25/05/2018, 08:33

Đọc hiểu văn bản nghệ thuật trong giờ Ngữ văn nhìn từ hoạt động học tập của học sinh

Học văn phải đọc văn, thời nào cũng thế, vì văn là nghệ thuật ngôn từ. Nhưng vì sao đến lần thay sách Ngữ văn này, vấn đề đọc văn lại được nêu ra như một phát hiện, một khâu đột phá, một sự thay đổi hệ hình. Đã có rất nhiều bài viết đề cập ...

Học văn phải đọc văn, thời nào cũng thế, vì văn là nghệ thuật ngôn từ. Nhưng vì sao đến lần thay sách Ngữ văn này, vấn đề đọc văn lại được nêu ra như một phát hiện, một khâu đột phá, một sự thay đổi hệ hình. Đã có rất nhiều bài viết đề cập đến tầm quan trọng của đọc văn, không chỉ quan trọng trong môn Ngữ văn, còn quan trọng cả trong đời sống xã hội, cả trên tầm quốc tế nữa. Cũng đã có nhiều bài viết cắt nghĩa tường tận thế nào là đọc, thế nào là hiểu, đọc hiểu phải thực hiện những yêu cầu gì. Những bài viết này vô cùng cần thiết, đã tạo ra nhận thức đúng đắn cho người dạy văn, học văn. Nhưng còn một công đoạn nữa vẫn bị bỏ ngỏ, đó là làm thế nàođể chuyển được toàn bộ những nhận thức về đọc hiểu văn bản, tiếp nhận văn chương vào thực tiễn dạy học văn. Đọc hiểu sẽ phải đọc những gì, theo logic nào và làm thế nào để hiểu. Bởi vì cái mới trong vấn đề đọc hiểu gắn với sách Ngữ văn lần này không phải là nhận thức về đọc hiểu sâu sắc hơn, đầy đủ toàn diện hơn mà là vấn đề đọc hiểu mang tư cách hoạt động học tập của học sinh, học sinh phải tự đọc hiểu. Hãy tập trung giúp cho người giáo viên biết xây dựng những việc làm cụ thể để học sinh tự đọc văn bản, hiểu được các tầng nội dung ý nghĩa chứa trong văn bản. Những việc làm này học sinh phải tự thao tác lấy, thầy giáo chỉ là người thiết kế. Đó là khó khăn thử thách không dễ vượt qua.

Học văn phải đọc văn. Nhưng từ đọc đến hiểu là một khoảng cách quá lớn, phải có thầy giáo giúp đỡ. Người xưa nói không sai “Không thầy đố mày làm nên”, lĩnh vực văn chương là như vậy. Thời kỳ học văn bằng chữ Hán, người học phải đọc từng chữ, đọc đển thuộc lòng, nhưng nghĩa lý, ý tứ chứa trong chữ, tự trò không thể biết được. Phải chờ thầy giáo giảng giải cắt nghĩa, bình phẩm chỉ bảo cho .

Đến khi học văn bằng chữ quốc ngữ, không còn phải dịch nghĩa nữa, nhưng có phải cứ đọc được chữ là hiểu văn đâu. Bao nhiêu điển tích điển cố, bao nhiêu nghĩa biểu trưng, hàm ý, hàm nghĩa. Trò không tự hiểu được thì thầy phải giảng giải. Cứ như vậy, dạy văn là giảng văn, bình văn, phân tích văn, dạy văn là việc của thầy giáo. Trò chỉ còn việc nghe, ghi chép, và thán phục sự uyên bác của thầy. Trước giờ văn, trò có đọc văn bản, soạn văn. Đến giờ văn, trò vẫn được đọc văn, đọc như một thao tác tạo không khí, gây ấn tượng. Và trong quá trình giảng văn, trò cũng được đọc từng đoạn văn bản để từ đó thầy giảng giải cho nghe. Học văn phải đọc văn, còn muốn hiểu văn thì phải chờ thầy giáo. Điều này ăn sâu vào cuộc sống nhà trường như một tất yếu, một hiển nhiên. Ngay như thầy giáo dạy văn, cũng không dễ dạy. Văn chương chỉ có văn bản, còn nội dung dạy, thầy phải tự tìm tòi, tự đọc sách, mượn cách hiểu, cách phân tích, cách dạy của người đi trước làm thành bài dạy của mình. Vì thế, dạy văn là khó nhất trong số các môn dạy ở trường phổ thông.

