18/06/2018, 12:55

Điện Biên

Tượng đài chiến thắng Nhắc đến cái tên Điện Biên, bạn bè quốc tế sau hơn 50 năm vẫn còn thắc mắc tại sao một vùng đất hẻo lánh “vời vợi nghìn trùng” của một đất nước nhỏ ...

Tượng đài chiến thắng

Nhắc đến cái tên Điện Biên, bạn bè quốc tế sau hơn 50 năm vẫn còn thắc mắc tại sao một vùng đất hẻo lánh “vời vợi nghìn trùng” của một đất nước nhỏ bé như Việt Nam lại có thể làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chỉ có đặt chân đến vùng đất nơi biên giới miền núi Tây Bắc này, cảm nhận cái hay, cái đẹp, cái tinh hoa của các dân tộc, cảm nhận sự anh dũng kiên cường “gan không núng, chí không mòn” của thế hệ cha anh thông qua các công trình văn hóa, sống lại không khí sôi sục của 56 ngày đêm “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” chiến đấu gian khổ qua những di tích lịch sử Điện Biên Phủ, thưởng thức các điệu múa và làn điệu dân ca, sản phẩm văn hóa truyền thống các dân tộc ở Điện Biên, bạn sẽ hiểu được tại sao lại có:

‘Chín năm làm một Điện Biên.

Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng"

(Tố Hữu)

 

Điện Biên - địa danh ghi dấu ấn lịch sử thời đại

 

Nằm phía tây bắc của tổ quốc, có núi non bao bọc taọ thành một vùng lòng chảo rộng lớn và trù phú, điều kiện tự nhiên thuận lợi đã làm cho Điện Biên có nhiều cảnh đẹp thiên nhiên rất kỳ thú. Cánh đồng Mường Thanh trải rộng một màu xanh no ấm, những bản làng trù phú, những con suối ngoằn ngoèo cạnh những con đường nhựa láng bóng. Bên cạnh đó còn có những cánh rừng xanh thẳm còn giữ được vẻ đẹp nguyên sinh của mình, với các loại cây cổ thụ quý, các loại thú hoang dã như rừng nguyên sinh Mường Nhé. Ngoài ra Điện Biên còn rất nổi tiếng với những hồ nước rộng, đẹp, nhiều hang động, nguồn nước khoáng như: các hang động tại Thẩm Púa (Tuần Giáo); các suối khoáng nóng Hua Pe, U Va; các hồ Pá Khoang, Pe Luông, Huổi Phạ, động Pa Thơm, (Điện Biên)..

Cánh đồng Mường Thanh

Chính vì vậy,  Điện Biên có vị trí chiến lược rất quan trọng, qua nhiều thời kỳ lịch sử còn để lại những di tích có giá trị nhân văn, trong đó nổi bật nhất là hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ mang tầm cỡ quốc tế gồm: Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - Mường Phăng; các cứ điểm Him Lam, Bản kéo, Độc lập; Các đồi A1, C1, D1, E1 và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của Pháp (Khu hầm De Castrie). Quần thể di tích này là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển du lịch không những của tỉnh Điện Biên, của Tây Bắc mà còn của cả nước.

Hố bộc trên đồi A1

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nơi lưu giữ, trưng bày hàng nghìn các hiện vật, tranh, ảnh… liên quan đến chiến dịch. Những hiện vật đã theo chân người lính phục vụ cho chiến dịch Điện Biên  50 năm trước, với những chiếc xe đạp thồ gạo nổi tiếng, những chiếc áo chấn thủ giản dị cho đến những khẩu pháo, những chiếc xe tăng đồ sộ…

Hầm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Hầm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nơi Đại tướng đã cùng các đồng chí trong Ban chỉ huy bàn việc đánh địch trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

 Tinh hoa văn hoá Điện Biên

 

Một phần làm nên một Điện Biên luôn mặn nồng trong lòng dân cả nước, ấy là bản sắc văn hóa độc đáo, phong tục tập quán đặc thù quyện hòa cùng sắc đẹp hoa Ban và điệu Xòe mê mải. Một vùng đất đang hừng hực nhịp sống xanh tươi cùng sức sống bản mường, thân thuộc và gần gũi với không chỉ đồng bào các dân tộc nơi đây...

Điện Biên là nơi gặp gỡ và cư trú của 21 dân tộc anh em, trong đó, đông nhất là người Thái 46%; người Kinh 24,6%; Mông 18,6%; Khơ mú 5,6%, còn lại là người Lào, Tày, Nùng, Hoa, Puộc, Xinh mun... nên có một truyền thống văn hoá rất đặc sắc.

