25/05/2018, 08:33

Các nhân tố ảnh hưởng đến đa dạng hoá sản phẩm

Nhu cầu thị trường: Trong điều kiện cơ chế thị trường, mỗi doanh nghiệp phải bám sát nhu cầu của thị trường và đưa ra thị trường những sản phẩm và dịch vụ mà thị trường cần. Việc điều tra phân tích nhu cầu thị trường phải ...

Nhu cầu thị trường:

Trong điều kiện cơ chế thị trường, mỗi doanh nghiệp phải bám sát nhu cầu của thị trường và đưa ra thị trường những sản phẩm và dịch vụ mà thị trường cần. Việc điều tra phân tích nhu cầu thị trường phải được coi là một trong những công tác quan trọng hàng đầu trong quản lý doanh nghiệp và quản lý ngành công nghiệp. Trong chiến lược đa dạng hoá sản phẩm của doanh nghiệp, yếu tố quan trọng và có ảnh hưởng lớn nhất đến phương hướng và mức độ đa dạng hoá chính là nhu cầu thị trường.

- Kiểu cách mẫu mã, kích cỡ mỗi loại sản phẩm mà thị trường đòi hỏi. Việc phân khúc nhu cầu thị trường có ý nghĩa quan trọng trong việc phân tích nhu cầu thị trường về mỗi loại sản phẩm. Vì vậy để cung cấp một hàng hoá, dịch vụ với một số lượng, chất lượng, giá cả, thời gian cung ứng cụ thể theo đúng yêu cầu của khách hàng thì việc xác định đúng phân đoạn thị trường sẽ quyết định sự thành công của doanh nghiệp.

- Nhu cầu sản phẩm có liên quan đến người tiêu dùng, nghĩa là phân tích bề rộng nhu cầu các sản phẩm. Để xác định phương hướng đa dạng hoá sản phẩm cũng cần phải xem xét điều kiện để sản xuất các sản phẩm, kết cấu và tính chất sản phẩm.

- Các loại sản phẩm có thể thay thế. Việc nghiên cứu phân tích này nhằm hạn chế rủi ro trong khi phát triển đa dạng hoá sản phẩm.

- Sự vận động của sản phẩm trong chu kỳ sống của nó. Việc đa dạng hoá nếu nhằm vào sản phẩm đang ở pha suy thoái thì sẽ làm tăng rủi ro kinh doanh.

- Đối với các doanh nghiệp thực hiện đa dạng hoá bằng sản phẩm không mới đích thực ( đã có trên thị trường ) thì một việc làm không thể thiếu là phải xem xét đánh giá phần thị trường còn lại của một sản phẩm mà doanh nghiệp có thể xâm nhập.

Tóm lại việc nghiên cứu, phân tích sự ảnh hưởng của nhân tố chủng loại và dung lượng nhu cầu trên thị trưòng để xác định phương hướng và mức độ đa dạng hoá sản phẩm không chỉ ở mặt lượng mà còn ở cả tính chất, nhu cầu và quan hệ với các sản phẩm liên quan khác.

Bản quyền công nghiệp:

Một thực tế hiện nay là các doanh nghiệp đầu tư rất lớn cho hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm mới nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ nhưng sản phẩm của họ nhiều khi không mang lại lợi nhuận như mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu là các đối thủ cạnh tranh thông qua các kênh thông tin khác nhau có thể sao chép và nhái lại sản phẩm của doanh nghiệp một cách nhanh chóng khi doanh nghiệp còn chưa thu hồi vốn đầu tư.

Vấn đề bản quyền công nghiệp có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đa dạng hoá của công ty vì hầu hết các công ty đều thực hiện đa dạng hoá sản phẩm mới với công ty nhưng không mới với thị trường. Bản quyền công nghiệp xác nhận quyền sở hữu của một doanh nghiệp đối với nhãn hiệu, bí quyết công nghệ..của một sản phẩm. Vì vậy khi xây dựng chiến lược đa dạng hoá công ty phải hết sức quan tâm đến vấn đề này nhằm bảo vệ chính sản phẩm và uy tín của mình và tránh vi phạm bản quyền công nghiệp.

Tình hình cạnh tranh:

Hoạt động trong kinh tế thị trường, doanh nghiệp bị chi phối bởi quy luật cạnh tranh. Quy luật cạnh tranh đòi hỏi doanh nghiệp phải có một cơ cấu sản phẩm hợp lý để có thể tạo ra vũ khí cạnh tranh hiệu quả xác định vị trí của mình trên thương trường. Hiện nay trong bất kì ngành kinh doanh nào sự cạnh tranh về nhiều phương diện giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều đang diễn ra rất mạnh mẽ. Sản phẩm của doanh nghiệp có thể bị các đối thủ cạnh tranh sao chép một cách nhanh chóng thông qua hệ thống thông tin rất phát triển.Thực tế đã cho thấy nếu như trước kia các doanh nghiệp chủ yếu thực hiện đa dạng hoá đồng tâm tức là thêm vào cơ cấu sản phẩm những sản phẩm mới có liên hệ với nhau và phù hợp với công nghệ hiện tại của công ty thì ngày nay các doanh nghiệp đã chuyển sang hình thức đa dạng hoá kết khối là hình thức đa dạng hoá mà một doanh nghiệp sản xuất các loại mặt hàng rất khác biệt nhau thuộc nhiều nhóm đòi hỏi đầu tư nhiều nguồn lực. Đây chính là kết quả của sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, nó đã thúc đẩy đa dạng hoá lên một mức cao hơn. Ví dụ như tập đoàn LG sản xuất 2 loại mặt hàng chủ yếu là điện tử và điện lạnh ngoài ra LG còn được biết đến là một nhà sản xuất thiết bị văn phòng và các loại mỹ phẩm. Một trong những nguyên nhân của sự mở rộng này là do LG phải đối đầu với sự cạnh tranh rất gay gắt của DAEWOO, SAMSUNG...và phát triển mạnh đa dạng hoá là một điều kiện cần thiết để tồn tại.

Quá trình hội nhập khu vực và quốc tế:

Hội nhập khu vực và quốc tế là một quá trình tất yếu để đưa các doanh nghiệp vào con đường phát triển.Tiến trình này đặt ra cho các doanh nghiệp nhiều thách thức, song đây cũng là cơ hội lớn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp công nghiệp thâm nhập vào thị trường quốc tế để tiếp thu phương pháp quản lý, công nghệ tiên tiến... và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đa dạng hoá.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam thì quá trình gia nhập Khu vực tự do mậu dịch Châu á AFTA có tác động tương đối lớn đến tính chất và phương hướng của đa dạng hoá sản phẩm. Do AFTA chú trọng đến các mặt hàng công nghiệp chế tạo nên các doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt được xu hướng này. Các doanh nghiệp sẽ tập trung vào đa dạng hoá sản phẩm bằng những mặt hàng công nghiệp chế tạo đã có ở Việt nam và tích cực nghiên cứu sản xuất những mặt hàng mới. Mặt khác khi sự giao lưu quốc tế và khu vực tăng lên mạnh mẽ các doanh nghiệp sẽ nắm bắt được thêm nhiều nhu cầu sản phẩm mới, khai thác được nhiều nguyên nhiên vật liệu mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng danh mục sản phẩm của doanh nghiệp.

Chính sách kinh tế - xã hội:

Trong cơ chế thị trường mỗi doanh nghiệp công nghiệp là một chủ thể kinh doanh độc lập vì vậy doanh nghiệp có quyền thực sự trong việc xác định phương hướng sản xuất kinh doanh của mình thông qua việc xây dựng một cơ cấu và danh mục sản phẩm có hiệu quả. Nhưng như vậy không có nghĩa là doanh nghiệp có thể sản xuất bất cứ sản phẩm, tham gia kinh doanh bất kì lĩnh vực nào miễn là mang lợi nhuận. Chính sách kinh tế của nhà nước có thể mang lại thuận lợi cho hoạt động đa dạng hoá khi doanh nghiệp sản xuất loại sản phẩm được nhà nước khuyến khích và ngược lại có thể mang đến sự thất bại cho doanh nghiệp khi sản phẩm đó bị hạn chế hoặc nghiêm cấm sản xuất.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện vai trò chủ thể kinh doanh của mình, mục tiêu kinh tế của doanh nghiệp có thể mâu thuẫn với các mục tiêu xã hội, điều quan trọng là doanh nghiệp phải biết dung hoà các lợi ích để vừa đạt được các mục tiêu của mình vừa góp phần phát triển xã hội.

Tính chất nguyên vật liệu và sản phẩm của doanh nghiệp:

Đặc điểm sản phẩm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với đa dạng hoá sản phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tiêu thụ sản phẩm, doanh thu, lợi nhuận, vòng quay vốn...

Nguyên nhiên vật liệu mà mỗi doanh nghiệp sử dụng rất phong phú và đa dạng, chúng đựoc gọi là đối tượng lao động - một trong ba yếu tố của quá trình sản xuất, thiếu nguyên vật liệu thì quá trình sản xuất bị gián đoạn không thực hiện được. Trong quá trình sản xuất con người sử dụng tư liệu lao động làm thay đổi hình dáng, kích thước, tính chất lý hóa của đối tượng lao động để tạo ra những sản phẩm công nghiệp với chất lượng ngày càng cao, thoả mãn đầy đủ nhu cầu của thị trường.