Năm 1986, đã từng thay sách giáo khoa bậc trung học cơ sở, và năm 1990 thay sách giáo khoa THPT, đã bàn luận nhiều về học sinh là chủ thể, là bạn đọc tích cực, dạy văn theo đúng đăc trưng bộ môn và đề cao phương pháp đọc sáng tạo.Phương pháp đọc sáng tạo là lấy từ giáo trình Phương pháp dạy học văn của Liên Xô, do giáo sư Ia Rez làm chủ biên (Phan Thiều dịch năm 1983). Xung quanh phương pháp đọc sáng tạo cũng đã có nhiều bài viết, nhiều báo cáo kinh nghiệm. Nhưng đến năm 1996, sau 10 năm thực hiện phương pháp đọc sáng tạo, trong hội thảo “Đổi mới PPDH Văn tiếng Việt ở trường trung học cơ sở”, PGS. TS. Vũ Nho đã lớn tiếng phê phán là “sự ngộ nhận về đọc sáng tạo”. Từ đó, đọc sáng tạo rơi vào quên lãng.. Thực ra, đọc sáng tạo không có lỗi gì hết. Dạy văn và dạy cho häc sinh biết đọc sáng tạo là đúng, là phù hợp đặc trưng môn văn. Chỉ có điều, không ai bày cho giáo viên biết. khi dạy đọc sáng tao, thì phải dạy như thế nào. Để người dạy văn tự hiểu, tự sáng kiến, coi là phong trào “trăm hoa đua nở” thì khó có thể đi tới đích. Đọc sáng tạo không phải là đọc của thầy giáo, không phải đọc của người đọc tư do, càng không phải cách đọc của những người nghiên cứu phê bình văn học. Đọc sáng tạo phải được nhìn trong tư cách là hoạt động học tập của học sinh, học sinh tự đọc, tự hiểu, tự cảm thụ., tự lĩnh hội những giá trị chứa trong văn bản tác phẩm. Đấy là mấu chốt của vấn đề, vì học sinh là chủ thể, là bạn đọc tích cực thì học sinh phải là người thực hiện đọc sáng tạo.

Vấn đề đọc sáng tạo được nêu ra, nhưng chỉ dừng lại ở định hướng về tầm quan trọng, về nội dung ý nghĩa của khái niệm, không chuyển hóa thành việc làm cụ thể cho thầy và trò thì đành phải bỏ cuộc, dở dang trong im lặng và quên lãng. Đó là bài học trong quá khứ của bậc THCS.

Khi quan niệm công việc dạy học là công việc của thầy giáo thì có rất nhiều điều không cần phải tường minh, vì tự thầy giáo hiểu, tự thầy giáo lập chương trình, và tự thầy giáo thuyết trình. Còn khi quan niệm dạy học là thiết kế hoạt động học tập cho học sinh, và tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động học tập một cách tích cực tự giác thì mọi điều đều phải tường minh. Mỗi HĐHT là một việc để học sinh làm thì phải xác định rõ đối tượng của hoạt động, thao tác trong hoạt động, công cụ, phương tiện, cách thức của chủ thể để thực hiện hoạt động và sản phẩm hoạt động phải làm ra. Yêu cầu đọc hiểu, đối tượng của đọc là văn bản, nhưng với học sinh phải xác định cụ thể đơn vị đọc là chữ, hay câu, hay đoạn. Và khi đọc thì đọc to, đọc nhỏ hay đọc thầm, đọc nhanh, đọc lướt hay đọc chậm, phải đọc đúng, đọc hay, hay đọc diễn cảm. HIểu không phải là sản phẩm trực tiếp của hoạt động đọc. Không phải cứ đọc là hiểu. Chính vì thế học sinh phải học, học cẩn thận không thể đại khái. Và chỉ ở nhà trường, việc học cách đọc, cách hiểu mới được tổ chức một cách bài bản, theo quy trình khoa học.

