Đau dạ dày: Bệnh của giới văn phòng?
Giới văn phòng là đối tượng dễ mắc bệnh đau dạ dày. Người lao động trí óc, nhân viên văn phòng là hai đối tượng chịu nhiều áp lực công việc, căng thẳng trong cuộc sống và thường có chế độ ăn uống không điều độ nên dễ ảnh hưởng đến cơ chế hoạt động tự nhiên của dạ dày. Theo bác sĩ ...
Giới văn phòng là đối tượng dễ mắc bệnh đau dạ dày.
Người lao động trí óc, nhân viên văn phòng là hai đối tượng chịu nhiều áp lực công việc, căng thẳng trong cuộc sống và thường có chế độ ăn uống không điều độ nên dễ ảnh hưởng đến cơ chế hoạt động tự nhiên của dạ dày.
Theo bác sĩ Khánh Tường, đau dạ dày là một từ dân gian hay dùng, gọi chính xác hơn là viêm loét dạ dày tá tràng. Bệnh thường gặp ở người lớn nhiều hơn trẻ em, ở nam nhiều hơn nữ, người nhóm máu O có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn đến 40%.
Dễ nhận biết
Bác sĩ Khánh Tường cho biết, biểu hiện dễ nhận biết của bệnh là đau vùng bụng trên rốn (thường ngay dưới mũi ức), kèm theo cảm giác cồn cào. Cơn đau thường liên quan đến bữa ăn: loét dạ dày thường đau sau khi ăn; loét tá tràng thì đau khi đói, ăn vào sẽ giảm đau. Còn biểu hiện khi quá đói cũng đau và lúc no cũng đau có thể là do viêm dạ dày. Cơn đau có thể lan ra sau lưng, giữa hai xương bả vai.
Ngoài ra, kèm theo đau bụng là biểu hiện chướng hơi, ợ hơi, ợ chua… Mức độ bệnh nhẹ hay nặng còn tùy vào từng người, không phải đau nhiều là bệnh nặng. Ngược lại đau ít chưa chắc bệnh nhẹ. Vì vậy, khi có những triệu chứng trên cần phải đi khám bệnh để được làm các xét nghiệm cần thiết giúp điều trị kịp thời.
Cần chủ động đề phòng
Dù công việc bận rộn đến đâu đi nữa, người lao động, nhất là giới văn phòng, trí óc cần sắp xếp thời gian biểu phù hợp và tạo thói quen sinh hoạt khoa học để phòng bệnh:
- Luôn ăn đúng giờ và không được bỏ bữa. Khoảng cách giữa các bữa ăn khoảng 5 giờ đồng hồ là tốt nhất. Nên ăn vừa đủ no, không nên ăn quá nhiều vào buổi tối. Việc vừa ăn vừa uống nước, đọc báo hay xem tivi là thói quen không tốt, cần điều chỉnh.
- Ăn chậm, nhai kỹ và đừng vội vận động ngay sau bữa ăn (vận động sớm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn, không tốt cho dạ dày). Bạn nên thư giãn khoảng 30 phút rồi mới vận động.
- Tránh để cơ thể mệt mỏi bởi nó không những làm giảm sức đề kháng của cơ thể mà còn làm suy yếu chức năng phòng vệ của niêm mạc dạ dày. Khi đó, dạ dày thừa a-xít, niêm dịch dạ dày ít đi, niêm mạc dạ dày sẽ dễ bị tổn hại.
- Không uống nhiều rượu bia, không hút thuốc lá, uống các chất kích thích… Ăn canh sau mỗi bữa ăn rất có lợi cho sức khỏe vì canh có thể giúp “làm sạch” khoang miệng, thực quản, dạ dày, ruột… giúp thức ăn tiêu hóa dễ dàng.
Nếu đã bị bệnh, bệnh nhân nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ (4 - 5 bữa/ngày), chọn loại thực phẩm mềm, dễ tiêu như sữa, bột… để giúp dạ dày tiêu hóa tốt. Không nên ăn trái cây khô, lương thực khô gây khó tiêu, tránh thức ăn cay, chua kích thích dạ dày…