn giao viết một bài nói về những cồn cát ở Oregon Dunes gần Florence, bang Oregon, nhưng rốt cuộc ông đâm ra mê đắm vào đề tài đó và thu thập quá nhiều tư liệu so với mức cần thiết cho một bài báo. Bản thân bài này, với tựa đề "Người ta làm ngưng những đụn cát chuyển động" thì ông không hề viết, nhưng chính nó là hạt nhân cho những ý tưởng rồi ra sẽ dẫn tới Xứ Cát.
Herbert dành trọn mười năm nghiên cứu và viết mới hoàn thành Xứ Cát. Quá dài so với truyện khoa học giả tưởng "thị trường" thời đó, đầu tiên sách được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Analog, chia thành hai phần (Dune World, Thế giới Xứ Cát và Prophet of Dune, Nhà tiên tri Xứ Cát) vào năm 1963 và 1965. Tuy nhiên, khi Herbert nghĩ đến việc xuất bản thành sách, thử thách mà Xứ Cát phải vượt qua mới thật cam go: bị gần hai mươi nhà xuất bản từ chối trước khi cuối cùng có một nhà xuất bản nhỏ "liều" chấp nhận!
Chilton, nhà xuất bản "tép riu" liều mạng đó, trả cho Herbert 7.500 đô la tạm ứng, và rồi, như để minh chứng cho "con mắt tinh đời" của họ, Xứ Cát nhanh chóng được giới phê bình nhiệt liệt chào đón, giành giải thưởng Nebula dành cho Tiểu thuyết Khoa học giả tưởng Hay nhất vào năm 1965, rồi lại đoạt giải Hugo (cùng một cuốn khác) vào năm sau đó.
Xứ Cát là tiểu thuyết khoa học giả tưởng có tầm vóc lớn đầu tiên đề cập đến vấn đề sinh thái, hàm chứa nhiều chủ đề rộng lớn có liên quan mật thiết với nhau cùng với nhiều quan điểm nhân vật, một phương pháp xuyên suốt mọi tác phẩm vào giai đoạn chín muồi của Herbert.
Cuốn sách không phải ngay lập tức mà thành bestseller. Đến năm 1968 Herbert kiếm được 20.000 USD nhờ nó, thế là đã nhiều hơn doanh thu từ bất cứ tiểu thuyết khoa học giả tưởng nào cùng thời, song chừng đó chưa đủ để cho ông dành trọn thời gian cho nghiệp văn chương. Tuy nhiên, nhờ Xứ Cát được in, ông có được nhiều cơ hội "thành đạt" hơn trong xã hội". Ông tìm được chân giảng dạy khoa nghiên cứu tổng quát (general studies) và nghiên cứu liên ngành (interdisciplinary studies) ở Đại học Washington, làm cố vấn về xã hội và sinh thái ở Việt Nam và Pakistan vào năm 1972, làm giám đốc-nhiếp ảnh gia của show truyền hình The Tillers vào năm 1973.
Năm 1972, Herbert thôi làm báo mà dành trọn thời gian cho văn chương. Trong thập niên 1970 và 80, ông giành được thành công đáng kể về thương mại. Ông viết nhiều sách, đồng thời quảng bá các ý tưởng của mình về sinh thái học và triết học. Ông viết tiếp bộ trường thiên Xứ Cát, với những cuốn Dune Messiah, Children of Dune và God Emperor of Dune. Ngoài ra là một loạt tác phẩm đáng kể khác như The Dosadi Experiment, The Godmakers, The White Plague, The Jesus Incident và The Lazarus Effect, hai cuốn sau viết chung với nhà thơ Bill Ransom.
Năm 1984 là một năm đầy biến động trong đời Herbert. Bên cạnh nỗi buồn to lớn vì mất đi người vợ yêu quý, nhà văn lại một lần nữa được thế giới nhắc tên với sự ra đời bộ phim Xứ Cát - đạo diễn David Lynch, với ngân sách khổng lồ và dàn diễn viên gạo cội - dựng theo cuốn sách lừng danh nhất của ông. Bộ phim tuy không được giới phê bình Mỹ đánh giá cao, song lại được khen ngợi và rất thành công về doanh thu tại châu Âu và Nhật Bản.