Ở tiểu học, môn Tập đọc đã dạy cho các em biết đọc đúng, đọc hiểu, đọc diễn cảm trong mỗi giờ học. Đọc đúng thì phải đọc to trước lớp, đọc nhỏ trong nhóm, đọc đúng từng câu, kết hợp luyện phát âm, đọc đúng từng đoạn, kết hợp giải nghĩa từ, đọc đúng cả bài, thể hiện giọng đọc. Luyện đọc đúng phải luyện theo cá nhân, kết hợp luyện theo nhóm và đọc đồng thanh.

Đọc hiểu chủ yếu đọc thầm, đọc nhanh, đọc lướt, đọc theo đoạn mà không đọc từng câu, đọc thầm và trả lời câu hỏi trong sách giáo khoa. Về yêu cầu hiểu, đến lớp 5 học sinh phải hiểu được 5 điều 1/ Hiểu nghĩa từ, chủ yếu là những từ khó, từ chốt; 2/ Hiểu những hình ảnh, chi tiết nghệ thuật, biện pháp tu từ (chủ yếu là nhân hoá và so sánh); 3/ Hiểu nhân vật ( trong đó có nhân vật người kể chuyện, nhân vật đang phát ngôn trong văn bản); 4/ hiểu tư tưởng, tình cảm nhà văn, hiểu đích của văn bản, hiểu hàm ý; 5/ Hiểu giá trị, ý nghĩa bài văn.

Đọc diễn cảm là đọc to, đơn vị đọc diễn cảm là đoạn. Đọc diễn cảm nhằm thể hiện kết quả luyện đọc đúng, đọc hiểu. và chỉ đến lớp 4,5 mới có đọc diễn cảm.

Hoạt động đọc và hiểu ở tiểu học đã được xây dựng cụ thể, chi tiết đến từng việc, phù hợp với đặc điểm tâm lý và năng lực học sinh tiểu học, vì đây là những việc học sinh tiểu học tự làm. Trong yêu cầu dạy học tích cực, ở bậc tiểu học đã quy định, học sinh tự thực hiện các HĐHT, học sinh sẽ có tri thức và năng lực, nếu không, học sinh sẽ không có gì hết. HĐHT vừa là con đường, vừa là phương tiện, cách thức để dạy học đi đến mục tiêu một cách chắc chắn, có thể kiểm soát được.

Ở tiểu học, các HĐHT còn được liên kết theo một chuỗi lô gich, tuyến tính, hợp lý và được trình bày trong quy trình chi tiết. Có quy trình dạy tập đọc cho lớp 1, quy trình cho lớp 2,3, và cho lớp 4,5. Quy trình cho các khối lớp vừa duy trì những hoạt động cốt lõi, vừa phát triển mở rộng. Đây là cách làm theo hướng công nghệ, phù hợp với bậc tiểu học, bậc học chủ yếu rèn cho học sinh phương pháp cách thức, và rèn kỹ năng là mục tiêu số 1.

Tiếp theo bậc tiểu học, bậc THCS, THPT sẽ luyện kỹ năng đọc hiểu cho học sinh như thế nào? Hệ thống giáo dục phổ thông chia thành 3 cấp, 3 bậc học, nhưng một mạch phát triển liên tục, có kế thừa, có mở rộng, nhằm tạo ra hiệu quả giáo dục cao nhất. Mạch phát triển đó phải nhìn từ học sinh, xuất phát từ học sinh, vì quyền lợi của học sinh, đồng thời phải xuất phát từ yêu cầu xã hội, vì mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực của xã hội.

Trong quan niệm cũ, chỉ tiểu học mới có môn tập đọc để dạy cho học sinh cách đọc, kỹ năng đọc, tức là “học đọc”. Còn bậc THCS, THPT, học sinh “đọc để học”, đọc như một phương tiện, không còn là mục đích nữa. Vì thế, tên môn học là Văn, Giảng văn và nay là Ngữ văn. Mục tiêu của giờ văn là hiểu và cảm, là lĩnh hội những giá trị nội dung, nghệ thuật, ý nghĩa chứa đựng trong tác phẩm. Đọc văn bản được học sinh thực hiện ở nhà, trước khi đến lớp. Và khi đến lớp, học sinh đọc văn bản đầu giờ để tạo ấn tượng, để có cái nhìn tổng thể trước khi bước vào khâu phân tích là khâu chủ yếu của giờ học. Đọc là một thao tác, một thủ tục trong giờ văn.

