14/01/2018, 16:55

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Địa lý năm 2016 trường THCS - THPT Đông Du, Đắk Lắk (Lần 5)

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Địa lý năm 2016 trường THCS - THPT Đông Du, Đắk Lắk (Lần 5) Đề thi thử Đại học môn Địa có đáp án Đề thi thử THPT Quốc gia môn Địa lý năm 2016 là đề thi thử đại học năm ...

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Địa lý năm 2016 trường THCS - THPT Đông Du, Đắk Lắk (Lần 5)

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Địa lý năm 2016

là đề thi thử đại học năm 2016 môn Địa có đáp án đi kèm, là tài liệu ôn tập hữu ích dành cho các bạn thí sinh luyện thi THPT Quốc gia 2016, mời các bạn tham khảo.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Địa lý năm 2016 trường THCS - THPT Đông Du, Đắk Lắk (Lần 1)

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Địa lý năm 2016 trường THCS - THPT Đông Du, Đắk Lắk (Lần 2)

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Địa lý năm 2016 trường THCS - THPT Đông Du, Đắk Lắk (Lần 4)

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Địa lý năm 2016 trường THCS - THPT Đông Du, Đắk Lắk (Lần 3)

SỞ GD & ĐT  ĐAK LAK

TRƯỜNG THCS & THPT ĐÔNG DU

KIỂM TRA NĂNG LỰC THPT QUỐC GIA LẦN V

MÔN: ĐỊA LÍ

Thời gian: 180 phút (Không kể thời gian giao đề)

Câu I (2,0 điểm)

  1. Hạn hán thường xảy ra ở những khu vực nào? Nêu hậu quả của hạn hán và biện pháp hạn chế những thiệt hại do hạn hán gây ra.
  2. Trình bày đặc điểm dân cư nước ta. Dân số tăng nhanh ảnh hưởng như thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta?

Câu II (2,0 điểm) Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 21 và trang 4, 5 hãy:

  1. Kể tên các trung tâm công nghiệp thuộc vùng kinh tế Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ.
  2. Các huyện đảo: Cát Hải; Vân Đồn; Hoàng Sa; Trường Sa; Phú Qúy; Kiên Hải; Phú Quốc; Lý Sơn. Hãy sắp xếp các huyện đảo trên theo thứ tự từ Bắc vào Nam và cho biết các huyện đảo đó thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào?

Câu III (3,0 điểm) Cho bảng số liệu sau:

Lao động phân theo nhóm ngành kinh tế ở nước ta, giai đoạn 2000 - 2011

(đơn vị: nghìn người)

Năm 

 

Tổng 

Chia ra 

Nông – lâm – ngư nghiệp

Công nghiệp – Xây dựng

Dịch vụ 

2000

37.609,6

24.481,0

4.929,7

8.198,9

2005

42.542,7

24.351,5

7.785,3

10.405,9

2011

50.352,0

24.362,9

10.718,7

15.270,4

  1. Vẽ biểu đồ tròn thể hiện quy mô và cơ cấu lao động phân theo khu vực kinh tế ở nước ta giai đoạn 2000 - 2011.
  2. Nhận xét và giải thích về quy mô và cơ cấu lao động phân theo khu vực kinh tế ở nước ta giai đoạn 2000 – 2011.

Câu IV (3,0 điểm)

  1. Phân tích thuận lợi và khó khăn để phát triển ngành chăn nuôi ở nước ta.
  2. Phân tích các thế mạnh về nông – lâm – ngư ở Bắc Trung Bộ. Tại sao Việc phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông vận tải sẽ tạo bước ngoặt quan trọng trong hình thành cơ cấu kinh tế của vùng?
  3. Trình bày đặc điểm của vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế trên biển của nước ta. Tại sao kinh tế biển có vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế nước ta?

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Địa lý năm 2016

Câu I (2,0 điểm)

1. Hạn hán thường xảy ra ở những khu vực nào ? Nêu hậu quả của hạn hán và biện pháp hạn chế những thiệt hại do hạn hán gây ra. (1,0 điểm)

  • Mùa khô kéo dài và hạn hán xẩy ra ở nhiều nơi:
    • Miền Bắc: tại các thung lũng khuất gió như Yên Châu, Lục Ngạn, Sông Mã mùa khô kéo dài 3 – 4 tháng.
    • Miền Nam: Mùa khô khắc nghiệt hơn, đồng bằng Nam Bộ và vùng thấp Tây Nguyên kéo dài 3 – 4 tháng, vùng ven biển cực Nam Trung Bộ kéo dài 6 – 7 tháng.
  • Hậu quả: Hạn hán và cháy rừng gây thiệt hại cho hàng vạn cây trồng và thiêu hủy hàng vạn ha rừng, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và đời sống nhân dân.
  • Biện pháp: xây dựng các công trình thủy lợi hợp lí, tổ chức tốt công tác phòng chống có thể hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra.