Sau khi người vợ đầu Beverly qua đời, Herbert lấy Theresa Shackleford làm vợ vào năm 1985. Cũng năm đó ông cho in Chapterhouse Dune, cuốn cuối cùng trong bộ trường thiên Xứ Cát được ra đời khi ông còn sống - bản thảo của ông để lại cho thấy ông vẫn đang thai nghén cuốn thứ bảy trong bộ truyện này. Herbert qua đời ngày 11/2/1986 do một cơn tắc mạch phổi trong khi đang hồi phục sau một ca mổ ung thư tuyến tụy, thọ 65 tuổi.
Xứ Cát là một công trình đồ sộ đến nỗi dường như cuộc đời và tâm lực của một con người là không thể đủ cho nó. Cho nên, hơn mười năm sau khi ông mất, con trai ông, Brian Herbert và một tác giả khác là Kevin Anderson, đã bắt tay kế tục sự nghiệp của ông. Một phần là sử dụng các ghi chú, đề cương, bản thảo rời rạc của ông để lại, họ đã viết thêm những cuốn khác bổ sung vào trường thiên Xứ Cát, mở rộng và khai phá thêm nữa cái thế giới xa xăm và bí ẩn, vừa giống vừa khác biệt đó.
Frank Herbert dùng tiểu thuyết khoa học giả tưởng để khai phá những ý tưởng phức tạp của mình xoay quanh triết học, tôn giáo, tâm lý học, chính trị và sinh thái học, và chính vì đọc sách của ông, nhiều người đã trở nên hứng thú với các lĩnh vực này. Nỗi thôi thúc sâu xa trong tác phẩm của Herbert chính là sự quan tâm của ông đối với vấn đề sự sống còn và tiến hóa của con người.
Herbert có lẽ là nhà văn khoa học giả tưởng đầu tiên quảng bá những ý tưởng sâu sắc về sinh thái và vấn đề tư duy có hệ thống. Ông nhấn mạnh rằng con người cần phải biết suy nghĩ vừa có hệ thống vừa dài hạn. Ông cũng là một trong những người tiên phong trong việc hình dung viễn cảnh những khả năng phát triển hết sức mạnh mẽ của loài người, với những loại cá nhân đầy năng lực và cũng đầy ghê gớm như Mentat và Bene Gesserit. Nhân loại là một kho chứa những khả năng hầu như vô tận, cả tốt lẫn xấu, đối với ông, và sáng tác của ông là một cuộc hành trình vô tận hầu thấu hiểu nó.
Rất nhiều độc giả đâm ra hâm mộ Herbert đến độ có thể gọi là cuồng tín, coi ông như một chuyên gia có thẩm quyền tối hậu trong những vấn đề ông tâm đắc. Sự sùng bái đó của một số độc giả khiến Herbert đôi khi tự hỏi phải chăng ông đang trở thành một thứ thần tượng, điều mà bản thân ông kiên quyết chống - như ta thấy trongXứ Cát, cái viễn cảnh mình sẽ trở thành thần tượng tuyệt đối của một dân tộc, dù mình có muốn hay không, sẽ là nỗi ám ảnh và cơn ác mộng khôn nguôi đối với nhân vật chính như thế nào.
Cũng như J.J. Tolkien đã tạo ra cả một vũ trụ riêng, hoàn toàn khác biệt - Middleworld - cho Lord of the Ringđồ sộ của ông, Frank Herbert khai sinh cả một vũ trụ mênh mông, kỳ vĩ của riêng mình - Dune Universe - làm bối cảnh cho loạt truyện lừng danh Xứ Cát. Vũ trụ đó quá rộng lớn không thể nào tóm gọn trong khuôn khổ một bài viết, và thậm chí bản thuật ngữ mà chính ông cung cấp cho độc giả ở cuối Xứ Cát cũng còn xa mới gọi là đủ để có được một hình dung tạm gọi là khái quát về nó. Đọc Xứ Cát đòi hỏi một niềm đam mê thực sự, cũng như một cam kết nghiêm túc và lòng kiên nhẫn. Bạn đọc biết tiếng Anh có thể (và cần phải) tham khảo các nguồn như Wikipedia hầu tìm hiểu sâu hơn về Vũ trụ Dune, lĩnh hội và hân thưởng đầy đủ hơn kích thước đồ sộ và mức độ tinh vi khó lường của nó.
Xứ Cát đích thực là một tác phẩm kinh điển của văn chương khoa học giả tưởng, và, về thực chất, là một cuốn sách kinh điển của văn chương.