04/06/2017, 23:52

Hãy phân tích vẻ đẹp độc đáo của một “điệu hồn Thơ mới" được thể hiện trong bài thơ Đây mùa thu tới của nhà thơ Xuân Diệu.

Bài thơ Đây mùa thu tới của nhà thơ Xuân Diệu chính là vẻ đẹp độc đáo của một “điệu hồn Thơ mới” trước những đổi thay của tạo vật. Cảnh thu đẹp, có sức gợi cảm mà lại gắn liền với sự tàn phai, héo úa. Đó là bởi cảnh ấy đã thấm đượm nỗi buồn của Xuân Diệu, cũng là nỗi buồn thời đại, nỗi buồn của ...

Bài thơ Đây mùa thu tới của nhà thơ Xuân Diệu chính là vẻ đẹp độc đáo của một “điệu hồn Thơ mới” trước những đổi thay của tạo vật. Cảnh thu đẹp, có sức gợi cảm mà lại gắn liền với sự tàn phai, héo úa. Đó là bởi cảnh ấy đã thấm đượm nỗi buồn của Xuân Diệu, cũng là nỗi buồn thời đại, nỗi buồn của riêng Thơ mới.

Ở những dòng thơ đầu, Xuân Diệu đã vẽ lên một bức tranh thu đẹp, thơ mộng, thấm một nỗi buồn từ cỏ cây đến lòng người. Trong con mắt của thi nhân, có vẻ như mùa thu vừa mới đến đã mang vẻ tang thương:
 
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngang hàng.
 
Câu thơ mang hình ảnh của những lá liễu, tơ liễu buông rủ khiến cho nhà thơ ngỡ như đó là mái tóc dài buông xõa của người thiếu nữ cùng những dòng lệ nối nhau tuôn rơi. Cả một không gian buồn, đìu hiu, vắng vẻ. Đó là một mùa thu dần tới đã lấn lướt những cây xanh và ánh nắng chói chang rực rỡ của mùa hè. Thế nên trong cảm giác của thi nhân mới có gì như mạnh mẽ hơn, tha thiết hơn: “chịu tang". Rặng liễu như mang nổi buồn trĩu nặng, như thể để tang về ai đó, về một cái gì đã mất. Buồn đấy, nhưng vẫn tha thướt, yêu kiều, buồn mà vẫn dẹp. Xuân Diệu đã khéo sử dụng thủ pháp láy vần, láy phụ âm, phối vần trong từng câu thơ và giữa các câu thơ : “đìu hiu - chịu", “tang - ngàn - hàng", “buồn - buông - xuống” tạo một âm điệu phù hợp với tâm trạng, với nỗi buồn mà thân liễu mảnh mai đang mang trong mình.
 
Trước dấu hiệu thu tới đó. Xuân Diệu không phải đã thốt lên một tiếng “reo thầm”, “reo vui" như ai đó tưởng, mà câu thơ mùa thu tới - mùa thu tới” là sự nhấn mạnh một thông báo quan trọng với bao nhiêu sững sờ, ngơ ngẩn. Thu sang, đó là tiếng gọi hối hả của thời gian, mà Xuân Diệu lại là người luôn bị ám ảnh bởi bước đi của thời gian, cho nên đôi mắt của thi nhân đầy ngỡ ngàng, lo âu. Giữa không khí “chịu tang” cùng với “lệ ngàn hàng", Xuân Diệu đã cảm nhận thật tinh tế về sắc áo “mơ phai” của mùa thu. Đó là khoảng thời gian hạ hết đông chưa, cái nắng đã phai bớt, nhạt bớt nhưng trời cũng chưa thực lạnh, sắc áo ấy đã thể hiện đúng nhất trạng thái giao chuyển của mùa. Muôn ngàn lá vàng rơi khiến cho thi nhân thấy đất trời như đang dệt nên những tấm áo mùa thu. Tấm áo ấy được dệt bới bao lá vàng, bởi những dấu hiệu của sự rời bỏ, chia lìa. Ấn tượng về sự chia li cùng cảm giác cô đơn vì vậy như càng rõ rệt hơn.
 
Nhân vật trữ tình trong bài thơ có lẽ cũng là một linh hồn cô đơn cho nên đặc biệt nhạy cảm với những dấu hiệu của sự ròi bỏ, li tán:
 
Hơn một loài hoa đã rụng cánh  
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy sương mỏng manh.
 
