Đọc Thời đại của những thái cực của Eric J. Hobsbawn
Nguyễn Quang ( Kiến Văn biên dịch) diendan.org 01.01.01 : năm mới, thế kỉ mới, thiên kỉ mới, đời ta sẽ không còn thấy lần thứ nhì. Thế mà tại sao khúc quanh lịch sử này lại diễn ra trong sự thờ ơ lạnh nhạt chung như vậy ? Lẽ ra người ta chờ đợi ai đó làm một bản tổng kết, vạch ra một ...
Nguyễn Quang ( Kiến Văn biên dịch)
diendan.org
01.01.01 : năm mới, thế kỉ mới, thiên kỉ mới, đời ta sẽ không còn thấy lần thứ nhì. Thế mà tại sao khúc quanh lịch sử này lại diễn ra trong sự thờ ơ lạnh nhạt chung như vậy ? Lẽ ra người ta chờ đợi ai đó làm một bản tổng kết, vạch ra một viễn tượng, nêu lên những suy ngẫm lịch sử. Rốt cuộc hầu như chẳng có gì. Có lẽ đó là triệu chứng cho thấy thế kỉ cũ đã kết thúc một cách tầm thường, các nhà tư tưởng, các nhà khoa học, các nhà bác học dường như đã nhường chỗ cho những tướng quân, những tay mồm mép và cánh mãi võ Sơn Đông… Vậy mà… Nếu người viết bài này là một nhà báo (khổ một nỗi hắn không phải là nhà báo, các biên tập viên khác của Diễn Đàn cũng đều là những người viết nghiệp dư) có một chút can đảm (món này cũng khá hiếm trong ban biên tập2), hắn đã tổ chức ngay một bàn tròn thảo luận về thế kỉ XX vừa chấm dứt. Cũng không tốn sức gì cho lắm, vì hắn có thể dựa vào hai công trình tổng hợp mới xuất bản : Le passé d’une illusion của François Furet (1996) và L’âge des extrêmes của Eri c J. Hobsbawm (1994, bản dịch tiếng Pháp ra năm 1999). Cũng phải nói ngay : hai cuốn sách ra gần như cùng một lúc, nhưng khác hẳn nhau về thực chất. Cuốn sách của Furet là một luận văn chính trị và ý thức hệ, phần lịch sử trong đó chỉ được tóm tắt, tác giả nhấn mạnh ông không có ý viết một cuốn sử, mà chỉ muốn viết về lịch sử một ý tưởng, một ảo tưởng (chủ nghĩa cộng sản). Còn tác phẩm của Hobsbawm thực sự là cuốn tổng sử Thế kỉ XX, huy động toàn bộ các lãnh vực liên quan tới sử học (kinh tế học, xã hội học, triết học…). Tại sao phải nhắc tới hai cuốn này ? Là bởi nước Pháp có một đặc sản là những cuộc luận chiến, mà cuộc luận chiến mới nhất có thể tóm tắt như sau : Hobsbawm là một trí thức phái tả, một nhà sử học mác-xít, tuy không “ chính thống ” nhưng vẫn không chịu “ hồi chánh ”, và cách lý giải thế kỉ XX của Hobsbawm lại không “ phải đạo ”, không chịu đi vào khuôn phép đang ngự trị ở Pháp từ khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ (đúng hơn, phải nói từ ngày kỉ niệm 200 năm Cách mạng Pháp, điều này chẳng mấy ai để ý) ; do đó ông đã bị tẩy chay và cuốn sách không tìm ra nhà xuất bản Pháp ngữ. Bỏ qua cuộc luận chiến này, chúng tôi muốn cùng độc giả “ giã từ thế kỉ ” bằng cách ngược dòng lịch sử theo nhãn quan của Hobsbawm.
Buổi khai sinh thế kỉ
Đầu sách “ Thời đại của những Thái cực ” tự nó cũng đã rõ nghĩa. Thế kỉ XX quả là thái cực trong mọi lãnh vực. Thái cực trong sáng tạo và tàn phá. Trong hưng thịnh và suy đồi của đạo lí, trong tiến bộ của tri thức cũng như trong sự lan truyền của mông muội, trong sản xuất của cải cũng như trong bất công của sự phân phối… Chẳng cần có một ý niệm gì về triết lí lịch sử (đó là trường hợp của số đông thanh niên ngày nay – Hobsbawm than rằng “ họ sống trong một thứ hiện tại thường trực, không hề có một mối liên hệ hữu cơ nào với quá khứ chung của thời họ đang sống ”, tr. 21), khi nhìn lại diễn trình của thế kỉ XX, người ta không thể không bàng hoàng trước khoảng cách ngày càng to lớn giữa các thái cực. Nói nhìn lại cũng không đúng : thế kỉ XXI chẳng đang tiếp tục cái đà ấy hay sao ? Nói huỵch toẹt, nhân loại hiện nay, một nửa không mong muốn gì hơn là được diễm phúc moi móc thùng rác của nửa kia mà sống. Nhưng thôi, nguyền rủa mà làm gì…3.
Còn cái phụ đề “ Thế kỉ ngắn XX (1914-1991) ” có lẽ cần được giải thích. Cuốn sách này là đối ngẫu của công trình lớn về Thế kỉ dài XIX (mà Hobsbawm là một chuyên gia lừng danh) gồm ba phần : Thời đại của các cuộc Cách mạng (1789-1848), Thời đại của Tư bản (1848-1875) và Thời đại của những Đế quốc (1875-1914). Shakespeare đã gọi Lịch sử là một vở tuồng đầy âm thanh và cuồng nộ, do một thằng điên viết ra và một thằng ngốc nói lắp. Âm thanh và cuồng nộ, thì Thế kỉ XX không thiếu. Còn phần cuối câu nói của Shakespeare, thì một nhà sử học mác-xít không thể tán thành. Ông phải tìm cho ra sự nhất quán nội tại của mỗi giai đoạn lịch sử, và nếu ta chấp nhận có sự nhất quán đó, thì thời kỳ “ trăm năm ” lịch sử không có lí do gì lại phải bắt đầu từ năm 01 của một cuốn lịch đã được quy định một cách võ đoán. Những niên đại mà Hobsbawm đã chọn làm cột mốc thế kỉ tự nó đã mang đầy đủ ý nghĩa : đối với ông, Thế kỉ XIX đã bắt đầu với Cách mạng Pháp, cuộc cách mạng đã quét sạch các vương quốc già nua của châu Âu và thể hiện những ý tưởng của trào lưu Khai Sáng ; và nó kết thúc ở đỉnh cao của Thời đại của các đế quốc, khi các đế quốc này sẽ đụng đầu nhau (và tiêu diệt nhau) trong cuộc Thế chiến lần thứ nhất. Mở đầu vào năm 1914, Thế kỉ ngắn XX kết thúc năm 1991, khi chế độ xôviết sụp đổ. Nhìn đại thể, có thể chia làm ba giai đoạn : giai đoạn đại hoạ, từ 1914 đến cuối Thế chiến lần thứ nhì, tiếp theo đó là một giai đoạn, khoảng 25-30 năm, đánh dấu bằng sự tăng trưởng kinh tế và những biến đổi xã hội phi thường, một thứ Thời đại Hoàng kim (ít nhất trong cảm nhận của một số người, khi thời kì này chấm dứt, vào đầu thập niên 70). Cuối cùng, giai đoạn thứ ba là thời kì của những bất trắc, khủng hoảng, và ít nhất đối với cả một bộ phận thế giới (Phi châu, Liên Xô và đế quốc xã hội chủ nghĩa), một thời kì đại hoạ.