2. Trình bày đặc điểm dân cư nước ta. Dân số tăng nhanh ảnh hưởng như thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta? (1,0 điểm)

  • Đặc điểm dân cư nước ta:
    • Đông dân và nhiều thành phần dân tộc
      • Đông dân: Năm 2014, dân số nước ta là 90.7 triệu người, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 13 thế giới.
      • Nhiều thành phần dân tộc: Nước ta có 54 dân tộc anh, em. Ngoài ra còn 3,2 triệu kiều bào sinh sống ở nước ngoài.
    • Dân số còn tăng nhanh và cơ cấu dân số theo tuổi đang có sự biến đổi (dẫn chứng).
    • Dân cư nước ta phân bố chưa hợp lí (dẫn chứng)
  • Ảnh hưởng của dân số tăng nhanh đến phát triển kinh tế - xã hội: áp lực đối với phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nhà ở, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập,...

Câu II (2,0 điểm)

1. Kể tên các trung tâm công nghiệp thuộc vùng kinh tế Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ. (1,0 điểm)

  • Các trung tâm công nghiệp ở Bắc Trung Bộ: Bỉm Sơn; Thanh Hóa; Vinh; Huế.
  • Các trung tâm công nghiệp ở Duyên hải Nam Trung Bộ: Đà Nẵng; Quảng Ngãi; Quy Nhơn; Nha Trang; Phan Thiết.

2. Các huyện đảo: Cát Hải; Vân Đồn; Hoàng Sa; Trường Sa; Phú Qúy; Kiên Hải; Phú Quốc; Lý Sơn. Hãy sắp xếp các huyện đảo trên theo thứ tự từ Bắc vào Nam và cho biết các huyện đảo đó thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào? (1,0 điểm)

  • Vân Đồn (Quảng Ninh)
  • Cát Hải (TP. Hải Phòng)
  • Hoàng Sa (TP. Đà Nẵng)
  • Lý Sơn (Quảng Ngãi)
  • Trường Sa (Khánh Hòa)
  • Kiên Hải (Kiên Giang)
  • Phú Quốc (Kiên Giang)

Sắp xếp không đúng trừ 0,5đ

Câu III (3,0 điểm)

1. Vẽ biểu đồ tròn thể hiện quy mô và cơ cấu lao động phân theo khu vực kinh tế ở nước ta giai đoạn 2000 - 2011.

Xử lí số liệu

  • Tính quy mô (R)
    • R2000 = 1 đvbk
    • R2005 = 1,06 đvbk
    • R2011 = 1,15 đvbk
  • Cơ cấu:

Năm

 

Tổng

Chia ra

Nông – lâm – ngư nghiệp

Công nghiệp – Xây dựng

Dịch vụ

2000

100

65,1

13,1

21,8

2005

100

57,2

18,3

24,5

2011

100

48,4

21,3

30,3

Đơn vị: %

Vẽ 3 biểu đồ TRÒN theo bán kính đã tính ở trên (Vẽ biểu đồ khác không có điểm)

  • Có tên biểu đồ
  • Có chú giải
  • Có số liệu trên biểu đồ
  • Thiếu mỗi yếu tố trên trừ 0,25 điểm

2. Nhận xét và giải thích về quy mô và cơ cấu lao động phân theo khu vực kinh tế ở nước ta giai đoạn 2000 – 2011. 1,0 điểm

  • Nhận xét:
    • Nhìn chung, quy mô lao động nước ta liên tục tăng qua các năm từ 2000 đến năm 2011 và cơ cấu lao động phân theo khu vực kinh tế nước ta giai đoạn 2000 - 2011 có sự thay đổi
      • Tỉ trọng lao động khu vực Nông – lâm – ngư nghiệp có xu hướng giảm, nhưng vẫn chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu lao động (dẫn chứng)
      • Tỉ trọng lao đông khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ có xu hướng tăng, nhưng vẫn còn chiếm tỉ trọng thấp (dẫn chứng)
  • Giải thích:
    • Cơ cấu lao động theo khu vực kinh tế có sự chuyển biến tích cực là do quá trính CNH – HĐH đất nước đã tác động lớn đến sự chuyển dịch.
    • Tỉ trọng lao động khu vực nông – lâm – ngư nghiệp chiếm tỉ trọng lớn là do xuất phát điểm kinh tế nước ta thấp, đi lên từ một nước nông nghiệp và ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh.

