25/05/2018, 09:30

Địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam

Địa vị pháp lý của công đoàn thể hiện trên hai lĩnh vực chủ yếu là: Lĩnh vực tham gia quản lý nhà nước về lao động, quản lý sản xuất kinh doanh, thực hiện quyền làm chủ tập thể lao động. Lĩnh vực chăm lo cải thiện đời sống ...

Địa vị pháp lý của công đoàn thể hiện trên hai lĩnh vực chủ yếu là:

  • Lĩnh vực tham gia quản lý nhà nước về lao động, quản lý sản xuất kinh doanh, thực hiện quyền làm chủ tập thể lao động.
  • Lĩnh vực chăm lo cải thiện đời sống và việc làm cho người lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động được pháp luật quy định.

Địa vị pháp lý của Công đoàn trong lĩnh vực tham gia quản lý nhà nước về lao động, quản lý sản xuất kinh doanh, thực hiện quyền làm chủ của tập thể lao động

a. Công đoàn trong việc tham gia quản lý Nhà nước về lao động

Nội dung quản lý Nhà nước về lao động bao gồm: việc xây dựng và tổ chức các chương trình quốc gia về lao động, việc làm, các chế độ chính sách về lao động và xã hội; phân bổ sử dụng nguồn lao động, thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật lao động...

Trong hoạt động quản lý Nhà nước về lao động, công đoàn có quyền :

- Tham gia xây dựng các chương trình quốc gia về kinh tế xã hội,

- Quyền tham dự hội nghị của các cơ quan chính quyền các cấp,

- Tham gia giải quyết việc làm,

- Tham gia quản lý bảo hiểm xã hội,

Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và công đoàn các cấp có quyền tham gia giám sát việc quản lý Nhà nước về lao động theo quy định của pháp luật.

Tổng liên đoàn lao động Việt Nam có quyền trình dự án luật ra Quốc hội, tham gia kiểm tra, giám sát việc thi hành các quy định của pháp luật lao động, tham gia hướng dẫn việc thực hiện những văn bản pháp quy về lao động có liên quan và trong phạm vi được Nhà nước giao.

Liên đoàn lao động địa phương tham gia ý kiến với chính quyền cùng cấp về những vấn đề quản lý lao động tại địa phương, tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản pháp luật lao động. Công đoàn ngành đi sâu vào việc quản lý kinh tế kỹ thuật trong ngành, tham gia xây dựng và thực hiện các chế độ chính sách về lao động, tiền lương, tiền thưởng, về đào tạo, quản lý và sử dụng tốt đội ngũ cán bộ kỹ thuật của ngành.

Trong phạm vi chức năng của mình, công đoàn tham gia kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hợp đồng lao động, tiền lương, kỷ luật lao động, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội và các quy định khác có liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động. Trong khi kiểm tra giám sát, công đoàn có quyền yêu cầu người sử dụng lao động (người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức...) trả lời những vấn đề đặt ra, kiến nghị các biện pháp sửa chữa thiếu sót, ngăn ngừa các hiện tượng vi phạm pháp luật và xử lý người vi phạm. Người sử dụng lao động trong phạm vi chức trách của mình, phải trả lời cho công đoàn biết kết quả giải quyết những kiến nghị do tổ chức này nêu ra trong thời hạn pháp luật quy định. Đối với những vấn đề chưa có điều kiện giải quyết hoặc không thể giải quyết được cũng cần phải cho biết rõ lý do.

Ngoài ra trong những trường hợp cần thiết, công đoàn có thể tổ chức đối thoại giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động để giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động.

b. Việc thừa nhận tổ chức công đoàn cơ sở và tạo điều kiện thuận lợi để công đoàn hoạt động

Khi tổ chức công đoàn được thành lập theo đúng Luật Công đoàn, Điều lệ công đoàn, thì người sử dụng lao động phải thừa nhận tổ chức đó. Người sử dụng lao động phải cộng tác chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi để công đoàn hoạt động theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn. Người sử dụng lao động không được phân biệt đối xử vì lý do người lao động thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn, không được dùng các biện pháp kinh tế và các thủ đoạn khác để can thiệp vào tổ chức, hoạt động công đoàn; phải bảo đảm các phương tiện cần thiết cho công đoàn hoạt động, phải dành một số thời gian cần thiết cho cán bộ công đoàn không chuyên trách hoạt động, có trả lương (Không được ít hơn 3 ngày làm việc trong một tháng.). Đối với người làm công tát công đoàn chuyên trách thì tiền lương của họ do quỹ công đoàn chi trả, song phúc lợi tập thể và các quyền lợi khác cũng được hưởng như mọi người khác trong doanh nghiệp.

