04/06/2017, 23:52

Em hãy phân tích “Chuyện người con gái Nam xương” rút trong kiệt tác “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ, để thấy được giá trị nhân đạo và ý nghĩa tố cáo thể hiện qua thiên truyện.

Chẳng bao giờ được trở lại nhân gian vì cái chết oan uổng của “người con gái Nam Xương” đã để lại bao niềm xót thương về những người phụ nữ tài sắc, đức hạnh trong bi kịch gia đình; được Nguyễn Dữ thể hiện một cách sắc sảo về số phận người phụ nữ thời loạn trong xã hội phong kiên đầy những bất ...

Chẳng bao giờ được trở lại nhân gian vì cái chết oan uổng của “người con gái Nam Xương” đã để lại bao niềm xót thương về những người phụ nữ tài sắc, đức hạnh trong bi kịch gia đình; được Nguyễn Dữ thể hiện một cách sắc sảo về số phận người phụ nữ thời loạn trong xã hội phong kiên đầy những bất công.

Vũ Nương là một người con gái “tính đã thuỳ mị, nết na, lại thêm có tư dung tốt đẹp”. Nàng vừa có nhan sắc, vừa có đức hạnh. Khi đã trở thành vợ Trương Sinh, “nàng giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hoà”.
 
Thời loạn lạc chiến tranh, ước mơ của nàng rất bình dị. Tiễn chồng ra trận, nàng chẳng màng “đeo ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ” mà chỉ mong chồng trở về “mang theo hai chữ bình yên, thế là đủ rồi”.
 
Năm tháng trôi qua, Vũ Nương nhớ thương chồng không kể xiết: “Mỗi khi thấy cánh bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được”. Tâm trạng ấy giống nàng chinh phụ nhớ thương chồng trong “Chinh phụ ngâm khúc” - một kiệt tác của Đặng Trần Côn vậy !
 
Vũ Nương là một phụ nữ đảm đang, hiếu thảo. Một mình nuôi dạy con thơ, phụng dưỡng mẹ già. Mẹ chồng già yếu, buồn nhớ con đi lính mãi chưa về, sinh ốm đau thì nàng “hết sức thuốc thang”“lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn”. Lúc mẹ chồng qua đời, “nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình”.
 
Giặc tan, Trương Sinh trở về, niềm vui sum họp gia đình, hạnh phúc vợ chồng, đáng lẽ mỉm cười với Vũ Nương. Nhưng nỗi bất hạnh đã giáng xuống đầu nàng. Chồng hay ghen, chỉ vì chuyện chiếc bóng, chỉ vì chuyện “đêm nào cũng có một người đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả”... mà nàng bị chồng nghi là “vợ hư" rồi chửi mắng, đánh đập đuổi đi. Nàng phân trần nhưng chồng cũng không tin. Họ hàng làng xóm bênh vực và biện bạch cho nàng cũng chẳng ăn thua gì. Trước bi kịch “bình rơi trâm gẫy, sen rủ trong ao, liễu tàn trước gió”. Vũ Nương chi còn một cách nhảy xuống sông Hoàng Giang tự tử.
 
Lời nguyền của nàng với trời và Thần Sông đã làm cho người đời xót xa đối với một người con gái “bạc mệnh - duyên phận hẩm hiu”. Vũ Nương không phải “làm mồi cho cá tôm”, “làm cơm cho diều quạ”, không bị mọi người phỉ nhổ mà nàng đã được các nàng tiên trong cung nước thương tình vô tội, rẽ một đường nước cho nàng thoát chết. Và cũng chẳng bao lâu sau đó, Trương Sinh biết vợ mình chết oan chỉ vì chuyện “chiếc bóng”: “Bấy giờ chàng mới tỉnh ngộ, thấu nỗi oan của vợ, nhưng việc trót đã qua rồi!”. Chi tiết này cho người đọc thấy rõ bi kịch của gia đình Trương Sinh - Vũ Nương.
 
Cảm động và muộn màng nhất là những tình tiết Vũ Nương gặp Phan Lang trong bữa tiệc của Linh Phi dưới cung nước, chuyện Vũ Nương khóc khi nghe Phan Lang nhắc lại quê hương, chuyện Vũ Nương gửi chiếc hoa vàng về và dặn chồng lập đàn tràng trên bến Hoàng Giang, chuyện Vũ Nương ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng, theo sau có đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng rực rỡ đứng đầy sông, lúc ẩn lúc hiện... là những tình tiết hoang đường nhưng đã tô đậm nỗi đau của người phụ nữ ngày xưa “bạc mệnh - duyên phận hẩm hiu...”, và có giá trị tố cáo lễ giáo phong kiến và xã hội phong kiến thối nát, vô nhân đạo.
 
Câu nói của mà Vũ Nương giữa dòng sông vọng vào: “Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa” làm cho giá trị nhân đạo càng thêm sâu sắc. Nỗi oan tình của Vũ Nương đã được minh oan và giải toả, nhưng âm - dương đã đôi đường cách trở, nàng chẳng bao giờ được quyền làm vợ, làm mẹ nữa. Bé Đản mãi mãi là đứa con mồ côi! Câu chuyện về cuộc đời nàng Vũ Nương là câu chuyện về người phụ nữ bạc mệnh, đau khổ trong xã hội phong kiến thời loạn lạc. Thiên truyện có giá trị nhân đạo sâu sắc, được thể hiện bằng lối viết, lối kể nhẹ nhàng cảm động, đầy ám ảnh qua câu chuyện thương tâm này và nó mang ý nghĩa tố cáo sâu sắc xã hội phong kiến đã cướp đi những khát vọng hạnh phúc của người phụ nữ ngày ấy.

0