Em hãy tưởng tượng mình là một nhân vật trong cổ tích, tự kể về cuộc đời mình.
Thấy bãi sông rộng, lại có lác đác từng bụi cây lớn tỏa bóng mát êm dịu, Tiên Dung rất thích, ra lệnh cho thuyền ghé vào bãi, rồi chọn một chỗ, sai thị nữ giăng màn tứ vi để tắm. Nàng vào màn, cởi áo xiêm, giội nước rất là thỏa thích. Không ngờ chỗ Tiên Dung giăng màn lại chính là chỗ ta náu mình. ...
Thấy bãi sông rộng, lại có lác đác từng bụi cây lớn tỏa bóng mát êm dịu, Tiên Dung rất thích, ra lệnh cho thuyền ghé vào bãi, rồi chọn một chỗ, sai thị nữ giăng màn tứ vi để tắm. Nàng vào màn, cởi áo xiêm, giội nước rất là thỏa thích. Không ngờ chỗ Tiên Dung giăng màn lại chính là chỗ ta náu mình.
Bài làm 1
Thời xưa, hai cha con ta ở làng Chử Xá, tên là Chử Cù Vân và Chử Đồng Tử, nhà nghèo đến nỗi cha con chỉ có một cái khố mặc chung nhau, hễ ai đi đâu thì đóng.
Cha ta bị ốm nặng, khi sắp chết, dặn lại ta rằng:
- Bố chết, con cứ táng trần cho bố, còn cái khố con giữ lấy mà dùng.
Nghe vậy, ta gạt nước mắt mà gật đầu, cho bốta yên lòng trút hơi thở sau cùng. Cha chết, ta không nỡ để cha trần truồng, lấy khốđóng cho cha rồi mới chôn.
Ta ở một túp lều nhỏ ven sông, vì chưa có tiền sắm khố mới nên ngày ngày chờ trời tối ta mới xuống sông đánh cá, rồi đổi lấy gạo ở các thuyền qua lại.
Thời bấy giờ có một nàng công chúa tên là Tiên Dung, nhan sắc tuyệt trần, tuổi đã lớn mà không chịu lấy chồng, chỉ thích chèo thuyền đi xem sông núi. Vua chiều nàng, cấp cho thuyền và đủ mọi người hầu hạ, mặc nàng muốn đi đâu thì đi.
Một hôm, Tiên Dung đi chơi thuyền trên sông. Thuyền của nàng đi giữa, còn trước sau là thuyền của binh lính và thị nữ. Khi đến khúc sông thuộc làng Chử Xá, đám thuyền làm rợp cả mặt nước.
Ta trông thấy, vội vứt vó vào bụi, chạy lên bãi, bới cát vùi mình xuống, rồi phủ cát lên.
Nàng giội nước một lúc thì bỗng nhiên ta trồi lên. Tiên Dung trông thấy giật mình, hỏi duyên cớ. Ta sượng sùng nói: vìkhông có áo quần, thấy thuyền quan quân thì sợ, nền phải vùi mình xuống cát để ẩn.
Tiên Dung bảo ta rằng:
- Tôi đã nguyện không lấy chồng, nay duyên trời run rủi, lại gặp chàng chốn này, mới biết cưỡng không được với trời.
Nàng bảo ta tắm rửa sạch sẽ, lấy quần áo cho mặc, đưa xuống thuyền và sai thị nữ sửa soạn tiệc hoa. Thấy thế ta ngỏ ý từ chối, Tiên Dung bảo ta rằng:
- Thiếp với chàng là tự trời se duyên, việc gì mà từ chối!
Ta đành phải nghe theo. Từ hôm ấy, hai người thành vợ chồng
Vua được tin nổi giận, gọi hết binh lính và người hầu của Tiên Dung về. Tiên Dung sợ cha, đành cùng ta ở lại với dân, tìm kế sinh nhai. Nàng làm ăn ngày một thịnh vượng, dần dần thành một xóm. Sau đó có người khuyên nàng cho người ra biển tìm những vật lạ đem về đổi lấy các thứ khác. Nàng nghe theo, để ta đi.
Ta đi qua một nơi phong cảnh tuyệt đẹp, trông lên núi thấy có một cái am nhỏ, trèo lên, ta gặp một nhà sư tên là Phật Quang. Thấy ta là người chân thật, Phật Quang muốn truyền phép cho ta. Ta không nghĩ đến việc ra biển nữa, liền ở luôn đó. Học được một năm thì Phật Quang cho ta một cây gậy và một cái nón, cho phép ta xuống núi, dặn rằng:
- Phép biến hóa ở cả cây gậy và cái nón này.
