Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Đoàn Thượng, Hải Dương (Lần 3)
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Đoàn Thượng, Hải Dương (Lần 3) Đề thi thử đại học môn Văn 2016 Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn là đề thi thử đại học môn Văn ...
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Đoàn Thượng, Hải Dương (Lần 3)
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn
là đề thi thử đại học môn Văn hay, giúp các bạn tự kiểm tra kiến thức bản thân, ôn tập thật tốt trước kỳ thi THPT Quốc gia môn Văn sắp tới.
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Đoàn Thượng, Hải Dương (Lần 1)
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Đoàn Thượng, Hải Dương (Lần 2)
SỞ GD&ĐT HẢI DƯƠNG TRƯỜNG THPT ĐOÀN THƯỢNG |
ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA LẦN 3 NĂM 2016 MÔN: NGỮ VĂN (Thời gian làm bài: 180 phút) (Đề thi gồm 03 trang) |
Phần I. Đọc – hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:
Tôi nhìn lại, như đôi mắt trẻ thơ
Tổ quốc tôi. Chưa đẹp thế bao giờ!
Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển
Xanh trời, xanh của những giấc mơ...
Tôi bay giữa màu xanh giải phóng
Tầng thấp, tầng cao, chiều dài, chiều rộng
Ôi Việt Nam! Yêu suốt một đời
Nay mới được ôm Người trọn vẹn, Người ơi!
Hùng vĩ thay toàn thân đất nước
Tựa Trường Sơn, vươn tới Trường Sa
Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước.
Đỏ bình minh mặt sóng khơi xa.
8 - 1975
(Trích Vui thế, hôm nay... – Tố Hữu)
Câu 1. Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào? (0,25 điểm)
Câu 2. Nêu nội dung chính của đoạn thơ? (0,25 điểm)
Câu 3. Chỉ ra và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng thơ "Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển/Xanh trời, xanh của những giấc mơ..."? (0,5 điểm)
Câu 4. Đoạn thơ đã gợi cho anh/chị tình cảm gì đối với đất nước? (Trình bày khoảng 5 đến 7 dòng). (0,5 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 5 đến Câu 8:
XIN ĐỪNG LÃNG PHÍ NƯỚC
Trong đời sống chúng ta, thứ tài sản thường bị hủy hoại, lãng phí nhiều nhất là nước. Trong ý thức nhiều người, nước là thứ trời sinh, có thể sử dụng "vô tư", "xả láng", không cần giữ gìn gì hết ! Nhưng đó là nhầm lẫn lớn của một tầm mắt hạn hẹp.
Các nhà khoa học đã cho biết nước ngọt trên trái đất này là có hạn. Tổng số nước ngọt trên trái đất ước tính chỉ có chưa đến một tỉ ki-lô-mét khối. Số nước đó được coi là đủ cho năm 1990 khi nhân loại có 3 tỉ người. Dự kiến đến năm 2025 nhân loại sẽ thêm ba tỉ người nữa, thành sáu tỉ người thì nguồn nước lấy đâu cho đủ?
Trên thế giới không phải nước nào cũng may mắn được trời cho đủ nước ngọt để dùng. Nước Xinh-ga-po hoàn toàn không có nước ngọt, phải mua nước của Ma-lai-xi-a về chế biến. Một số nước ở Cận Đông cũng xảy ra tranh chấp về nguồn nước. Trong khi đó, công nghiệp càng phát triển thì lượng nước dùng trong công nghiệp càng nhiều, nước thải công nghiệp càng làm cho sông ngòi, ao hồ bị ô nhiễm, làm giảm lượng nước ăn, chăn nuôi và trồng trọt.
Liên hợp quốc đã ra lời kêu gọi bảo vệ nguồn nước ngọt, chống ô nhiễm,... Chúng ta hãy tiết kiệm nước, giữ gìn nước cho chúng ta và cho mai sau.
(Theo Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.119)
Câu 5. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản trên? (0,25 điểm)
Câu 6. Theo tác giả, đâu là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nguồn nước bị lãng phí? (0,25 điểm)
Câu 7. Tác giả đã bày tỏ suy nghĩ và thái độ gì qua câu văn "Dự kiến đến năm 2025 nhân loại sẽ thêm ba tỉ người nữa, thành sáu tỉ người thì nguồn nước lấy đâu cho đủ ?" (0,5 điểm)
Câu 8. Suy nghĩ của anh/chị về vấn đề được bàn luận trong văn bản trên? (Trình bày khoảng 5 đến 7 dòng). (0,5 điểm)
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1 (3,0 điểm):
Có ý kiến cho rằng: "Ước mong mà không kèm theo hành động thì dù hy vọng có cánh cũng không bao giờ bay tới mục đích".
Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề trên.
Câu 2 (4,0 điểm):
Mặt sông trong tích tắc lòa sáng lên như một cửa bể đom đóm rừng ùa xuống mà châm lửa vào đầu sóng. Nhưng ông đò cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái, mặt méo bệch đi như cái luồng sóng đánh hồi lùng, đánh đòn tỉa, đánh đòn âm vào chỗ hiểm. Tăng thêm mãi lên tiếng hỗn chiến của nước của đá thác. Nhưng trên cái thuyền sáu bơi chèo, vẫn nghe rõ tiếng chỉ huy ngắn gọn tỉnh táo của người cầm lái. Vậy là phá xong cái trùng vi thạch trận vòng thứ nhất. Không một phút nghỉ tay nghỉ mắt, phải phá luôn vòng vây thứ hai và đổi luôn chiến thuật. Ông lái đã nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá. Ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này. Vòng đầu vừa rồi, nó mở ra năm sáu cửa trận, có bốn cửa tử một cửa sinh, cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn sông. Vòng thứ hai này tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền vào, và cửa sinh lại bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn. Cưỡi lên thác Sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ. Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá. Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy. Bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước bên bờ trái liền xô ra định níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử. Ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến. Những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền. Chỉ còn vẳng tiếng reo hò của sóng thác luồng sinh [...]. Còn một trùng vây thứ ba nữa. Ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả. Cái luồng sống ở chặng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác. Cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó. Thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép. Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được. Thế là hết thác. Dòng sông vặn mình vào một cái bến cát có hang lạnh. Sóng thác xèo xèo tan trong trí nhớ. Sông nước lại thanh bình. Đêm ấy nhà đò đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn tán về cá anh vũ cá dầm xanh, về những cái hầm cá hang cá mùa khô nổ những tiếng to như mìn bộc phá rồi cá túa ra đầy tràn ruộng. Cũng chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi cửa ải nước đủ tướng dữ quân tợn vừa rồi. Cuộc sống của họ là ngày nào cũng chiến đấu với Sông Đà dữ dội, ngày nào cũng giành lấy cái sống từ tay những cái thác, nên nó cũng không có gì là hồi hộp đáng nhớ... Họ nghĩ thế, lúc ngừng chèo.
(Trích Người lái đò Sông Đà – Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr. 189-190)
Cảm nhận của anh/chị về hình tượng người lái đò trong đoạn trích trên.
-------------- Hết------------
Thí sinh không được sử dụng tài liệu.