Tóm lại, ý tưởng trung tâm là : Thế kỉ ngắn XX khai sinh trong cuộc Thế chiến lần thứ nhất. Luận điểm này không có gì mới, nhưng ở đây, nó được diễn giải tường tận : lò lửa 1914-18 đã tôi luyện nên thế kỉ sắt thép này. Cái nhìn hồi chiếu của nhà sử học mang lại một sự nhất quán cho cuộc bể dâu 31 năm : một “ thời kì đại hoạ ” của nền văn minh Tây phương (do đó, của nền văn minh nhân loại), một cuộc Đại khủng hoảng kinh tế nổ ra giữa hai cột mốc là hai cuộc Đại chiến thế giới, cuộc thứ nhì phát sinh từ cuộc thứ nhất. Thế chiến thứ nhất đã đẻ ra Cách mạng tháng 10 Nga, và Thế chiến thứ nhì đã lập ra trật tự lưỡng cực trên toàn cầu, do phe chiến thắng áp đặt – thế lưỡng cực này kéo dài đến năm 1991. Trong ý nghĩa đó, có thể nói cuộc chiến tranh 1914-45 là cái “ tử cung ”, cái lò bát quái đẻ ra thế kỉ đẫm máu nhất của lịch sử nhân loại.
Ngay cả những người không tán thành luận điểm này cũng phải thừa nhận rằng 1914 là điểm đoạn tuyệt giữa hai thế kỉ. Cuối Thế kỉ dài XIX, thế giới sống dưới sự bá chủ của nền văn minh Tây phương, hay đúng hơn, một hình thái nhất định của nền văn minh Tây phương mà Hobsbawm mô tả như sau : “ về mặt kinh tế là tư bản chủ nghĩa, về bộ máy luật lệ và hiến pháp là tự do, về hình ảnh của giai cấp thống trị là tư sản ; kiêu hãnh với những tiến bộ của khoa học, tri thức và giáo dục, với cả những tiến bộ vật chất và tinh thần ; tin tưởng sâu sắc vào vị trí trung tâm của Châu Âu, mẹ đẻ của các cuộc cách mạng, cũng như của khoa học, nghệ thuật và công nghiệp (…), chắc mẩm rằng hệ thống chính trị toàn cầu là do những quốc gia chính ở Châu Âu quy định ” (tr. 25). Vậy mà trận động đất 1914 đã đẩy châu Âu vào một cuộc đảo điên 30 năm triền miên “ hết tai hoạ này sang tai hoạ khác ”, đến độ có những lúc “ ngay cả những người bảo thủ thông minh nhất cũng chẳng dám đánh cuộc vào sự sống còn của nó ”. Có thể hiểu được sự âu lo linh cảm của ngoại trưởng Anh Edward Grey khi nước Anh tham chiến : “ Cả châu Âu đã tắt đèn. đời chúng ta sẽ không được thấy đèn sáng trở lại ”. Mô tả sự tăng tốc bạo liệt ấy của lịch sử, Hobsbawm đã hạ một câu sắc sảo : “ Chủ nghĩa đế quốc hiện đại, ngày nữ hoàng Victoria lâm chung, còn vững chãi và ngạo ngược như vậy, thế mà rốt cuộc lịch sử của nó cũng chẳng kéo dài hơn một kiếp người : chẳng hạn kiếp sống của Winston Churchill (1874-1965) ” (tr.26).
Đối với những người đã phải trải qua cả hai cuộc chiến, có thể cảm thấy chúng khác xa nhau. Thế chiến 1914 đúng là một cuộc chiến tranh đế quốc theo nghĩa đen : chiến tranh giữa đế quốc với nhau. Còn chiến tranh 1939 (và những cuộc chiến tranh “ nhỏ ” tiếp theo) có tính chất “ ý thức hệ ”, một hình thái hiện đại của chiến tranh tôn giáo. Nhưng với khoảng lùi lịch sử, có thể nói cả hai chẳng qua là một cuộc chiến tranh duy nhất bởi vì những người chiến thắng năm 1918 (mặc dầu họ đã toàn thắng) đã không áp đặt được một trật tự quốc tế mới ổn định. Họ đã thất bại vì họ đã muốn loại ra khỏi cuộc chơi chính trị và kinh tế hai cường quốc : nước Đức là nước thua trận, bị hoà ước Versailles “ trừng phạt ”, do đó trở thành “ nạn nhân ”, và Liên Xô bị cô lập bằng một “ vành đai y tế ”. Sự ức chế Đức và sự tẩy chay Liên Xô đã đẩy hai nước này (vốn thù nghịch nhau về hệ tư tưởng, xem phần dưới) xích lại gần nhau về mặt chính trị. Và đến đầu thập niên 30, cuộc khủng hoảng kinh tế đã đưa chính quyền Đức và Nhật tới “ hình thái chính trị của chủ nghĩa quân phiệt và của phái cực hữu, quyết tâm phá vỡ thế nguyên trạng (…), thì một cuộc thế chiến mới trở thành một điều dễ tiên liệu, hơn thế nữa, gần như mọi người đều tiên đoán là nó sẽ bùng nổ ” (tr.60).
Không thể hiểu được sự bạo liệt của thế kỉ XX nếu ta quên rằng “ thời đại của những cuộc tàn sát ” đã bắt đầu chính từ năm 1914. 1914 đánh dấu một sự cắt đoạn triệt để, đến mức mà đối với thế hệ đã trưởng thành khi cuộc Thế chiến thứ nhất bắt đầu, trong tâm thức của họ, “ hai chữ ‘hoà bình’ nghĩa là ‘trước 1914’; còn sau đó, gì thì gì cũng không xứng đáng được gọi tên bằng hai tiếng ấy ” (tr. 45). Cuộc chiến tranh 1914-18 tiêu diệt một thế hệ (10 triệu người chết và tàn phế, 4 tới 5 triệu người tị nạn) đã vậy, đến cuộc chiến tranh 1939-45, với 54 triệu người chết và tàn tật, 40 triệu người tị nạn, thì sao ? Thế kỉ “ ngắn ” quả là thế kỉ khổng lồ về sự giết người : theo một ước tính gần đây (Brzezinski, 1993), số người bị đồng loại giết chết, hoặc cố tình để cho chết, lên tới 187 triệu. Có thể tranh cãi về con số, về phương pháp tính toán, song có một điều không thể tranh cãi là sự suy thoái đạo lý gắn liền với thời đại tàn sát và nuôi dưỡng nó. Bảo rằng thế kỉ XIX là một thời kì tiến bộ về vật chất, trí tuệ và tinh thần, nghĩa là “ thăng tiến những giá trị của nền văn minh ” (tr. 33) chắc sẽ khiến nhiều “ nhà cách mạng ” phải cười gằn. Song như Hobsbawm đã nhắc lại, bản thân F. Engels, một nhà “ cách mạng có môn bài ”, đã kinh hoảng trước cuộc ám sát khủng bố đầu tiên của các phần tử Cộng hoà Ireland ở Wesminster Hall : là người của thế kỉ XIX, người đồng chí của K. Marx cho rằng không thể gây ra những hành động chiến tranh nơi những người không chiến đấu. Song từ 1914 trở đi “ các cuộc chiến tranh có tính chất toàn diện đã biến thành ‘chiến tranh nhân dân’ theo nghĩa đen của cụm từ này : thường dân và đời sống dân sự đã trở thành mục tiêu xác định, thậm chí chủ yếu, của chiến lược ” (tr. 79). Một thí dụ nữa : đầu thế kỉ XX, Châu Âu đã chính thức loại bỏ nạn tra tấn, vậy mà với chế độ nazi và từ sau năm 1945 nhất là trong các cuộc chiến tranh chống giải phóng (Việt Nam, Algérie), tra tấn đã trở thành “ tập tục ” tại ít nhất một phần ba các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc4 (Peters, 1985). Thành thử, theo Hobsbawm, thế kỉ XX đã trở thành quen thuộc với những cuộc tàn sát đại chúng, những cuộc di cư cưỡng bức, những thảm kịch vốn dĩ hiếm hoi, đến mức người ta đã phải tạo ra những cụm từ mới : “ vô quốc tịch ”, “ diệt chủng ”, “ trại tử thần ”, “ goulag ”… Nhân danh những giá trị đạo lí, nhà sử học đã tuyên án nghiêm khắc : “ Thế kỉ này đã dạy chúng ta, và còn tiếp tục dạy chúng ta, rằng những con người có thể tập sống trong những điều kiện ghê gớm, trên lí thuyết là không thể chịu đựng được, thì [đối với những thế hệ trẻ] không dễ gì nhận thức được quy mô sự tái hồi của những gì mà cha ông ta ở thế kỉ XIX gọi là những tiêu chuẩn của sự dã man, một sự tái hồi khốn nỗi đang tăng tốc (…) Tai hoạ mà [cuộc chiến tranh 31 năm] gây ra cho loài người hiển nhiên là tai hoạ lớn nhất trong Lịch sử. Một khía cạnh không kém phần bi thảm của đại hoạ ấy, là nhân loại đã phải tập sống trong một thế giới mà giết chóc, tra tấn, lưu đầy hàng loạt đã trở thành câu chuyện thường ngày không làm ai ngạc nhiên ” (tr. 82).
