04/06/2017, 23:52

Phân tích nhân vật Hoàng trong truyện ngắn “Đôi mắt” của Nam Cao. Nhận xét về nghệ thuật xây dựng nhân vật này của nhà văn.

Đôi mắt là sáng tác tiêu biểu nhất của Nam Cao thời kì sau Cách mạng tháng Tám, cũng là một trong những thành tựu nổi bật đầu tiên của nền văn xuôi kháng chiến. Viết truyện ngắn này, Nam Cao đã nêu lên và giải quyết kịp thời, đúng đắn vấn đề cách nhìn, cách sống cho các văn nghệ sĩ những năm bấy ...

Đôi mắt là sáng tác tiêu biểu nhất của Nam Cao thời kì sau Cách mạng tháng Tám, cũng là một trong những thành tựu nổi bật đầu tiên của nền văn xuôi kháng chiến. Viết truyện ngắn này, Nam Cao đã nêu lên và giải quyết kịp thời, đúng đắn vấn đề cách nhìn, cách sống cho các văn nghệ sĩ những năm bấy giờ.

Là một tác phẩm mang tính luận đề, khẳng định một tuyên ngôn nghệ thuật nhưng Đôi mắt không hề khô khan. Có được sức hấp dẫn ấy bởi Nam Cao đã xây dựng thành công các hình tượng nhâm vật sống động. Có thể nói giá trị của thiên truyện Đôi mắt không thể tách rời khỏi hình tượng nhân vật Hoàng. Qua ngòi bút tài năng của Nam Cao, chỉ trên khoảng mười trang sách, nhân vật Hoàng hiện lên thật sinh động từ lai lịch đến ngoại hình, từ ngôn ngữ đến cử chỉ, động tác, từ đó người đọc hình dung ra một tính cách, một cách nhìn, lối sống không thể lẫn.
 
Hoàng vốn là nhà văn có tiếng từ trước Cách mạng. Nhưng Hoàng được nhiều người biết đến một phần do tài văn, phần khác còn bởi có tài xoay xở buôn bán, “cũng là một tay chợ đen rất tài tình”. Vì thế, gia đình anh ta bao giờ cũng sống thật sung túc. Giữa lúc bạn bè nghèo túng, nhân dân đói khổ, người chết đói la liệt ngoài đường, nhà Hoàng vẫn mỗi ngày mua vài lạng thịt bò để nuôi béo con chó béc-giê dữ tợn. Mặt khác, Hoàng còn có những thói tật xấu, trái ngược với phẩm chất một nghệ sĩ chân chính. Anh ta hay đố kị ghen tị trước thành công của người khác, thường có tật đột ngột “đá bạn”. Qua các lần hồi tưởng của Độ, người đọc hình dung ra như thế về lai lịch Hoàng.
 
Cách mạng tháng Tám thành công rồi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ trên phạm vi toàn quốc. Ấy là những dịp thuận lợi để Hoàng thay đổi. Nhưng anh ta cùng gia đình đi tản cư lên một làng quê phía Bắc. Độ tìm đến nhà Hoàng để thăm lại người bạn cũ và rủ Hoàng cùng tham gia công tác kháng chiến. Liệu ý định tốt đẹp ấy có thực hiện được chăng?
 
Ngay từ sự xuất hiện ban đầu, Hoàng đã gợi ở Độ và người đọc chúng ta mối nghi ngờ về khả năng tham gia kháng chiến. Bằng việc khắc họa một số nét ngoại hình, Nam Cao đã hé mở một phần về tính cách, về lối sống của con người này. Nhà văn không miêu tả kĩ lưỡng, dài dòng mà chỉ nắm bắt lấy vài nét gây ấn tượng nhất. Đó là dáng người to béo, bước đi khệnh khạng, vừa bước vừa bơi cánh tay kềnh kệnh ra hai bên vì những khối thịt dưới nách phình ra. Đó là bàn tay múp míp hơi chìa về phía trước, đầu hơi ngửa ra đằng sau, khuôn mặt đầy đặn với “trên mép một cái vành móng ngựa ria, như một cái bàn chải nhỏ”. Và giọng nói: với con thì dậm dọa, với bạn thì “lâm li kêu lên những tiếng ở trong cổ họng”. Chỉ chừng ấy chi tiết ta đủ hiểu con người này hẳn được sống no đủ, an nhàn, có tính cách trưởng giả và khá kiểu cách. Một con người như thế khó lòng chịu đựng nổi gian khổ mà tham gia kháng chiến.
 
