14/01/2018, 13:26

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2015 môn Ngữ Văn trường THPT Chuyên Hùng Vương, Gia Lai

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2015 môn Ngữ Văn trường THPT Chuyên Hùng Vương, Gia Lai Đề thi thử đại học môn Văn có đáp án là đề thi thử đại học môn Văn có đáp án dành cho các bạn học tập và tham khảo, ...

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2015 môn Ngữ Văn trường THPT Chuyên Hùng Vương, Gia Lai

 là đề thi thử đại học môn Văn có đáp án dành cho các bạn học tập và tham khảo, luyện đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn, ôn tập tốt môn Ngữ văn 12. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2015 môn Lịch Sử trường THPT Chuyên Hùng Vương, Gia Lai

Đề thi thử Quốc gia môn Văn

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO GIA LAI
TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÙNG VƯƠNG

 

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM HỌC 2014 - 2015
Môn: Ngữ văn
Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu I (2 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

“Hai chị em chờ không lâu. Tiếng còi đã rít lên, và tàu rầm rộ đi tới. Liên dắt em đứng dậy để nhìn đoàn xe vụt qua, các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường. Liên chỉ thoáng thấy những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng. Rồi chiếc tàu đi vào đêm tối, để lại những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt. Hai chị em còn nhìn theo cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre.

- Tàu hôm nay không đông, chị nhỉ.

Liên cầm tay em không đáp. Chuyến tàu hôm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình như kém sáng hơn. Nhưng họ ở Hà Nội về ! Liên lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn đối với Liên, khác hẳn các vầng đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu. Đêm tối vẫn bao bọc chung quanh, đêm của đất quê, và ngoài kia đồng ruộng mênh mang và yên lặng”.

(Trích “Hai đứa trẻ”- Thạch Lam)

  1. Cảnh được miêu tả trong đoạn trích có những hình ảnh tương phản, anh (chị) hãy chỉ ra những hình ảnh tương phản đó (1,0 điểm)
  2. Tâm trạng của hai chị em Liên được miêu tả trong đoạn trích có niềm khao khát gì? (1,0 điểm)

Câu II (3 điểm)

Suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến sau đây: “Cuộc sống như một cuốn sách. Kẻ điên rồ giở qua nhanh chóng. Người khôn ngoan vừa đọc vừa suy nghĩ vì biết rằng mình chỉ đọc có một lần” (Giăng Pôn)

Câu III (5 điểm)

Bàn về nhân vật Việt và Chiến trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi), có người cho rằng tính cách ở hai nhân vật này vừa có những nét giống nhau lại vừa có những nét khác nhau.

Suy nghĩ của em về ý kiến trên?

Đáp án đề thi thử Quốc gia môn Văn

Câu I (2 điểm)

1. Những hình ảnh tương phản trong đoạn trích (1,0 điểm)

  • Tương phản giữa đoàn tàu và phố huyện. (0,5đ)
  • Tương phản giữa ánh sáng và bóng tối. (0,5đ)

2. Niềm khao khát của chị em Liên (1,0 điểm)

  • Khao khát về một thế giới giàu sang, nhộn nhịp, rực rỡ… (0,5đ)
  • Muốn thoát khỏi cuộc sống buồn tẻ, tăm tối nơi phố huyện. (0,5đ)

Chỉ cho điểm tối đa khi bài làm đủ và rõ ý, diễn đạt tốt.

Câu II (3 điểm)

Yêu cầu chung: Học sinh 

  • Biết cách làm bài nghị luận xã hội. Biết vận dụng kết hợp các thao tác lập luận để làm sáng tỏ vấn đề.
  • Bài văn có bố cục và luận điểm rõ ràng, diễn đạt lưu loát, cảm xúc chân thành, có sức thuyết phục.