Ở những doanh nghiệp đang hoạt động chưa có tổ chức công đoàn thì chậm nhất sau sáu tháng, kể từ ngày 01/01/2003 và ở những doanh nghiệp mới thành lập thì sau sáu tháng kể từ ngày bắt đầu hoạt động, công đoàn địa phương, công đoàn ngành có trách nhiệm thành lập tổ chức công đoàn lâm thời tại doanh nghiệp để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và tập thể lao động.

c. Công đoàn trong việc tổ chức, chỉ đạo đại hội công nhân viên chức, và phong trào thi đua trong cơ quan, doanh nghiệp

Đại hội công nhân viên chức là hình thức hoạt động dân chủ của người lao động để bàn về việc thực hiện mục tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh và vấn đề cải thiện các điều kiện làm việc, sinh hoạt và đời sống của người lao động.

Giám đốc cùng với công đoàn chịu trách nhiệm chuẩn bị nội dung và tổ chức đại hội. thông thường đại hội công nhân viên chức họp mỗi năm 2 lần, ít nhất mỗi năm 1 lần. Thông qua đại hội, tập thể lao động đề ra phương hướng và biện pháp thực hiện sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống, kể cả việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, tay nghề cho người lao động.

Để có thể hoàn thành tốt mục tiêu sản xuất kinh doanh, trên cơ sở đó cải thiện đời sống của người lao động, công đoàn cùng với người sử dụng lao động đề ra phương hướng, biện pháp và các chỉ tiêu thi đua để tổ chức và vận động các phong trào thi đua. Mục đích của việc tổ chức các phong trào thi đua là nhằm phát huy sáng kiến, trao đổi kinh nghiệm để tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác, tiết kiệm nguyên vật liệu, hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đối với những người trực tiếp sản xuất, mục tiêu đó thể hiện ở việc áp dụng các biện pháp hoàn thành tốt định mức lao động, định mức tiêu hao vật tư...; Đối với những người làm công tát khoa học kỹ thuật, mục tiêu đó thể hiện ở các biện pháp thực hiện tốt các đề tài nghiên cứu nhằm thúc đẩy tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đối với những người làm công tác nghiệp vụ hành chính, mục tiêu đó là việc hoàn thành nhiệm vụ, chương trình công tác chuyên môn.

Trong phong trào thi đua, giám đốc có nghĩa vụ cung cấp các điều kiện vật chất cho việc duy trì phong trào thi đua. Công đoàn có quyền yêu cầu giám đốc và các cơ quan chuyên môn hữu quan khác giải quyết những khó khăn về vật chất kỹ thuật, nhất là việc áp dụng các thành tựu khoa học, sáng kiến mới vào sản xuất.

Công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức việc sơ kết, tổng kết phong trào thi đua; có khen thưởng đối với những người lao động có thành tích trong phong trào và bồi dưỡng những điển hình tốt. Công đoàn có quyền cử đại diện của mình vào các ban thi đua để tổ chức và chỉ đạo phong trào thi đua.

d. Công đoàn trong việc ký kết thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động

Thỏa ước lao động tập thể là văn bản ký kết giữa Ban chấp hành công đoàn cơ sở (hoặc tổ chức công đoàn lâm thời) với giám đốc doanh nghiệp về những vấn đề có liên quan trong quan hệ lao động.

Theo điều 45 Bộ luật Lao động, công đoàn la một trong hai chủ thể tham gia xây dựng thỏa ước lao động tập thể. nội dung thỏa ước lao động tập thể bao gồm những cam kết về việc làm thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, tiền thưởng, định mức lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội đối với người lao động. Nhà nước khuyến khích các bên ký kết thỏa ước lao động tập thể với những quy định có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật lao động.