Bóng đen Tháng Mười
Như đã nói, chiến tranh 1914 là một cuộc chiến tranh đế quốc. Đến năm 1918, một nửa số các đế quốc ấy (những đế quốc bại trận) không còn tồn tại, nửa kia đã mang trong mình những mầm mống chẳng bao lâu sẽ huỷ diệt chúng. “ Rõ ràng là thế giới cũ đã bị lên án. Xã hội cũ, nền kinh tế cũ, những chính thể cũ, nói như người Trung Hoa, đã ‘đánh mất thiên mệnh’ (…). Nhân dân các nước dường như chỉ đợi một dấu hiệu là sẽ vùng lên, để biến những đau khổ vô lí của chiến tranh thành một cái gì tựa như cơn đau của sự sinh nở, sự quằn quại của một thế giới trong giờ thoát thai. Cuộc cách mạng Nga, hay nói đúng hơn, cuộc cách mạng bôn sê vích Tháng Mười 1917 là tiếng còi báo hiệu cho thế giới. Trong lịch sử thế kỉ XX, nó đã trở thành sự kiện trung tâm, tương đương với cách mạng 1789 trong lịch sử thế kỉ XIX. Quả thế, không phải ngẫu nhiên mà lịch sử Thế kỉ ngắn XX này trên thực tế đã trùng hợp với cuộc đời của Nhà nước thoát thai từ cách mạng Tháng Mười ” (tr. 86).
Đây không phải chỗ viết lại lịch sử cuộc cách mạng này, song cũng cần nói tại sao nó lại là cái mốc đánh dấu thế kỉ, là sự kiện trung tâm mà mọi người, những người tán thành cũng như những người chống lại, đều lấy đó làm quy chiếu. Năm 1914, “ ý niệm xã hội chủ nghĩa ” đã trở nên thân quen, và trong phần đông các nước Âu Châu, sự tăng trưởng của giai cấp công nhân và sự phát triển của các đảng xã hội dường như đã mở ra khả năng thay thế chủ nghĩa tư bản. Mà đúng thế, “ mười ngày ” tháng Mười quả đã “ rung chuyển thế giới ” (John Reed, 1919), một cơn địa chấn long trời lở đất, mà những đợt dư chấn còn kéo dài tới cuối thế kỉ, với sự sụp đổ của một đế chế khác. “ Cuộc cách mạng bôn sê vích đã tạo sinh phong trào cách mạng có tổ chức mạnh mẽ nhất trong lịch sử hiện đại ” (tr. 87). Từ sau các cuộc chinh phục của Islam trong thế kỉ đầu tiên của đạo này, không có phong trào nào có thể sánh kịp sự bành trướng toàn cầu của nó. Chưa đầy 30, 40 năm sau khi Lenin đặt chân xuống nhà ga Phần Lan ở Petrograd, khoảng một phần ba nhân loại (ở Châu Âu cũng như ở Châu Á) sống dưới chế độ “ mác xít – lê nin nít ”. Hơn thế nữa, mô hình xô viết còn đề ra một hệ thống đầy đủ (kinh tế, xã hội, chính trị, tổ chức) với tham vọng thay thế hệ thống tư bản chủ nghĩa, tự khẳng định là ưu việt so với nó, và được Lịch sử trao cho “ sứ mệnh toàn thắng ”. Nói như Hobsbawm, lẽ ra Thế kỉ ngắn XX phải kết thúc “ dưới cái bóng khổng lồ của Tháng Mười ”, trong một môi trường của sự đụng đầu (thực hay ảo, sẽ bàn ở dưới đây) giữa các thế lực của trật tự cũ và các thế lực của cuộc cách mạng xã hội.
Mọi người đều biết những nét lớn của lịch sử Liên Xô, nhưng có lẽ cũng nên nhắc lại những giai đoạn chính của nó qua con mắt của Hobsbawm :
– giai đoạn giành chính quyền : năm 1914, sức ép của cuộc chiến tranh toàn diện đã đẩy các quốc gia và các dân tộc tới tận cùng của các giới hạn, tới điểm đoạn tuyệt. Khâu yếu nhất là nước Nga sa hoàng đã bị cuộc cách mạng 1905-1906 làm quỵ gối. “ Cuộc cách mạng Tháng Ba 1917 nổ ra chẳng có gì bất ngờ và ngạc nhiên5, lật đổ chế độ quân chủ Nga và được toàn bộ công luận Tây phương hoan nghênh, ngoại trừ những phần tử phản động truyền thống thâm căn cố đế nhất ” (tr. 88). Điều bất ngờ hơn là sự tàn rữa hoàn toàn của chế độ cũ. Hobsbawm nhấn mạnh, “ nước Nga chín mùi cách mạng xã hội tới mức quần chúng Petrograd đã đồng nhất sự truất phế Sa hoàng với sự đăng quang của tự do, bình đẳng phổ quát và sự kiến lập chế độ dân chủ trực tiếp (…). Thành thử, thay vì một nước Nga liberal và hiến chế, thiên về phương Tây, đã xuất hiện một tình huống cách mạng : một bên là một “ chính phủ lâm thời ” bất lực, một bên là vô số những “ xô viết ” tự phát từ cơ sở ” (tr.93). Sau mấy tháng hỗn độn và bất lực, “ khi giờ [của các phần tử bôn sê vich] đã điểm, thì vấn đề không còn là giành, mà là lượm chính quyền. Người ta kể rằng số người bị thương khi Eisenstein quay cuốn phim vĩ đại ‘Tháng Mười’ còn lớn hơn số người bị thương ngày 7.11.1917 khi chiếm Cung Mùa Đông. Không được ai bảo vệ, chính phủ lâm thời đã tan biến ” (tr.94).
– giai đoạn sống còn của Cách mạng : Hobsbawm không giấu giếm sự khâm phục của ông đối với Lenin6, nhà hành động và thiên tài chính trị, đã biết “ lèo lái cuộc nổi dậy đại chúng mà không ai kiểm soát nổi thành chính quyền bôn sê vích ” (tr. 92). Muốn hiểu tình thế ấy, tưởng cũng nên nhắc lại rằng, đầu năm 1917, vẫn lưu vong ở Thuỵ Sĩ, cũng chính Lenin này còn tự hỏi liệu đến khi nhắm mắt ông ta có được thấy cách mạng nổ ra không. Điều quan yếu là nắm được chính quyền rồi, những người bôn sê vích đã giữ vững được nó trong khi họ phải đương đầu với biết bao nhiêu thù địch họp thành một liên minh vô cùng mạnh mẽ lại được thời cơ thuận lợi : hoà ước Brest-Litovsk do đức áp đặt, sự phân hoá của lãnh thổ đế chế Nga, sự can thiệp vũ trang của các nước phương Tây, cuộc nội chiến giữa hai phe “ đỏ ” và “ trắng ”… đến cuối năm 1920, bôn sê vích đã giành toàn thắng, nhờ ba chủ bài chính :
- trước hết, nhờ có “ một đảng cộng sản tổ chức tập trung, kỉ luật, với 600 000 đảng viên, một công cụ có sức mạnh vô song, gần như là một bộ máy nhà nước phôi thai ” (tr. 37). Hầu hết các chế độ cách mạng thế kỉ XX, dưới hình thức này hay hình thức khác, đều sẽ theo mô hình tổ chức này.