Đó là những di tích như Thành Tam Vạn, ở xã Xa Mứn bây giờ, theo Hưng Hoá kỳ lược tương truyền trong thành có 30 nghìn cối giã gạo bằng guồng nước, 30 nghìn dân đinh, hay thành Bản Phủ, một toà thành mà Hoàng công Chất - một vị tướng tài, đã giải phóng Mường Thanh cách đây 250 năm - đã phải xây dựng trong 4 năm mới đáp ứng được yêu cầu về bố phòng vùng tây bắc…

Hay những ngôi nhà sàn cao rộng, kiến trúc không phức tạp, nhưng mang nét đặc trưng của người Thái Điện Biên. Trong ngôi nhà ấy, lúc nông nhàn, chị em đưa thoi dệt vải thổ cẩm. Rất nhiều khăn piêu, váy, áo, túi xách… thêu hoa văn tinh xảo bán tại các chợ, điểm du lịch do chính bàn tay khéo léo của các thiếu nữ Thái Điện Biên làm ra.

Và trống đồng cổ được phát hiện ở bản Phiềng Quái, xã Noong luống, Điện Biên. Các nhà khảo cổ học đã xác định đây là chiếc trống đồng cổ thuộc nền văn hoá Đông sơn, loại muộn, khẳng định sự giao lưu văn hoá từ xa giữa miền ngược và miền xuôi.

Bên cạnh các loại hình văn hóa vật thể, Điện Biên còn có tiềm năng phong phú về văn hóa phi vật thể, với 21 dân tộc anh em chung sống, mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng rất đa dạng, trong đó điển hình là dân tộc Thái, dân tộc H' Mông.

Đó là những điệu xoè Thái - nét văn hoá đặc trưng, "tài sản" chung của các dân tộc ở Điện Biên. Cuộc sống lao động đã hình thành nên một trong những nét đẹp truyền thống là những điệu múa xoè, tiếng Thái là “Xóe voóng”. Khi những tiếng trống, tiếng chiêng nổi lên đan xen tiếng reo hò của nam thanh, nữ tú vòng xòe được hình thành. Vòng xòe có sức hút mãnh liệt và không phân biệt già trẻ, gái trai. Khi nhạc cụ truyền thống vang lên mọi người đều có thể tham gia vào vòng xòe, quây quần bên đống lửa, và vòng xòe không ngừng mở rộng. Múa xòe là yếu tố thúc đẩy lao động sản xuất phát triển. Sau những ngày lao động vất vả của đồng bào dân tộc vùng cao, đêm đêm dưới ánh trăng, bên đống lửa bập bùng tiếng trống, chiêng vang lên như mời gọi bạn xòe đến quây quần cùng nắm tay lung linh trong đêm hội điệu xòe hoa. Trong không khí đêm hội, con người quên đi những mệt nhọc, cùng cười vui bớt sầu lo, trở về với tâm trạng thoải mái. Sau hội xòe, trở lại với cuộc sống đời thường con người thấy yêu lao động, yêu cuộc sống hơn và hăng say sản xuất chờ ngày hội mới. Xòe còn là nơi con người gửi gắm tình yêu của đồng bào dân tộc. Khi tham gia vòng xòe trai gái được gần nhau, được lựa chọn bạn xòe, là nơi để thể hiện tình cảm riêng tư. Vòng xòe gắn kết tình cảm con người với nhau.

Múa Sạp

Điệu múa sạp cổ truyền của đồng bào Thái với những chiếc chầy giã gạo xếp thành đôi trên những hàng gỗ. Người múa cứ múa, người vỗ nhịp chầy theo một tiết tấu rộn ràng và rất khí thế. Thuở xưa, chưa có nhạc nền, chỉ có múa chưa có hát. Nhưng từng đôi, từng đôi nam nữ phải nhảy thế nào để không va vào chân. Dưới những hàng chầy gỗ đặt song song là những đôi chân đẹp của từng đôi nam thanh nữ tú. Ngày xuân, phụ nữ Thái mặc váy thêu, lưng đeo xà tích, quả táo bạc, đội piêu, trang sức đầy mình để nhảy với người bạn khác giới. Nhảy sạp không chỉ vui mà còn luyện cơ thể dẻo dai, khoẻ mạnh

Về văn hóa dân gian có kho tàng ca dao dân ca, truyện cổ tích của các dân tộc, các lễ hội truyền thống, các di chỉ khảo cổ... Tất cả hợp thành sắc thái văn hóa riêng của các dân tộc vùng Tây Bắc Việt Nam.