Trên đây là sự tiếp xúc ban đầu. Thật ra, khi cánh cổng nhà Hoàng khép lại, câu chuyện “đôi mắt” mới đi vào phần chính. Trong buổi tối tiếp chuyện người bạn cũ, tính cách Hoàng lần lượt được bộc lộ một cách đầy đủ. Qua những câu chuyện, những động tác của Hoàng, ta nhận rõ ở anh ta một đôi mắt nhìn đời, nhìn người lệch lạc, đầy chua chát. Hoàng hằn học với cuộc sống mới, với nhân dân kháng chiến và không tiếc lời dè bỉu. Anh ta cho rằng cuộc Cách mạng tháng Tám chỉ là một cơ hội để những kẻ ngu dốt, “ngố và nhặng xị” ngoi lên làm chức này chức nọ mà thôi. Trong con mắt Hoàng, một anh hàng cháo lòng thì chỉ biết đánh tiết canh chứ “biết làm ủy ban thế nào mà bắt nó làm ủy ban”. Buổi tối tiếp chuyện Độ, vợ chồng Hoàng “thi nhau kể tội người nhà quê đủ thứ. Toàn là những người ngu độn, lỗ mãng, ích kỉ, tham lam, bần tiện cả”. Dân quê, trong đôi mắt Hoàng, là những kẻ ít chữ mà cứ thích khoe chữ (chi tiết “Viết chữ quốc ngữ sai vần mà cứ hay nói chuyện chính trị rối rít cả lên”..., chi tiết “động thấy ai đi qua là hỏi giấy” dù (đánh vần xong một cái giấy thông hành phải mất ít nhất mười lăm phút...). Hoàng mỉa mai thói tò mò, tọc mạch, hay để tâm một cách quá đáng đến công việc của người khác của người dân quê (chuyện “Anh chỉ giết một con gà, ngày mai cả làng này đã biết”, chi tiết dè bỉu những người đang nấp nom ngoài ngõ, thậm chí “các ông ủy ban với các bố tự vệ” “đàn bà chửa mà đến nỗi cho là có lựu đạn giắt trong quần!”). Chi tiết có ý nghĩa điển hình cho đôi mắt chỉ nhăn từ một phía của Hoàng là câu chuyện lần lên chợ huyện gặp anh thanh niên nông dân. Sau khi chỉ đường cho Hoàng, anh nông dân nọ đọc thuộc vanh vách bài chính trị về ba giai đoạn kháng chiến trường kì. Theo Hoàng, đó là một con vẹt đang khoe chữ. Hoàng chỉ thấy việc làm đáng buồn cười của anh thanh niên nọ mà không thấy bó tre anh ta đang vác trên vai vui vẻ đi ngăn bước tiến quân thù. Anh nông dân ấy đang hồn nhiên làm công tác kháng chiến vì cuộc sống yên ấm của nhiều người, trong đó có gia đình Hoàng. Vậy mà Hoàng dè bỉu cả những người đang hi sinh vì mình. “Mà ngay trong cái việc anh thanh niên đọc thuộc lòng bài báo như con vẹt biết nói kia, anh cũng chỉ nhìn thấy cái ngố bề ngoài của nó, mà không nhìn thấy cái nguyên cớ thật đẹp đẽ bên trong”. Cũng vậy, đôi mắt Hoàng đâu nhận ra rằng bên trong việc hay hỏi giấy, hay nấp nom khi thấy người lạ tới làng là ý thức cảnh giác của người nông dân kháng chiến.
 
