Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 trường THCS Thanh Thùy, Thanh Oai năm 2015 - 2016
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 trường THCS Thanh Thùy, Thanh Oai năm 2015 - 2016 Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 có đáp án Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 Đề thi học sinh giỏi môn ...
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 trường THCS Thanh Thùy, Thanh Oai năm 2015 - 2016
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2015 - 2016 trường THCS Thanh Thùy, Thanh Oai được VnDoc.com sưu tầm và giới thiệu tới các bạn nhằm giúp các bạn ôn tập và củng cố kiến thức hiệu quả. Đề thi môn Văn có đáp án đi kèm sẽ giúp các bạn ôn thi học sinh giỏi môn văn lớp 9 hiệu quả hơn. Mời các bạn tham khảo.
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 trường THCS Hồng Dương, Thanh Oai năm 2015 - 2016
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2015 - 2016 huyện Phù Ninh, Phú Thọ
Đề thi học sinh giỏi cấp huyện môn Địa lý lớp 9 huyện Thanh Oai năm 2015 - 2016
PHÒNG GD&ĐT THANH OAI TRƯỜNG THCS THANH THÙY |
ĐỀ THI CHỌN HSG LỚP 9 - NĂM HỌC 2015 - 2016 Môn: Ngữ văn Thời gian: 150 phút (không kể thời gian giao đề) |
Câu 1 (4 điểm) Vẻ đẹp của hình ảnh cánh buồm trong những câu thơ sau:
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió
(Tế Hanh, Quê hương, Ngữ văn 8, tập hai, NXBGD, 2005)
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
(Huy Cận, Đoàn thuyền đánh cá, Ngữ văn 9, tập một, NXBGD, 2005)
Câu 2 (6 điểm).
Trong buổi giao lưu, trò chuyện với các thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc của các trường đại học, học viện tại Hà Nội, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã chia sẻ:
"Tôi luôn tin rằng, trong mỗi thất bại luôn có mầm mống của sự thành công".
Trình bày suy nghĩ của em về quan niệm trên.
Câu 3 (10 điểm).
Trong văn bản Tiếng nói của văn nghệ, Nguyễn Đình Thi viết:
"Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh."
(Sách Ngữ văn 9, tập hai, trang 12, 13 – Nhà xuất bản Giáo dục – 2010)
Bằng sự hiểu biết của mình về bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận, em hãy làm sáng tỏ điều mới mẻ mà nhà thơ muốn đem góp vào đời sống.
Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9
Câu 1: (4,0 điểm)
a, Yêu cầu về kỹ năng:
- Trên cơ sở có sự hiểu biết về đoạn thơ, qua việc chỉ rõ những tín hiệu nghệ thuật đặc sắc, HS viết thành bài văn cảm thụ ngắn có bố cục 3 phần rõ ràng, trình bày cảm nhận của mình về vẻ đẹp của hình ảnh "cánh buồm ".
- Kết hợp bình, cảm thụ về nội dung và nghệ thuật.
- Lời văn mạch lạc, giàu cảm xúc, không mắc lỗi dùng từ, diễn đạt, chính tả.