Rượu cần Điện Biên với vị  thơm ngọt đặc trưng, hương vị khác hẳn rượu cần Tây Nguyên, hòa quyện cùng nậm pịa (dê hấp chấm nước xốt từ ruột non), xôi nếp, măng đắng nướng…, đầy vị núi rừng là một trong những nét đặc sắc của văn hoá ẩm thực nới đây.
Lễ hội truyền thống ở Điện Biên là một hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc phản ánh đời sống tâm linh của mỗi dân tộc. Thông qua lễ và hội, trong chừng mực nhất định du khách có thể biết được phong tục tập quán của nhân dân địa phương. Đó là những lễ hội như:  
Lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ Là ngày lễ lớn quan trọng nhất của tỉnh có ý nghĩa quốc gia và quốc tế rất sâu sắc được tổ chức vào ngày 7 tháng 5 hàng năm và được tổ chức rất long trọng vào những năm chẵn, năm tròn.
Vào những ngày này, hàng vạn du khách trong và ngoài nước đến đây để được ngắm nhìn những địa danh một thời oanh liệt, để được chiêm nghiệm và nghiêng mình trước lịch sử.
Lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ bắt đầu bằng cuộc mít tinh ôn lại những trang sử hào hùng. Sau lễ mít tinh là những hoạt động chào mừng làm cho không khí của ngày lễ thêm tưng bừng, phấn khởi.
Lễ hội thành Bản Phủ: Là lễ hội lớn, được tổ chức hàng năm để tưởng nhớ công lao to lớn của lãnh tụ Hoàng Công Chất cùng tướng Ngải, tướng Khanh và nghĩa quân trong công cuộc giải phóng Mường Then – Điện Biên khỏi sự chiếm đóng của giặc Phẻ.
Lễ hội được tổ chức vào các ngày 24, 25 tháng Hai âm lịch hàng năm tại Bản Phủ với các phần lễ, ẩm thực dân tộc, múa, biểu diễn các tiết mục của các dân tộc ở địa phương.
Lễ hội mừng măng mọc (Kin Lẩu Nó): Đây là lễ hội của các dân tộc miền núi phía Bắc, như: dân tộc Mảng, Kháng, Xinh Mun, La Hủ, Khơ Mú, Phù Lá.
Lễ hội diễn ra vào đầu mùa mưa khi những búp măng nhú lên khỏi mặt đất mà theo quan niệm của người dân tộc là thời điểm bắt đầu mùa sản xuất trong năm. Họ mở hội với một ước mong mùa màng tốt tươi, dân bản ấm no đồng thời bày tỏ lòng biết ơn thần trời, thần đất.
Lễ cúng bản của người Cống: Hàng năm, cứ vào mùa tháng 3 âm lịch, các bản đều tổ chức lễ cúng bản trước vụ gieo hạt.
Vào ngày lễ, các ngả đường vào bản đều dựng cổng, cắm dấu hiệu kiêng kị không ai được vào bản. Sau đó từng gia đình làm lễ cúng trên nương. Đây là lễ cầu mùa màng tốt tươi, côn trùng và chim chóc không phá hoại mùa màng.
Tết cơm mới của người La Hủ: Người La Hủ thường tổ chức lễ cơm mới vào tháng mười hoặc tháng 11 âm lịch.
Điều đặc biệt là trong dịp tết cơm mới này, người La Hủ kiêng 3 ngày không đi hái rau, lấy củi, chặt cây, phát cỏ trong rừng để cầu mong cây cỏ tốt tươi quanh năm. Trong dịp lễ tết, người La Hủ dùng trống để giữ nhịp múa xoè.
Hạn khuống giao duyên: Hạn khuống là một hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Thái. Lễ hội thường được tổ chức sau vụ thu hoạch vào tháng 11 hàng năm.
Lễ hội được tổ chức trên khoảng đất rộng ở bản, thanh niên nam nữ dựng sàn, sàn cao khoảng 1,5m, có hàng rào bao quanh bằng phên mắt cáo, chỉ có một cửa ra vào. Bên sàn thanh niên nam nữ hát đối đáp đến khuya. Đêm hôm sau họ lại tiếp tục ca hát vui đùa trò chuyện.
Lễ Hạn Khuống do bên gái tổ chức thực ra là một cuộc vui để tìm hiểu bạn đời sau đó chia tay về nhà chồng. Chính vì vậy, Hạn Khuống đã để lại biết bao kỷ niệm và ấn tượng đẹp của một thời trẻ trung sôi nổi.

Hội Hao Ban: Hàng năm, cứ vào dịp tháng 2 âm lịch, thời tiết bắt đầu nắng ấm sau những cơn mưa xuân, hoa ban bắt đầu nở trắng cả núi rừng Tây Bắc thì người Thái Tây Bắc lại đi trẩy hội hoa ban.

Cứ đến ngày trẩy hội hoa ban, các chàng trai, cô gái Thái lại có dịp gặp nhau, hò hẹn, tâm tình. Chàng trai Thái ngắt những bông hoa ban đầu xuân đẹp nhất cài lên mái tóc của người mình yêu. Cô gái Thái e ấp, thẹn thùng nấp mình dưới những lộc ban xanh mướt.
Hội hoa ban mở ra không chỉ là ngày hội của tình yêu và hạnh phúc, mà cũng là dịp để người Thái cầu mùa, cầu phúc; là dịp để bày tỏ đạo hiếu đối với ông bà, cha mẹ; là dịp để trai gái qua lại với nhau, tìm hiểu nhau qua tiếng hát, tiếng đàn

Sự kết hợp giữa quần thể di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ - di tích lịch sử vô giá và bản sắc văn hóa dân gian của các dân tộc Điện Biên đã khiến cho vùng đất này trở thành điểm hẹn lịch sử, một điểm đến đây hấp dẫn .

Hơn 50 năm đã trôi qua, Điện Biên hôm nay đang từng bước trưởng thành, khẳng định mình để tương xứng với tầm vóc “lừng lẫy Năm châu, chấn động Địa cầu” trở thành niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam.

0