Các điều khoản của thỏa ước lao động tập thể chỉ có thể được hình thành trên cơ sở các bên thương lượng, thỏa thuận tự nguyện và bình đẳng. Người sử dụng lao động không thể đưa ra các điều kiện ép buộc phía công đoàn ký kết những điều khoản vi phạm pháp luật.

Nhà nước, bằng công cụ pháp luật để cho công đoàn đại diện cho người lao động trong việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước đối với tổ chức rộng rãi nhất của giai cấp công nhân và những người lao động. Với quy định đó Nhà nước không chỉ tạo điều kiện để công đoàn thực hiện chức năng cơ bản nhất là bảo vệ người lao động, mà còn là một phương pháp pháp lý hữu hiệu để công đoàn tham gia có hiệu quả và việc quản lý doanh nghiệp, điều hòa quyền lợi, ngăn ngừa xung đột. Đối với tổ chức công đoàn, việc pháp luật lao động quy định sự tham gia của công đoàn vào việc ký kết thỏa ước lao động tập thể cho thấy vai trò và trách nhiệm của công đoàn rất to lớn trong việc tham gia có hiệu quả vào quản lý doanh nghiệp, và đặc biệt trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

e. Công đoàn trong việc kiểm tra, giám sát an toàn lao động, vệ sinh lao động và kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tham gia cùng với chính phủ trong việc xây dựng chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học và xây dựng pháp luật về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động. (Khoản 3 Điều 95 Bộ luật Lao động)

Bộ Lao động - thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành danh mục các loại bệnh nghề nghiệp sau khi đã lấy ý kiến của tổng liên đoàn lao động Việt Nam và đại diện người sử dụng lao động.

Luật Công đoàn cũng quy định khá cụ thể quyền của tổ chức công đoàn kiểm tra, giám sát công tác bảo hộ lao động và chấp hành pháp luật gồm :

- Quyền đề xuất việc xây dựng, bổ sung hoặc sửa đổi các chế độ bảo hộ lao động và pháp luật lao động với các cơ qua có thẩm quyền của Nhà nước.

- Quyền theo dõi việc cấp phát trang bị phòng hộ; giám sát việc thi hành chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động; theo dõi, đôn đốc việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người lao động; đề xuất với giám đốc và các cơ quan có trách nhiệm những biện pháp khắc phục và xử lý các vi phạm về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

- Quyền thành lập các tiểu ban bảo hộ lao động ở các cơ sở nhằm giúp cho Ban chấp hành công đoàn nắm bắt kịp thời các hiện tươûng vi phạm về bảo hộ lao động, đề xuất các kiến nghị về việc xử lý.

- Quyền tổ chức đối thoại giữa người sử dụng lao động với tập thể người lao động trong những trường hợp cần thiết nhằm làm sáng tỏ hoặc giải quyết những vướng mắc mà tập thể lao động nêu ra.

Địa vị pháp lý của Công đoàn trong lĩnh vực chăm lo cải thiện đời sống và việc làm cho người lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động được pháp luật quy định

a. Công đoàn trong việc giải quyết việc làm cho người lao động và can thiệp khi người lao động mất việc làm

Giải quyết việc làm, đảm bảo cho mọi người lao động có cơ hội có việc làm là trách nhiệm của Nhà nước, của các doanh nghiệp và toàn xã hội, trong đó có tổ chức công đoàn.

Các cấp công đoàn từ Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tới các công đoàn cơ sở phải kết hợp với cơ quan Nhà nước và những người sử dụng lao động trong việc bàn bạc, giải quyết các vấn đề về quan hệ lao động ở cả tầm vĩ mô và vi mô; Có quyền lập các tổ chức dịch vụ việc làm, dạy nghề, tương tế, tư vấn pháp luật và các cơ sở phúc lợi chung cho người lao động và các quyền lợi khác theo quy định của Luật Công đoàn và của Bộ luật Lao động.

Đối với người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp mà có thu nhập thấp hoặc không có đủ việc làm, công đoàn có trách nhiệm bàn bạc với người sử dụng lao động bằng nhiều cách nâng cao tay nghề, đào tạo lại nghề, tạo thêm việc làm... để giúp người lao động có thêm nguồn thu nhập đảm bảo đời sống.