Yêu cầu cụ thể:

  1. Giới thiệu vấn đề cần nghị luận. (0,25đ)
  2. Giải thích, luận bàn về ý kiến
  • Hình ảnh so sánh: “Cuộc sống như một cuốn sách”. Cuốn sách là nơi chứa đựng kiến tthức phong phú được chắt lọc từ cuộc sống, mỗi trang sách in dấu những hình ảnh của cuộc sống và những cảm xúc của người viết. Cũng như cuốn sách, cuộc sống vô cùng phong phú, đa sắc màu. Bước vào cuộc sống, con người được học hỏi, được hiểu biết, được nếm trải, bước qua những chặng đường khác nhau của cuộc đời mình. Nhưng cuộc sống là một cuốn sách đặc biệt bởi mỗi con người chỉ có thể sống một lần. (0,5đ)
    • Kẻ điên rồ giở qua nhanh chóng: chỉ lối sống hời hợt, sống gấp, sống vội, không cảm nhận hết ý nghĩa của cuộc sống.
    • Người khôn ngoan vừa đọc vừa suy ngẫm: chỉ lối sống nghiêm túc, sâu sắc, luôn suy nghĩ để phát hiện và đón nhận các giá trị của cuộc sống, trân trọng những giây phút quý giá của cuộc sống.

→ Giăng Pôn đã nêu ra hai cách sống, thái độ sống trái ngược nhau của con người trong xã hội và nhắn nhủ mỗi chúng ta phải biết hướng tới lối sống tích cực, biết trân trọng và nắm bắt các giá trị quý báu của cuộc sống.

  • Người sống hời hợt: (0,5đ)
    • Không có ý thức học hỏi, tích lũy tri thức, mở rộng và nâng cao hiểu biết của bản thân do vậy không biết cảm nhận vẻ đẹp và sự kì diệu của cuộc sống.
    • Sống vô tâm, vô trách nhiệm, không quan tâm tới những người, những hoàn cảnh xung quanh mình, không thấu hiểu, đồng cảm, yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ mọi người vì vậy tâm hồn trở nên cằn cỗi, vô cảm.
    • Sống không có ước mơ, hoài bão, không có ý chí và lòng quyết tâm để thực hiện những khát vọng của mình. Đó là sự tồn tại vô nghĩa. Con người dễ rơi vào trạng thái chán nản, bi quan, tuyệt vọng, dễ bị cám dỗ, lầm đường, lạc lối...
  • Người sống sâu sắc, nghiêm túc: (0,5đ)
    • Biết phát hiện, cảm nhận, tận hưởng những vẻ đẹp của cuộc sống xung quanh: thưởng thức một cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, cảm nhận sự ấm áp của cuộc sống bình dị với những tình cảm thân thương, ngưỡng mộ trước một tài năng, cảm phục trước một trái tim vĩ đại...
    • Biết tự tin khẳng định những khả năng của chính mình, sống có mục đích, có lí tưởng, nắm bắt cơ hội để đạt tới thành công, biết sống hết mình với những ước mơ, khát vọng để khẳng định ý nghĩa của cuộc đời mình. Biết cảm nhận và đứng lên sau thất bại mới thấy hết ý nghĩa của thành công.
    • Biết yêu thương hết lòng, cảm nhận cả niềm hạnh phúc lẫn nỗi đau khổ, bất hạnh của chính mình và những người xung quanh, biết đem lại hạnh phúc cho mọi người. Đó là một lối sống tích cực, sống có ý nghĩa của những người khôn ngoan.
  • Lời nhận định của Giăng Pôn không chỉ bàn về hai lối sống khác nhau của con người mà còn thể hiện thái độ phê phán lối sống hời hợt, vô trách nhiệm với chính bản thân và cộng đồng, lối sống vô nghĩa, vô ích và đề cao lối sống sâu sắc, nghiêm túc, có ý nghĩa. (0,5đ)
  • Bài học nhận thức và hành động của bản thân. (0,5đ)

3. Khẳng định ý nghĩa của vấn đề nghị luận. (0,25đ)

Câu III (5 điểm)

Yêu cầu chung:

  • Biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát. Biết vận dụng linh hoạt các thao tác, giải thích, phân tích, so sánh, bình luận. Khai thác ý sâu sắc, có cảm xúc và phát hiện riêng trong cảm thụ.

