06/02/2018, 00:23

Đọc thêm: Bài thơ số 28 (trong tập Người làm vườn)

Hướng dẫn Gợi ý 1. Phân tích ý thơ theo tầng bậc nghĩa trong bài: Ý nghĩa bài thơ được diễn giải theo cung bậc từ thấp lên cao, từ cụ thể đến trừu tượng, từ nghĩa thực đến nghĩa triết lí và cảm xúc trong bài thơ cũng được nâng dần theo các tầng bậc nghĩa của bài. Ta-go lại còn ...

Hướng dẫn

Gợi ý

1. Phân tích ý thơ theo tầng bậc nghĩa trong bài:

Ý nghĩa bài thơ được diễn giải theo cung bậc từ thấp lên cao, từ cụ thể đến trừu tượng, từ nghĩa thực đến nghĩa triết lí và cảm xúc trong bài thơ cũng được nâng dần theo các tầng bậc nghĩa của bài. Ta-go lại còn là một nhà triết học, vì vậy, thế giới hiện thực cũng như trữ tình được thể hiện trong thơ ca của ông mang đậm ý nghĩa triết lí sâu xa.

Đôi mắt “cửa sổ của tâm hồn” là hình ảnh mở đầu bài thơ được tác giả so sánh như ánh sáng diệu kì của trăng kia muốn vào sâu biển cả. Dường như chưa thật tin nên đôi mắt người yêu có vẻ băn khoăn u buồn muốn nhìn thẳng vào tận đáy tâm tưởng của anh. Hình ảnh trăng lặn xuống biển cả hòa nhập vào cõi mênh mông tỏa ra ánh sáng lung linh huyền ảo là biểu hiện của sự khát khao hòa hợp tâm hồn, là khát vọng muốn chan hòa và thấu hiểu người mình yêu.

Rất chân thành, chàng trai bày tỏ: “Anh đã để cuộc đời anh trần trụi dưới mắt em. Anh không giấu em một điều gỉ”.

Thế nhưng một nghịch lí đã xảy ra: “Chính vì thế mà em không biết gì tất cả về anh”. Vì sao vậy? Bởi vì tất cả những điều người thiếu nữ có thể biết được về người con trai mới chỉ là cái bề ngoài, còn cái đáy sâu thăm thẳm của tâm hồn anh, trái tim anh dễ đâu nàng thấu hiểu.

Tiếp đó, tình cảm của chàng trai phát triển cao hơn. Anh sẵn sàng hiến dâng cả cuộc đời mình để đáp ứng khát vọng hòa hợp tâm hồn của người yêu. Đây là những lời ước nguyện thiêng liêng. Nhà thơ lặp lại những từ nếu (if), chỉ là (only), nhưng (but) để khẳng định ý nghĩa đó. Những hình ảnh, từ ngữ đẹp đẽ sang trọng: viên ngọc, đóa hoa được sử dụng để ví von so sánh tượng trưng cho sự đẹp đẽ và quý giá, nhưng nếu cần thiết để làm cho xinh đẹp hơn, quý giá hơn, thì anh cũng tự nguyện dập, hái nó ra dâng hiến cho nàng. Đây chính là tinh thần hi sinh, tấm lòng hiến dâng cao đẹp của chàng trai cho tình yêu.

Một phản đề được nêu lên: Cái quý giá nhất của cuộc đời chàng trai là một trái tim, một thế giới bí ẩn có một chiều sâu thăm thẳm, có một bến bờ vô biên như biển cả, là vương quốc mà dù nàng là nữ hoàng cũng không sao biết được biên giới của nó. Với trái tim chàng trai mọi khoảng cách trong tình yêu cũng trở thành nhỏ bé, niềm đồng cảm, hòa hợp dù đẹp đẽ đến đâu cũng không sao trọn vẹn.

Một giả thuyết tiếp đó lại được đưa ra: Nếu trái tim chàng trai có những phút giây lạc thú thì người yêu sẽ thấu hiểu không khó, sẽ dễ dàng chia vui với chàng bằng nụ cười nhẹ nhõm. Nhưng trái tim của chàng khổ đau thì người yêu cũng thông cảm rất nhanh bằng hàng lệ trong.

Nhưng chàng trai biết “tráitim anh lại là tình yêu. Nỗi vui sướng khổ đau của nó là vô biên. Những đòi hỏi và sự giàu sang của nó là trường cửu”. Trái tim tình yêu như thế đúng là không đơn điệu, chứa đựng biết bao là mầm mống đối lập mâu thuẫn, vừa sung sướng, vừa khổ đau, vừa thiếu thốn, vừa giàu sang.

Sự đối lập đó trong tình yêu tồn tại mãi mãi. Tình yêu đòi hỏi phải thống nhất hài hòa hai mặt đối lập đó. Điều này là quy luật:

Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu.

Như vậy, bài thơ được kết cấu theo tầng bậc gồm hai ý:

– Ý một, chàng trai xin dâng hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho người yêu.

– Ý hai, nhưng không bao giờ em có thể chiếm lĩnh trọn vẹn được trái tim anh.

Hai ý này ngày càng bổ sung cho nhau ở những mức độ cao hơn trong những lập luận của toàn bài thơ.

2. Qua bài thơ, Ta-go muốn nói tình yêu là vô biên, khát vọng tình yêu là vô bờ bến. Muốn có hạnh phúc trong tình yêu luôn luôn phải khám phá, sáng tạo, hai tâm hồn phải hòa hợp tin yêu và thông cảm với nhau. Khát vọng đó bất tuyệt.

3. Ta-go dùng những hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng, so sánh như trăng, biển cả, ngọc, hoa, nữ hoàng, vương quốc.

Nhà thơ thường dùng những từ về thiên nhiên để so sánh với con người, với tình yêu: mắt = trăng; tâm tưởng = biển cả để tạo sức hấp dẫn cho bài thơ.

Nhà thơ hay lặp lại từ nếu (if) và nhưng (but) để nhấn mạnh điều mà ông khẳng định thông qua giả thuyết. Đây chính là một kiểu tư duy Ấn Độ tìm hiểu sự việc thông qua những phản đề.

4. Giọng điệu triết lí của bài thơ thể hiện ở những câu có các từ lặp đi lặp lại như nếu (if), chỉ còn (only), nhưng (but), đặt giả định rồi khẳng định, nhiều câu mới đọc qua tưởng là nghịch lí nhưng ngẫm kĩ lại là thuận lí, như các câu 3, 4, 5 hoặc hai câu 22, 23 cuối bài.

Mai Thu

0