Pháp luật cũng quy định quyền và nghĩa vụ của công đoàn trong việc bảo vệ người lao động trong lĩnh vực chấm dứt hợp đồng lao động và mất việc làm.

Để tránh việc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động một cách tùy tiện, Điều 17 khoản 2 Bộ luật Lao động quy định nếu người sử dụng lao động thấy cần cho lần lượt nhiều người lao động thôi việc trong trường hợp thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ thì phải công bố danh sách, căn cứ vào nhu cầu của doanh nghiệp, tay nghề, hoàn cảnh gia đình và những yếu tố khác của từng người để lần lượt cho thôi việc sau khi đã trao đổi, nhất trí với Ban chấp hành công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp.việc cho thôi việc chỉ được tiến hành sau khi đã báo cho cơ quan lao động địa phương biết.

Trong những trường hợp người sử dụng lao động được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì trước khi chấm dứt hợp đồng, người sử dụng lao động phải trao đổi nhất trí với Ban chấp hành công đoàn cơ sở. Trong trường hợp không nhất trí, hai bên phải báo cáo với cơ quan tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày kể từ ngày báo cho cơ quan lao động biết , người sử dụng lao động mới có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trường hợp không nhất trí với người sử dụng lao động, Ban chấp hành công đoàn cơ sở và người lao động có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự do pháp luật quy định.

Khi người lao động có quyền tạm đình chỉ người lao động trong những trường hợp cần thiết theo luật định thì trước khi quyết định tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của Ban chấp hành công đoàn cơ sơ (Điều 92 Bộ luật Lao động).

Các thủ tục trên là bắt buộc và phải có trong mọi trường hợp. Tổ chức công đoàn có nghĩa vụ góp ý kiến, bàn bạc cụ thểì trước những vấn đề có đụng chạm đến lợi ích hợp pháp của người lao động, nếu không được người sử dụng lao động nhất trí thì có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động.

b. Công đoàn với vấn đề đảm bảo tiền lương cho người lao động

Tiền lương là khoản thu nhập chính của người lao động. Vai trò của công đoàn trong việc đảm bảo tiền lương cho người lao động thể hiện trong các nội dung sau :

- Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được Chính phủ hỏi ý kiến trước khi quyết định và công bố mức lương tối thiểu chung, mức lương tối thiểu vùng, mức lương tối thiểu ngành và công đoàn có quyền giám sát người sử dụng lao động trả lương cho người lao động không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

- Trong trường hợp người sử dụng lao động khấu trừ tiền lương thì phải cho người lao động biết lý do cụ thể và trước khi khấu trừ, người sử dụng lao động phải thảo luận với Ban chấp hành công đoàn cơ sở. Nếu có khấu trừ cũng không được quá 30 % tiền lương hàng tháng.

c. Công đoàn với vấn đề kỷ luật lao động và xử lý kỷ luật lao động

Kỷ luật lao động thể hiện trong bản nội quy của doanh nghiệp do người sử dụng lao động ban hành. Tuy nhiên, người lao động lại là đối tượng chủ yếu phải thực hiện bản nội quy ấy. Công đoàn với tư cách là đại diện tập thể người lao động có quyền tham gia góp ý kiến xây dựng dự thảo nội quy lao động. Bộ luật Lao động quy định trước khi ban hành nội quy lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của Ban chấp hành công đoàn cơ sở. Ban chấp hành công đoàn cơ sở cũng được tham khảo ý kiến khi người sử dụng lao động lao động quy định lịch nghỉ hàng năm.

Việc xử lý kỷ luật lao động mặc dù thuộc thẩm quyền của người sử dụng lao động song do việc xử lý kỷ luật lao động là một việc hệ trọng có liên quan đến danh dự việc làm của người lao động, đồng thời để bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động và nâng cao hiệu quả giáo dục người vi phạm, pháp luật lao động quy định khi xem xét kỷ luật bắt buộc phải có mặt đương sự và phải có sự tham gia của Ban chấp hành công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp.