b, Yêu cầu về kiến thức:
HS có thể có các cách làm bài khác nhau, nhưng cơ bản phải trình bày được những ý sau:
Điểm chung trong cách thể hiện vẻ đẹp của cánh buồm: Đều mang ý nghĩa tượng trưng, đều được so sánh (trong thơ Tế Hanh), hoặc so sánh ngầm (ẩn dụ) (trong thơ Huy Cận) với những hình ảnh hoặc khái niệm trừu tượng. (1,0 điểm)
Điểm riêng:
* Trong thơ Tế Hanh:
- Biện pháp nghệ thuật so sánh được Tế Hanh sử dụng thành công trong câu: "Cánh buồm giương to... thâu góp gió". Nhà thơ so sánh: "Cánh buồm" với "mảnh hồn làng". -> một tâm hồn nhạy cảm, gắn bó với quê hương làng xóm. (0,5 điểm)
- Cánh buồm trắng vốn là hình ảnh quen thuộc nay trở nên lớn lao và kỳ vĩ, là linh hồn của quê hương...-> Sự trìu mến thiêng liêng, những hy vọng mưu sinh... của người dân chài đã được gửi gắm vào cánh buồm -> Sự tinh tế của nhà thơ. (1,0 điểm)
* Trong thơ Huy Cận:
- Hình ảnh ẩn dụ "Buồm trăng" được xây dựng trên sự quan sát rất thực và sự cảm nhận lãng mạn của nhà thơ Huy Cận. (Thực: Từ xa nhìn lại, trên biển, thuyền đi vào ánh sáng của vầng trăng...Đây là hình ảnh lãng mạn: Vầng trăng trở thành cánh buồm...) (0,5 điểm)
- Ý thơ lạ, sáng tạo -> Đánh cá đêm vất vả và nguy hiểm trở nên nhẹ nhàng và thơ mộng. Sự hoà hợp con người với thiên nhiên. (1,0 điểm)
(Văn viết đủ ý, rõ ràng, mạch lạc thể hiện sự cảm thụ tinh tế: cho điểm tối đa; mắc lỗi về diễn đạt, tùy các mức độ khác nhau trừ từ 0,25 đến 0,5 điểm)
Câu 2
1. Mục đích: Kiểm tra kĩ năng nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí, một quan niệm sống.
2. Yêu cầu:
Về kĩ năng: Học sinh biết cách làm một bài văn nghị luận xã hội, có đầy đủ bố cục ba phần, biết sử dụng dẫn chứng để bàn luận vấn đề. Diễn đạt mạch lạc, trôi chảy, thuyết phục.
Về nội dung kiến thức:
Học sinh cần trình bày các ý sau:
a. Giới thiệu và giải thích vấn đề cần bình luận. (1,0đ)
- Thất bại nghĩa là không đạt được kết quả, mục đích như dự định.
- Thành công là đạt được kết quả, mục đích như dự định.
- Mầm mống được hiểu là những dấu hiệu, là bài học kinh nghiệm bổ ích mà ta nhận ra được từ sự thất bại đó, làm cơ sở giúp ta giành được thành công.
Đây là quan niệm sống tích cực, thể hiện niềm lạc quan, sự dũng cảm đối mặt với khó khăn thách thức của cuộc sống.
b. Bàn luận (3,0 điểm)
- Chứng minh tính đúng đắn: Trong cuộc sống, mỗi người đều có những thành công nhưng cũng có khi thất bại. Sự thất bại do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều mức độ khác nhau song đều làm cho chúng ta không đạt được kết quả tốt đẹp (học sinh lấy dẫn chứng trong các lĩnh vực của cuộc sống để chứng minh, bình luận)
- Nếu gục ngã, buông xuôi trước một thất bại thì con người sẽ trở thành hèn yếu, thiếu ý chí, thiếu nghị lực và khó có thể đi tới thành công.
- Nhưng nếu thất bại mà không tìm hiểu rõ nguyên nhân, không đúc rút được kinh nghiệm và không có giải pháp khắc phục thì ta lại tiếp tục gặp phải những thất bại nặng nề khác.(dẫn chứng)
c. Mở rộng vấn đề. (2,0 điểm)
- Con người cần cố gắng rèn luyện, sáng tạo, chuẩn bị chu đáo trước khi thực hiện bất cứ một công việc nào để có được những thành công cho mình và cho xã hội.
- Biết chấp nhận thất bại và đúc rút kinh nghiệm
- Phê phán những người thiếu niềm tin, thiếu động lực vươn lên sau mỗi lần thất bại.
Câu 3:
1. Yêu cầu về kỹ năng:
- Có kỹ năng nghị luận về một vấn đề văn học, có lý lẽ thuyết phục và thể hiện được sự cảm thụ tác phẩm truyện tinh tế.
- Bố cục hợp lý, rõ ràng, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Văn viết trong sáng, có cảm xúc.