- hai là, người bôn sê vích quyết chí bảo đảm sự nhất thống của nước Nga như là một quốc gia, “ do đó họ được sự ủng hộ đáng kể của những người ái quốc đối lập với họ về mặt chính trị, thí dụ như sĩ quan thuộc quân đội Nga hoàng, nếu không có những sĩ quan này thì không thể nào xây dựng được Hồng Quân. đối với họ, cũng như đối với nhà sử học khi xét lại lịch sử, thì ở thời điểm 1917-18, vấn đề không phải là chọn giữa một nước Nga liberal và dân chủ, và một nước Nga không liberal, mà là phải chọn giữa nước Nga và hiểm hoạ sụp đổ ” (tr. 97).
- ba là, cuộc cải cách ruộng đất, nhờ đó mà tới giờ phút quyết định, nông dân vùng đại Nga, “ hạt nhân cứng của Nhà nước cũng như của Hồng quân ”, đã đứng về phe bôn sê vích (sau này, nông dân sẽ bị thất vọng).
– “ chủ nghĩa xã hội trong một nước ” : như đã nói trên, Cách mạng đã thắng, nhưng đồng thời, nó đã thất bại. Nghĩa là, “ một cách đầy đủ và cứng rắn hơn cả Cách mạng Pháp thời kì Jacobins, Cách mạng Tháng Mười Nga tự coi mình là một sự kiện toàn cầu, chứ không chỉ thu hẹp vào nước Nga. Mục đích của nó không phải là mang lại tự do và chủ nghĩa xã hội cho nước Nga, mà là phát động cách mạng vô sản toàn cầu ” (tr. 88). Song, theo ý kiến chung, kể cả ý kiến của những người mác xít, nước Nga chưa hội đủ các điều kiện cho một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Thậm chí, điều kiện để tiến hành một cuộc cách mạng tư sản liberal cũng chưa có đủ nữa. Cờ đến tay thì phải phất, người bôn sê vích đã nắm chính quyền ở Nga, nhưng cách mạng chỉ có ý nghĩa nếu như nó trở thành cách mạng toàn cầu. Cuối năm 1917, điều này chẳng có gì là không tưởng vì cuộc chiến tranh toàn diện đã đẩy các nước tham chiến vào tình trạng cùng cực, đoạn tuyệt. “ Völkern, hört die Signale ” (Nhân dân các nước, hãy nghe tiếng còi hiệu !), bản tiếng Đức của điệp khúc bài Quốc tế ca đã mở đầu như vậy. Liên tiếp trong hai năm tiếp theo Cách mạng Tháng Mười, một cao trào cách mạng đã diễn ra trên khắp hành tinh : ở Tây Ban Nha, ở Trung Quốc, ở Mexico, ở những nước âu châu tan tành sau chiến tranh… Nhưng thất bại của cách mạng ở đức đã gióng hồi chuông báo tử cho những hi vọng của người bôn sê vích. Năm 1920, “ tình hình châu Âu còn xa mới trở thành ổn định, nhưng hiển nhiên ở Tây âu cách mạng bôn sê vích chưa chín muồi, mặc dầu từ đây ở Nga, chính quyền lê nin nít đã được củng cố ” (tr. 103). Ngôn ngữ các tuyên bố của Komintern (Quốc tế Cộng sản) khi nói chiều này khi nói chiều kia, song “ cuối cùng thì quyền lợi của nhà nước Liên Xô đã áp đảo lợi ích cách mạng thế giới của QTCS, và tổ chức này đã bị Stalin biến thành một công cụ nội chính đơn thuần, đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của đảng Cộng sản Liên Xô (…). Cách mạng thế giới trở thành câu chuyện văn chương quá khứ, và trên thực tế, một cuộc cách mạng chỉ được chấp nhận nếu như : a) nó không mâu thuẫn với quyền lợi của Nhà nước xô viết, b) nếu người Liên Xô có thể trực tiếp kiểm soát được nó ” (tr. 106).
– mặt trận chống phát xít : thế là trong thập niên 20, “ duy nhất có một nước, đất rộng mông mênh, lạc hậu, từ nay do cộng sản lãnh đạo, [tiến hành] công cuộc xây dựng một xã hội thay thế chủ nghĩa tư bản ” (tr. 105). Trong khi đó, ngôi sao Cách mạng Tháng Mười vẫn rực rỡ trong tâm trí các nhóm xã hội cách mạng trên khắp thế giới. “ Và như thế, đối với thế hệ sau 1917, khuynh hướng bôn sê vích đã hoặc thâu nhập tất cả các truyền thống xã hội cách mạng khác, hoặc vứt chúng ra rìa các phong trào cấp tiến ” (tr. 109). Cuộc đại khủng hoảng kinh tế năm 1929 (không tác động tới Liên Xô vốn đã bị cô lập) càng củng cố uy tín của mô hình bôn sê vích, tăng phần tin tưởng vào tính ưu việt của nền kinh tế kế hoạch hoá. Tóm lại, trong tình hình suy sụp của thập niên 1930, không có học thuyết nào có thể đưa ra được một cách lý giải thế giới đồng thời vạch ra con đường thay đổi thế giới, hơn là chủ nghĩa Mác-Lê. Chính ở trong thời kì này (khoảng giữa hai thời điểm 1930 và 1940) Hobsbawm đã đặt một sự kiện bản lề của thế kỉ XX, tình huống chứa đựng một nghịch lí lịch sử : hai hệ thống thù địch, hệ thống tư bản chủ nghĩa và hệ thống cộng sản chủ nghĩa, vượt qua sự đối kháng để chung sức đẩy lui nguy cơ phát xít (nếu như ta bỏ trong ngoặc bản hiệp ước Đức-Xô7). Thậm chí có thể nói “ thành quả lâu bền nhất của Cách mạng Tháng Mười, mà mục tiêu là lật đổ chế độ tư bản toàn cầu, là nó đã cứu mạng địch thủ của nó ” (tr. 27).