Trong trường hợp người sử dụng lao động ra quyết định sa thải, đơn phương đình chỉ hợp đồng lao động đối với Uíy viên Ban chấp hành công đoàn cơ sở thì phải có thỏa thuận với Ban chấp hành công đoàn cơ sở. Nếu người sử dụng lao động ra quyết định sa thải, đơn phương đình chỉ hợp đồng lao động đối với Chủ tịch Ban chấp hành công đoàn cơ sở thì phải có thỏa thuận với tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp.

d. Công đoàn trong việc tổ chức, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, nghỉ ngơi, du lịch cho người lao động

Vấn đề nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động không chỉ riêng trách nhiệm của người sử dụng lao động mà còn là trách nhiệm của các cấp công đoàn, nhất là Ban chấp hành công đoàn cơ sở, nơi trực tiếp chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Công đoàn có quyền và trách nhiệm nắm vững hoàn cảnh kinh tế gia đình của các thành viên tổ chức mình trong doanh nghiệp để từ đó có biện pháp giúp đỡ về tinh thần và vật chất. Công đoàn cơ sở cùng với người sử dụng lao động chăm lo đến đời sống văn hóa, hoạt động thể dục, thể thao, tổ chức nghỉ ngơi, du lịch... cho người lao động, nhất là vấn đề tạo nguồn kinh phí và sắp xếp thời gian cho mọi người lao động hàng năm đều được hưởng các quyền này.

Công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động trong việc sử dụng quỹ phúc lợi tập thể của đơn vị được thực hiện công khai và dân chủ trong việc cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, chăm lo sức khỏe cho người lao động. Trong những trường hợp nhất định công đoàn trong các doanh nghiệp Nhà nước còn có quyền kiểm tra hoặc đình chỉ việc sử dụng quỹ này nếu thấy việc sử dụng quỹ sai mục đích hoặc không đúng với nghị quyết của hội nghị công nhân viên chức.

Tổng liên đoàn lao động Việt Nam còn có thẩm quyền tham gia với chính phủ trong các vấn đề xây dựng Điều lệ Bảo hiểm xã hội, thành lập hệ thống tổ chức bảo hiểm xã hội, xây dựng quy chế tổ chức, hoạt động của quỹ bảo hiểm xã hội (Điều 150 Bộ luật Lao động). Công đoàn địa phương và cơ sở tham gia cùng với các cấp chính quyền và người sử dụng lao động trong việc thực hiện và giám sát việc thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội do Nhà nước ban hành.

e. Công đoàn trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người lao động và giải quyết tranh chấp lao động

Tùy từng lĩnh vực và phạm vi hoạt động, công đoàn có quyền tham gia trực tiếp với người sử dụng lao động hoặc chính quyền cùng cấp giải quyết các khiếu nại, tố cáo của người lao động hoặc với tư cách là đại diện hợp pháp của tập thể người lao động, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động khiếu nại, tố cáo với các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước xem xét và giải quyết.

Công đoàn cơ sở có quyền cử đại diện của mình vào thành phần của hội đồng hòa giải lao động cơ sở, cử thành viên vào danh sách Hội đồng trọng tài lao động hoặc tham gia vào quá trình tố tụng tại tòa án.

Ban chấp hành công đoàn cơ sở là người quyết định cuộc đình công sau khi được quá nữa tập thể người lao động tán thành bằng cách bỏ phiếu kín hoặc lấy chữ ký. Sau khi đình công Ban chấp hành công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn đến tòa án yêu cầu kết luận cuộc đình công là hợp pháp.

Ngoài ra Luật Phá sản doanh nghiệp cũng quy định trong trường hợp doanh nghiệp không trả được lương cho người lao động ba tháng liên tiếp thì đại diện công đoàn hoặc đại diện người lao động nơi chưa có tổ chức công đoàn nộp đơn đến tòa án nơi doanh nghiệp đặc trụ sở chính yêu cầu giải quyết việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

Tóm lại, trong quan hệ lao động, công đoàn là đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Khi pháp luật lao động quy định công đoàn cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội khác chăm lo và bảo vệ quyền lợi của người lao động, tham gia kiểm tra, giám sát việc thi hành các quy định của pháp luật lao động thì quyền của công đoàn được cụ thể hóa ở những mức độ khác nhau. Trong thực tiễn, việc thực thi áp dụng các quy định trên đây của pháp luật lao động còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố thuộc về năng lực hoạt động thực tiễn của chính bản thân tổ chức công đoàn .

0