Nhìn nhân dân kháng chiến bằng đôi mắt đen tối, chán nản như vậy, Hoàng hoàn toàn mất niềm tin ở họ. Những kẻ “ngố và nhặng xị” ấy làm sao tiến hành kháng chiến đến thắng lợi ! Thật may, Hoàng còn có chút niềm tin vào cá nhân lãnh tụ Hồ Chí Minh. Nhưng xét ra, niềm tin vào Ông Cụ cũng đậm màu sắc ảo tưởng, mang tính chất sùng bái cá nhân. Hãy nghe Hoàng nhận xét: “cuộc Cách mạng tháng Tám cũng như cuộc kháng chiến hiện nay chỉ ăn vì người lãnh đạo cừ. Hồ Chí Minh đáng lẽ phải cứu vãn một nước như thế nào kia, mới xứng tài. Phải cứu một nước như nước mình kể cũng khổ cho Ông Cụ lắm”. Thậm chí Hoàng cho rằng “dù dân mình có tồi đi nữa, Ông Cụ xoay quanh rồi cũng cứ độc lập như thường”. Cái tài của Hồ Chí Minh, sức mạnh lớn lao ở Người chính là khả năng giáo dục, động viên, tổ chức lực lượng quần chúng đông đảo hướng theo các mục tiêu đấu tranh cách mạng đúng đắn.
 
Chi tiết đặc sắc nhằm làm nổi bật tính cách Hoàng được Nam Cao dùng để kết thúc truyện ngấn. Với một nhà văn tài năng như Nam Cao, cách kết truyện như thế có lẽ chẳng phải ngẫu nhiên. Ấy là khi nghe người vợ cất giọng thanh thanh đọc hồi Tam quốc kể chuyện Tào Tháo trổ tài hùng biện thuyết phục Quan Công về hàng mình, Hoàng đã không nén nổi khoái chí. Anh ta vỗ đùi mà kêu to: “Tài thật ! Tài thật! Tài đến thế là cùng ! Tiên sư anh Tào Tháo !”. Có một câu ngạn ngữ phương Tây rất đúng rằng: Hãy chỉ cho tôi bạn anh là ai, tôi sẽ nói anh là người như thế nào. Dân ta lại có câu: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Hoàng tán thưởng Tào Tháo khâm phục Tào Tháo, qua đó ta đủ hiểu anh ta là người như thế nào? Trong lịch sử nhân loại, Tào Tháo đã trở thành điển hình bất hủ cho tính đa nghi và gian hùng. Quả vậy, Hoàng nghi ngờ tất cả trừ cá nhân lãnh tụ Hồ Chí Minh. Quả vậy, Hoàng sắc sảo, có tài nhưng đâu có dùng cái tài ấy mà phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến. Thật trớ trêu, anh ta lại đem cái tài này để “chửi đổng”, để chế giễu những người xung quanh mà thôi.
 