– chiến tranh lạnh : cuộc Thế chiến lần thứ nhì vừa kết thúc xong thì nhân loại lại đắm chìm ngay vào cái mà ta có thể gọi là Thế chiến lần thứ ba, dẫu cho đây là một thể loại chiến tranh khá đặc biệt. Cuộc chiến tranh lạnh, như người ta thường gọi, đã hoàn toàn chế ngự sân khấu quốc tế trong suốt nửa sau của Thế kỉ ngắn. Thoạt trông, cuộc đụng đầu dường như không thể tránh khỏi, giữa một bên là phe Liên Xô chiếm toàn bộ nửa phía đông của lục địa Âu Châu, và bên kia là phe Tây phương, đứng đầu là Hoa Kỳ mà hai cuộc chiến tranh thế giới đã biến thành cường quốc kinh tế và quân sự số 1. Song sự thật cũng không hoàn toàn giản đơn như vậy. đúng là Châu Âu đã trở thành một lục địa hoang tàn, về mặt vật chất đã đành, mà còn cả về mặt con người8, phần đông các nhà quan sát đều tiên liệu một cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề (kể cả ở Mỹ) như đã xảy ra khủng hoảng sau Thế chiến lần thứ nhất. Tương lai của chủ nghĩa tư bản và của xã hội liberal xem ra khá bấp bênh. Nhưng ở bên phía bên kia, Liên Xô sau cuộc chiến cũng kiệt quệ : Liên Xô đã phải chịu phần hi sinh lớn nhất về nhân lực, nền kinh tế hoà bình của nó đã tan nát, và Liên Xô bắt đầu giải ngũ ngay từ năm 1946. Không phe nào có khả năng và ý muốn can thiệp vào vùng ảnh hưởng trực tiếp của phe kia (biến cố Budapest năm 1956 và Praha năm 1968 đã chứng minh điều này). Còn ở những vùng mà hai phe tranh giành ảnh hưởng, đã nổ ra 3 cuộc giao tranh, nhưng đều không phải là giao chiến trực diện : Triều Tiên, Việt Nam, Afghanistan. Ngoài ra, nói gì thì nói, chiến tranh lạnh thực chất là hoà bình lạnh, một cuộc đi đêm, một sự thoả thuận ngầm xuất phát từ cái thế “ cân bằng của sự khiếp sợ ” (ngay từ năm 1949, Liên Xô đã có vũ khí nguyên tử), một cái thế cân bằng đã căng chùng dây thần kinh của nhiều thế hệ9. Tóm lại, có thể nói 40 năm chiến tranh lạnh có thể chia làm 4 giai đoạn : (1) có tính bùng nổ cao nhất là giai đoạn bắt đầu từ lúc công bố học thuyết “ đắp đê ” (containment, Truman 1947) cho tới kết thúc chiến tranh Triều Tiên (1953) ; (2) tranh giành ảnh hưởng ở Thế giới thứ Ba (đông Dương, Ai Cập, Cuba…) ; (3) giai đoạn “ hoà hoãn ” do Krushev khởi xướng (đầu thập niên 60) ; (4) giai đoạn “ đối đầu ” trở lại, đầu thập niên 70 (kết thúc chiến tranh Việt Nam, khởi đầu chiến tranh Afghanistan…).
Lẽ ra chiến tranh lạnh phải chấm dứt ngay khi mà một trong hai siêu cường (Liên Xô) không còn sức theo đuổi cuộc chạy đua vũ trang, nhưng nó chỉ thật sự kết thúc khi mỗi siêu cường thừa nhận rằng siêu cường kia thực tâm muốn “ chung sống hoà bình ”. Trớ trêu của lịch sử là điều này đã xảy ra ở Reykjavik (1986) và Washington (1987), giữa một Tổng bí thư trẻ của Liên Xô, Mikhail S. Gorbatchev, một người thiết tha với công cuộc cải cách (nhưng ngay từ lúc đó đã bất lực, điều này về sau người ta mới hay), và một Tổng thống già của Mỹ, Ronald Reagan, gã cao bồi hồi xuân mà sự nghiệp chính trị được xây đắp trên cuộc “ thánh chiến ” chống “ đế quốc của ác quỷ ”.
– sự “ nổ sụp ” : phải chăng sự kết thúc của chiến tranh lạnh đã dẫn tới sự cáo chung của hệ thống xô viết ? Tuy cách nhau 4 năm về thời gian, hai sự kiện này quả là liên hệ mật thiết với nhau. Đã có quá nhiều bình luận (kể cả trên mặt báo này) về những nguyên nhân chính trị, xã hội dẫn tới sự sụp đổ của “ chủ nghĩa xã hội hiện thực ”. Về những nguyên nhân kinh tế, ta hãy nghe Hobsbawm luận bàn :
“ Chủ nghĩa xã hội xô viết tự mệnh danh là giải pháp thay thế cho hệ thống tư bản toàn cầu. Vì chủ nghĩa tư bản không sụp đổ và cũng không lộ ra những dấu hiệu cho thấy nó sẽ sụp đổ (…), nên viễn tượng của chủ nghĩa xã hội tuỳ thuộc vào khả năng của nó trong cuộc ganh đua với nền kinh tế tư bản quốc tế (…). [Thế mà] từ 1960 trở đi, rõ ràng chủ nghĩa xã hội ngày càng tụt hậu. Nó không còn sức cạnh tranh. Một khi cuộc thi đua diễn ra dưới hình thức một cuộc đụng đầu giữa hai siêu cường chính trị, quân sự và tư tưởng, thì thế yếu trở thành sự kiệt quệ.
“ Cả hai siêu cường đều nhấn ga gầm rú bộ máy kinh tế, đưa kinh tế vào cuộc chạy đua vũ trang ồ ạt và vô cùng tốn kém, nhưng hệ thống tư bản toàn cầu có thể hấp thu được món nợ 3 nghìn tỉ đô la của nước Mỹ (trước đó, Mỹ là chủ nợ của thế giới). Còn phía bên kia, kiếm đâu cho ra người nào, nước nào có thể giảm nhẹ áp lực của quỹ vũ trang lên ngân sách Liên Xô, quỹ này chiếm một tỉ trọng cao so với Tổng sản lượng quốc gia [có lẽ khoảng 25 %, phía Mỹ là 7 %]. Do một sự trùng phùng vận hội lịch sử và chính trị, Mỹ gặp may là Nhật Bản và Cộng đồng Châu Âu đã phát triển mạnh mẽ : đến cuối thập niên 70, trọng lượng kinh tế của Nhật và Cộng đồng Châu Âu cộng lại đã hơn Mỹ 60 %. Ngược lại, các nước đồng minh và lệ thuộc Liên Xô không thể đứng vững một mình (…). Về mặt công nghệ học, càng rõ ràng hơn nữa : sự ưu việt của phương Tây tăng trưởng với thời gian theo nhịp luỹ thừa. Tóm lại, chiến tranh lạnh là cuộc đọ sức không cân xứng, ngay từ khởi đầu.
“ Nhưng không phải vì đương đầu với chủ nghĩa tư bản và siêu cường của nó mà chủ nghĩa xã hội đã bị thư hoại. Sự thư hoại xuất phát từ sự kết hợp của hai yếu tố : yếu tố thứ nhất là những khuyết tật nội tại ngày càng lộ liễu, ách tắc của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, yếu tố thứ hai là sự xâm nhập tăng tốc vào nền kinh tế xã hội chủ nghĩa của một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa toàn cầu, năng động hơn hẳn, tân tiến và chiếm thế thượng phong (…). Ngoại trừ trường hợp hai bên cùng nhau tự vẫn trong một cuộc chiến tranh hạt nhân, [chiến tranh lạnh] bảo đảm sự sống sót cho đối thủ yếu thế. Gồng mình cố thủ đằng sau bức màn sắt, nền kinh tế kế hoạch hoá, dù thiếu hiệu quả và èo ọt đến đâu, cũng vẫn sống được : nó có thể suy yếu đi dần dần, nhưng không có nguy cơ sụp đổ ngắn hạn. Chính sự tương tác của nền kinh tế Liên Xô với kinh tế tư bản thế giới từ thập niên 60 trở đi đã làm cho nó trở nên yểu mệnh (…). Nghịch lí của chiến tranh lạnh chính là ở đó : không phải sự đụng đầu, mà chính là sự hoà hoãn đã gây ra sự sụp đổ của nó ”.
(1) Editions Complexe – Le Monde Diplomatique, 1999, 810 trang.
(2) Bằng chứng là bạn đọc vẫn mỏi mắt chờ đợi bài điểm sách về chủ nghĩa cộng sản châu Á.
(3) Lời nguyền này thốt ra khi đọc trên báo : cầu thủ bóng rổ Michael Jordan kí hợp đồng quảng cáo cho hãng Nike, mỗi năm được trả một số tiền tương đương với 2 500 năm làm việc của một công nhân Indonesia (Nike có mở chi nhánh sản xuất ở đây). 2500 năm, nghĩa là lâu hơn cả tuổi đời của lịch Công nguyên, hay tính theo tín ngưỡng Phật giáo, 50 lần kiếp đầu thai.
(4) Toà án Tối cao Israel mới đây đã hợp pháp hoá việc tra tấn những người can tội khủng bố.