Ta về nhà, đem phép màu truyền lại cho Tiên Dung, rồi hai vợ chồng bỏ xóm làng đi tìm nơi thanh vắng để ở. Một hôm đang đi đường, trời tối mà chưa đến chỗ dân cư, hai vợ chồng cắm cây gậy xuống đất, lấy nón úp lên đầu gậy để che sương, rồi ngồi dưới nón tựa vào nhau mà ngủ. Đến quá nửa đêm, hai vợ chồng tỉnh dậy thì thấy mình ở trong một cung điện lộng lẫy với đủ các thứ giường sập, màn trướng, lại có cả tiểu đồng, thị nữ và binh lính đi lại rộn rịp ngoài hành lang.
Sáng hôm sau, hai vợ chồng ra ngoài xem thì thấy có thành cao bao bọc cung điện, tướng sĩ canh gác rất đông, chẳng khác nào tòa thành lớn.
Tin lạ ấy đến tai vua. Vua cho là Ta và Tiên Dung làm loạn, liền sai quân đến đánh. Quân nhà vua đến gần hai vợ chồng ta ở thì trời vừa tối không sang sông được. Đến nửa đêm, trời nổi cơn dông, cát bay, cây đổ, rồi toàn khu Ta và Tiên Dung ở bay cả lên trời, chỉ còn lại bãi đất không ở giữa đầm. Bãi ấy về sau gọi là bãi Tự Nhiên, còn đầm ấy là đầm Nhất Dạ. Thấy có sự lạ lùng như vậy, nhân dân lập miếu thờ Ta và Tiên Dung ngay trên bãi...
Bài làm 2
“Hỡi các con! Nay các con đã lớn, các con cần phải biết rõ gốc tích của mình. Vậy cha sẽ kể cho các con nghe.
Thân phụ của ta, tức là ông nội của các con, vốn là một vị thần thuộc nòi Rồng, con trai Thần Long Nữ, tên là Lạc Long Quân. Ông của các con thường ở dưới nước, thỉnh thoảng lên sống trên cạn, có nhiều phép lạ, sức khỏe vô địch. Thuở ấy, miền Lạc Việt ta có nhiều loại yêu quái làm hại dân lành. Cha ta giúp dân diệt trừ Ngư Tinh, Mộc Tinh, Hồ Tinh, lại dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi và cách ăn ở. Người thường về thủy cung. Khi cần thiết, người mới hiện lên.
Một lần, tình cờ cha gặp mẹ ta tức là bà nội của các con. Mẹ ta vốn là người vùng núi cao phương Bắc, tên là Âu Cơ, thuộc dòng họ Thần Nông, xinh đẹp tuyệt trần, nghe tiếng phương Nam có nhiều hoa thơm, cỏ lạ bèn tìm đến thăm. Mẹ cha ta gặp gỡ, đem lòng yêu thương nhau rồi trở thành vợ chồng, sống với nhau trên cạn, ở cung điện Long Trang.
Ít lâu sau, mẹ ta có thai rồi sinh nở. Chuyện lạ lùng thay là mẹ sinh ra không phải là một người con mà là một bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con. Trăm anh em ta hồng hào đẹp đẽ, lớn lên như thổi, ai cũng khôi ngô khỏe mạnh. Ta nở ra từ quả trứng đầu tiên, được gọi là anh cả.
Một hôm, cha vốn quen sống dưới nước, thấy mình không thể sống mãi trên cạn, bèn từ biệt mẹ để về thủy cung. Mẹ ta nuôi con, mong chờ mãi mà không thấy cha trở lại. Cuối cùng mẹ phải gọi cha về. Mẹ than thở:
- Sao chàng bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi dàn con nhỏ?
Cha ta đáp lời:
- Ta vốn nòi Rồng, ở miền nước thẳm. Nàng là dòng Tiên, ở chốn non cao. Ta với nàng tính tình, tập quán khác nhau, khó mà ăn ở cùng nhau một nơi lâu dài được. Nay ta đưa năm mươi con xuống biển, nàng đưa năm mươi con lên núi, chia nhau cai quản các phương. Tuy kẻ miền núi, người miền biển, nhưng khi có việc phải giúp đỡ lẫn nhau, chớ quên lời hẹn.
Thế là cha mẹ và anh em trai chia tay nhau lên đường.
Lên làm vua, ta lấy hiệu Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang. Triều đình ta có quan văn, tướng võ. Còn các con, con trai thì gọi là quan lang, con gái thì gọi là mị nương. Bao giờ hết đời ta thì con trưởng sẽ thay ta làm vua, cũng lấy hiệu là Hùng Vương, cho đến đời con, đời cháu, chắt các con cũng như thế, không được thay đổi.
Các con! Đến đời con, cháu sau này, hàng trăm, nghìn năm sau, cũng phải nhắc nhau biết mình là con Rồng, cháu Tiên, phải luôn thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau khi hoạn nạn, làm cho nước nhà ngày càng phồn vinh, hùng cường”.