Yêu cầu cụ thể

1. Giới thiệu về tác giả Nguyễn Thi và tác phẩm Những đứa con trong gia đình, về nhân vật Việt và Chiến. (0,5đ)

2. Nét tính cách chung của hai chị em: (1,0đ)

  • Chung một hoàn cảnh: con một gia đình nông dân nghèo chịu nhiều mất mát đau thương, nhưng giàu truyền thống yêu nước và cách mạng nên họ giống nhau về bản chất.
  • Chung tình yêu thương là vẻ đẹp tâm hồn của hai chị em: thương ba má, chị Hai và em, kính trọng và nghe lời chú Năm; cùng mối thù với bọn xâm lược, hai chị em cùng một ý nghĩ : phải trả thù cho ba má, và có cùng nguyện vọng được cầm súng đánh giặc nên giành nhau đi tòng quân.
  • Cả hai đều là những chiến sĩ dũng cảm gan góc và từng lập được nhiều chiến công.
  • Có những nét rất ngây thơ - có phần trẻ con: tranh giành công bắt ếch, thành tích bắn tàu chiến giặc.

Nét riêng ở Việt và Chiến

  • Nhân vật Việt: (1,0đ)
    • Việt là một thanh niên đáng yêu, vô tư, thơ ngây. Việt có dáng vẻ vụng về, lộc ngộc của một câu bé mới lớn, thích bắt ếch, bắt cá, bắn chim… Trước ngày lên đường chiến đấu, Chiến bàn việc gia đình, Việt không mấy quan tâm mà chỉ mải chụp đom đóm, rồi ngủ lúc nào không hay. Vào bộ đội, Việt còn mang theo cây súng cao su, ra trận không sợ chết nhưng lại sợ ma; gặp lại đồng đội mừng quá, khóc òa…
    • Tình yêu thương gia đình sâu đậm: Việt rất yêu thương chị Chiến, chú Năm… Lúc bị thương, hình ảnh của ba, má luôn chập chờn trong ký ức của Việt.
    • Tính cách anh hùng, tinh thần chiến đấu dũng cảm: Từ nhỏ đã dám xông vào đá cái thằng đã giết cha mình; Việt cùng với chị đã đã chủ động tìm giặc để đánh: bắn tàu giặc trên sông, phá xe tăng địch; giành nhau với chị đi tòng quân để trả thù cho gia đình.
    • Khi chỉ còn một mình trên chiến trường, mình đầy thương tích nhưng Việt vẫn quyết sống mái với quân thù.
  • Nhân vật Chiến: (1,0đ)
    • Chiến mang vóc dáng của má: "hai bắp tay tròn vo rám nắng…thân người to và chắc nịch…”
    • Chiến đặc biệt giống má khi thu xếp việc nhà trước khi cùng em trai lên đường tòng quân: biết lo liệu, thu xếp việc nhà đâu ra đấy …
    • Chiến biết nhường nhịn em nhưng cũng rất kiên quyết khi ghi tên tòng quân…
    • Chiến là người con gái dũng cảm, quyết tâm diệt giặc để trả thù cho ba má…
  • Nghệ thuật xây dựng nhân vật: (1,0đ)
    • Nhà văn đã xây dựng nhân vật vừa có cá tính, vừa phù hợp với lứa tuổi, giới tính…
    • Nguyễn Thi đã sử dụng ngôn ngữ Nam Bộ vừa thể hiện nét riêng của nhân vật vừa tạo nên màu sắc địa phương độc đáo cho tác phẩm.
    • Trong người anh hùng luôn có sự kết hợp giữa cái đời thường và cái phi thường - đó là hình mẫu về người anh hùng chúng ta thường gặp trong tác phẩm của Nguyễn Thi.

3. Đánh giá khái quát (0,5đ)

  • Khẳng định sự đúng đắn của ý kiến.
  • Chiến và Việt là khúc sông sau chảy xa hơn trong dòng sông của một gia đình cách mạng. Họ là hiện thân cho vẻ đẹp của thế hệ thanh niên Việt Nam thời chống Mĩ với những phẩm chất của người anh hùng trên quê hương Nam Bộ
0