(5) Ngày 8 tháng 3-1917, cuộc biểu tình Ngày phụ nữ biến thành cuộc nổi dậy đòi bánh mì. Sau 4 ngày hỗn loạn, binh sĩ cô-dác quay sang ủng hộ người biểu tình, buộc Sa hoàng phải thoái vị.
(6) Có lẽ Hobsbawm sẽ không viết như vậy nếu ông được tham khảo những hồ sơ lưu trữ của Liên Xô, qua đó hiện ra một Lenin đôi khi nhỏ nhen, thù dai, luôn luôn khinh miệt các quyền tự do công cộng và tự do riêng tư, và nhất là coi rẻ mạng sống con người. Xem nghiên cứu của Nicolas Werth trong Sách đen của chủ nghĩa cộng sản.
(7) Hiệp ước Đức-Xô đã mở mắt cho nhiều trí thức về thực chất của chế độ Stalin. Có thể đọc Un testament espagnol (Một chúc thư Tây Ban Nha) của Arthur Koestler.
(8) Sau những nỗi kinh hoàng của chiến tranh, nhiều trí thức tin là đã tới ngày tàn của nền văn minh Tây phương. Thí dụ : đầu đề cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Virgil Goerghiu : Giờ thứ 25. Văn hào Primo Levi (cuối cùng đã tự vẫn) tuyên bố : “ Những ai đã sờ thấy đáy vực thẳm, đã trông thấy bộ mặt của con quỷ Gorgon [quỷ tóc rắn trong thần thoại Hi Lạp], thì đã chẳng trở về nữa rồi, mà nếu có trở về thì cũng á khẩu không nói nữa ”.
(9) Bài ca của Bob Dylan có câu “ It’s hard rain that gonna fall ”, nhạc sĩ tưởng rằng cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba sẽ gây ra cuộc chiến tranh tận thế.
Đại khủng hoảng
Với khoảng cách thời gian, ngày nay chúng ta có thể thấy rõ, thời kì 1919-1939 đúng là giờ giải lao giữa hai cuộc đại chiến. Những ai đã trải qua cuộc thế chiến 1914-1918, với kinh nghiệm về các cuộc xung đột của thế kỉ XIX, có thể nghĩ khác. Họ có thể hi vọng rằng một khi đã quét dọn xong những hoang tàn của chiến tranh, Lịch sử sẽ tiếp tục dòng chảy “ bình thường ” của nó, cũng như cuộc sống trở lại bình thường sau một cơn phong ba, một trận động đất. Hobsbawm mỉa mai các nhà sử học (trang 84), ông nói họ thua xa dân cá ngựa, vì họ không biết tiên đoán kết quả cuộc chạy đua, chỉ biết phân tích sau khi ngựa về tới đích (của đáng tội, các nhà kinh tế học cũng thế mà thôi). Còn chúng ta, ngồi từ thế kỉ XXI mà nhìn lại, chúng ta đã biết ba con ngựa nào đã về đầu : khủng hoảng kinh tế, chủ nghĩa phatxit, chiến tranh…
Có bao nhiêu học thuyết kinh tế thì có bấy nhiêu cách “ lí giải ” cuộc đại khủng hoảng kinh tế năm 1929. “ Trong sự vận hành của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa bao giờ chẳng xảy ra những trục trặc đột xuất, và những biến động dài ngắn khác nhau, có lúc rất mạnh, là thuộc tính của cung cách làm ăn [tư bản chủ nghĩa] xử lí công việc của thế giới. Các doanh nhân và các nhà kinh tế thế kỉ XIX đều biết là có những “ chu kì kinh tế ”(1), tăng trưởng và suy thoái luân phiên nối tiếp nhau. [Họ] chấp nhận điều đó, như người nông dân chấp nhận thời tiết thất thường sớm nắng chiều mưa ” (tr. 126), nhưng họ đâu ngờ các biến động đó có thể mạnh tới mức đe doạ cả sự tồn tại của hệ thống kinh tế. Điều ấy, chỉ có các nhà kinh tế học mác xít dám khẳng định vì họ cho rằng những chu kì nói trên chỉ là những biểu hiện trông thấy của một quá trình qua đó chủ nghĩa tư bản đẻ ra những mâu thuẫn cuối cùng sẽ huỷ diệt nó. Xém một chút thì năm 1929 lời tiên tri của họ trở thành sự thực : cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra, “ cuộc động đất toàn cầu chưa bao giờ xảy ra trên thang đo Richter của lịch sử kinh tế. Nền kinh tế tư bản dường như đang sụp đổ, [không những thế] chẳng ai biết có cách gì cứu vãn nó được ” (tr. 125).
Đối với thế hệ chúng ta, thật khó nhận thức được “ tính chất phổ quát và sự nghiêm trọng cực kỳ của cuộc khủng hoảng đã nổ ra, như cả những người không chuyên về sử cũng biết, vào ngày 29 tháng 10 năm 1929, với cuộc phá sản tài chính của thị trường chứng khoán New York. Chỉ một chút xíu nữa là nền kinh tế tư bản toàn cầu sụp đổ , nó như bị siết chặt trong cái vòng lẩn quẩn, mỗi chỉ số kinh tế tuột dù lại kéo theo sự xuống dốc của tất cả các chỉ số khác ” (tr.130). Muốn hình dung mức nghiêm trọng của suy thoái kinh tế Bắc Mĩ, chỉ cần đưa một vài con số : trong vòng 2 năm 1929-1931, sản lượng công nghiệp giảm đi 1/3 ; doanh số của công ti khổng lồ về điện khí Westinghouse mất đi 2/3 ; sản xuất xe hơi giảm một nửa. Ở qui mô đó, sự suy thoái của kinh tế Bắc Mĩ không thể không “ toàn cầu hoá ” : nhờ chiến tranh, sang thập niên 1920, Hoa Kì đã vượt xa các nước và trở thành cường quốc kinh tế và tài chính số 1 trên thế giới. Chẳng hạn, năm 1929, sản lượng Hoa Kì chiếm 42 % sản lượng toàn cầu trong khi tổng sản lượng của ba cường quốc châu Âu gộp lại chưa tới 28 % – những “ con số thật sự kinh hoàng ” (tr. 138). Trung tâm công nghiệp thứ nhì lâm vào khủng hoảng là nước Đức mà nhược điểm là tài chính (năm 1928, riêng nước Đức đã thu hút gần một nửa tổng số vốn xuất khẩu toàn cầu, khoảng từ 20 000 đến 30 000 tỉ mark, trong đó một nửa là những khoản tiền vay ngắn hạn). Thế là từ đó, cuộc khủng hoảng trở thành toàn cầu. Nó lan sang khu vực kinh tế 1, khu vực sản xuất lương thực thực phẩm và nguyên liệu (trong các lĩnh vực này, nhiều mặt hàng sụt giá tới 2/3, thậm chí 3/4), làm chao đảo các nước sản xuất đại trà (mọi người còn nhớ hình ảnh cà phê ế của Brasil được dùng thay than chạy đầu máy xe lửa).
Chúng ta đã sống qua thập niên 80, biết thế nào là kinh tế trì trệ và thất nghiệp triền miên, song cũng khó mường tượng cuộc khủng hoảng 1929 đã gây chấn thương như thế nào đối với “ tất cả những người hoàn toàn không có hoặc không kiểm soát được các phương tiện sản xuất [người nông dân chẳng hạn còn nắm được phương tiện sản xuất], nghĩa là thành phần những người sống bằng đồng lương, [họ phải gánh chịu] hậu quả đầu tiên [của cuộc khủng hoảng] là nạn thất nghiệp qui mô chưa từng có và kéo dài quá mức dự đoán [ở phương Tây, cao điểm từ 25 đến 30 %, riêng ở đức lên tới 44 %]. Tình trạng còn nguy kịch hơn nữa vì chế độ an sinh xã hội (trong đó có trợ cấp cho người thất nghiệp) hoặc không có gì cả (như ở Mĩ) hoặc không thấm vào đâu so với tiêu chí cuối thế kỉ XX, nhất là đối với những người thất nghiệp dài hạn ” (tr. 133). Ngoài hình ảnh cà phê đốt lò xe lửa, kí ức tập thể về những năm tháng đen tối này còn ghi khắc hình ảnh những cuộc “ tuần hành đói ” và hình ảnh phát chẩn xúp cho người thất nghiệp.