2. Yêu cầu về kiến thức:
Bài viết có thể trình bày theo những cách khác nhau nhưng đại thể có các ý cơ bản sau:
a. Giải thích: Ý kiến được trích dẫn trong bài tiểu luận của Nguyễn Đình Thi viết năm 1948 - thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Những năm ấy, ta đang xây dựng một nền văn học nghệ thuật mới đậm đà tính dân tộc, đại chúng, gắn bó với cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân. (0,5 điểm). Bởi vậy:
- Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn từ thực tại: -> Chức năng phản ánh hiện thực của tác phẩm văn học... -> Nội dung và sức mạnh kì diệu của văn nghệ thường được Nguyễn Đình Thi gắn với đời sống phong phú, sôi nổi của quần chúng nhân dân đang chiến đấu và sản xuất. (1,0 điểm)
- Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại những cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ: Qua hiện thực được phản ánh, tác giả thể hiện tư tưởng, quan điểm của mình về cuộc sống...
-> Tác phẩm nghệ thuật lấy chất liệu ở thực tại đời sống khách quan nhưng không phải là sự sao chép giản đơn "chụp ảnh" nguyên si thực tại ấy. Khi sáng tạo một tác phẩm, nghệ sĩ gửi vào đó một cách nhìn, một lời nhắn nhủ của riêng mình. Nội dung của tác phẩm văn nghệ đâu chỉ là câu chuyện, là con người như ở ngoài đời mà quan trọng hơn là tư tưởng, tấm lòng của nghệ sĩ gửi gắm trong đó. (1,0 điểm)
-> Đây cũng là đặc trưng của tác phẩm văn chương, tạo nên sức cuốn hút, lay động tâm hồn, là Tiếng nói của văn nghệ. (0,5 điểm)
b. Chứng minh: Qua văn bản Đoàn thuyền thuyền đánh cá của Huy Cận có thể thấy rõ điều đó:
Ý 1: "Đoàn thuyền đánh cá" phản ánh thực tại đời sống: (3,0 điểm)
- Năm 1958, khi đất nước đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được giải phóng và đi vào xây dựng cuộc sống mới, Huy Cận có chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh. Từ chuyến đi thực tế này, hồn thơ Huy Cận mới thực sự nảy nở trở lại và dồi dào trong cảm hứng về thiên nhiên đất nước, về lao động và niềm vui trước cuộc sống mới. (1,5 điểm)
- Hiện thực được phản ánh trong bài thơ là khung cảnh lao động trên biển cả, là khúc ca lạc quan, yêu đời, là khí thế lao động hăng say của người lao động (HS phân tích những dẫn chứng tiêu biểu trong bài thơ để thấy được cảnh sinh hoạt lao động một buổi ra khơi đánh cá của những người lao động trên biển...) (1,5 điểm)
Ý 2: "Đoàn thuyền đánh cá" thể hiện tư tưởng, quan điểm của nhà thơ về cuộc sống: (4 điểm)
- Đó là cảm hứng mới về thiên nhiên, đất nước, cái nhìn mới mẻ đối với công việc lao động và người lao động trong công cuộc xây dựng đất nước.( 0,5 điểm)
- Những cảm hứng mới đó đã tạo nên chất lãng mạn và những liên tưởng độc đáo, sáng tạo của nhà thơ: Những liên tưởng cảnh mặt trời lặn, hình ảnh con thuyền trở kỳ vĩ, khổng lồ ( bánh lái là gió, cánh buồm là trăng tư thế: dò bụng biển, dàn đan thế trận....), vẻ đẹp lộng lẫy và rực rỡ huyền ảo của các loài cá, đặc biệt là niềm vui của người lao động qua tiếng hát gọi cá..., cảnh đoàn thuyền trở về lúc rạng đông chạy đua cùng mặt trời... -> Những hình ảnh thơ giàu vẻ đẹp lãng mạn, được sáng tạo với bút pháp khoáng đạt, phóng đại, khoa trương..(2,5 điểm)
- Từ công việc bình thường của một buổi đánh cá đêm trên biển Huy Cận đã nói lên một điều mới mẻ: Cuộc sống mới tạo nên những tầm vóc mới cho con người lao động, thiên nhiên đất nước đẹp, giàu qua cái nhìn của nghệ sĩ cách mạng -> Âm hưởng của bài thơ như một khúc tráng ca khoẻ khoắn, say sưa, bay bổng, ca ngợi con người trong lao động với tinh thần làm chủ..(1,0 điểm)