Điều gì chi phối cách nhìn lệch lạc, chua chát trên của Hoàng ? Tại sao giữa Hoàng và Độ là hai đôi mắt khác nhau đến vậy ? Suy đến cùng, cái gốc của vấn đề cách nhìn chính là cách sống, là chỗ đứng. Người ta chẳng thể nhìn bao quát, nhìn thấu đáo nếu như đứng thấp, đứng lệch. Thành ngữ Việt Nam chẳng đã có cái ‘“ếch ngồi đáy giếng” đó sao?! Giữa Hoàng và Độ là hai cách sống trái ngược nhau và chính điều ấy quy định cách nhìn của họ. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Độ khoác ba lô trên vai, có mặt khắp các nẻo đường kháng chiến. Trong khi ấy Hoàng cùng gia đình tản cư lên một làng quê phía bắc, sống yên ấm trong căn nhà ngói hai gian kín cổng cao tường. Trong khi Độ “tự nguyện làm một anh tuyên truyền viên nhai nhép", lăn lộn vào đời sống công, nông, binh thì Hoàng xa lánh dân quê, từ chối tham gia mọi công tác kháng chiến, kể cả việc dạy bình dân học vụ cho nhân dân trong làng. Trong khi Độ có thể ngủ say ngay trên bàn làm việc, dưới ánh đèn điện sáng, trong tiếng máy chạy ầm ầm của công nhân xưởng in thì Hoàng đêm đêm ngã mình trên giường nệm, màn tuyn tráng toát. Anh ta vẫn giữ những thói quen sinh hoạt khá trưởng giả: hút thuốc lá thơm, ăn mía lùi ướp hoa bưởi, đêm đêm đọc một hồi Tam quốc trước khi ngủ. Với cách sống ấy, hỏi làm sao Hoàng có thể hiểu đúng về nhân dân, có cảm hứng sáng tạo chân chính?
 
Khi đã không làm tròn trách nhiệm một công dân thì cũng chẳng thể nào hoàn thành sứ mệnh một nghệ sĩ. Giờ đây Hoàng sẽ viết về ai, sẽ ca ngợi ai, tìm cảm hứng sáng tạo ở đâu ? Anh ta không thể trả lời các câu hỏi ấy. Lúc Độ hỏi lâu nay có nhiều thời gian, chắc phải viết được nhiều tác phẩm lắm, Hoàng đã lắc đầu mà đổ lỗi cho điều kiện làm việc: “Chưa, bởi vì ngay đến một cái bàn viết ra hồn cũng không có nữa...’’. Nhưng Hoàng lại nói “thế nào chúng mình cũng phải viết một cái gì để ghi lại cái thời này. Nếu khéo còn có thể làm hay bằng mấy cái Số đỏ của Vũ Trọng Phụng...”. Vậy là trong con mắt Hoàng, hiện thực đời sống trên đất nước ta những năm sau Cách mạng và đầu kháng chiến có khác gì cái thời buổi Âu hóa nhố nhăng, những người dân đang làm chủ chính quyền, đang tiến hành kháng chiến lúc ấy có khác gì những Xuân Tóc Đỏ ngày trước. Quả là một cái nhìn đen tối, thậm chí độc ác. Với cái nhìn này, ta hiểu, giá như Hoàng có viết cũng chỉ để đả kích nhân dân, nói xấu kháng chiến mà thôi. Kì thực, viết được hay không đối với Hoàng, đâu phải là chuyện bàn viết. Đây chính là chuyện cảm hứng, chuyện niềm tin.
 
Khi đã mất phương hướng sáng tạo, hỏi làm sao người nghệ sĩ làm nên tác phẩm chân chính. Nghĩ đến cùng, điều cơ bản ở Hoàng là thiếu hẳn tấm lòng, thiếu hẳn tình thương. Chúng ta nhớ rằng Nam Cao lớn chính bởi luôn đề cao tình thương trong cuộc sống, trong xử thế, luôn khẳng định lòng nhân đạo trong nghệ thuật. Hoàng có tài mà chẳng có chút tâm. Ngày trước, Nguyễn Du chẳng đã từng viết: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
 
Với những đặc điểm phân tích trên, Hoàng trở thành nhân vật điển hình cho tầng lớp văn nghệ sĩ vốn xuất thân từ thành phần lớp trên, lạc lõng, xa lạ trước hiện thực cuộc sống mới trên đất nước ta những năm đầu khắng chiến. Thành công của hình tượng này chứng tỏ ngòi bút xây dựng nhân vật đặc sắc của Nam Cao.
 