Nhưng đối với một sử gia như Hobsbawm chủ tâm truy tìm sự nhất quán của những “ trào lưu lớn ” thì trong “ sự kiện chấn động nhất của lịch sử chủ nghĩa tư bản ”, điều quan yếu cần ghi nhớ là hệ quả lâu dài của nó trên ý thức hệ kinh tế. Nói gọn một câu, cuộc đại khủng hoảng đã triệt tiêu chủ nghĩa liberal kinh tế của thế kỉ XIX, đã phủ định những ý niệm đơn giản (nếu không nói là quá giản đơn(2) ) đã được dùng làm nền tảng tư tưởng cho giai đoạn phát triển của Tư bản (1948-1875) và của các đế quốc (1875-1914) : mậu dịch tự do, qui luật thị trường, Nhà nước không can thiệp vào kinh tế… nghĩa là những dụng cụ hàng hải truyền thống có thể rất phù hợp với các bản đồ thế giới của thế kỉ XIX, nhưng các bản đồ này nay đã quá lỗi thời. “ Ấn tượng đại hoạ, mất phương hướng do cuộc khủng hoảng gây ra cho các doanh nhân, các nhà kinh tế học và các nhà chính trị, có lẽ còn sâu sắc hơn so với đại chúng (…) Giới nắm quyền kinh tế lâm vào một tình trạng bi đát chính vì họ không thấy có một giải pháp khả dĩ nào trong khuôn khổ nền kinh tế liberal cũ (…). Sự lũng đoạn của các đại công ti làm cho từ ngữ “ cạnh tranh hoàn hảo ” trở thành hoàn toàn vô nghĩa, thử hỏi còn gì là “ kinh tế thị trường ” nữa ? Chẳng cần phải đọc Marx, chẳng cần là người macxit, cũng nhận ra rằng chủ nghĩa tư bản của giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến khác xa nền kinh tế cạnh tranh của thế kỉ XIX ” (tr. 134-146). Để tránh khỏi nguy cơ bùng nổ, chính quyền các nước Tây phương đã buộc phải cấp tốc “ đặt nặng những vấn đề xã hội, thay vì những vấn đề kinh tế, trong việc hoạch định chính sách chính thức ”, đề ra những biện pháp đánh dấu sự đoạn tuyệt với thế kỉ XIX (phần lớn những biện pháp này đều tỏ ra vô hiệu, nhưng đây lại là chuyện khác) : từ bỏ nguyên tắc tự do mậu dịch (Hobsbawm nói mỉa : đối với quan niệm kinh tế của nước Anh, nguyên tắc này cũng “ thiêng liêng ” như Hiến pháp trong đời sống chính trị Hoa Kì), thiết lập hàng rào quan thuế, chính sách trợ cấp nông nghiệp… Trong khi chờ đợi Keynes…
Thời kì bản lề này đã được Hobsbawm tóm tắt như sau : “ Cảnh quan những năm 1929-1933 cũng ví như một cái canyon (hẻm núi) cắt ngang địa hình lịch sử : không thể có, không thể nào mơ tưởng tới một sự quay lại tình thế 1913. Chủ nghĩa liberal kiểu cũ đã chết rồi, hoặc vô phương cứu chữa. Trên bầu trời chính trị và trí thức, từ nay chỉ còn sự lựa chọn giữa ba hướng đi. Hướng thứ nhất là chủ nghĩa cộng sản macxit [đối với thế giới tư bản, sự “ miễn dịch ” của Liên Xô trong cuộc khủng hoảng kinh tế là cả một sự thách đố]. Hướng thứ hai là một thứ chủ nghĩa tư bản không còn tin tưởng vào tính tối ưu của thị trường, chính thức kết hôn “ vì quyền lợi ” hay bắt bồ, sống chung không giá thú(3) với xu hướng dân chủ xã hội ôn hoà của phong trào công nhân không cộng sản[sau Thế chiến lần thứ hai, hướng đi này tỏ ra có hiệu quả nhất, điều này chúng tôi xin trở lại trong một phần sau]. Hướng thứ ba và cuối cùng : chủ nghĩa phatxit ” (tr. 150).
Chủ nghĩa phatxit và sự sụp đổ của chủ nghĩa liberal
Như đã nói trên, cuộc đại khủng hoảng đã đánh dấu sự đoạn tuyệt vĩnh viễn với thế kỉ XIX. đối với Hobsbawm, nó còn biểu thị sự “ sụp đổ của chủ nghĩa liberal ”, nghĩa là của tư tưởng liberal thế kỉ XIX : về mặt kinh tế, như đã trình bày ở trên ; về mặt xã hội, sẽ trình bày ở một phần dưới ; về mặt chính trị, đó là sự đi lên của chủ nghĩa phatxit. “ Trong tất cả những sự kiện đánh dấu Thời đại của những tai hoạ [mà cuộc chiến tranh 1914 đã mở màn] thì cái làm cho những ai đã sống bắt đầu từ thế kỉ XIX bị chấn thương nhất có lẽ là sự đổ vỡ của những giá trị và những định chế của nền văn minh liberal. Trong các giá trị ấy, có sự nghi ngại mọi chế độ độc tài và mọi quyền lực tuyệt đối ; có sự gắn bó với chế độ hiến định có chính phủ và những nghị viện do những cuộc tuyển cử tự do lập ra, bảo đảm cho Nhà nước pháp quyền ; có một loạt các quyền và các tự do dân sự đã được thừa nhận, trong đó có tự do ngôn luận, tự do báo chí xuất bản và tự do hội họp. Lí trí, thảo luận công khai, giáo dục, khoa học và khả năng cải thiện cuộc sống con người (…), đó là những giá trị tưởng như phải là nền tảng tinh thần cho Nhà nước và xã hội (…). [Thế mà] trong vòng 20 năm trời, từ cuộc Tiến về Roma của Mussolini (năm 1921) đến cực điểm thắng lợi của phe Trục trong Thế chiến lần thứ nhì, người ta đã chứng kiến sự suy vong mỗi lúc một nhanh, càng ngày càng thảm khốc của các cơ chế chính trị liberal ” (tr. 154-155).
Không thể hiểu được chủ nghĩa phatxit(4) nếu trước tiên ta không liên hệ nó với một khuynh hướng cố hữu của phái hữu bảo thủ là phái, ngay từ đầu, đã chống lại triết học ánh sáng. “ [Song] cũng phải giải thích tại sao, sau Thế chiến lần thứ nhất, dưới dạng phatxit, lực lượng phản động phái hữu đã giành được những thắng lợi quyết định như vậy. Ngay từ trước 1914, đã có những phong trào cực đoan của phái cực hữu (…). Sau khi chiến tranh kết thúc, các phong trào này đã gặp thời vận thuận lợi, đó là sự cáo chung của các chế độ cũ, và cùng với các chế độ ấy, là sự sụp đổ của các giai cấp lãnh đạo, của bộ máy cầm quyền, của mạng lưới ảnh hưởng và vị trí bá quyền của các giai cấp này ” (tr. 174-175).
Danh từ “ phatxit ” thường được dùng để gọi toàn bộ các phong trào chính trị, bắt đầu là tổ chức Fasci italiani ở Ý (Mussolini, 1921), rồi tới tổ chức quốc-xã Đức (Hitler, 1933), từ đó đã khích động và ủng hộ các lực lượng chống liberal khác, mang lại cho phái hữu quốc tế một diện mạo lịch sử vững chãi đến mức, trong những năm 1930, tưởng như nó sẽ chiếm ngự tương lai nhân loại.