Trong quan niệm mới, THCS, THPT vẫn dạy văn, nhưng nội dung dạy văn là dạy đọc hiểu văn bản theo thể loại và phương thức biểu đạt. Đối tượng của hoạt động đọc không chỉ là câu chữ, đoạn bài, không chỉ là thơ hay truyện mà còn là các phương thức biểu đạt trong thơ và truyện. Thể loại nào cũng phải sử dụng phối hợp các phương thức biểu đạt gồm: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận. Mỗi phương thức biểu đạt quy định một cách đọc, một cách hiểu. Cần rèn cho học sinh biết cách nhận diện phương thức biểu đạt trong mỗi văn bản và nắm vững đặc điểm văn bản theo thể loại để đọc hiểu là điểm mới trong SGK Ngữ văn THCS.

Đọc hiểu, đơn vị đọc phải là đoạn, hình thức đọc chủ yếu là đọc thầm, đọc nhanh, đọc lướt, đọc để trả lời những câu hỏi hướng dẫn đọc hiểu.

Từ đọc đến hiểu, người đọc phải giải mã văn bản, tức là hiểu những thông tin chứa trong ngôn từ, hình ảnh, chi tiết nghệ thuật... Những điều này HS chỉ có thể tự thực hiện một phần, còn phần khác người dạy cung cấp thêm. Cùng với yêu cầu giải mã, có một việc HS phải tự làm hoàn toàn, không ai có thể giúp đỡ, đó là hình dung tưởng tượng để nối kết tất cả các nghĩa ngôn từ, hình ảnh, chi tiết nghệ thuật thành bức tranh hiện ra ở trong đầu mà lý luận gọi là hình tượng văn học hoặc thế giới nghệ thuật, Đấy là hiểu bậc 1, tương đương với mức “đọc trong dòng” mà GS Nguyễn Khắc Phi nêu ra. Tiếp theo, HS phải đọc ngôn ngữ đặc thù của văn chương. Văn chương không chỉ nói bằng ngôn từ mà còn nói bằng nhân vật, bằng hình ảnh, bằng kết cấu, bằng bức tranh thiên nhiên, bằng những biện pháp nghệ thuật... Đọc ngôn ngữ đặc thù này không thể bằng mắt, bằng miệng, mà phải đọc bằng các thao tác tư duy. trong đó có phân tích, bình phẩm, đánh giá, đối thoại... Đây là yêu cầu đọc ở trình độ cao, HS phải tự làm được, nhưng cần có sự giúp đỡ của thày giáo, thông qua các HĐHT . Từ đặc điểm của mỗi thể loại khác nhau và nhiệm vụ khác nhau ở mỗi giờ học mà thày giáo tổ chức cho HS đọc theo bố cục, theo nhân vật, hay theo khía cạnh của chủ đề. Sản phẩm của hoạt động đọc này là chiều sâu của tác phẩm chứa trong văn bản. Mỗi HS được thày giáo bày cho cách đọc theo thể loại từ một văn bản mẫu và hoàn thành phần luyện tập, sẽ định hình dần cách thức đọc văn bản nghệ thuật, để khi bước vào cuộc sống, HS có thể tự mình đọc văn bản, hình dung ra thế giới nghệ thuật trong văn bản và nhận biết các tầng nội dung phong phú từ văn bản.