Trước hết, đó là nghệ thuật lựa chọn, sử dụng chi tiết. Khi xây dựng một nhân vật điển hình, nhà văn đứng trước rất nhiều chi tiết. Nhưng phạm vi một truyện ngắn lại không cho phép nhà văn miêu tả quá dài dòng, kĩ lưỡng. Yêu cầu ấy đòi hỏi nhà văn phải có thao tác lựa chọn, nghĩa là gạt bỏ đi những gì vụn vặt, ngẫu nhiên, nắm bắt lấy những gì bản chất, có ý nghĩa. Dưới ngòi bút Nam Cao, nhân vật Hoàng hiện lên thật ấn tượng bởi nhà vãn biết tô đậm những chi tiết tiêu biểu và đặt chúng rất đúng chỗ. Chẳng hạn, khi khắc họa ngoại hình Hoàng, ngòi bút Nam Cao đâu miêu tả rườm rà mà chỉ nhấn mạnh một vài nét thật ấn tượng qua đôi mắt Độ. Về mặt ngôn ngữ, nếu chú ý, ta thấy lời lẽ Hoàng vừa thể hiện sự sắc sảo của “một bậc đàn anh trong văn giới” vừa chứng tỏ một tay anh chị sừng sỏ trong làng buôn bán. Đặc biệt, Nam Cao thật tài tình khi dựng tả điệu bộ, động tác của Hoàng. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn đặc tả các cử chỉ, động tác bất thường này trong buổi tối Hoàng tiếp chuyện Độ: “Anh cười gằn một tiếng, nhìn bao trùm cả người tôi, hỏi”, “Nỗi khinh bỉ của anh phì cả ra ngoài, theo cái bĩu môi dài thườn thượt. Mũi anh nhăn lại như ngửi thấy mùi xác thối". “Anh trợn mắt bảo tôi...’'. “Hoàng nhếch một khóe môi lên, gay gắt...', “Anh chộp lấy câu của tôi, nhanh như một con mèo vồ con chuột...". Qua những động tác ấy, người đọc đủ hiểu thái độ hiếu thắng khi trò chuyện, nổi khinh bỉ dân quê ở Hoàng đến mức nào.
 
Nôi dung chính của thiên truyện Đôi mắt là buổi tối vợ chồng Hoàng tiếp chuyện Độ trong ngôi nhà ở làng tản cư. Chính ở đây, người đọc được chứng kiến nghệ thuật tạo không khí truyện, dùng dối thoại tài tình của Nam Cao. Trong buổi tối này, Nam Cao đã “giữ miệng" Độ lại, để anh rất ít nói. Thỉnh thoảng quá lắm, Độ mới rụt rè đưa ra vài nhận xét. Không phải Độ ít nói vì anh tán thành các câu chuyện, ý nghĩ của Hoàng. Trái lại. càng ngày anh càng hiểu ra rằng giá như mình có nói đi nữa cũng chẳng thể nào giúp Hoàng thay đổi lối nhìn ngay lúc này. Chính vì thế mà Hoàng càng thoải mái, tự nhiên, coi đây là dịp được tuôn ra bao điều bực bội bấy lâu nay. Người đọc như được cùng tham dự vào câu chuyện, được nghe, được tiếp xúc với Hoàng. Nam Cao không đứng bên ngoài mà tả, cũng không lạm dụng sự đánh giá của Độ mà để Hoàng tự phơi bày, tự bộc lộ. Sự kết họp giữa cách kế chuyện theo quan điểm nhân vật và lối dựng đối thoại như thế tạo cho thiên truyện Đôi mắt sức cuốn hút đặc biệt.
 
Hình tượng Hoàng chứng tỏ nghệ thuật điển hình hóa nhân vật già dặn, sắc sảo của Nam Cao. Chỉ trên chưa đầy mười trang truyện ngắn, nhân vật Hoàng đã hiện lên thật rõ nét, sinh động từ lai lịch đến ngoại hình, từ cử chỉ, hành động đến ngôn ngữ... Hoàng thuộc loại không nhiều nhân vật văn học có khả năng bước ra ngoài trang sách, đi đứng, nói cười, sống với chúng ta như một con người thật vậy.

0