Chủng loại nguyên vật liệu đơn giản hay phức tạp đều có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm, đến hiệu quả việc phát triển đa dạng hoá sản phẩm và do đó ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngược lại mức độ đa dạng hoá trong doanh nghiệp cao hay thấp theo hình thức nào đi nữa thì cũng đòi hỏi việc cung ứng phải đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, số lượng, thời gian giao hàng mà điều này lại phụ thuộc rất lớn vào tính chất nguyên vật liệu. Nhìn chung mối quan hệ giữa đa dạng hoá sản phẩm và tính chất nguyên liệu đưa vào sản xuất thay đổi tùy thuộc vào đặc điểm sản xuất từng ngành và phương hướng sản xuất kinh doanh. Vì vậy để có được phương án đa dạng hoá sản phẩm hợp lý và có hiệu quả mỗi doanh nghiệp phải xác định được mức độ ảnh hưởng của nguyên vật liệu hạn chế tác động tiêu cực của nó đến đa dạng hoá nói riêng và quá trình kinh doanh nói chung của doanh nghiệp.

Yếu tố lao động:

Giống như yếu tố nguyên vật liệu, lao động là một trong ba yếu tố của quá trình sản xuất, trực tiếp tác động tới thành quả kinh doanh của doanh nghiệp

Khi thực hiện đa dạng hoá trên cơ sở chuyên môn hoá, doanh nghiệp đã có một đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhưng điều quan trọng hơn cả để thực hiện thành công đa dạng hoá là cơ cấu lao động trong công ty được tổ chức như thế nào. Lực lượng lao động bảo đảm được số lượng, chất lượng, giới tính và lứa tuổi được sử dụng đúng chỗ là một điều kiện thuận lợi khi mở rộng sản xuất những mặt hàng mới.

Để quản lý một danh mục sản phẩm với nhiều chủng loại phức tạp thì yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ lãnh đạo cũng rất cao. Mặt khác chính những nhà quản lý cũng là những người vạch ra chiến lược đa dạng hoá cho công ty vì vậy họ phải có sự hiểu biết, kinh nghiệm và một tầm nhìn xa.

Tuy vậy một cơ cấu lao động tối ưu không đủ để mang đến thành công cho doanh nghiệp khi nó không được đặt trong một môi trường làm việc lành mạnh có văn hoá và khuyến khích người lao động có trách nhiệm với công việc, không ngừng sáng tạo vươn lên vì bản thân và vì sự phát triển của doanh nghiệp.

Vốn:

Một nguồn lực quan trọng để thực hiện đa dạng hoá sản phẩm là tiềm năng vốn của doanh nghiệp vì vậy phải đánh giá đầy đủ về nguồn vốn, tính chất và khả năng khai thác các nguồn. Thực hiện đa dạng hoá sản phẩm liệu doanh nghiệp có phải đầu tư thêm không hay đầu tư mới ? Đầu tư vốn cố định hay vốn lưu động ? Tỉ lệ giữa vốn cố định và vốn lưu động là bao nhiêu ?. Liệu kết quả thực hiện đa dạng hoá sản phẩm có bù đắp được chi phí hay không ?. Sau đa dạng hoá mức doanh lợi là bao nhiêu, vòng quay vốn cố định, vốn lưu động như thế nào ?.

Đặc điểm công nghệ, máy móc thiết bị của doanh nghiệp:

Máy móc thiết bị có vai trò rất quan trọng trong sản xuất, nó không chỉ chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng vốn doanh nghiệp mà còn quyết định điều kiện và khả năng sản xuất kinh doanh. Khả năng khai thác tối đa công suất thiết bị máy móc là điều kiện cần để thực hiện đa dạng hoá hiệu quả.

Các đặc điểm công nghệ của doanh nghiệp như : đơn giản hay phức tạp, chuyển giao dọc hay ngang trình độ cao hay thấp ...cũng là một nhân tố quyết định mức độ đa dạng hoá. Kỹ thuật công nghệ kém sẽ khó nâng cao năng lực sản xuất, khó sản xuất những mặt hàng có cùng công nghệ sản xuất với sản phẩm đang được sản xuất, kết quả là đa dạng hoá sản phẩm sẽ không thực hiện được. Mặt khác nó cũng ảnh hưởng đến công tác định mức, tiết kiệm nguyên vật liệu, hạ giá thành, đẩy mạnh tiêu thụ, mở rộng thị trường, khó cạnh tranh với các đối thủ của mình.

Tóm lại, trong môi trường cạnh tranh sôi động, các doanh nghiệp phải luôn năng động và nhạy bén nắm bắt các cơ hội kinh doanh phản ánh trong cơ cấu sản phẩm mỗi thời kỳ. Trong quá trình ấy phải đánh giá đúng khả năng hiện có và có thể có của doanh nghiệp .Việc phân tích khả năng của doanh nghiệp được thực hiện trên nhiều góc độ khác nhau: khả năng các yếu tố của quá trình sản xuất ( nhân tài , vật lực ...), khả năng của các tài sản hữu hình và vô hình...Như vậy việc đánh giá khả năng của doanh nghiệp đã vượt ra khỏi phạm vi từng doanh nghiệp cá biệt, mà được xem xét trong mối quan hệ với các doanh nghiệp có liên quan. Để thực hiện việc này,việc thu thập thông tin và việc đưa doanh nghiệp tham gia các tổ chức liên kết thích ứng có tầm quan trọng đặc biệt.

0