Một bức tranh thiên nhiên héo úa, tàn phai mà có sức quyến rũ lạ kì: sắc đỏ dần ngự trị, hoa rụng cành, cây gầy guộc, mỏng manh... Cảm giác hiu hắt buồn, nỗi niềm của con người trước cảnh vật gợi lên từ đây đã kéo dài và tăng tiến trong câu thơ : “Những luồng run rẩy rung rinh lá ”. Bốn phụ âm “r” - âm rung như gợi tả sự sống mong manh, yếu ớt của những chiếc lá sắp rụng, sắp tàn, không cưỡng lại được. Những câu thơ hết sức mới cả về ý tưởng và phương thức biểu đạt. Xuân Diệu không muốn nói “Một vài loài hoa...’’ hay “Đôi ba loài hoa...” mà lại chủ ý viết “Hơn một loài hoa đã rụng cành”. Hoặc nói “Sắc đỏ rũa màu xanh ..” những câu chữ ấy vừa mới lạ vừa riêng biệt, chỉ Xuân Diệu mới dùng và dùng được như thế. Nó có giá trị biểu cảm rất đặc sắc, đồng thời cũng thể hiện dấu ấn của cái Tôi cá nhân Xuân Diệu. Đôi mắt đầy lo âu của thi nhân dõi theo từng bước đi của thời gian khiến cho cảnh vật nhuốm màu bi thương. Tất cả đầy ắp một tâm trạng từ đau buồn đến u uất chia li:
 
Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ
Non xa khởi sự nhạt sương mờ
Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò.
 
Chính trong tâm trạng cô đơn của mình, thi nhân đã thấy “nàng trăng” cũng trở nên bơ vơ và ngơ ngẩn : “tự ngẩn ngơ” nghĩa là một trạng thái ngẩn ngơ triền miên không dứt. Dãy núi phía xa cũng bắt đầu nhạt nhoà chìm trong sương lạnh. Thi nhân đã mang hồn mình để cảm nhận và lắng nghe cái “rét mướt” đang luồn trong gió thu hiu hắt. Sự sống dường như co mình lại trước cảnh ấy đến nỗi những chuyến đò cũng vắng người qua. Đàn chim thì rời bỏ vùng trời quen thuộc để bay về phương nam tránh rét. Tất cả sự rời bỏ, chia lìa, li tán quán xuyến toàn bộ những câu thơ trên giờ được khái quát lại bằng câu “Khí trời u uất hận chia li”. Xuân Diêu vốn đã mang sẵn trong lòng nỗi ám ảnh thời gian, trước sự chuyển vần của trời đất theo qui luật tự nhiên, lòng yêu sống của thi nhân bỗng nhiên lo lắng. Đối với ông, dường như thời gian đang tàn phá, cướp đoạt sự sống. Đây là một nét độc đáo của hồn thơ Xuân Diệu khiến đời sống và đời viết của ông thực chất là một cuộc quyết đấu đối với thời gian, với cái chết. Cũng chính vì lẽ đó, ông đã có nhiều cống hiến lớn lao cho thi ca và cho cuộc đời. Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh “rặng liễu” - thiếu nữ để khi khép lại cũng vẫn là hình ảnh của những thiếu nữ đang “Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì”. Tất cả đã tạo nên một sự hô ứng đặc sắc: hồn thu của thiên nhiên, đất trời đã đi vào hồn người. Hình ảnh những thiếu nữ thả hồn vào mây gió mùa thu đã tạo nên một điểm nhấn khiến cho thế giới thu buồn mà đẹp, có sức quyến rũ kì lạ. Một biểu hiện rất rõ của cái Tôi trong Thơ mới là chủ đề tình yêu. Câu thơ “Thiếu nữ buồn không nói - Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì” cho thấy rõ điều này. Trong khung cảnh mùa thu như vậy các thiếu nữ còn có thể nghĩ gì ngoài tình yêu? Cái trạng thái “buồn không nói”, buồn mơ hồ ấy chính là một nét tâm trạng rất điển hình của hồn thơ Xuân Diệu. Những cô đơn, quạnh vắng của lòng người trước ngoại cảnh trải dài trong một bức tranh thiên nhiên buồn mà nên thơ nên họa. Với cảm thức mạnh mẽ về thời gian, thi nhân bộc lộ niềm tiếc nuối, lòng yêu mến, gắn bó với sự sống của một trái tim luôn “khát khao giao cảm với đời”. Bức tranh thu vì có nỗi niềm của thi nhân cũng trở nên độc đáo hơn, thi vị hơn.
 
Xuân Diệu đã góp vào hồn thu muôn thuở cái Tôi cá nhân tài hoa và đa tình của mình. Cảnh thu đẹp, có sức gợi cảm mà lại man mác buồn, gắn với sự chia lìa, li tán. Đó là bởi thi nhân có tâm trạng cô đơn nên đặc biệt nhạy cảm với sự rụng rơi, rời bỏ. Đồng thời cảm thức mạnh mẽ về bước đi của thời gian trong tâm hồn thi nhân cũng khiến cho bài thơ mang vẻ đẹp độc đáo của một “điệu hồn Thơ mới”.

0