Xung quanh vấn đề lập quy trình cho dạy văn, còn có nhiều quan niệm khác nhau, vì văn chương có nhiều cách tiếp cận. Văn chương không chấp nhận một công thức nào cho sẵn. Văn chương là tự do là sáng tạo, là cá thể hoá. Quy trình hoá làm mất vẻ sinh động của giờ văn. Điều đó đúng, tiếp nhận văn chương phải bằng tình cảm, cảm xúc, bằng kinh nghiệm, sự trải nghiệm của cá nhân, bằng năng lực “đồng sáng tạo” ở mỗi người đọc. Lý thuyết tiếp nhận còn cho biết khi đọc văn bản thì mỗi người đọc đã tự cấu trúc một văn bản, chồng lên văn bản của nhà văn. Tác phẩm cũng không có sẵn. Tác phẩm là quá trình, phụ thuộc vào bạn đọc. Lĩnh vực văn chương là lĩnh vực của sự đa dạng, phong phú, không nên khuôn vào một cung cách nào. Nhưng đó là cách nghĩ của lý thuyết, còn thực tiễn dạy và học văn, của thày và trò thì rất cần có một vài quy trình để tham khảo. Chúng tôi xin nêu một qui trình đọc hiểu văn bản nghệ thuật cho HS THCS, THPT như sau:

  1. Giới thiệu bài mới
  2. Bài mới

Việc 1. Đọc hiểu những thông tin về ngữ cảnh (Tiểu dẫn)

  1. Đọc thông tin về hoàn cảnh sáng tác, hoàn cảnh cảm hứng
  2. Đọc thông tin về nhà văn, về sáng tác của nhà văn
  3. Đọc thông tin về thể loại, đặc điểm thể loại, cách tiếp nhận thể loại

Việc 2- Đọc văn bản, tìm hiểu cấu trúc văn bản

  1. Đọc văn bản, đọc chú thích, suy nghĩ về tên văn bản, xác định các nhân tố giao tiếp trong văn bản
  2. Xác định bố cục văn bản
  3. Xác định nhân vật, nhân vật chính trong văn bản
  4. Nhận diện các phương thức biểu đạt trong văn bản
  5. Kể lại cốt truyện. Xác định tình huống truyện, xung đột của truyện

Việc 3- Đọc hiểu nội dung văn bản

Phương án 1- Đọc hiểu theo kết cấu

Phương án 2- Đọc hiểu theo nhân vật

Phương án 3- Đọc hiểu theo các khía cạnh của chủ đề

Việc 4- Đọc hiểu ý nghĩa văn bản . Học sinh thảo luận

  1. Ý nghĩa do người viết gửi vào văn bản (Thông điệp của nhà văn)
  2. Ý nghĩa do mối quan hệ giữa văn bản và cuộc sống đặt ra
  3. Ý nghĩa do người đọc nhận ra, đề xuất. (Tạo cơ hội để HS tự khẳng định mình trước những gì HS tiếp nhận được)

Việc 5- Tổng kết. Đọc hiểu phần ghi nhớ

Việc 6- Luyện tập. Thực hiện các bài tập có sẵn trong SGK

Văn chương hữu thần, văn chương hữu quỷ, văn chương từ xưa vẫn được coi là lĩnh vực có nhiều yếu tố thần bí không phải ai cũng có thể đọc và hiểu được. Vậy mà nay, môn văn ở trường phổ thông sẽ làm được một điều kì diệu: mỗi học sinh đều có thể tự đọc hiểu các văn bản văn theo thể loại. Điều này không còn là mong ước, là niềm hi vọng mà sẽ là hiện thực. Khoa học giáo dục, tâm lí, khoa học văn học, ngôn ngữ, đã làm tường minh được nhiều vấn đề về văn và tiếp nhận văn. Công việc tiếp theo là các nhà khoa học về dạy văn xây dựng những hoạt động học tập cho học sinh để các em có khả năng tự đọc hiểu văn bản trong mỗi giờ văn và trong cả cuộc đời.

  1. Tài liệu bồi dưỡng giáo viên ngữ văn THCS. Bộ Giáo dục 2002
  2. Tài liệu bồi dưỡng giáo viên ngữ văn lớp 10, 11, 12. Bộ Giáo dục 2006, 2007, 2008
  3. Thiết kế bài dạy ngữ văn THCS. NXB Giáo dục 2008
  4. Thiết kế bài dạy ngữ văn THPT. NXB Giáo dục 2008
0