Câu IV (3,0 điểm)

1. Phân tích thuận lợi và khó khăn để phát triển ngành chăn nuôi ở nước ta. (1,0 điểm)

  • Thuận lợi:
    • Cơ sở thức ăn được đảm bảo tốt hơn từ hoa màu lương thực, đồng cỏ, phụ phẩm ngành thủy sản và thức ăn chế biến công nghiệp.
    • Các dịch vụ về giống và thú y đã có nhiều tiến bộ và phát triển rộng khắp
    • Thị trường:
      • Nhu cầu về sản phẩm ngành chăn nuôi tăng nhanh, nhất là vùng đô thị.
      • Sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến đòi hỏi nhiều nguyên liệu từ ngành chăn nuôi.
    • Người dân có kinh nghiệm chăn nuôi, nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi,..
  • Khó khăn:
    • Giống gia súc, gia cầm cho năng suất cao còn ít, chất lượng chưa cao.
    • Dịch bệnh hại gia súc, gia cầm vẫn đe dọa lan tràn trên diện rộng.
    • Hiệu quả chăn nuôi chưa cao và chưa ổn định.

2. Phân tích các thế mạnh về nông – lâm – ngư ở Bắc Trung Bộ. Tại sao việc phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông vận tải sẽ tạo bước ngoặt quan trọng trong hình thành cơ cấu kinh tế của vùng? (1,0 điểm)

Các thế mạnh về nông – lâm – ngư – nghiệp ở Bắc Trung Bộ:

  • Về nông nghiệp:
    • Vùng đồi trước núi: có thế mạnh về chăn nuôi đại gia súc; đất bazan tuy diện tích không lớn nhưng khá màu mỡ tạo điều kiện để hình thành một số vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm như cao su, cà phê, hồ tiêu.
    • Ở các đồng bằng: Phần lớn đất cát pha, thuận lợi để phát triển cây công nghiệp hàng năm. Trong vùng đã hình thành một số vùng chuyên canh cây công nghiệp hàng năm và thâm canh lúa.
  • Về lâm nghiệp:
    • Diện tích rừng còn tương đối lớn. Độ che phủ rừng đứng thứ 2 cả nước sau Tây Nguyên.
    • Trong rừng có nhiều loại gỗ quý, nhiều lâm sản, chim, thú có giá trị.
    • Hàng loạt lâm trường hoạt động chăm lo việc khai thác đi đôi với tu bổ và bảo vệ rừng.
  • Ngư nghiệp:
    • Các tỉnh Bắc Trung Bộ đều có khả năng phát triển nghề cá biển. Nghệ An là tỉnh trọng điểm về nghề cá ở BTB.
    • Hiện nay, việc nuôi thủy sản nước lợ, nước mặn đang được phát triển mạnh, làm thay đổi khá rõ nét cơ cấu kinh tế nông thôn ven biển.

Việc phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông vận tải sẽ tạo bước ngoặt quan trọng trong hình thành cơ cấu kinh tế của vùng:

  • Cho phép khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên để hình thành cơ cấu kinh tế vùng:
    • Tài nguyên khá đa dạng (dẫn chứng), cho phép phát triển cơ cấu kinh tế nhiều ngành.
    • Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải còn nhiều hạn chế, làm ảnh hưởng đến sự hình thành cơ cấu kinh tế theo ngành và theo lãnh thổ.
  • Cho phép khai thác các thế mạnh nổi bật về kinh tế của vùng, thúc đẩy các mối liên hệ kinh tế với các vùng trong nước và quốc tế:
    • Các tuyến đường theo chiều Bắc - Nam: QL1A; đường sắt B – N; đường Hồ Chí Minh; các hầm đường bộ .....
    • Các tuyến đường chiều Đ – T nối với bên ngoài thông qua các cửa khẩu (dẫn chứng các tuyến đường và các cửa khẩu)
    • Hệ thống cảng biển: đã và đang được xây dựng gắn liền với các khu kinh tế ven biển (dẫn chứng các cảng biển)
    • Các sân bay được nâng cấp giúp phát triển kinh tế và thu hút khách du lịch (dẫn chứng các sân bay)

3. Trình bày đặc điểm của vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế trên biển của nước ta. Tại sao kinh tế biển có vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế nước ta? (1,0 điểm)

  • Vùng lãnh hải: (trình bày đặc điểm)
  • Vùng đặc quyền kinh tế: (trình bày đặc điểm)
  • Kinh tế biển ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước ta là vì:
    • Biển nước ta có nguồn tài nguyên sinh vật phong phú.
    • Có nhiều tài nguyên khoáng sản có giá trị (dẫn chứng).
    • Có nhiều điều kiện phát triển du lịch biển – đảo và giao thông vận tải hàng hải.
    • Tương lai, nhiều loại tài nguyên trên đất liền cạn kiệt, thì biển là kho tài nguyên quan trọng để khai thác.
    • Trong bối cảnh hội nhập nền kinh tế thì biển càng giữ vai trò quan trọng.
0