Có thể nêu ra mấy đặc tính chung : chối bỏ các định chế chính trị liberal ; dựa vào những lực lượng võ biền (quân đội, công an, dân vệ) để thi hành quyền lực bằng hình thức cưỡng bức ; chống lại cách mạng xã hội, nghĩa là chống lại cả chủ nghĩa bônsêvich lẫn chủ nghĩa xã hội dân chủ (hai tiếng “ xã hội ” trong cái tên “ quốc gia – xã hội ” chỉ là một sự treo đầu dê bán thịt chó) ; chủ nghĩa quốc gia… đại để có thể tóm tắt như vậy, không chính xác cho lắm, nhưng cũng tàm tạm, vì thật ra rất khó xác định học thuyết của những phong trào mà lí luận không phải là mặt mạnh, nhất là các phong trào này lại nhấn mạnh tới các nhược điểm của lí trí, của chủ nghĩa duy lí để đề cao sự ưu việt của bản năng và ý chí (đó là không nói tới những cuồng tín về chủng tộc aryen, những hoang tưởng theo kiểu Wagner là đặc trưng của chủ nghĩa nazi Đức). Tuy nhiên, theo Hobsbawm, cũng cần nhấn mạnh sự khác biệt chủ yếu giữa phái hữu phatxit và phái hữu không phatxit : khác hẳn các phong trào phản động truyền thống, chủ nghĩa phatxit “ nằm trong thời đại của đời sống chính trị dân chủ, nghĩa là nó đã động viên được quần chúng (ở Nuremberg hay Piazza Venezia), dù chỉ để trao hết quyền lực cho lãnh tụ ‘cứu tinh’ (Führer hay Duce) ”.
Nếu không có cuộc đại khủng hoảng, liệu chủ nghĩa phatxit có thể lớn mạnh như vậy trong lịch sử thế giới không ? Có lẽ không. “ Một mình Italia không phải là căn cứ địa hứa hẹn để từ đó lay chuyển cả thế giới ”. Thế giới chỉ thực sự bị rung chuyển khi cuộc khủng hoảng đưa Hitler lên nắm quyền ở Đức “ tức là một quốc gia mà tầm cỡ, tiềm lực kinh tế và quân sự, vị trí địa lí đã cho nó một vai trò quan trọng ở châu Âu, bất luận dưới một dạng thức chính quyền nào ” (tr.180). Trong điều kiện nào đảng nazi đã nắm được chính quyền ở nước Đức khủng hoảng ? Hobsbawm tóm tắt như sau : “ Điều kiện tối ưu để phái cực hữu cuồng tín thắng lợi là một bộ máy Nhà nước già cỗi, với những cơ cấu chính quyền không còn vận hành được nữa : quần chúng công dân chán ngán, mất phương hướng và bất mãn, không còn biết trông cậy vào ai ; các phong trào xã hội chủ nghĩa mạnh mẽ thì doạ dẫm, hoặc có vẻ doạ dẫm, muốn làm cách mạng xã hội mà thực ra không có đủ thế lực ; và tâm lí quốc gia chủ nghĩa bùng lên, oán hận các hoà ước 1918-1920 ” (tr.175-6).
Ở đây, cũng cần nhanh chóng gạt bỏ một số luận điểm không mấy vững chắc về chủ nghĩa phatxit :
- luận điểm thứ nhất (của chính xu hướng phatxit) nguỵ tạo ra một “ cuộc cách mạng phatxit ” vào thập niên 1930. Vẫn biết “ trong các phong trào phatxit, có những nhân tố của phong trào cách mạng, trong chừng mực là chúng đã tập hợp được những người khát khao biến đổi xã hội một cách triệt để, thường khi có cả một chiều kích khá quan trọng chống tư bản và tài phiệt ” (tr. 177). Nhưng ở Italia và Đức, hai căn cứ thực sự của nó, thử hỏi chủ nghĩa phatxit đã đạt được những thành tựu gì trước ngày Thế chiến bùng nổ ? ở Italia, sau khi đã làm thành luỹ chống lại các hoạt động cách mạng sau 1918, phatxit đã nhanh chóng trở thành một chính thể phục vụ quyền lợi của các giai cấp thống trị cũ. Ở Đức, chủ nghĩa quốc-xã đã tiến hành “ thành công ” cuộc thanh trừng tận diệt giới thượng lưu và những cơ cấu đế chế cũ, đã thực hiện một phần cương lĩnh xã hội (chế độ nghỉ hè, phát triển thể thao, sản xuất xe hơi “ bọ rùa ” Volkswagen (“ xe nhân dân ”), và nhất là đã chấm dứt nạn thất nghiệp(5)…). “ Nhưng chế độ quốc xã thực ra là một chế độ cũ đã được cải biến và đổi mới chứ không phải là một chế độ mới lạ về cơ bản ” (tr.177).
- luận điểm thứ nhì (của chủ nghĩa macxit Liên Xô chính thống) coi chủ nghĩa phatxit là biểu hiện của “ chủ nghĩa tư bản độc quyền ”. Có điều, như Hobsbawm nói châm biếm, “ giới đại tư bản – thật sự là đại tư bản – sẵn sàng làm ăn với bất cứ chế độ nào không tìm cách truất hữu tài sản của nó(6), và chế độ nào cũng lại làm ăn với nó (…). So với các chính thể khác, phatxit có những ưu điểm lớn [đối với giới tư bản]. Một là, nó đã tiêu diệt hay đập tan cuộc cách mạng xã hội phái tả, và trong thực tế nó làm thành luỹ chống lại cách mạng. Hai là, nó đã loại trừ các công đoàn và phá bỏ mọi sự kiềm chế trong việc quản lí nhân viên của giới chủ. Sự thật là cái nguyên tắc mà phatxit tôn vinh, “ nguyên tắc thủ lĩnh ”, cũng ăn khớp với sự ứng xử của giới chủ và cán bộ cầm đầu xí nghiệp đối với người cộng sự, chủ nghĩa phatxit chỉ mang lại cho nó một sự biện minh nặng kí mà thôi. Ba là, sự huỷ diệt phong trào công nhân đã góp phần làm cho các doanh nghiệp tìm ra lối thoát thuận lợi trong cuộc khủng hoảng ” (tr.179).
- luận điểm thứ ba (mới đây) đánh đồng phatxit và cộng sản, bỏ chung cả hai chủ nghĩa vào rọ “ toàn trị ”. ở đây chúng tôi không trở lại cuộc luận chiến này(7)mà chỉ, như Hobsbawm, tố cáo tính “ bất chính ” của sự đồng hoá này. Những tương đồng bề ngoài – ngôn từ, bộ máy, kĩ thuật cai trị – không thể nào che lấp một điều : đó là hai hệ tư tưởng đối kháng, không thể rút gọn cái nọ thành cái kia được. Trước tiên cũng cần minh xác một vấn đề từ ngữ. Là người của thế kỉ XXI, chúng ta nên phân biệt chủ nghĩa macxit-leninit (đã chết) với chủ nghĩa xã hội macxit (còn sống), mà trong những năm khủng hoảng, phái hữu phản dân chủ đã đánh đồng hai cái. Các giai cấp trung lưu và tư sản (là hai giai cấp đã cung cấp phần lớn người trong hàng ngũ phatxit) “ đã chọn lựa con đường chính trị theo phản xạ hoảng sợ của họ (…) Sự phản kích của phái hữu không phải chỉ nhắm phong trào bônsêvich mà chống lại tất cả các phong trào (trong đó có giai cấp công nhân có tổ chức) đe doạ trật tự xã hội hiện hữu (…). Trong một giai đoạn xã hội đảo điên, không có một